Sơn Trà non xanh biển biếc

15.11.2021
Tần Hoài Dạ Vũ

Sơn Trà non xanh biển biếc

Ảnh Huỳnh Văn Truyền

Trước khi được biết đến như một đơn vị hành chính, thì Sơn Trà được biết đến như một ngọn núi. Ngọn núi ấy là “Ngự hải đài”, là tấm bình phong thiên nhiên tuyệt hảo của thành phố Đà Nẵng.

Sách Đại Nam nhất thống chí, có ghi: Phía bắc (Quảng Nam) có núi Thông (tục gọi Hòn Hành), vua Minh Mạng cho tên là Định Hải, núi Liên (hoặc Núi Sen) và núi Sảng (Chân Sảng). Dưới thời Minh Mạng, cả ba núi này đều được cho là Thạch Linh. Hai ngọn núi Sen và núi Sảng đều đứng sát biển.

Ngoài biển, phía đông bắc núi Hải Vân, nổi lên một hòn núi không cao lắm. Vua Minh Mạng ban tên cho núi ấy là NGỰ HẢI ĐẢO. Trước thời Minh Mạng, nơi đây được đặt đài Phong hỏa, đến năm Minh Mạng thứ 17, nhà vua ban chỉ triệt hạ các đài Phong hỏa và đặt trạm canh phòng, nhằm quan sát, phòng ngự tàu lạ, có ngựa trạm đưa tin cấp báo, nhất là từ khi có tàu Pháp muốn tấn công vào cửa biển Đà Nẵng; trên bản đồ về sau ghi tên núi ấy là Sơn Trà, trong dân gian vẫn quen gọi là Hòn Sơn Chà.

Đã có những cuộc tranh luận trên các mặt báo là nên gọi Sơn Trà hay Sơn Chà. Theo chúng tôi, sau khi đọc qua tất cả các bài tranh luận, cũng như các tài liệu cổ - nhất là những sử liệu triều Nguyễn thì trong sinh hoạt văn hóa - xã hội của người Việt, từ bao đời nay có một thói quen đã trở thành một thứ “luật bất thành văn”, đó là cách gọi tên các địa danh bằng tên chữ (thường là chữ Hán) trong các văn bản hành chính của các triều đại phong kiến, cũng như của các chính quyền sau này. Trong khi đó, dân gian lại quen gọi tên các vùng đất, địa điểm theo tên dân gian. Và hai cách gọi ấy vẫn song hành tồn tại, không bên nào sai cả.  

Thời vua Minh Mạng, trong Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ (Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Sử học, Hà Nội, 1969), có ghi: “Mùa thu, tháng 7, vua cử Nguyễn Tri Phương lãnh chức Quyền thự Tuần phủ Nam - Ngãi, để lo chỉnh lý việc bố phòng cửa biển Đà Nẵng. Nguyễn Tri Phương dâng sớ đề đạt cách xây pháo đài ở đảo Mỏ Diều, và cách quan sát thông báo bằng cờ hiệu”. Đài đốt lửa cũ ở Trà Sơn, từ chân núi đi lên, phải mất hai tiếng đồng hồ mới đến nơi, nhìn ra ngoài biển thì phía đông bắc bị ngọn núi cao của Trà Sơn che lấp. Cứ ở cột cờ thành An Hải trông ra là thấy cả... Những biển binh canh gác hằng ngày đem kính thiên lý lên chòi cao trông ngắm, hướng ra biển mà nhìn, nếu thấy hình dáng thuyền nhiều dãy... thì (tùy theo phân định) mà treo các loại cờ màu sắc khác nhau để báo hiệu... Lại chép: “Mùa thu, tháng 8. Thuyền của người Tây dương sinh sự ở vùng Trà Sơn cửa biển Đà Nẵng, vua chỉ thị cho Tổng đốc Quảng Nam là Trần Trí đến nơi nghiêm đốc quân binh chống giữ, lại phái quan quân từ Kinh đô đến tăng cường”. Xem thế đủ thấy địa thế trọng yếu của núi Sơn Trà trong việc trấn giữ cửa biển Đà Nẵng và thành Điện Hải, mà Đà Nẵng còn chính là cửa ngõ phía Nam bảo vệ Kinh thành Huế.

