Như là cổ tích
Mũi Nghê - Sơn Trà
Ai lên đỉnh núi Sơn Trà lần đầu, đắm mình trong không gian nhuốm màu huyền tích giữa núi non và sông nước, hẳn cũng không khỏi ngỡ ngàng khi một nội thành Đà Nẵng hiện ra trong tầm mắt, thanh xuân, tươi mát như cô gái đang độ xuân thì...
- Nghe nói tiền thân của bán đảo Sơn Trà là một hòn đảo có ba ngọn núi nhô cao ra biển. Hòn Nghê ở phía Đông Nam, trông như hình con nghê chồm mình ra biển. Mỏ Diều ở phía Tây, hình dạng như cái mỏ con diều hâu. Cổ Ngựa ở phía Bắc, như cái cổ ngựa vươn về phía ngọn Ngự Hải bên kia cửa biển. Qua quá trình bồi tích hàng trăm triệu năm, những con nước lớn, nước ròng đã hình thành một bãi cát trắng chạy dài từ đất liền ra đảo và biến đảo thành bán đảo như ngày nay.
Giờ đây, dù đứng ở một điểm cao thích hợp cũng thật khó mường tượng ra những hình thể đã làm nên tên gọi của các ngọn núi - Nghê, Mỏ Diều, Cổ Ngựa - nhưng có thể nhận ra một điều rằng, bán đảo phía Đông Nam này đã cùng với hệ thống núi non của núi Hải Vân phía Tây Bắc vây thành một vũng biển hình cánh cung tuyệt đẹp. Những tên gọi như vũng Sơn Trà, vũng Tiên Sa, vũng Thùng, vũng Hàn, vũng Đà Nẵng... đã mang vẻ đẹp được thiên nhiên hào phóng ban tặng đi vào văn chương bình dân lẫn nghiên cứu bác học.
Từ trên cao bán đảo Sơn Trà nhìn xuống, ngọn núi Mỏ Diều trông bé nhỏ như một vạt cỏ trong vườn và những con tàu neo bên cảng Tiên Sa gần đó thì như đồ chơi trẻ con bằng nhựa. Nhìn ngọn sóng trắng xóa vỗ vào bờ, bất giác nhớ một đoạn trong bài “Văn tế Nghĩa sĩ”. Nước sông Hàn hai ba phen cuồn cuộn, tàu Tây Dương bắn phá lũy An Đồn. Mây Sơn Trà năm bảy lớp ùn ùn, súng Nghĩa sĩ vang rền thành Điện Hải... Cuối tháng 8 năm 1858, súng đã rền vang trên sông nước Đà Nẵng. Nghĩa sĩ vì nước quên thân được quy tập vào hai Nghĩa trủng Hòa Vang và Phước Ninh, còn kẻ xâm lược thì bỏ lại nắm xương tàn trên “Đồi Hài Cốt”, còn gọi là khu nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha, dưới chân núi Mỏ Diều.
13 năm trước, khi đi tìm tư liệu cho bài viết nhân kỷ niệm 150 năm (1858 - 2008) trận đầu người Đà Nẵng chống Pháp, tôi đã có lần cùng một “già làng” - ông Thái Văn Phễu, người Mân Quang, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà - quay lại bán đảo. Ông Phễu là người cùng họ tộc với Chí sĩ Thái Phiên, từng tham gia tự vệ chiến đấu đi cướp chính quyền hồi tháng 8 năm 1945, là cơ sở cốt cán trong kháng chiến chống Pháp, rồi thoát ly tham gia Biệt động thành Khu Đông, mấy lần vào tù ra tội. Ông còn lạ gì với vùng đất bán đảo này, phần do ông trực tiếp tìm hiểu để đánh địch, phần do chuyện kể từ các thế hệ trước ông.
Ông nghe nội mình kể, khi quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng vào Đà Nẵng, quân dân ta đã xây dựng nhiều phòng tuyến chống giặc ở bán đảo như thành Ông Quýnh trên núi Sơn Trà, Đồn Nhì ở mom Bốn (nay là Hải đội Vùng 3 Hải quân), Đồn Ba tại vườn Xoài (trước Xưởng X50 - Cục Kỹ thuật Hải quân hiện nay)...
Ông Phễu không hiểu vì sao gọi là “thành Ông Quýnh”, chỉ nghe kể rằng đây là một đài hỏa hiệu, luôn túc trực một đội quân sẵn sàng đốt lửa báo hiệu cho quan quân các nơi, nhất là bên kia sông Hàn, biết tình hình quân địch. Lúc còn sức, ông có lên thăm lại thành xưa, nó nằm trên đường lên Trạm phát sóng Sơn Trà của Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, cách đường Yết Kiêu dẫn ra cảng Tiên Sa khoảng 2km đường chim bay.
Hơn 160 năm đã đi qua nơi đầu sóng ngọn gió này. Mỗi khi được lên trên cao Sơn Trà, nhìn xuống cửa biển Đà Nẵng, lại cảm nhận tiếng sóng nghìn xưa còn xô vào bờ ký ức thời gian mãi đến nghìn sau.
