Giải mã - Trần Thị Huyền

31.07.2015

Giải mã - Trần Thị Huyền

Giải Ba (Lớp 9/1, Trường THCS Nguyễn Công Trứ)

 

Tôi vừa hoàn thành một suất học đêm – điều mà hầu như ngày nào tôi cũng phải thực hiện. Chín giờ đúng. Tiếng nhạc báo hiệu từ chiếc loa  phóng thanh phía cuối con đường làm tôi thở dài. Đói, đó là điều tôi cảm nhận rất rõ lúc này. Tôi học liên tục từ chiều đến giờ, chẳng dư chút thời gian nào để tìm thứ gì đó bỏ bụng. Tôi cố đẩy tâm trí mình ra khỏi cơn đói, rồi lại đặt nó vu vơ ở một nơi nào đó trong ký ức, như là chuyện tối qua chẳng hạn...

Kỳ thực thì mọi thứ không khá hơn hôm nay là bao khi mà tôi cũng phải trải qua một cảm giác y hệt, bụng tôi cào lên. “ Cứ làm như là mình mày đói vậy” – Tôi than thầm với cái bụng. Vừa lúc đó, tôi nghe thấy tiếng ầm ĩ sau lưng, lại có tiếng gọi giật tên mình:

- Mẫn!

Tôi dừng xe, ngoái lại đằng sau, cố nhìn cho ra chủ nhân của tiếng kêu vừa rồi. Tôi nhìn thấy chiếc xe màu hồng quen thuộc. Nhỏ Ny gào thật to:

- Mai gặp lại!

Tôi ngạc nhiên mất mấy giây, mặt chau lại ra vẻ khó chịu, miệng lằm bằm:

- Con nhỏ này rảnh thật đấy!

Từ xưa đến nay, tôi nổi tiếng là “lạnh lùng”, đó là nhận xét chung của mấy đứa bạn đã từng chơi với tôi, đôi khi tôi vẫn không cho điều đó là đúng, tôi tự nhủ rằng chỉ là tôi ít khi biểu lộ cảm xúc mà thôi, vì cảm thấy nó sến sến thế nào ấy. Mà thôi, tôi cũng chẳng thèm quan tâm, tôi chỉ thực sự cảm thấy hài lòng với mọi thứ khi mà điểm toán của tôi ăn đứt nhỏ lớp trưởng, khả năng đối thoại tiếng Anh của tôi được xem là xuất sắc. Tôi công nhận là mình rất thích hơn thua hay nói chính xác hơn là tôi luôn mong ngóng cảm giác chiến thắng, cảm giác thành công sau mỗi việc đã làm. Chính vì những điều đó mà tôi không ngừng nỗ lực, không ngừng cố gắng để thực hiện mọi thứ một cách hoàn hảo nhất. Tôi thậm chí là chẳng thèm để ý tới sức khỏe của mình khi mà lịch học thêm cứ dày lên và mật độ của những cơn đói thì tỉ lệ thuận. Tôi không cho phép bản thân để ý đến những chuyện nhảm nhí, vụn vặt vì sợ mất thời gian, cho nên tôi mang tiếng là vô tâm mà đã vậy thì cả đời chắc cũng không thay đổi được!

Tôi ngồi lên xe, định lao đi thì lại có tiếng ai gọi với theo:

- Mẫn ơi!

Bực mình, tôi bật chân chống xe, đứng hẳn xuống đường, chợt có một người đàn ông già nua từ đâu chạy đến, nắm lấy tay tôi:

- Ông đây con, Mẫn ơi. Con còn nhớ ông không, là ông nội của Mẫn này, là người đưa Mẫn đi học này...

Ơ...? Ai cơ, cái gì đang xảy ra vậy, tôi nhìn kỹ khuôn mặt đang rơm rớm nước mắt kia, thất thần nhận ra đó là “ lão già điên” vẫn hay bén mảng đến gần trường tôi. Tôi hốt hoảng đẩy tay ông ta, leo lên xe, phóng vội. Thi thoảng nhìn lại phía sau, tôi trông thấy một khuôn mặt buồn bã, âu sầu nhưng ánh mắt vừa trong trẻo lại vừa đăm chiêu, đau đáu, nó tựa một ngọn lửa ấm nóng đến mãnh liệt.

Tôi cứ trằn trọc mãi, ngọn lửa ấy cứ nhen nhóm trong lòng khiến tôi chẳng thể nào mà tập trung vào chuyện gì.

 

Trời bắt đầu se lạnh, trên đường từ trường về nhà tôi bỏ tay vào túi áo, lòng cứ ao ước về một đôi găng tay hay một chiếc khăn quàng thật dày, nhìn lên phía trước, tôi trông thấy một dáng người nhỏ bé đang co ro bên đường. Khuôn mặt hôm qua ngẩng lên nhìn tôi, cười thật tươi, hình như là vui thích lắm:

- Ông ở đây!