Từ bờ biển Đà Nẵng đến biên giới Việt - Lào, xét về bề ngang của đất nước ta, chỗ hẹp nhất là 72km, nơi rộng nhất là 125km. Bờ biển Đà Nẵng dài 74km (tính theo độ cong của vịnh Đà Nẵng là 26km, cộng với đường bờ biển quanh co của bán đảo Sơn Trà là 32km và thêm cả dải bãi ngang từ bờ Nam bán đảo Sơn Trà đến Điện Ngọc - địa giới Quảng Nam là 16km).

Bờ biển Đà Nẵng dài 74km, cộng với 125km của bờ biển Quảng Nam (trải dài từ bắc Điện Ngọc đến vịnh Dung Quất - đúng tên ngày trước là Vũng Quít - ở cực Nam của tỉnh Quảng Nam - xã Tam Giang, huyện Núi Thành, giáp huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi). Trên suốt chiều dài ấy có nhiều cảng biển đang khai thác (cảng Tiên Sa của Đà Nẵng và cảng Kỳ Hà của Quảng Nam) cùng cụm cảng lớn đã đưa vào hoạt động, nhưng vẫn còn đầu tư mở rộng (cảng Liên Chiểu và cảng Dung Quất).

“Vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng chứa trong lòng nó những đảo và bán đảo nổi tiếng, nhất là Cù Lao Chàm và bán đảo Sơn Trà; xa hơn nữa là huyện đảo Hoàng Sa (trực thuộc thành phố Đà Nẵng). Do tiếp cận với núi qua một dải đồng bằng nhỏ hẹp, nên thềm biển được chân núi giữ chặt bởi những rặng đá và san hô, sông ngòi lại ít phù sa nên bờ biển có độ dốc lớn, lòng biển sâu, nước biển trong xanh, tạo nên nhiều dải bờ cát trắng nối dài theo những rặng phi lao xanh mượt. Xen giữa chúng, thảng hoặc dăm ba cụm rừng cây mắm, cây bần, cây dừa nước, cây găng và rải rác những bãi rau muống biển điểm những đóa hoa trắng phau trên nền lá xanh sẫm”(1).

Trong tất cả những bờ biển của các tỉnh, thành ở Việt Nam, có lẽ không có nơi nào có một bán đảo chứa đựng trong lòng nó tất cả mọi vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên và tạo ra một hệ sinh thái độc đáo, hiếm có như Sơn Trà.

Sơn Trà là tên một bán đảo và ngọn núi thuộc quận Sơn Trà (tên quận đặt theo tên bán đảo), nằm cách trung tâm thành phố Ðà Nẵng chừng 10km về hướng đông bắc. Sơn Trà có diện tích 60km2, chiều dài 13,8km, chiều rộng 5km, (nơi hẹp nhất 2km). Bán đảo Sơn Trà cùng với đèo Hải Vân bao bọc thành phố Đà Nẵng và vịnh Đà Nẵng.

Thời xa xưa, Sơn Trà là một hòn đảo gồm 3 ngọn núi nhô cao. Ngọn phía đông nam trông như hình con Nghê chồm ra biển, nên gọi là hòn Nghê. Ngọn phía tây hình dạng như cái mỏ con diều hâu, nên gọi là ngọn Mỏ Diều. Và ngọn phía bắc, dài như cổ ngựa, nên gọi là ngọn Cổ Ngựa. Qua nhiều đời, dòng nước biển chảy ven bờ đã tải phù sa đến bồi đắp dần lên, tạo thành doi đất chạy từ đất liền ra đảo. Bán đảo Sơn Trà hình thành từ đó. Ngày nay, ngay tại những ngọn này hình thành những khu bãi biển nổi tiếng như Bãi Rạng, Bãi Đa, Bãi Bụt. Và vịnh Tiên Sa nằm nơi đây.

