Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ của tình yêu - Thanh Quế

31.07.2015

Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ của tình yêu - Thanh Quế

Tôi quen biết ông vào đầu năm 1970, khi tôi vào công tác ở Hội Văn Nghệ giải phóng Khu 5. Hôm đầu đến cơ quan, tôi thấy mọi người đang ngồi bên những chiếc bàn làm bằng cây chờ ăn cơm. Một người tầm thước, ở vào độ tuổi trung niên, có đôi chân mày rậm, nước da xanh trắng đang nói chuyện tếu gì đó mà anh em ôm bụng cười ran. Nhà văn Chu Cẩm Phong nói nhỏ với tôi "anh Điểu". Sau này, tôi mới biết ông là người nói vui nói lái vào bậc nhất ở khu 5...

Tôi sống bên ông đâu 5, 6 tháng gì đó. Tôi thấy sau những nét đùa tếu của ông là một tâm hồn tràn ngập nỗi buồn. Hàng ngày, dù lớn tuổi, ông cũng ăn dớn, ăn mì (sắn) và cùng phát rẫy làm nhà với chúng tôi.

Vào một buổi chiều, khi đi làm rẫy về, tôi thấy em Tam cấp dưỡng đang làm thịt một con gà choai choai:

- Chú Linh đãi chú Huy Quang (tên của Phan Huỳnh Điểu ở chiến khu) để mai chú Quang ra Bắc.

Chu Cẩm Phong chạy đến ôm Phan Huỳnh Điểu. Ai cũng biết hai anh em rất thân nhau. Trong bữa ăn Phan Huỳnh Điểu trầm lặng hẳn. Ông lặng lẽ nhìn từng người chúng tôi như để ghi nhớ những gương mặt đã cùng ông sống chết, mai ông đã xa nơi này rồi...

Sáng hôm sau, nhân đi cõng muối, tôi và Bùi Minh Quốc tiễn ông ra bờ sông Tranh. Khi chia tay ông nói với tôi:

- Quế cố gắng viết nhé. Người nghệ sĩ là phải sáng tác em à. Hẹn gặp lại lúc Quế trưởng thành rồi...

 

Phan Huỳnh Điểu sinh ra tại Đà Nẵng. Bây giờ người ta vẫn còn nhận ra ngôi nhà ông ở ngay ngã năm thành phố  Đà Nẵng với tiếng sóng biển hòa tiếng nước sông Hàn dạt dào vang vọng trong trái tim ông từ nhỏ. Ông yêu mến âm nhạc từ rất sớm. Người thầy dạy nhạc ông hồi trẻ chính là cụ Võ Văn Phước, thân sinh của nữ diễn viên múa xinh đẹp tài năng đã hy sinh rất sớm Vũ Thị Phương Thảo. Ngày đó, ông rất thích chơi đàn măng-đô-lin. Với cây đàn đó, ông đã sáng tác ca khúc Trầu cau nổi tiếng.

Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Với nhiệt tình của tuổi trẻ, ông tham gia vào đội tuyên truyền xung phong. Dạo đó thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta. Từ miền Bắc, suốt ngày đêm, những đoàn tàu chở những đoàn quân Nam Tiến đi ngang qua Đà Nẵng để vào Nam, gây cho ông nhiều xúc động về những đứa con ra đi để bảo vệ sự sống còn của mẹ Đất nước. Nâng cây đàn măng-đô-lin huyền diệu của mình, ông sáng tác ca khúc Đoàn vệ quốc quân, bài hát bất hủ đưa tên tuổi ông nổi tiếng khắp nước.

Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi

Lòng có mong chi đâu ngày trở về

Bài hát nhanh chóng truyền đi mọi miền. Tiếp liền ông sáng tác các ca khúc Mùa đông binh sĩ, Tuyên truyền xung phong. Sau này một người ở Vĩnh Long viết: "Từ 1946, bộ đội hành quân qua làng tôi hát bài Đoàn vệ quốc quân. Năm 1947 đoàn tuyên truyền dân quân lưu động của tỉnh đội Vĩnh Long dựng bài này và bài Mùa đông binh sĩ thành một hoạt cảnh để lạc quyên cho kháng chiến. Bài Tuyên truyền xung phong được đoàn tuyên truyền khu 8 của anh Bảo Định Giang diễn tại sân đình huyện Bình Minh, được dân quân tỉnh Vĩnh Long thuộc rất nhanh.

