“Người Quảng lo xa” - Tập phiếm đàm thú vị của Phan Văn Minh về đất và người xứ Quảng - Nguyễn Kim Huy
Phan Văn Minh, tác giả ca khúc nổi tiếng "Cả nhà thương nhau" thường được biết đến như là một nhạc sĩ tài hoa hơn là một nhà văn, dù anh đã có nhiều tác phẩm thơ và truyện ngắn được in báo, xuất bản, đoạt được nhiều giải thưởng văn học. Mới đây, năm 2013, anh đã ra mắt tuyển tập truyện ngắn BẢN HỢP XƯỚNG MÙA ĐÔNG, và tiếp sau đó, năm 2014, là một album ca khúc thiếu nhi CON NÍT CON NÔI. Văn, thơ hay ca khúc Phan Văn Minh đều cuốn hút người đọc bởi sự tinh tế, sắc sảo pha nét hài hước, dí dỏm mà sâu sắc.
Những nét tài hoa trong phong cách sáng tác ấy lần này được tập trung thể hiện rõ nhất và đầy đủ nhất ở tập "NGƯỜI QUẢNG LO XA" với một thể loại có lẽ hợp nhất với ngòi bút Phan Văn Minh: phiếm đàm.
Xuyên suốt 272 trang khổ 13.20 của tập sách, là 40 câu chuyện hấp dẫn, được viết ra một cách rất tự nhiên, như tác giả đang to nhỏ tâm sự chia sẻ cùng người đọc, từ những vấn đề có tính chất lớn lao, nghiêm túc mang tầm "quốc gia đại sự" như "Thơ Việt đương đại và cuộc tiến hóa của chữ nghĩa" hay "Không gian tác phẩm", "Bảo tồn đồng dao trong tâm thức Việt", ... đến các vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt, mang dáng dấp "ao làng" như "Đi mời đám giỗ", "Mùa chạp mả", “Ngày nay đám cưới ở làng”..., từ những vấn đề mang tính lý luận như "Bàn về tính hiện đại trong âm nhạc", “Từ Rap/Hiphop đến thơ Tân hình thức”, “Thành đạt và hữu dụng”... đến các vấn đề sáng tác của văn nghệ sĩ như "Lan man chuyện thâm nhập thực tế sáng tác", "Bi hài các cuộc thi sáng tác", "Vui buồn nhuận bút", "Kỉ niệm về những lần bị rượt", “Những vần thơ nghịch”... Đặc biệt, những trang viết đằm thắm nhất, trữ tình nhất là những trang viết anh dành cho quê hương, cho đất và người xứ Quảng với những đặc trưng tính cách, tình cảm, ngôn ngữ, lối ứng xử đã "nổi tiếng" như tính hay cãi, ăn cục nói hòn, cái nết lo xa... được thể hiện qua những câu chuyện nhỏ hằng ngày như cách đi mời đám giỗ, đi ăn cưới, chạp mả, đi chợ quê, chuyện tiếu lâm, nói lái, lẫy Kiều... đến những chuyện rất lạ tưởng đã đi vào ký ức như... ăn cơm phá nhà, chuyện kiêng cữ, tiếng trống báo tang, các trò chơi của trẻ mục đồng... Là một công dân rặt Quảng, Phan Văn Minh hiểu khá tường tận văn hóa Quảng qua cách ăn uống, nói năng, kể cả trong văn học. Trong bài “Giọng Quảng” anh viết: “...Hình như trong câu nói của người Quảng, nhiều tiếng, nhiều từ đã bị giản lược tối đa và được hiểu ngầm qua ngữ điệu. Thử nghe một mẩu đối thoại sau đây giữa một phóng viên người Bắc và một nông dân Quảng:
- Chào bác ạ ! Năm nay chắc đồng mình được mùa bác nhỉ?
- Ri đây! Xơm xơm rứa chớ mấy hột!
- Sao vậy bác ? Cháu thấy lúa mùa này bông to, trổ đều lắm mà!
- Bạc lạc hết! Mới phun đòng gặp bấc chịu chi nổi.
- Gió mùa đông bắc hả bác? Thế bà con mình có gieo sạ đúng theo lịch thời vụ không bác?
- Họ mần mình mần, lịch chi!
- Chứ bên nông nghiệp ở huyện và xã không có chỉ đạo gì sao bác?
- Rứa hay rứa, biết chi mô.
Hoặc hãy đọc một đoạn trong câu chuyện "Người Quảng lo xa " sau để biết rằng người Quảng mình vốn lo xa như thế nào trong con mắt rất tinh của nhà văn Phan Văn Minh:
“...Người làng tôi đến nay vẫn còn kể nhau nhiều câu chuyện về bác Sáu, mặc dù bác qua đời đã khá lâu. Bác cũng chỉ là một nhà nông nhưng có nhiều công đức với bà con trong làng nên ai cũng mến trọng. Bác bị ung thư vòm họng, khi hay biết thì đã đến giai đoạn ba. Lo rằng con cái sau này không ai bày biểu, trong những ngày cuối đời bác nhờ người sửa sang lại nhà cửa, đan lát hàng tá thúng mủng đủ cỡ chất đầy giàn. Rồi bác thuê thợ dựng bia mộ cho tất cả những người đã khuất trong gia tộc, và cũng không quên đúc sẵn cho mình một tấm với mộ chí tuổi tên đầy đủ, chỉ chừa lại ngày mất. Bác đốn tre vườn làm đòn khiêng, chẻ vài bó lạt, may sắm sẵn đồ tang chế, tính toán sao cho tất cả gia quyến nội ngoại đều…có phần. Bác lại gọi thằng cháu họ được coi là “hay chữ” đang đi học ở xa về, giao cho nó nội trong một ngày đêm phải hoàn thành bài điếu văn và một cặp liễn thờ hai bên linh sàng. Thằng cháu viết xong, vừa sụt sịt nghẹn ngào vừa đọc trước mặt ông chú đang sống sờ sờ. Ông chú còn góp ý vài câu chữ, gật gù khen hay rồi phất tay bảo nó trở ra trường. Sau đó bác Sáu cho mời thầy địa đến xem đất, coi ngày rồi lên giường nằm liệt suốt ba ngày. Đến ngày cuối cùng, lúc gần nửa đêm bác chợt ngồi dậy, gọi vợ con lại vừa dặn dò mọi việc vừa hỏi chừng: Mấy giờ rồi? Tới khi đồng hồ trên tường chỉ đúng số 12, bác ra hiệu đặt bác nằm xuống, đầu quay ra phía ngoài. Chỉ mấy phút sau, bác trân mình vài cái rồi tắt thở. Sau này ông thầy địa mới tiết lộ rằng bác Sáu rất sợ phải chết vào “ngày trùng”, bởi trong gia đình đã có hai người qua đời vào những ngày như thế. Ngày cuối đời của bác Sáu theo “lịch vạn sự” cũng là ngày trùng. Có lẽ vì thế mà bác hỏi giờ để gắng sức bình sinh vượt qua giờ “chánh Tí” để đến ngày hôm sau mới chịu nhắm mắt xuôi tay!"
NGƯỜI QUẢNG LO XA... còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện thú vị như vậy mà ẩn sau nó là một cái nhìn nhân văn sâu sắc, một tình yêu con người và mảnh đất quê hương sâu nặng đằm thắm. Hy vọng tập sách sẽ được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt như tâm thế nồng nhiệt của tác giả đã gởi vào từng trang sách...
N.K.H