Truyền thuyết dân gian kể rằng, ngày xưa, thuở trời đất còn giao hòa, nơi đây là vùng đất có nhiều cảnh đẹp, cây cối bốn mùa xanh tươi, tiếng vượn hú, chim kêu hòa cùng với tiếng suối reo và tiếng sóng biển rì rào như một bản hòa âm tuyệt diệu của đất - trời. Quang cảnh ấy đã thu hút các vị tiên trên trời bay xuống để thưởng ngoạn; các tiên ông thì đánh cờ, các tiên nữ thì tắm suối hoặc đùa giỡn với sóng biển. Vì thế mà nơi đây có tên là Tiên Sa. Truyền thuyết ấy ngày nay vẫn còn giá trị như một lời khuyên chúng ta hãy có ý thức giữ gìn món quà quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này.

Hiện nay, một con đường rất đẹp chạy quanh bán đảo đã được xây dựng. Ven con đường này đã hình thành các khu du lịch, khách sạn cao cấp. Một ngôi chùa mang tên Linh Ứng Bãi Bụt, với kiến trúc đậm nét dân tộc, cũng đã được hoàn thành vào tháng 7 năm 2010.

Chùa Linh Ứng ở Bãi Bụt, Sơn Trà, là một trong ba ngôi chùa cùng mang tên Linh Ứng của thành phố Đà Nẵng. Có thể là do chữ duyên, mà cũng có thể do yếu tố tâm linh, nên cả ba ngôi chùa cùng mang tên Linh Ứng, đều tọa lạc trên những vị thế đắc địa của Đà Nẵng, tạo thành một tam giác linh thiêng cho thành phố. Đó là chùa Linh Ứng Non Nước, nằm trên ngọn Thủy Sơn, một trong 5 ngọn núi của Ngũ Hành Sơn. Thứ hai là, Chùa Linh Ứng Bà Nà, nằm trên chót vót núi cao của địa danh nghỉ mát được mệnh danh là “Đà Lạt của miền Trung”. Thứ ba là, chùa Linh ứng ở Bãi Bụt, Sơn Trà, nằm lưng chừng núi - bán đảo Sơn Trà. Linh Ứng Tự Bãi Bụt là ngôi chùa to nhất, mới nhất và đẹp nhất trong 3 ngôi chùa Linh Ứng tại thành phố Đà Nẵng.

Chùa Linh Ứng ở Bãi Bụt tựa lưng vào đỉnh Sơn Trà vững chãi, mặt nhìn ra Biển Đông bao la, xa xa bên trái là đảo Cù Lao Chàm án ngự, bên phải là ngọn Hải Vân ngăn che, và dòng sông Hàn hiền hòa thơ mộng, như một mảnh khăn xanh biếc vắt qua vai Đà Nẵng xinh đẹp, “thành phố đáng sống” này.

Tọa lạc trên một ngọn đồi, mang hình con rùa hướng ra biển cả, lưng tựa cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với bao chim thú, chùa Linh Ứng - Bãi Bụt trên bán đảo Sơn Trà không những được xem là một công trình in đậm dấu ấn phát triển của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI, mà còn là nơi hội tụ của linh khí đất trời và lòng người Đà Nẵng.

Đặc biệt, chùa Linh Ứng nằm ở một vị trí mà đi từ rất xa trên đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, du khách đã có thể nhìn thấy ngôi chùa với mái ngói màu xanh nằm vững chãi bên sườn đông của bán đảo và nhất là được nhìn thấy tượng Phật Bà Quan Âm trắng xóa, đẹp vô cùng, in hình vào bầu trời cao rộng và ngọn núi Sơn Trà xanh biếc. Đây được xem là ngôi chùa lớn nhất của thành phố Đà Nẵng, cả về phương diện quy mô cũng như về mặt nghệ thuật.

