Cây bơ ở khu đất trống - Trịnh Thị Liên
Giải Nhất (Lớp 11C1, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn)
Tôi thích Quân từ khi chúng tôi là học sinh lớp 2. Không phải “thích” - thích trong ngoặc kép, tôi coi cậu là bạn thân đặc biệt, cậu quan trọng với tôi. Lúc đấy tôi chưa có khái niệm tình cảm gì cả. Nghe hơi ích kỷ, nhưng đối với tôi, chỉ cần Quân luôn ở bên cạnh, nghe tôi nói, cậu cười cũng được, không nói gì cũng được. Chỉ cần cậu ở bên tôi, chúng tôi sẽ thân như thế, vậy là đủ rồi. Thật đấy, tôi thích đôi mắt của cậu ấy. Ngay từ ngày đầu tiên cậu ấy chuyển đến bên cạnh nhà tôi, tôi đã thích cậu ấy, và lúc ấy, tôi đã khờ dại tin rằng, cậu ấy cũng thích tôi nhiều như thế.
Tôi và Quân dính với nhau như sam suốt thời thơ ấu. Nói đúng hơn là tôi luôn lẽo đẽo đi theo Quân, mọi lúc, mọi nơi. Cậu bé Quân 7 tuổi khi đó không thích chơi với tôi, tôi cho rằng cậu ấy đang ngại, vậy nên tôi luôn tìm mọi cách để được chơi chung với cậu ấy. Quân lúc nhỏ cười rất nhiều, và mỗi khi cười, đôi mắt của cậu ấy dường như cũng cười theo, híp lại, không thấy mặt trời đâu nữa, nhưng thật sự thì khi Quân cười cũng đủ để tỏa ánh nắng rồi.
Tôi tự nhủ sẽ đi theo ánh nắng ấm áp ấy, thật lâu.
Di là một con bé phiền phức, phiền phức từ khi chúng tôi 7 tuổi! Nó cứ đi theo tôi suốt ngày, khiến tôi không thể tham gia chơi bất kỳ trò chơi nào với tụi con trai trong xóm. Vậy là tôi chỉ chơi với mỗi mình Di sau khi gia đình tôi chuyển nhà, chơi với mỗi mình Di! Đó là một nỗi phiền phức, cực kỳ phiền phức. Bạn có thể tưởng tượng nổi không? Khi bạn đang chăm chú chơi trò chơi xếp hình lego cực thú vị thì nó cứ lảm nhảm về cái cây nào đó, à, là cây bơ, cây bơ ở ngoài khu đất trống, về những con chim sẻ đậu đầy trong sân nhà nó, và ti tỉ thứ tôi chẳng quan tâm đến, và một mực rủ rê tôi đi chơi với nó. Đó là tuổi thơ của tôi, tuổi thơ không ngày nào không có giọng nói ríu rít như chim sẻ của Di.
Lớn lên, Di vẫn thường xuyên đi theo tôi, tôi không cho phép Di đến gần hay cùng nhau đến trường, vẫn là tôi đi trước, và Di ôm cặp lẽo đẽo đi sau. Chúng tôi đi xe buýt đến trường mỗi sáng, và điện thoại của tôi đều đặn vẫn nhận tin nhắn mỗi ngày từ Di. Dĩ nhiên là chỉ cậu ấy nhắn tin, còn tôi chỉ đọc mà không bao giờ trả lời lại. Vậy mà Di vẫn rất chăm chỉ nhắn tin cho tôi, chăm chỉ một cách phiền phức!!
“Quân này, mi biết không, hôm nay sân nhà ta lại có thêm hai con chim sẻ mớiiiii ”.
“Cây bơ dường như đã cao hơn rồi, hôm nay ta đã leo lên cây và ngắm hoàng hôn, đẹp lắm, mi có muốn leo lên với ta không?”.
“Quân này, ta ngửi thấy mưa, chiều nay trời sẽ mưa đấy!”.
Và thật ra, ở lớp, chúng tôi còn ngồi chung bàn nữa.