Phan Huỳnh Điểu không hề biết nhạc của mình được nhân dân Nam Bộ yêu mến như vậy. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là một trong những người Việt Nam hạnh phúc nhất"(1)

 

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Phan Huỳnh Điểu đưa gia đình vào vùng tự do Quảng Ngãi. Ông vào dạy nhạc ở Trường Trung học kháng chiến Lê Khiết. Bản thân ông đã đào tạo ra một số nhạc sĩ trẻ mà sau này cả nước biết tiếng như Trần Hồng... Năm 1948, trường bị Pháp dội bom, học sinh chết 19 người. Phan Huỳnh Điểu xung phong đi bộ đội. Vào những năm 1950, 1951 ông lại trở về công tác ở Chi hội văn nghệ Khu 5. Người ta thường gặp một người trẻ tuổi, gầy gò vừa lo chạy gạo nuôi sống gia đình vừa hăng hái sáng tác. Một chùm ca khúc mới lần lượt ra đời: Có một đàn chim (lời Phan Quang Định), Xuân chiến công, Em chỉ thương anh, Hoan nghênh tín phiếu...Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến, Phan Huỳnh Điểu đã sáng tác bài hát Nhớ ơn Hồ Chủ tịch. Có lẽ đó là bài hát hay nhất của ông trong giai đoạn chống Pháp:

Một mùa xuân reo vui trong lòng chúng ta...

Một đời sống ấm no vang lên lời ca, toàn dân ta thành tâm kính yêu cha già

Năm 1954, ông cùng một nhóm diễn viên ca múa nhạc Khu 5, trong đó có nhạc sĩ Văn Cận, tập kết ra Bắc, bổ sung cho Đoàn văn công Khu 5. Năm 1956, ông về Đoàn Tuồng Khu 5 làm công tác nghiên cứu. Chính ở đây, ông viết một cuốn sách có giá trị mà ngày nay ít người nhắc tới - có lẽ nhạc của ông lấn cả những bài nghiên cứu của ông - cuốn Các làn điệu tuồng phổ biến. Năm 1961 đến 1964 ông về làm phó giám đốc rồi giám đốc Nhà xuất bản âm nhạc.

Trong những năm ở miền Bắc, nỗi nhớ miền Nam luôn dào dạt trong trái tim ông:

"Nhìn về Liên khu 5 ta nhớ...bát ngát mênh mông đồng lúa Phú Yên, Tam Quan bóng mát xanh tươi rừng dừa...Miền Nam, có liên khu 5, có muối Sa Huỳnh, có đường bông trắng, mía thơm ngọt ngào".

Có lần tôi hỏi ông:

- Trong bài "Liên khu 5 yêu dấu" anh viết lời rất hay, sao lại có một câu lạ vầy: "Miền Nam có Liên khu 5"

Ông cười:

- Mình nói thực nhé. Hồi mới tập kết ra Bắc, có một số anh em Nam Bộ cứ cho rằng nói đến miền Nam là nói đến Nam Bộ, Nam Bộ thành đồng mà không nhắc đến Liên khu 5. Vậy là không phải. Vì vậy mình có câu ấy để nhắc: "miền Nam còn có Liên khu Năm" nữa các ông à.

Chúng tôi cười vang.

Cũng trong cái mạch nhớ miền Nam ấy, những năm ở miền Bắc Phan Huỳnh Điểu sáng tác nhiều và có nhiều thành công: Quê tôi miền Nam, Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm. Tôi chợt nghĩ, ông đã bắt được đúng mạch của mình - dù ông đã từng có hành khúc Đoàn vệ quốc quân nổi tiếng - nhưng mạch tình yêu nhung nhớ và cuộc sống thanh bình, sẽ là mạch chủ đạo của dòng nhạc suốt đời ông.

           

Là một người con của Liên khu 5, của miền Nam yêu dấu, từ bỏ những vinh quang mà mình đã có - giám đốc nhà xuất bản âm nhạc - ông đi theo tiếng gọi của Trái tim "Về Nam", trở về quê hương chiến đấu vào năm 1964. Bộ phận văn nghệ của Ban tuyên huấn khu ủy 5 lúc đó còn ít người; Nhà văn Phan Tứ, Chu Cẩm Phong, đạo diễn Hải Liên, Quế Hải, Đoàn Tiên Phong, họa sĩ Châu Hoàn, anh Tám, anh Vân, cô Chi phục vụ, do Phan Huỳnh Điểu phụ trách. Những công việc làm nhà, sản xuất, gùi cõng chiếm hết thời gian của mọi người. Ở chiến trường, sống được cũng là một cuộc chiến đấu. Bom đạn, sốt rét, ăn uống kham khổ là kẻ thù luôn luôn rình rập quật ngã từng người. Sắn là lương thực chính, thức ăn là rau tàu bay, bắp chuối rừng. Nhưng Phan Huỳnh Điểu vẫn đi thực tế và sáng tác. Bài Ra tiền tuyến của ông thực xúc động lòng người.