Ngoài việc được biết đến như một ngôi chùa đẹp, lớn và mới nhất trong 3 ngôi “Linh Ứng Tự” của thành phố Đà Nẵng, Chùa Linh Ứng - Bãi Bụt còn được biết đến bởi là nơi có tượng Phật Quán Thế Âm cao nhất Việt Nam.

Cùng với hệ thống núi non của Hải Vân sơn ở phía bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía nam, vây lại thành hình cánh cung, tạo nên một vịnh biển mang tên vũng Sơn Trà, hay còn gọi bằng nhiều tên khác trong dân gian, như vũng Tiên Sa, vũng Thùng, vịnh Hàn, vịnh Ðà Nẵng. Chính vị trí đặc biệt này đã khiến Sơn Trà giống như một tấm bình phong che chắn mọi cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng.

Sơn Trà có gần 4.000 ha rừng, trong đó một phần là đất đồi đang được phủ thêm loại cây công nghiệp. Đây còn là nơi giao lưu giữa hai hệ động vật và thực vật tiêu biểu của hai miền Nam - Bắc nước ta.

Những ha đất rừng đặc biệt này đã được công nhận là khu vực bảo tồn thiên nhiên vào năm 1992. Đến cuối năm 2016, diện tích này đã mất đi 1/4, do sử dụng phần đất này để phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Núi Sơn Trà cao đến 696m, xưa nay được xem như đài khí tượng thiên nhiên của nhân dân quanh vùng, như câu hát nổi tiếng:

“Đời ông cho chí đời cha,

Mây phủ Sơn Chà không gió thì mưa”.

Bán đảo Sơn Trà ngày nay vẫn còn hoang sơ và có nhiều bãi tắm đẹp, như bãi Mỹ Khê(2), bãi tắm Phạm Văn Đồng, bãi T20 và những khu nghỉ dưỡng sang trọng như Furama, Sunny Beach, Olalani, hay Silver Shore Hoàng Đạt, trải dài hàng chục kilômét. Sau khi có con đường ven biển đi vòng quanh bán đảo, nơi đây lại càng phát triển hơn nữa về mặt du lịch. Núi Sơn Trà có suối Tiên và suối Đá đẹp và hoang sơ.

Có thể nói, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền với biển, và cũng là nơi duy nhất của Việt Nam có hệ sinh thái đặc biệt này.

Các nhà sinh thái cho rằng, Sơn Trà là một báu vật của thành phố Đà Nẵng. Bán đảo này là hệ sinh thái khép kín, với 4 kiểu rừng phân theo độ cao từ trên xuống dưới. Ở trên là rừng mưa ẩm nhiệt đới, lưng chừng là rừng nửa khô hạn, rồi đến rừng còi và đới thực vật ven biển. Phía dưới cùng là thảm cỏ và san hô.

Sơn Trà cũng được coi là túi chứa nước ngọt cung cấp cho thành phố Đà Nẵng và cả hệ nước ngầm của toàn bộ Đà Nẵng - Hội An, nên có thể nói nơi đây là lá phổi xanh, có giá trị môi trường rất cao.  

Sơn Trà còn là khu bảo tồn thiên nhiên của quốc gia với nhiều động thực vật phong phú: thực vật ở đây có cả ngàn loài trong đó có 22 loài quý hiếm như dầu lá bóng, chò chai, trâm trường, gụ, ngọc quý, dẻ... và nhiều loài cây cảnh rất có giá trị. Động vật gần 300 loài trong đó có 15 loài quý hiếm như: khỉ đuôi dài, khỉ vàng, trăn gấm, gà mặt đỏ... và đặc biệt là loài voọc chà vá chân nâu - loài quý hiếm gần như bị tiệt chủng trên thế giới mà quý thay, tại Sơn Trà còn lại hơn 300 con.