Quân luôn biết cách lắng nghe, cậu ấy luôn luôn im lặng nhưng vẫn âm thầm lắng nghe những câu chuyện của tôi. Cậu ấy lắng nghe tôi ở lớp, trong căn tin vào giờ ăn trưa, và vào buổi tối, khi tôi nhắn tin cho Quân. Tôi thật sự rất thích Quân, có lẽ vì nụ cười quá dịu dàng và thơ trẻ kia, vì cậu ấy có một đôi mắt lấp lánh, càng lớn hàng mi của cậu ấy càng dài đến đáng ganh tị và một trái tim luôn biết lắng nghe.
Tôi dành thời gian của mình để ở bên Quân, cậu ấy là người tôi gặp nhiều nhất chỉ sau bố tôi. Tôi thường hay nghĩ về Quân khi trèo lên cây bơ ở khu đất trống gần chỗ xe buýt đưa đón dừng lại và đưa hai đứa tới trường. Tôi chưa từng thấy cây bơ nào cao như vậy. Và khi ngồi lên cành chắc nhất của nó, tôi có thể nhìn thấy mọi thứ, tôi tưởng tượng như mình thấy cả thế giới. Tôi có thể ngồi trên cây hàng giờ liền, dậy sớm để ngắm bình minh, và tranh thủ xuống xe buýt thật sớm vào buổi chiều để leo lên cây ngắm hoàng hôn. Thật sự, cảnh tượng trước mắt tôi, thành phố của tôi hiện ra đẹp như tranh vẽ, tôi ngồi trên cây phóng ánh nhìn ra khắp cảnh vật, gió thổi mát cả tâm hồn tôi. Tôi tưởng tượng như mình đang ngồi trên một con thuyền, tôi dang hai tay ra và đón ngọn gió vào lòng. Mỗi khi như thế, tôi cảm thấy thật hạnh phúc, hạnh phúc lạ kỳ. Tôi nghĩ về Quân khi đong đưa chân ngắm nhìn và cảm nhận mọi thứ từ trên cao, tôi cảm thấy như Quân đang ở rất gần tôi, tôi thấy được đôi mắt của cậu ấy đang lấp lánh ánh cười, và tôi nghe cậu ấy thầm thì những điều tưởng chừng như bất tận.
Tôi nghĩ rằng cảm giác hạnh phúc dường như kéo dài mãi mãi khi tôi ngồi trên cành bơ. Tôi yêu cây bơ ở khu đất trống bằng một tình yêu lạ kỳ. Tôi ước gì Quân chịu leo lên cây chung với tôi, cành bơ rất chắc chắn, và chúng tôi sẽ cùng nhau ngắm ánh nắng mặt trời, là ánh bình minh, hay hoàng hôn, ánh nắng ấm áp bao trùm lên cả thành phố, những cơn gió trong không gian lay động những tán lá. Những buổi hoàng hôn rực rỡ. Những chiều chạng vạng nhuộm ánh cam hồng huyền bí. Những thời khắc cuối ngày chìm ngập trong sắc cam đỏ thiêu đốt những đám mây tận cuối chân trời. Tôi ôm lấy cành cây, sờ vào lớp vỏ xù xì của nó, và tôi cảm thấy như cây bơ là người bạn tri kỷ, nó lắng nghe mọi thứ, giống hệt như Quân, ở trên cây, tôi cảm thấy tự do, mát mẻ.
Tôi muốn có phép màu dừng lại ở khoảnh khắc tôi phóng ánh nhìn ra xa, thật xa ở trên cao. Những chú chim sẻ ở sân nhà tôi mỗi sáng sớm đều bay đến đây, chơi với tôi. Xung quanh tôi ríu rít tiếng chim, tôi quý tất cả như những người bạn. Những người bạn đặc biệt.
Khi leo xuống rồi, tôi vẫn cứ nghĩ mãi về cảm giác được đứng thật cao trong tán lá khi ấy. Tôi muốn được nhìn lại, được cảm nhận lần nữa, và lần nữa.
Dĩ nhiên, tôi chia sẻ tất cả những cảm giác kỳ diệu ấy cho Quân. Và Quân luôn luôn lắng nghe những tâm sự của tôi. Tôi thường vẽ cậu ấy là một con thỏ bông có đôi tai to và không có miệng, bởi vì cậu ấy thường lắng nghe tôi và không bao giờ nói hay nhận xét gì. Tôi thích cách cậu ấy lắng nghe. Bố tôi nói, những người thường xuyên lắng nghe là những người cảm nhận mọi thứ bằng trái tim.