"Ngày từng ngày qua, súng quân xâm lược Mỹ bắn giết đồng bào, giết bao nhiêu đồng chí chúng ta. Anh em ơi có thể nào ngồi yên".

Bấy giờ là tháng 5-1965, quân Mỹ vừa đổ quân xuống Đà Nẵng Chu Lai. Bài hát của ông đã được Đoàn văn công nhân dân Khu 5 vừa thành lập dựng ngay để tuyên truyền chống Mỹ.

Đầu năm 1966, lương thực bắt đầu khó khăn. Hằng ngày đơn vị phải cử người mót sắn, đi từ sáng đến tối mịt mới mong được lưng gùi sắn. Mọi người đều gầy yếu, xanh xao. Phan Huỳnh Điểu lớn tuổi càng hay đau ốm. Có lần, do thiếu chất, hàm răng ông sưng lên, mặt méo xệch một bên, cả tuần không thể ăn sắn được. Một bạn trẻ thương ông đi từ cơ quan xuống Cẩm Khê tìm cho ông một hộp sữa. Sữa như thần dược làm cho ông khỏe lại. Tuy gian khổ như vậy nhưng anh em vẫn gánh vác công việc cho nhau để vừa có thức ăn vừa có tác phẩm. Trong một lá thư gửi cho các anh ở tiểu ban văn nghệ miền Nam đề ngày 8/2/67 Phan Huỳnh Điểu viết: "Sống trong hoàn cảnh có nhiều ác liệt khó khăn như thế nên chúng tôi rất thương yêu nhau. Ai đi công tác đâu là ở nhà cứ nhắc trông từng ngày. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề sáng tác của nhau. Anh nào bận viết cái gì thì anh khác làm thay cho những công việc của người đó một cách tự nhiên thoải mái". Quan niệm rằng người nghệ sĩ ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải có sáng tác thấm sâu vào tim gan ông. Ông lại đi thực tế ở Bình Định, Quảng Ngãi để lấy "hứng" mà sáng tác. Một loạt tác phẩm ra đời. Tôi nhớ bài hát Anh hùng Nguyễn Bi của ông:

"Anh như con dao sắc, đánh phía nam quần phía bắc

Anh là Nguyễn Bi, chiến sĩ giải phóng quân miền Nam anh hùng"

Bài hát có lời thực hùng hồn. Nhưng tôi vẫn nghĩ Phan Huỳnh Điểu là nhạc sĩ của thời bình. Ngay những hành khúc chiến đấu của ông cũng thấm đẫm chất trữ tình tha thiết. Bản chất của ông là thế. Luôn khoan dung, nhân ái, điều đó không phù hợp với những quyết liệt của chiến tranh. Trong một trang nhật ký, ông kể :

"Khi nhà văn Phan Tứ ra Bắc chữa bệnh có cho tôi khẩu K54. Nó có nặng nặng khó chịu nhưng nhắc tôi có người bạn thân bên mình. Một hôm, đi công tác, nghỉ ở giữa rừng, bất chợt thấy một con chim két bay đến đậu trên cành cây không cao lắm, tôi rút súng ra bắn. Không hiểu sao lần ấy tôi lấy súng ngắn ra bắn chim. Từ trên cây mấy chiếc lông két lượn lờ rơi. Hú vía, thế là con két không chết. Tôi chờ mấy sợi lông rơi xuống, nhặt ép vào nhật ký như giữ lại một nỗi ân hận suốt đời".

Nhân đây cũng nói thêm: Phan Huỳnh Điểu là người rất chăm chỉ viết nhật ký. Bây giờ ông vẫn còn giữ một quyển nhật ký 70 ngày vượt Trường Sơn rất xúc động. Trong đó ông kể với vợ, con những chặng đường ông đi qua, những người ông gặp, những suy nghĩ và cảm xúc của ông:

"Hôm nay thấy nhớ Vân và các con nhiều. Đêm hôm kia thấy mình gửi thư cho con chữ thật to. Nhớ thương gia đình lần này thấy có gì đó thật sâu sắc thấm thía vào tận tim gan. Cảnh rừng mênh mông bát ngát, thỉnh thoảng có cơn gió thổi rì rào gợi cho mình càng thương vợ thương con. Cứ tưởng tượng giờ Vân đang làm gì, các con đang làm gì. 3-1-65".