Nơi này là khu rừng nguyên sinh tương đối nguyên vẹn, nên khu này cũng mang được đặc tính chung cho bán đảo Sơn Trà. Đi Sơn Trà, nếu đến mùa dâu thì chỉ vào một đoạn đã thấy những cây trĩu quả từ gốc đến cành, giống như những cây cảnh lớn; dâu Sơn Trà rất đa dạng, từ dâu vàng, dâu trắng, dâu xanh và sự ra trái cũng khác nhau theo từng khu như hướng bắc thường ra trái muộn, chín muộn hơn ở sườn phía nam. Dâu rừng là thức ăn cho những loài linh trưởng và cho cả con người.

Rừng Sơn Trà đa dạng với các loại dẻ và được phủ đều cả bán đảo; dẻ là loài thức ăn rất ngon, có giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt, hiện vẫn còn những cây sống đến trăm tuổi, trông rất đẹp mắt. Cây rừng đan xen với những loài cây ăn trái thông thường khác, như xoài, ổi… nên thời gian trước đây một số người dân địa phương đã từng vào rừng đốn củi hái dâu, lượm dẻ, hái xoài; chính nhờ hòa với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp nên con người có thể quên đi mọi mệt mỏi, nhọc nhằn.

Từ những loại cây thông thường cho đến các loài hoa rừng, như mai rừng nở quanh năm, hoa trang, hoa lan rừng, hoa nguyệt quế với mùi thơm ngào ngạt. Kết hợp với những cây cảnh tự nhiên mọc trên những tảng đá cùng các cây đại thụ làm cho ta đi từ thích thú này đến thích thú khác. Đặc biệt, có nhiều cây dâu, dẻ, đa đại thụ mang nhiều hình dáng đẹp (dáng nai và đại thụ chín rễ)... Ngoài ra, cây đa đại thụ chín rễ còn mang tính chất tâm linh(3).

Đặc biệt, đối với giới trẻ, tới mùa bông lau nở trắng, thì lên Sơn Trà còn có cái thú được chụp ảnh giữa rừng lau trắng bạt ngàn.

Bán đảo Sơn Trà là “lá phổi xanh” là viên ngọc thiên nhiên quý giá mà tạo hóa đã ban tặng cho thành phố và con người Đà Nẵng. Mang trong mình vẻ đẹp nguyên sơ, bãi biển nước trong xanh, cảnh vật hữu tình cùng khí hậu quanh năm mát mẻ, người Đà Nẵng và mọi du khách đến đây sẽ choáng ngợp trước cảnh đẹp thiên nhiên mà chẳng phải nơi nào cũng có được như Đà Nẵng.

Bán đảo Sơn Trà thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, nơi đây cách trung tâm thành phố khoảng 10km về phía đông bắc. Cùng núi non hùng vĩ của đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà như tấm bình phong bao bọc, che chắn toàn bộ thành phố Đà Nẵng và vịnh Đà Nẵng với chiều dài hơn 13km và diện tích 4.400 ha. Với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền với biển duy nhất ở Việt Nam.

Như đã nói, người ta biết đến Sơn Trà là tên một ngọn núi trước khi biết đến Sơn Trà là một đơn vị hành chính cấp quận.

Quận Sơn Trà được thành lập từ tháng 1 năm 1997 (khi Đà Nẵng tách ra khỏi Quảng Nam), có vị trí khá đặc biệt trên bản đồ thành phố Đà Nẵng, ngăn cách với quận Hải Châu bằng con sông Hàn về phía tây, phía nam giáp quận Ngũ Hành Sơn, phía đông và bắc giáp Biển Đông.

