Diễn xướng Hò đưa linh vùng biển Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng

15.11.2021
Văn Thu Bích

Diễn xướng Hò đưa linh vùng biển Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng

Khi sưu tầm, nghiên cứu Hò đưa linh của cư dân miền biển phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, thì chúng tôi nhận thấy Hò đưa linh là cách gọi thông thường của cư dân miền biển Đà Nẵng, nhằm chỉ một loại hình diễn xướng gồm hát và chèo cạn, được trình diễn trong lễ Cầu ngư tế cá Ông hoặc lễ tang cá Ông và lễ tang của cư dân miền biển, với ý nghĩa đưa linh hồn cá Ông hoặc người chết tại vùng biển này về cõi siêu sinh tịnh độ bằng chiếc thuyền thiêng với đội Hátbả trạo.

Diễn xướng này là một hình thái của Hát bả trạo, còn gọi là hát bạn chèo, một thể loại dân ca nghi lễ ở vùng biển Nam Trung bộ nói chung và biển Sơn Trà - Đà Nẵng nói riêng, gắn với tín ngưỡng thờ cá voi (cá Ông). Hát bả trạo trong lễ tang hoặc lễ tế cá Ông có ý nghĩa đưa linh hồn cá Ông phiêu diêu miền cực lạc, còn trong lễ tang người, là chèo đưa linh hồn nguời chết lên cõi siêu thoát.

(*) Hò đưa linh là bài hát của Đội Chèo đưa linh cữu người qua đời ra nơi an táng. Lễ Cầu ngư lấy dùng cho hát Bả Trạo đưa cá Ông.

Theo tục lệ cư dân miền biển Sơn Trà - Đà Nẵng, người được phục vụ màn diễn xướng Hò đưa linh là các bậc cao niên, các lão ngư thượng thọ. Khi trong gia đình có người qua đời, con cháu ruớc bạn chèo về để chèo đưa linh cho người quá cố. Các bạn chèo thường là những người của đội hát chèo ông - cá voi, với tâm thức là làm việc nghĩa, nên không đòi hỏi giá cả.

Biên chế đội hát Hò đưa linh: ở Đà Nẵng khoảng 12 đến 16 người, được bố trí ở các vị trí của con thuyền đưa linh - thuyền đưa linh là thuyền rồng, làm bằng khung tre, giấy bìa và lá dừa, sơn màu xanh nuớc biển. Đứng mũi là tổng tiền - giữa thuyền là tổng khoang - nguời tát nước và canh thuyền trong đêm khuya; cuối thuyền là tổng lái - người chỉ huy bạn chèo chèo lái thuyền linh, hai bên mạn thuyền là các bạn chèo, còn gọi là trạo công hoặc con trạo.

Về trang phục: Tổng tiền mặc giống như kép hát tuồng vai tướng, tay cầm cặp sênh gỗ; tổng khoang đội nón, quần áo bà ba màu xanh nước biển, lưng đeo gàu tát nước màu đỏ, tay cầm cần câu có con cá gỗ đỏ; tổng lái quần xắn móng lợn, áo xanh nước biển, cầm chèo mái dài; các trạo công quần áo màu xanh, thắt lưng vải vàng, đầu đội nón dấu, chân quấn xà cạp, tay cầm mái chèo nhỏ, sơn hai màu trắng, đỏ. Tục lệ quy định trạo công phải là nam. Nhưng nay, ở một số vạn biển, trạo công lại là nữ, các em gái khoảng 14 - 15 tuổi. Cư dân biển Sơn Trà - Đà Nẵng giải thích trạo công là gái thường có tay chèo mềm mại hơn, hát hay hơn và trông xinh xắn, dễ coi. Khác với ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi trạo công là nam.

Ban nhạc đệm cho Hò đưa linh người quá cố là ban nhạc hiếu của đám tang. Để gọn nhẹ biên chế, khi phục vụ đám tang nào thì đội chèo phối hợp cùng ban nhạc của đám ấy để trình diễn. Sau đó, họ thù lao cho ban nhạc một khoản tiền theo thoả thuận trên tinh thần làm việc nghĩa.

Hát chèo đưa linh người quá cố gồm hai phần: hát trước linh cữu người chết, gọi là chèo hầu linh (thường diễn ra vào buổi tối và kéo dài cho đến tận khuya, có khi hết đêm) và hát trong lễ đưa tang từ nhà ra huyệt, gọi là hò đưa linh.