Tôi vô cùng phiền muộn và ngán ngẩm khi Di cứ suốt ngày kể về cái cây bơ của nó. Cái cây bơ đó mọc trên ngọn đồi trong khu đất trống ở ngôi làng Đông Phước, và nó cực to. Cực to và cực xấu. Thân nó xoắn lại, đầy mấu và cong gập. Tôi thì lúc nào cũng mong cho gió thổi bay cái cây đó đi luôn cho rồi.
Một ngày nọ, tôi quá ngán ngẩm vì con bé Di cứ lải nhải về cái cây ngu ngốc ấy, lần đầu tiên tôi dừng lại câu chuyện của nó và nói rằng, cái cây bơ đó thật ra nó chả đẹp đẽ gì cả, mùa này nó không có quả, và là cái cây vô dụng và xấu xí nhất trần đời. Bạn có biết con bé nói gì không? Con bé tròn xoe mắt nhìn tôi một lúc lâu và nói mắt tôi có vấn đề. Tôi giận điên người, và thế là tôi bỏ đi, không thèm nói chuyện với nó nữa.
Trường trung học cơ sở Nguyễn Khuyến ở xa nhà, tôi phải đi xe buýt đưa đón để đến trường, mỗi lần đứng đợi xe buýt ở khu đất trống có cây bơ, tôi đều phải chứng kiến cảnh con khỉ con ấy leo trèo ở trên đó. Ở đời ai lại có con gái học lớp tám rồi mà còn suốt ngày leo cây. Có một lần khi con bé nhảy từ cành thấp nhất trên cây xuống, nó va phải tôi, cả hai cùng ngã nhào, và tôi đau kinh khủng, ê ẩm toàn thân, và thế là tôi quyết định mỗi sáng đến trường sẽ đứng cách xa Di, và tránh xa luôn cả cái cây xấu xí đó.
Cho đến một ngày, tôi đến khu đất trống thì thấy mọi người tụ tập rất đông ở trên đó, Di thì ngồi tít ở trên cao, và xung quanh xôn xao tiếng la hét. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra cho đến khi tôi lên đồi và thấy những cái xe tải và cưa máy ở đó. Tôi hiểu họ muốn làm gì. Và tôi cũng hiểu vì sao Di không chịu leo xuống.
Mọi người cố gắng gọi Di xuống, ông chủ khu đất muốn xây một căn nhà ở đó. Nhưng con bé nhất định không nghe. Nó khóc to và cố van nài tôi leo lên cây với nó.
“Quân ơi, mi leo lên cây với ta đi, chỉ cần leo thấp thấp thôi cũng được, khi có chúng ta ở trên cây họ sẽ không dám chặt đâu, Quân ơi mi leo lên đi, làm ơn leo lên đi mà …”.
Con bé vừa nói vừa khóc nên chỉ nói được vài tiếng là tôi lại nghe tiếng “hức..hức”. Tim tôi bỗng dưng thấy nhói nhói. Bạn đừng hiểu lầm, tôi không phải thương tiếc gì cái cây bơ xấu xí đó, nhưng Di yêu cái cây. Tôi biết Di yêu cái cây, nghe hơi khùng khùng nhưng chính xác là nó yêu cái cây đó. Người ta chặt mất cái cây, thế là chẳng phải là đang dùng cưa máy cứa vào tim gan nó hay sao?
Di vẫn khóc không ngừng, tôi chần chừ lưỡng lự trước lời khẩn khoản van nài của nó, và khi xe buýt dừng lại, tôi nhìn Di đang đưa ánh mắt ướt đẫm nhìn tôi, tôi nhìn con bé vài giây mà tưởng chừng như cả thế kỷ, và rồi tôi leo lên xe, để lại mọi tiếng ồn ào náo động xung quanh.
Và để lại cả những giọt nước mắt sau lưng mình.