Tôi đứng lại, ông cụ đưa đôi bàn tay nhăn nheo nắm lấy tay tôi, tôi không buông ra, chẳng hiểu sao tôi lại muốn thử, muốn một lần được ngắm thật lâu đôi mắt khó tả ấy. Tôi vừa thả bộ vừa dắt xe, ông cụ đi bên tôi mà miệng cứ tíu tít mãi không thôi, thỉnh thoảng còn cười phá lên và bất chợt hỏi tôi rằng có vui không, tôi chỉ biết nhe răng cười khì, những lúc đó tôi lại nhìn thấy trong đôi mắt ông ánh lên niềm thích thú. Tôi chậm rãi hỏi:

- Ông này, cháu đã từng học ở trường này à? – Tôi chỉ vào trường mình.

- Đâu nào, sao lại “đã từng”! Cháu vẫn đang học ở đây thôi!

“A! Ông ấy đâu có bị gì? Vẫn rất tỉnh táo đấy chứ!”. Tôi định thốt lên như vậy nhưng ông đã tiếp lời:

  - Năm nay cháu học lớp 6, cháu nhớ không, năm ngoái cháu là học sinh giỏi toàn diện ở trường tiểu học đấy, ông vẫn chưa quên được cái lúc người ta xướng lên tên của cháu, cái tên Đinh Ngọc Mẫn ấy cũng do ông đặt chứ ai!

Ông cụ nói một hơi, chẳng cho tôi kịp thốt lên điều gì, khó khăn lắm tôi mới có thể im lặng. Dẫu sao thì tôi cũng đã hiểu mọi chuyện một cách rõ ràng rồi. Tôi – học sinh lớp 8, Hoàng Gia Mẫn là tên tôi, có lẽ sự trùng hợp về tên đã khiến cho mọi việc trở nên phức tạp. Tôi không có ý định sẽ giải thích vì tôi biết người đàn ông đang vô tư trò chuyện bên cạnh tôi nãy giờ sẽ chẳng tin đâu. Nỗi mất mát về tình cảm đã đánh gục người ta đến thế sao? Đến mức quên cả bản thân, quên cả quá khứ bởi chỉ còn khoảng trống trong ký ức về một người đã xa? Thật khó để chấp nhận điều đó. Nghĩ đến điều đó tôi chợt thấy chua xót, cái điều mà trước đây tôi chưa từng cảm nhận được. Tôi ghì chặt bàn tay đang siết lấy tay mình, nó ấm lắm, tôi thầm nghĩ, còn hơn cả đôi găng tay đắt tiền ở ngoài tiệm! Tôi đưa ông về, ông không nhớ bất cứ điều gì ngoài căn nhà và đứa cháu nội đã khuất, một người phụ nữ với dáng vẻ mệt mỏi mở cửa và đón lấy ông từ tay tôi, bà cảm ơn tôi bằng một cái nhìn ái ngại. Tôi im lặng, khẽ chào ông và ra về nhưng ông không để tôi đi, ông thắc mắc tại sao tôi không vào nhà, tôi đành dỗ dành ông:

- Hôm nay cháu có một núi bài tập cơ, cháu phải làm chung với bạn rồi ngủ ở đó luôn, ông đừng lo nhé!

Ông khẽ gục gặc đầu, không quên dặn tôi cẩn thận, ông còn đứng ở trước cửa vẫy tay với tôi cho đến khi tôi đi khuất…

Mọi việc diễn ra đều đặn, có một ông già cứ đứng đợi tôi trên vỉa hè mỗi tối và liên tục kể về một cái gì đó tên là Khoai Tây với bộ lông vàng sậm, về cánh cổng bị khóa chặt mỗi tối và cách ông leo ra ngoài.

- Từ mai cháu nhớ về sớm nhé, nếu không, mẹ sẽ lại khóa cửa đấy! Mà chẳng may đi về muộn quá thì hãy cứ vào nhà, ông luôn chờ trước sân để mở cửa cho cháu mà, đừng sợ, ông không để mẹ mắng cháu đâu!

- Ông không ngủ ạ?

- Có chứ, ông ngủ trên cái ghế đá mà ông cháu ta vẫn chơi cờ ấy, nó hơi lạnh nên cháu nhớ về sớm một chút nhé!

Bất giác tôi ôm ông vào lòng, nước mắt lăn từng giọt trên má tôi nóng hổi, tôi nhận ra ông đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Bỗng dưng, tôi chợt nhớ đến lúc ông bỏ tiền vào cái chén của một người ăn xin mà chắng đắn đo gì, khi đó, trong bụng tôi thầm băn khoăn.

- Ông không sợ người ta giả vờ à?

- Giả vờ là gì?

- Là người ta cố tình tỏ ra nghèo để lấy tiền của ông đấy!