Quận Sơn Trà có vị trí quan trọng về kinh tế, có cảng biển Tiên Sa là cửa khẩu quan hệ kinh tế quốc tế, không chỉ của thành phố Đà Nẵng mà đường nội bộ còn nối với quốc lộ 14B, nối với cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các nước Lào, đông bắc Thái Lan, Myanma. Với Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, một dãy bờ biển đẹp với nhiều bãi san hô lớn, Sơn Trà còn có điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế và phát triển du lịch dựa trên du lịch sinh thái và du lịch biển. Đây cũng là khu vực tập trung các cơ sở quốc phòng, có vị trí quan trọng trong chiến lược an ninh khu vực và quốc gia.

Từ xa xưa, người dân Đà Nẵng, người dân xứ Quảng, nói chung, đã có bài học kinh nghiệm thời tiết phổ biến:

-  Đời ông cho chí đời cha

Mây phủ Sơn Chà không gió thì mưa

hoặc:  

 -  Chiều chiều mây phủ Sơn Chà

Sấm rền Non Nước, trời đà chuyển mưa.

Năm 1858, khi quân Pháp tiến đánh thành Điện Hải bị quân dân xứ Quảng oanh liệt chống trả; thất bại, chúng phải rút vào Nam tiến đánh cửa Cần Giờ và chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sau đó đặt ách thống trị lên toàn bộ đất nước ta, thì trong văn học dân gian xứ Quảng thời kỳ này đã xuất hiện một hình tượng nhân vật trữ tình mới, đó là hình ảnh người dân mất nước. Nỗi đau mất nước không ngừng đè nặng lên tâm trí ông cha ta, và bài ca xứ Quảng cũng chừng như uất nghẹn:

Đứng bên ni Hàn

Ngó qua bên tê Hà Thân

Nước xanh như tàu lá

Đứng bên tê Hà Thân

Ngó về Hàn phố xa nghênh ngang

Kể từ ngày Tây lại đất Hàn

Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu

Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu

Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau.

Mảnh đất Sơn Trà nghèo khó ở bờ Đông sông Hàn ấy, có một thời gian dài trong lịch sử, người dân đã quặn lòng vì nỗi đau mất nước; ngay tới năm 1975, trước khi Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng vào ngày 29.3.1975 vẫn là một vùng đất nghèo, với khu gia binh chỉ có những mái tôn xiêu vẹo.

Mảnh đất nghèo ấy, ngày nay phát triển rực rỡ với những tòa nhà cao tầng, những khách sạn và những biệt thự sang trọng, là nơi bất cứ người dân Đà Nẵng nào cũng hãnh diện vì cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp với non xanh, biển biếc và khí hậu mát mẻ của một thành phố Đà Nẵng xinh đẹp, đáng sống.

Nhưng, các nhà đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xin đừng quên điều này, theo nguyên tắc vật lý, cứ đào 1,3m cát thì sẽ có 3,3m cát bị lở. Kinh nghiệm đau xót của bờ biển Hội An là bài học nhãn tiền. Do có quá nhiều khu resort, khách sạn xây dựng sát bờ biển, mà cả một bãi biển Hội An xanh biếc, tuyệt đẹp đã bị lở hàng trăm mét chiều dài, biến thành cái hố sâu trông thấy đã đau lòng.

Sơn Trà, với non xanh biển biếc, hy vọng vẫn bảo vệ được “nhan sắc” kiều diễm của mình, cho mọi thế hệ người Đà Nẵng mến yêu.

 

(1)Nguyễn Chước: Biển và nghề biển ở Quảng Nam - Đà Nẵng (Quảng Nam - Đà Nẵng Đất nước -

Con người và Đổi mới; Hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng tại TP.HCM: 1995, tr.7 )

(2)Bãi biển Mỹ Khê, thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đã được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Với đường bờ biển kéo dài đến 900m, những bãi cát trắng mịn, nước biển xanh và trong cùng với hệ thống khách sạn cao cấp, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng hai bên bờ biển, bãi biển Mỹ Khê là nơi dừng chân lý tưởng khi du lịch, nghỉ dưỡng.

(3)Bách khoa toàn thư mở. Wikipedia: https//vi.wikipedia.org/wiki/Da Nang

T.H.D.V