Quân đã bỏ đi. Cậu ấy đã leo lên xe buýt và đến trường mặc cho tôi khóc lóc van nài cậu ấy. Vài chú cầm cưa máy đến sát gốc cây và dọa sẽ chặt cái cây nếu tôi không chịu leo xuống. Tôi không thèm nghe, tôi ôm chặt thân cây và tiếp tục khóc nức nở. Tại sao họ lại muốn chặt cây bơ tôi yêu quý nhất cơ chứ? Tại sao tất cả bọn họ, kể cả Quân, và những người đang cố kêu gọi tôi xuống kia, lại không một lần leo lên đây, chỉ một lần thôi, để cảm nhận mọi thứ giống như tôi, và sau đó tôi tin chắc rằng sẽ chẳng một ai muốn chặt cái cây đi cả. Tôi khóc nhiều đến mức mắt tôi nhòe đi vì đẫm nước và tôi không thể thấy gì cả, tôi chỉ nghe thấy tiếng người ta la hét gọi tên tôi và tiếng ồn ào ở phía dưới. Tôi rất hoảng sợ. Tôi thật sự rất muốn có Quân ở đây, vậy mà cậu ấy đã bỏ đi, tôi đã chờ đợi cậu ấy lên tiếng hoặc hành động gì đó để bảo vệ tôi và cái cây, nhưng cậu ấy đã nhìn tôi rồi quay lưng đi mất. Tôi tưởng như đức tin trong tôi vỡ vụn ra thành hàng trăm mảnh, và tôi càng khóc nhiều hơn.
Mẹ đến, và mẹ kinh ngạc nhìn tôi, mẹ gào thét rằng tôi hãy leo xuống ngay lập tức. Mẹ chẳng hiểu gì cả. Tôi cứ tiếp tục ôm cái cây cho đến khi bố đến, bố bắc thang leo lên với tôi, và bố khuyên tôi hãy xuống. Tôi òa khóc với bố, chắc chắn bố sẽ hiểu tôi, vì bố là người cũng thường xuyên lắng nghe tôi và bố đã từng nói rằng, những người thường xuyên lắng nghe người khác là những người cảm nhận mọi thứ bằng trái tim. Vậy mà Quân đã bỏ đi, phải chăng bố đã sai? Bầu trời dường như tối sầm trước mắt tôi. Tôi vừa khóc vừa nói với bố về những điều tuyệt vời của cây bơ, những điều tuyệt vời mà không ai ngoài tôi cảm nhận được từ nó, cảm nhận bằng trái tim và tất cả tâm hồn mình. Bố nhẹ nhàng nói với tôi rằng không có điều gì tuyệt vời cũng không có cảnh nào đẹp hơn sự an toàn của con gái bố cả. Và tôi gần như lịm đi khi bố đưa tôi xuống.
Lần đầu tiên trong đời, tôi nghỉ học. Tôi không muốn đối diện với Quân và với tình cảnh này. Bố cõng tôi về nhà và khi tôi đã quá đau đớn và mệt mỏi, tôi ngủ trên lưng bố. Tôi chỉ nhớ rằng mình đã ngủ rất lâu.
Và tôi đã nhớ rằng mình đã đầu hàng, mình đã không bảo vệ được cây bơ ở khu đất trống. Và Quân đã bỏ đi.
Kể từ ngày cái cây bơ ở khu đất trống bị chặt đi, Di không đến đợi xe buýt chung với tôi nữa. Nhưng con bé vẫn đến trường, Di vốn là học sinh giỏi mà. Con bé hầu như không nghỉ một buổi học nào chỉ trừ ngày hôm đó. Thế nhưng Di không còn huyên thuyên kể chuyện với tôi suốt ngày nữa, điện thoại tôi cũng không còn rung lên từng hồi vì tin nhắn của nó. Con bé cũng không cố gắng giơ tay thật cao để tranh giành phát biểu trong những tiết học, cũng không cố gắng chạy thật nhanh ra căn tin vào giờ ra chơi nữa. Nó chỉ ngồi, im thin thít.
Tôi tự nhủ tôi nên vui vì điều đó, cứ như là Di đã vô hình vậy. Tôi không còn phải nghe con bé nói suốt ngày và chạy nhảy, leo trèo linh tinh nữa. Thế nhưng thật ra tôi lại chẳng hề vui chút nào. Vì chuyện cái cây của nó, về cái cách nó im lặng khác thường, vì cái cách nó vội vã lấy cơm và lên lớp ăn trưa một mình, vì đôi mắt hoe hoe đỏ của nó. Tôi chỉ muốn chạy đến và nói với nó rằng : “Này, ta xin lỗi vì chuyện cây bơ”.