Khoảng tháng 8-1970, Phan Huỳnh Điểu được ra Bắc chữa bệnh. Vào một đêm cuối năm 1971, tôi đang run trong cơn sốt, bỗng nghe đài phát thanh giải phóng phát bài hát "Bóng cây Kơnia" của ông. Bài hát như làm tôi tỉnh táo ra. Bài hát do Măng Thị Hội hát thật cảm động. Tôi ngỡ như nhận ra Tây Nguyên quen thuộc, ngỡ như gặp được Ngọc Anh - nhà thơ đã sáng tác bài thơ Bóng cây Kơnia - đã ngã xuống rồi vẫn còn ngồi đây, bên dòng suối Nước Nghêu cùng chúng tôi gõ nhịp hát theo bài hát. Tôi nhớ lúc  ấy, mấy anh em: nhà văn Cao Duy Thảo, nhà thơ Vương Linh, đạo diễn Hiền Minh và Phương Anh cùng bật dậy ngơ ngác: "Nhạc Phan Huỳnh Điểu, nhạc anh Điểu hay quá". Chúng tôi hiểu được rằng Phan Huỳnh Điểu đã tìm lại được chính mình, đã thương nhớ Tây Nguyên, thương nhớ chúng tôi đến quặn lòng.

Từ đó cho đến nay, cứ mạch viết về tình yêu, Phan Huỳnh Điểu tỏ ra càng ngày càng xuất sắc. Những bài hát: Anh ở đầu sông em cuối sông (1978), Thơ tình cuối mùa thu (1980), Thuyền và biển (1981), Ở hai đầu nỗi nhớ (1983), Người ấy bây giờ đang ở đâu (1991), Tia nắng…  đã đưa ông đến những đỉnh vinh quang mới. Khi còn sống nhạc sĩ đàn anh Nguyễn Xuân Khoát đã tặng cho ông danh hiệu "nhạc sĩ tình yêu". Còn gì sung sướng hơn, được tuổi trẻ cả nước yêu thích. Tôi nhớ vào mùa mưa năm 1985, ở thành phố Hồ Chí Minh. Dạo ấy có lúc mua vé máy bay rất căng. Một lần, vào công tác thành phố Hồ Chí Minh, khi trở về, suốt hai ngày tôi chạy chọt "chợ đen" vẫn không có vé. Đến sáng ngày thứ ba, tôi đem giấy ra sắp hàng từ sớm. Đến 9 giờ, tôi thấy Phan Huỳnh Điểu đến phòng vé. Tôi nắm tay ông hỏi:

-  Anh đi đâu đó?

-  Tớ mua vé ra Đà Nẵng.

- Em mua 2 ngày không được đây. Giờ anh mới đến sắp hàng làm sao có vé.

Phan Huỳnh Điểu mỉm cười:

-  Tớ sắp ào vào đây thử.

Một lúc sau, người bán vé - một thanh niên từ quân đội chuyển sang- nói to cho mọi người nghe: Hôm nay có đoàn khách nước ngoài nên vé đi Đà Nẵng chỉ còn 2 vé. Chúng tôi ưu tiên một vé cho nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Phan Huỳnh Điểu đến bên quầy. Tôi đi theo đứng bên ông. Người bán vé vừa đưa vé cho ông vừa nói:

- Chúng cháu rất thích nhạc tình yêu của chú. Dạo này chú có còn viết bài nào nữa không?

- Tớ còn ối bài. Phan Huỳnh Điểu cười nói.

- Chúc chú đi sáng tác được khỏe - người bán vé nói - Còn một vé sẽ bán...anh ta suy nghĩ...

Phan Huỳnh Điểu chỉ vào tôi nói:

- Bán cho nhà thơ Thanh Quế, em tôi đấy.

- Vé thứ hai cho nhà thơ Thanh Quế. Người bán vé nói.

Mọi người quây đến nhìn hai chúng tôi, như nhìn hai người vừa đạt những chiến công lớn. Còn tôi, lúc ấy, tôi chợt nghĩ: làm một nghệ sĩ mà được người khác biết đến và yêu mến thì sung sướng biết chừng nào. Phan Huỳnh Điểu thật là một người hạnh phúc.

T.Q