Nơi này bốn phía là trời cao
Từ bờ sông Hàn Đà Nẵng nhìn qua đỉnh Sơn Trà, có lẽ cảnh quan sẽ giảm phần xinh đẹp nếu thiếu đi 3 quả cầu trắng mà chúng ta thường gọi đó là chiếc nón của nàng Tiên Sa. Thế nhưng, nhiều thập niên qua, ngay cả người địa phương cũng không phải dễ mấy ai có dịp đặt chân đến đó. Bởi đây là Trạm Ra đa 29 - đơn vị của những người lính ngày đêm chắc tay súng, vững niềm tin, bảo vệ bình yên biển, trời Tổ quốc. Ngày nay, trong xu thế xây dựng, phát triển thế mạnh du lịch Đà Nẵng, điểm đến nơi này không quá khắt khe, tuy nhiên, những ai muốn tham quan phải được hướng dẫn theo đúng thủ tục theo quy định quốc phòng.
Một dịp cuối năm, nghe tin Đại tá - nhà thơ Lê Anh Dũng phối hợp cùng Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng tổ chức chuyến thăm anh em chiến sĩ Trạm Ra đa 29 (trực thuộc Trung đoàn Ra đa 290 của Sư đoàn Phòng không 375), thế là anh em chúng tôi rủ nhau gói ghém sách báo, rượu, bánh hoặc tất cả những gì có thể chuẩn bị được để làm quà các anh.
Tháp tùng cùng chuyến xe quân sự của Trung đoàn 290 dẫn đầu, sau khi vượt qua đoạn đường đèo khoảng 10km, chúng tôi bất ngờ tiếp cận một khu vực không gian lạnh buốt, sương mù dày đặc... Đó chính là Trạm Ra đa 29. Cơ sở này được quân đội Mỹ xây dựng từ năm 1965, vị trí nằm ngay trên núi Sơn Trà, ở độ cao 621m so với mực nước biển. Thời chiến, nơi đây có nhiệm vụ dẫn đường cho máy bay Mỹ cất cánh từ sân bay Utapao (Thái Lan) và từ đảo Guam ném bom về miền Bắc của nước ta.
Sau ngày đất nước thống nhất, Trạm Ra đa Sơn Trà vẫn được sử dụng làm đài quan sát nhiều khu vực từ hàng không, không quân và hải quân. Hiện nay, nó thuộc quyền quản lý của Sư đoàn H90 và Sư đoàn 375, sau đó được đổi tên thành Trạm Ra đa 29 để canh gác vùng trời rộng lớn từ thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đến thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ngoài cái tên mới nhất là Trạm Ra đa 29 thì Trạm Ra đa Sơn Trà còn được mệnh danh là Mắt Thần Đông Dương. Do nhìn từ xa, nó nổi bật với 3 quả cầu trắng khổng lồ, bao quanh là núi non bạt ngàn giống như các con mắt có thể quan sát trong bán kính lên đến 300km và tầm quét sóng có thể bao quát được cả khu vực Đông Dương đến cả Hồng Kông và đảo Hải Nam.
Vừa dừng chân đến Trạm Ra đa, đón chúng tôi là những anh bộ đội nhanh nhẹn, trẻ trung đến từ Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tây, Thanh Hóa... Một anh nói: “Đơn vị tôi đóng quân ở nơi đặc biệt nhất của cả nước - chót vót trên đỉnh núi bốn mùa mây trắng...”. Thực vậy, cảnh quan nơi đây mọi thứ đều chìm trong sương mờ. Ngay cả những cái hòn trắng nhìn rất rõ từ mọi hướng của thành phố, song dù đứng cận kề, muốn chụp một bức ảnh cũng không phải dễ dàng.
Chỉ huy đơn vị đưa chúng tôi tham quan một vòng thăm nơi ăn ở, sinh hoạt của đơn vị. Khó có thể hình dung nổi sức chịu đựng của những người lính trẻ phải đối phó với điều kiện ẩm ướt thường xuyên suốt những tháng dài mùa đông. Trong khi đó, vào mùa nắng đơn vị lại bị thiếu nước. Thời điểm như vậy, mỗi ngày, các chiến sĩ phải xuống núi tắm, đồng thời khi trở lại phải cuốc bộ 3 cây số và mang theo một can 10 lít nước để phục vụ cho sinh hoạt. Còn về thực phẩm thì những hôm xấu trời phải mua dự trữ vài ba ngày là chuyện thường. Dù vậy, điều đáng vui, trong hoàn cảnh khó khăn thế nào, nhưng đơn vị vẫn tổ chức cuộc sống tinh thần ở đây khá phong phú. Phòng truyền thống của đơn vị trưng bày nhiều hình ảnh về Đảng và Bác Hồ, về những trận chiến trên không những ngày cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội rực lửa... Trung tá Hoàng Văn Thoa, lúc này là chỉ huy đơn vị cho hay, trong năm vừa qua, đơn vị được bố trí một ti vi màn ảnh rộng đời mới, một số chế độ khác của anh em chiến sĩ cũng đã được cải thiện khá hơn.
Có mặt trong đoàn thăm chiến sĩ Trạm Ra đa 29, hầu hết anh em văn nghệ sĩ, báo chí đã xúc động chia sẻ sự khó khăn của đơn vị, đồng thời cũng bày tỏ niềm vui khi thấy bộ đội ta bây giờ đã trưởng thành, lớn mạnh hơn rất nhiều...
Rời Trạm Ra đa 29, trên đường về trung tâm thành phố, để lại phía sau hình ảnh những chiến sĩ ngày đêm bên cánh sóng ra đa hoạt động không ngừng để vững vàng canh giữ một vùng trời của Tổ quốc, của Đà Nẵng và duyên hải miền Trung luôn được yên bình, chúng tôi vẫn như còn văng vẳng bên tai khúc hát của các anh:
“Ở nơi này điểm cao hai ngàn thước
Nghe gió về hun hút phía rừng xa.
..........
Ở nơi này bốn phía là trời cao
Ăng ten đứng đưa mắt nhìn lặng lẽ
Cao hơn núi là chúng tôi lính trẻ
Chiến sĩ Rađa trên điểm chốt
biên thùy”.
(Chiến sĩ Rađa trên chốt biên thùy/Nhạc: Thuận Yến)
T.T.S