Thế nhưng tôi không tài nào mở miệng ra được. Tôi cứ im lặng nhìn Di dần dần cách xa tôi. Mọi thứ xung quanh tôi bỗng trở nên trống trải lạ kỳ.
Thì ra Di đi học bằng xe đạp, tôi nghe Thế Anh nói thế, nó nói thấy con bé Di gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ và gỉ sét, cọc cạch đạp đến trường. Tôi tự nghĩ rằng rồi Di sẽ mau chóng quên chuyện cái cây và đi xe buýt lại với tôi thôi, vì trường Nguyễn Khuyến rất xa. Vào một ngày trời mưa tầm tã, tôi tin chắc rằng Di sẽ đến đợi xe buýt, thế nhưng không, Thế Anh nói với tôi rằng, nó thấy Di mang áo mưa và đạp xe đến trường. Vì chiếc áo mưa ngắn và vì trời mưa rất to, nên đến lớp, tôi thấy chiếc quần xanh của Di ướt đẫm từ đầu gối trở xuống. Không hiểu sao khi nhìn thấy cảnh tượng ấy, lòng tôi quặn thắt.
Tôi đã khóc suốt hai tuần liền. Tôi không thể chịu đựng nổi những buổi chiều thiếu vắng cây bơ và cảm giác được phóng tầm nhìn ra xa, cảm nhận vẻ đẹp của hoàng hôn. Tôi không giận Quân, tôi thấy giận mình hơn. Tôi đã hiểu sai cảm giác của cậu ấy, cậu ấy không hề thích tôi một tí nào, và hẳn suốt thời gian qua cậu ấy đã cảm thấy rất phiền, và tôi nên để cho Quân yên ổn. Tôi quá buồn và xót xa đến rụng rời vì thế tôi không nói được gì. Bình thường mỗi khi có chuyện cần tâm sự tôi chỉ hay thủ thỉ với cây bơ, Quân và bố. Vậy mà đột nhiên bây giờ tôi không thể kể chuyện với bất kỳ ai, và điều đó làm tôi khổ sở kinh khủng. Bố mẹ lo lắng nhìn tôi.
Tôi tránh việc nhìn thấy cảnh cây bơ không còn ở khu đất trống nên đã quyết định không đi xe buýt đưa đón của nhà trường nữa. Tôi lấy chiếc xe đạp trong kho ra và nhờ bố sửa lại dây xích. Tôi đạp xe đi học mỗi ngày, mặc dù trường ở rất xa, tôi đạp để quên đi nỗi buồn. Mặc dù nó vẫn tồn tại, vẫn hiển hiện và vẫn làm tôi đau đớn. Một con bé 14 tuổi không thể chịu nổi sự ra đi của một cái cây!
Tôi cảm thấy thật sự trống trải, tôi không thể kể cho ai nghe những tâm sự cũng như những nỗi buồn của mình, tôi tự nhốt mình trong phòng và khóc nức nở. Bố vào phòng tôi và hỏi mọi chuyện đã ổn chưa. Tôi gật đầu và nói:
“Chẳng có gì cả bố, nó chỉ là một cái cây!”.
“Bố biết nó không đơn thuần là một cái cây, bố hiểu mà”.
Tôi òa khóc trong lòng bố, bố xoa đầu tôi, và rồi tôi không khóc nữa. Nhưng tôi vẫn buồn, vẫn im lặng, vẫn tránh ánh nhìn của Quân trên trường, và vẫn đạp xe đi học mỗi ngày.
Một ngày nọ, tôi đang học môn Sinh học trên trường. Cô đang giảng gì đó về thực vật, nhìn hình cái cây trong sách giáo khoa, tôi bỗng nhớ cây bơ của tôi khủng khiếp. Tôi nhớ từng tán lá, tôi nhớ từng vết lồi lõm trên thân cây, và tôi nhớ cả khung cảnh huy hoàng của ánh nắng hoàng hôn mỗi buổi chiều phủ khắp vạn vật. Và thế là tôi khóc, cả lớp nhìn tôi, cô giáo dừng giảng bài. Không thể chịu đựng nổi, tôi không nói gì mà lặng lẽ xin cô ra ngoài. Đến cửa lớp tôi gần như bỏ chạy. Tôi chạy đến bậc tam cấp ở sau trường và gục đầu lặng lẽ khóc. Tôi nghe thấy bước chân sau lưng mình, nhưng tôi mặc kệ. Tôi khóc để vỡ tan những khối buồn đè nặng trên ngực mình, khóc cho nỗi đau đớn đang chảy tràn trong tim tôi, tôi không biết làm thế nào để lấp đầy những khoảng trống to lớn mà cây bơ để lại, tôi hoang mang, và tôi buồn. Một nỗi buồn dai dẳng và đầy đặn.