Nội dung hát là diễn tả sự thương tiếc của gia đình, con cháu trước sự ra đi của ông bà, cha mẹ. Sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng làng vạn trước sự mất mát của gia đình. Bên cạnh đó, còn có sự ghi nhận, báo cáo với hương linh người chết về lòng hiếu thảo, về nguyện ước của con cháu mong cho hương linh sớm được siêu thoát.

Về tính chất, Hò đưa linh mang tính chất diễn xướng nghi lễ. Một cuộc hát theo truyền thống có trình tự như sau:

- Hát trình lạy.

- Hát kể, Hát khóc.

- Hát tạ từ

- Hát tiễn đưa

- Hát chúc.

Hát trình lạy có tính chất là một thủ tục trình diện mở màn cho phần hát chèo hầu linh, đồng thời là một nghi lễ của đội chèo: trước là trình lạy hương linh người chết, sau trình chúc gia chủ và vạn làng được bình an trường thọ. Thủ tục như sau: theo nhịp sênh của tổng tiền, đội bạn chèo đi hàng một, tay cầm chèo dựng trước mặt, nối đuôi nhau theo sau. Khi gần đến cửa nhà, họ từ hàng một rẽ ra và đi hình số tám, gọi là đi hình rồng rắn. Sau đó, hợp lượn thành một vòng tròn. Sau hai lần như vậy, thì tách ra thành bốn hàng dọc, tiến vào trước bàn linh, đứng sau ba tổng để thực hiện nghi thức hát lạy. Lần lượt các tổng xướng xưng danh và cúi lạy. Đầu tiên là tổng tiền:

Từ giang tân quê ngụ

Bảo tổng tiền là danh

Thị trạo ca tề chỉnh bốn hàng

Trước án tiền đã thấy linh quan

Lễ trình diện của cung nghị bái nghe (dạ)

Xướng, thán và lạy trước bàn linh xong, tổng tiền nói lối câu chúc tụng:

Trướng tiền thủ phủ kỳ hạ khuynh thân, lễ trình diện kinh dân, khai thuyền hầu bổn xã. Trước kính chúc hương lân hai lạy, thần đà công khai chiếc thuyền lang, hàng trạo con chưa kịp sửa sang, dầu đắc thất xin vạn làng miễn chấp. Hàng trạo con làm lễ bổn hương, trước chúc mừng bổn xã phú cường, sau kỳ lão bá niên trường thọ.

Các trạo công lúc này để chèo ngang xuống đất, hai bàn tay chồng lên đưa cao trước mặt, quỳ lạy hai lần.

Sau đó, tổng tiền hát bắt bài lạy hương linh. Tiếp đến là lời xướng truyền của tổng lái lệnh cho trạo công khai thuyền. Các trạo công cầm chèo lên và xoay chèo, vừa chèo vừa xô câu: Hò đưa linh. Rồi họ ngưng chèo, xếp lại bốn hàng trước bàn linh, nghe tổng tiền xướng:

Bá ban trạo từ

Đồng lai hiến võ ca đăng nghe (dạ)

Nghi lễ trình diện đến đây kết thúc. Phần hát hầu linh chính thức bắt đầu bằng lời xướng truyền của tổng lái tiếp ngay sau đó;

Lễ dâng rồi truyền lại trạo phu

Nghe lệnh mỗ khá tu buồn bộ

Thủ nhập chung thân thừa trạo lập

Thượng hạ chỉnh tề đáo tiền linh...

Hát kể hay hát khóc là lớp hát mở đầu chèo hầu linh, mà người diễn xướng chủ yếu là các tổng, còn các trạo công thì chèo nhịp nhàng và xô theo bằng câu: “hò là hò hầu linh, tiêu diêu tiêu diêu thiên đàng, hò là hò hầu linh”. Với các điệu hát: thán, nam ai, nam sắp vang lên cùng lời ca kể khó, kể thương thống thiết cảm động, lớp hát này đã thể hiện tình cảm, lối ứng xử theo đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận” của gia đình và cộng đồng đối với người chết.

Ngày nay, do xã hội phát triển nên một số tập tục nghi lễ miền biển vắng thưa dần theo quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, trong tâm khảm các cư dân cao niên miền biển Sơn Trà vẫn còn lưu dấu loại hình diễn xướng Hò đưa linh trong nghi lễ tang người quá cố, nét đẹp hiếm có của một số vùng duyên hải miền Trung, trong đó có Sơn Trà, nhằm giáo dục cho con cháu thế hệ mai sau luôn hướng về các giá trị văn hóa xa xưa cũng như nhớ về tổ tiên ông bà đã góp phần khai phá và duy trì, phát triển miền biển trù phú này suốt hàng trăm năm qua.

V.T.B