- Vậy à? Ông không biết điều đó, ông chỉ thấy người ta mặc áo rách tội quá thôi, Mẫn ơi!

Vừa nói, ông vừa nhìn tôi bằng cặp mắt lo lắng, ông sợ tôi sẽ giận ông. Tôi nhìn vào mắt ông và thấy mình thật đáng xấu hổ. Phải rồi! Tôi đâu cần phải quan tâm nhiều thế chứ, những băn khoăn vô lý đó đã biến tôi trở thành một kẻ “máu lạnh”, không biết xót thương trước số phận người khác mà chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình. Tôi lắc nhẹ vai ông:

- Không, ông nói đúng, người ta khổ hơn mình ông nhỉ?

Ông mỉm cười nhìn tôi, nụ cười chẳng có chút âu lo hay phiền muộn. Đôi khi tôi tự nhủ, có phải những bận tâm vì cuộc sống, vì miếng ăn, cái mặc đã khiến con người phải lo nghĩ quá nhiều? Tôi bắt đầu nghĩ khác về những bệnh nhân tâm thần – như ông. Tôi trò chuyện với ông vào mỗi buổi tối sau khi đi học về, tản bộ cùng ông là một thói quen mà tôi chẳng bao giờ muốn bỏ. Trong quãng thời gian ấy, tôi học được ở ông rất nhiều điều mà trước đây chưa ai nói với tôi. Tôi cười nhiều hơn, nói nhiều hơn và cả lắng nghe mình nhiều hơn nữa, tôi tập bày tỏ những suy nghĩ của mình, tôi thể hiện những hành động yêu thương đến người khác mà chẳng cần để ý nó có lố bịch hay không. Tôi nhận ra rằng được sống, được ở cạnh những người mà mình yêu thương là một điều gì đó thật tuyệt. Dù ông chẳng thể có được điều đó nữa nhưng tôi biết mình sẽ luôn nhớ đến ông, người đàn ông già nua mang tâm hồn của một đứa trẻ...

 

Một hồi trống dài vang lên, kéo theo đó là chuỗi những âm thanh ầm ĩ từ đầu đến cuối lớp học, tôi bỏ sách vở vào cặp, bước ra khỏi phòng học, hầu như chiều nào cũng vậy, tôi lủi thủi đi về trong cô đơn và vắng lặng. Tôi có nhiều bạn nhưng chúng nó lại được ba mẹ đưa đón cả. Hôm nay không khác với những hôm trước là bao, tôi chỉ mong đến tối! Trước sân trường có tiếng đùa cợt ồn ào, tôi phủi tay, khi nào chẳng thế, tôi luôn là người đứng ngoài những cuộc vui của các bạn. Tôi đưa mắt lãng đãng về phía đó. Có cái gì giữ chặt ánh mắt của tôi. Là ông! Và một đám học sinh xung quanh! Và sự trêu chọc! Và cả những hòn đá. Tôi thấy tim mình thắt lại, đau đớn và khổ sở. Tôi lao vào đám đông, nước mắt tôi giàn giụa trên hai gò má, ông lọt thỏm giữa đám đông, tôi chỉ biết ôm chầm lấy ông mà òa khóc nức nở. Lần đầu tiên trong đời, tôi để mặc cho nước mắt rơi, tôi cứ khóc mà chẳng sợ bị chế nhạo.

- Con điên!

 - Đồ tâm thần!

Những lời nói như vậy cứ vang lên, tôi kéo tay ông đi trước ánh mắt ngỡ ngàng xen lẫn chế giễu của người khác. Tôi không quan tâm đâu. Tôi muốn hét thật to nhưng lại chẳng thể. Tôi chỉ biết để mặc những cảm xúc đang vỡ òa trong tim và ngạc nhiên về điều kỳ lạ đang diễn ra trong mình.

 

Mọi người nói là gần như tôi đã thay đổi hoàn toàn, tôi chỉ cười thôi. Trong một lúc nào đó của cuộc đời, tôi biết có thể mình sẽ thua ai đó, có thể sẽ bị “dắt mũi” vì quá khờ khạo nhưng tôi bằng lòng về điều đó, tôi đã tìm thấy một sự bình yên thật sự trong cuộc sống của mình. Tôi đã chọn cách giải mã mọi thứ mà không cần phải băn khoăn quá nhiều đến những thứ mà mình sẽ có được. Bạn biết không, quả thật, tôi đã từng luôn tin vào sự tỉnh táo, chính xác cần có của một “cái đầu lạnh” khi mà cuộc sống luôn luôn là một bài toán phức tạp nhưng có lẽ bây giờ đã khác, bạn có thể cho là tôi vô lý nhưng sao cũng được, tôi sẽ sống theo một cách khác và bằng tất cả những gì tôi cảm nhận được!

T.T.H