Tôi cảm nhận được dáng người nhỏ bé của Di đang run lên bần bật bên cạnh tôi, tôi nhìn sang và kinh ngạc thấy mắt con bé giàn giụa nước. Nó nhìn chăm chăm vào sách giáo khoa và khóc. Cô Hoa dạy Sinh ngay lập tức dừng bài giảng của mình và hỏi Di xem có chuyện gì xảy ra với con bé. Tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra, và tôi thấy ân hận ghê gớm. Tôi luôn nghĩ rằng vì tôi mà Di mới buồn sâu sắc đến như vậy, tôi đã làm cho Di tổn thương. Con bé cắn răng không nói lời nào, lầm lũi bước lên xin cô cho ra ngoài, và đến cửa lớp, Di bỏ chạy. Tôi không cầm bút nổi nữa. Tôi bần thần nhìn Di chạy đi và tôi có cảm tưởng con bé đang chạy vụt ra khỏi cuộc đời tôi. Ký ức về Di, về tuổi thơ của chúng tôi suốt 6 năm qua bất chợt hiện về trong một chớp mắt. Tôi bỗng có cảm giác Di quan trọng với tôi biết bao nhiêu, tôi đã và đang dần để Di rời xa tôi. Trong một thoáng, tôi chạy ra khỏi lớp và đuổi theo Di, mặc kệ ánh mắt kinh ngạc của cô Hoa và các bạn.
Tôi bước chậm lại khi thấy Di ngồi trên bậc tam cấp, đầu gục trên cánh tay, theo cái kiểu sẽ không bao giờ ngẩng lên nữa.Trong một phút lòng tôi như tan chảy khi bắt gặp ở cô bạn thân yêu cái dáng vẻ ủ rũ thảm sầu ấy.Lúc này trông nó chẳng khác nào con chim sẻ non bơ vơ khi chiều xuống, chẳng buồn ríu rít như mọi ngày. Tôi khẽ gọi nhưng dường như Di không nghe thấy, đầu vẫn gục thiểu não trên hai cánh tay, tóc xõa lệch một bên vai, nó ngồi co rút trông như một pho tượng được nỗi buồn chạm trổ và đem đặt ở bậc thềm từ thời nào xa xôi lắm. Có lẽ con bé vẫn còn khóc. Tôi tự nhủ rằng mình sẽ không thể bỏ mặc những giọt nước mắt ấy thêm một lần nào nữa.
Tôi ngồi xuống bên cạnh và khẽ chạm tay vào vai Di. Con bé giật mình quay sang nhìn tôi đang ngồi bên cạnh. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt con bé, và Di ngừng khóc. Di mở to mắt nhìn tôi, đôi mắt đỏ hoe. Tôi chẳng thể suy nghĩ được gì hơn nữa. Tôi lấy trong túi ra một miếng băng dán cá nhân, tôi nhẹ nhàng dán nó lên ngực áo trái của Di, ngay chỗ trái tim. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ học lớp tám, tôi nghĩ rằng miếng băng dán đó sẽ hàn gắn những tổn thương của con bé. Và tôi cố gắng nói lên câu tôi đã muốn nói hàng trăm lần nhưng không được:
“Ta xin lỗi mi về chuyện cây bơ”.
Di im lặng. Dáng người nhỏ bé ấy run run, và rồi con bé đứng lên, quay lưng lại với tôi và chầm chậm bước vào lớp. Tôi thất vọng nhìn theo bước chân buồn bã của con bé. Và tôi bối rối đến nỗi hai bàn tay đan vào nhau, cảm thấy bản thân thừa thãi đến tội nghiệp.
Tôi nhớ con chim sẻ Di ồn ào, ríu rít suốt ngày bên cạnh tôi biết bao nhiêu.