- Khi Đà Nẵng chuyển mình sau thời điểm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, câu chuyện đương đại của một nàng tôn nữ bỗng dưng gợi chút “niềm riêng” giữa đôi bờ sóng nước sông Hàn.
Tôi biết “tôn nữ” lúc nàng đang theo học Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, khi đó còn đóng trên đường Lê Duẩn. Nàng thường đến trao đổi bài vở với các bạn học cùng trọ trong căn phòng nhỏ nằm dưới cầu thang của một khu nhà tập thể nơi tổ hợp tác của tôi đóng chân. Tôi gọi nàng là “Tôn Nữ” - sau này dù biết được tên nàng, tôi vẫn gọi thế - bởi cái chất giọng thấm đẫm hương sắc đất Thần kinh của nàng. Chiều chiều, các nàng chúi mắt vào sách vở, xí la xí lô những tràng tiếng nước ngoài, tảng lờ như không biết đến cái nhìn thăm dò của các chàng trai khu tập thể trong đó có tôi. Nhưng rồi, lũ trai “bản địa” cũng đành phai dần mộng mị khi có mấy chàng từ nơi khác đến và quấn quýt rất mực bên các nàng.
Nghe nói nàng tôn nữ đã có mối tình đầu thơ mộng với một anh chàng nhà bên kia sông Hàn.
Ngày đó, những chuyến phà ngang qua sông Hàn là nhịp cầu nối yêu thương giữa đôi bờ và để lại trong trái tim bao người những kỷ niệm khó thể nào phai. Tôi có người cậu nhà ở gần cây sộp An Đồn, nay thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Muốn qua thăm cậu “bên tê Hà Thân”, tôi phải đi đò ngang, hoặc đi phà từ “bên ni Hàn”. Đò nhỏ, ngồi dăm ba người đã thấy chật, mỗi khi có tàu thuyền lớn chạy ngang, đò tròng trành đủ làm xanh mặt người yếu bóng vía. Đi phà thì yên tâm hơn, mỗi bến một chiếc, xuất phát gần như cùng một lần, hút chưa hết nửa điếu thuốc đã thấy chúng thấp thoáng hoán vị nhau ở hai phía bến.
Phà sông Hàn đã để lại những hoài niệm đáng yêu trong ký ức rất nhiều người như thế. Với nàng tôn nữ của tôi, sóng nước sông Hàn - trong cái nhìn của nàng - hẳn có gì đó rất riêng, một chút cho nàng nhớ về dòng sông Hương quê nhà và nhiều hơn để nàng dành trọn yêu thương với chàng trai “bên tê Hà Thân”. Thế đấy, khi người ta yêu nhau, bến bờ, sông nước, ghe đò... bỗng đẹp hơn lên và liêu xiêu đi vào thơ văn nhạc họa với bao điều mộng mị.
Bẵng đi hơn hai chục năm, bao điều nhớ bao điều quên. Khi chiếc cầu quay níu hai bờ sông Hàn gần lại với nhau thì kỷ niệm sông nước xưa cũng xa dần. Giờ đây, cả “bên ni Hàn” lẫn “bên tê Hà Thân” đều “phố xá nghênh ngang”, bến phà xưa chỉ còn là hoài niệm. Mỗi lần chạy xe trên đường Bạch Đằng hay đường Trần Hưng Đạo - con đường mới mở dọc theo bờ Đông sông Hàn, trước cái vẻ sầm uất của phố thị, tôi gần như quên bẵng là đã từng có hai bến phà dãi dầu mưa nắng ở hai bờ sông. Cho đến khi một cán bộ ngành Du lịch thành phố chỉ cho tôi một con tàu nhỏ thả neo bên bến gần Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng và kể về chủ nhân của nó, tôi mới giật mình vì cái sự “vô tình” của mình.
Thì ra, nàng tôn nữ ngày nào đã là nhà đầu tư, có một số dự án khai thác tiềm năng du lịch của Đà Nẵng. Trở thành doanh nhân, nhưng nàng vẫn chưa nguôi ngoai mộng mơ một thuở. Khi chiếc cầu quay bắc qua sông Hàn hoàn thành, nàng hỏi mua lại chiếc phà từng làm con thoi giữa đôi bờ yêu thương trong trái tim nàng và cải tạo thành tàu du lịch. Dường như, giữa một Sơn Trà chuyển mình trong lòng Đà Nẵng ngày mới, nàng muốn níu lại chút kỷ niệm xưa cho riêng mình với niềm tin nó mãi mãi lưu giữ những ngày tháng êm đềm, tươi đẹp của mối tình đầu ngày nào với chàng trai bên kia sông...
- Phía Bắc bán đảo Sơn Trà là bãi biển Tiên Sa, cho dù theo năm tháng sóng biển có bào mòn vách đá thì nơi đây vẫn mãi một vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí. Tương truyền, đây là nơi các tiên nữ xưa mỗi khi ngao du hạ giới thường đến ca múa và đắm mình dưới làn nước trong xanh giữa một bên non một bên biển.
Một thời gian dài, bán đảo Sơn Trà như một nàng công chúa ngủ trong rừng cất giấu vẻ đẹp tiềm ẩn mà những điệu múa của các thiên tiên xưa chưa phải là phép màu đánh thức. Ngay cả những loạt pháo rầm trời của liên quân Pháp - Tây Ban Nha trên vũng Tiên Sa bắn vào thành Điện Hải hơn một thế kỷ rưỡi trước hay tiếng gió xé toạc núi rừng Sơn Trà trong những trận bão lịch sử sau đó cũng bất lực.
Thế rồi, nàng công chúa bỗng dưng được đánh thức, cho dù đôi chút muộn màng. 14 năm trước, tháng 12 năm 2007, có một ý kiến gây ít nhiều ngạc nhiên tại Hội thảo “Tầm nhìn quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng hướng đến đô thị hiện đại có bản sắc” do UBND thành phố tổ chức: “Đà Nẵng đang sở hữu một tài sản lớn là bán đảo Sơn Trà, nhưng vẫn chưa khai thác hợp lý để biến nó thành một nét bản sắc chẳng nơi nào có được”.
Thật vậy, có thể tìm đâu ra một thành phố có cả núi, cả sông, cả biển và cả bán đảo như Đà Nẵng? Thiên nhiên ưu ái ban tặng, nhưng con người vẫn còn lỗi nhịp với thời gian.
Để không “lỗi nhịp với thời gian”, từ đó, thành phố đã chủ trương “khai thác hợp lý” để vùng bán đảo tiềm ẩn này có được tiếng nói chung giữa an ninh quốc phòng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch. Như một cái hôn của chàng hoàng tử đánh thức nàng công chúa sau giấc ngủ vùi, tất cả bừng tỉnh, rực rỡ tinh khôi trong ánh mắt người Đà Nẵng và du khách.
Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm thành phố 10km về phía Đông Bắc, với bờ biển tuyệt đẹp, khí hậu trong lành, các đường liên thông trong bán đảo dần hoàn thiện, mạng lưới giao thông thuận lợi nối liền trung tâm thành phố... Đây là điều kiện để Sơn Trà phát triển thành một trong những khu du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng. Những khu du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp lần lượt ra đời trên bán đảo, góp phần làm vang danh vùng đất Đà Nẵng khắp thế giới mà nổi tiếng nhất là Inter Continental Danang Sun Peninsula Resort, được ghi nhận là một trong những khu nghỉ dưỡng sinh thái tốt nhất thế giới.
Giờ mỗi khi quay lại bán đảo, giữa một Sơn Trà bừng tỉnh tinh khôi sau giấc ngủ vùi, thoảng nghe trong sóng biển vang vọng lời tế Nghĩa sĩ năm nào. Mây Sơn Trà năm bảy lớp ùn ùn, súng Nghĩa sĩ vang rền thành Điện Hải. Dưới sông, trong những chiếc tàu du lịch đường sông ngày đêm ngược xuôi nơi cửa biển hẳn có con tàu chở hoài niệm một thời của nàng tôn nữ.
- Trong 8 quận, huyện của Đà Nẵng thì có lẽ Sơn Trà là địa phương còn lưu lại nhiều câu ca xưa nhất. Lần giở tập tài liệu “Văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn quận Sơn Trà” do Phòng Văn hóa và Thông tin quận lưu hành nội bộ năm 2008, thấy trên đất Sơn Trà có 17 câu ca dao, tục ngữ về thời tiết, địa danh, nghề nghiệp, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương.
Tôi thích nhất hai câu lục bát, bắt đầu bằng “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà” và câu còn lại có một số dị bản. “Sấm rền Non Nước mưa sa Vũng Thùng”. “Sấm rền Non Nước trời đà đổ mưa”. “Lòng ta thương bạn, nước mắt và trộn cơm”. Nay thỉnh thoảng mây vẫn phủ Sơn Trà nhưng cảnh “nước mắt và trộn cơm” thì đã lùi xa thật xa, người lớn nếu có kể lại chuyện một thời gian khó của cha ông mình thì trẻ con cứ ngỡ là cổ tích.
Khi Sơn Trà không mây phủ, nơi đằng Đông, màu xanh của biển và trời hòa nhau không phân định trong một đường chân trời xa hút mắt. Ở phía ngược lại, những mảng màu tối sáng chan hòa trong nắng với những tòa cao ốc làm thành điểm nhấn cho toàn cảnh bức tranh đô thị. Ai lên đỉnh núi Sơn Trà lần đầu, đắm mình trong không gian nhuốm màu huyền tích giữa núi non và sông nước, hẳn cũng không khỏi ngỡ ngàng khi một nội thành Đà Nẵng hiện ra trong tầm mắt, thanh xuân, tươi mát như cô gái đang độ xuân thì...
V.T.L