Quân nói xin lỗi tôi vì chuyện cây bơ. Tôi cảm thấy bối rối quá thể. Cậu ấy xuất hiện đúng lúc tôi đang ở đỉnh điểm của nỗi buồn, đến mức không thể chịu đựng nổi nữa. Phải chăng bố đã đúng khi cho rằng Quân là người cảm nhận mọi thứ bằng trái tim? Giây phút Quân chầm chậm và nhẹ nhàng dán chiếc băng dán lên túi áo bên ngực trái của tôi, tim tôi như ngừng đập. Tôi không thể né tránh ánh nhìn của cậu ấy. Cậu ấy có một đôi mắt biết nói và nó đang lấp lánh. Tôi hoang mang đứng dậy và bỏ đi.
Tôi không biết nên nói gì với Quân cả, rằng tôi không giận cậu ấy, tôi chỉ nghĩ rằng cậu ấy không thích và cũng không hiểu tôi, cậu ấy không muốn tôi làm phiền đến cậu ấy bằng việc ồn ào suốt ngày. Tan học, tôi đạp xe một mạch về nhà và chui vào phòng kéo chăn trùm kín đầu. Tôi không biết nên làm gì, nhưng nỗi buồn của tôi đã vơi đi một nửa. Tôi có một niềm tin mơ hồ là Quân hiểu tôi. Người mà tôi thích vô cùng, gắn bó với thời thơ ấu của tôi, cậu ấy hiểu nỗi buồn của tôi.
Tôi suy nghĩ mãi và ngủ thiếp đi.Tiếng điện thoại reo lên liên tục đánh thức tôi dậy. LÀ QUÂN GỌI. Lần đầu tiên kể từ năm lớp sáu hai đứa có điện thoại di động nhỏ xíu trắng đen ba mẹ mua cho, chưa bao giờ cậu ấy chủ động nhắn tin hay gọi điện cho tôi. Tôi run run nghe máy, giọng Quân vang lên hồ hởi :
“Di ơi, mi nhìn ra cửa sổ đi”.
Cậu ấy tắt máy. Tôi lập tức xuống giường và nhìn qua cửa sổ. Thật không thể tin được là Quân đang ở dưới đó, cậu ấy cầm xẻng xúc đất trong vườn. Bố cũng đã bước vào phòng và nhìn ra cửa sổ giống như tôi.
“Quân định trồng một cái cây hả bố?”.
“Ừ, bố nói sẽ giúp thằng bé nhưng nó nói nó phải tự làm”.
“Có phải đấy là ….”.
Tôi bất giác im bặt. Cổ họng dường như tắc nghẹn. Thực ra tôi không cần phải hỏi bố và bố biết bố không cần phải trả lời tôi. Tôi có thể nhận ra ngay nhờ hình dạng của chiếc lá. Đó là một cây bơ. Ngay lập tức, tôi nhận ra tất cả mọi thứ, tôi chạy ào ra khỏi phòng, phóng qua cầu thang và chạy thật nhanh ra vườn.
Quân đang đứng đó nhìn tôi, tay cậu ấy cầm xẻng chống xuống đất, tay kia vẫy chào và cười toe. Nụ cười tỏa nắng. Nụ cười đã chiếm lấy tâm hồn của tôi ngay từ những năm tháng ấu thơ. Tôi rụt rè mỉm cười với cậu ấy và nhìn sang cây bơ ở bên cạnh. Không rõ tại sao, nhưng tôi cảm thấy hai chúng tôi có một mối liên kết mơ hồ nào đó. Chúng tôi hiểu nhau.
“Mi có cần ta giúp để trồng cây bơ không?” – Tôi mỉm cười.
Cậu ấy nhún vai.
Tôi bỗng cảm thấy hạnh phúc, cây bơ nhỏ xíu ấy rồi sẽ dần lớn lên, và một ngày nào đó nó sẽ to lớn như cây bơ ở khu đất trống của tôi, rồi biết đâu, sẽ có một đứa trẻ nào đó leo lên cành cây và cây bơ sẽ thay đổi cuộc sống của nó cũng giống như cái cách cây bơ đã thay đổi cuộc đời của tôi. Và ngay trước mặt tôi, đôi mắt Quân đang lấp lánh.
Có lẽ một câu chuyện mới đang chính thức bắt đầu, ấm áp như ánh nắng của mặt trời lấp lánh trong đáy mắt người bạn thân yêu của tôi, đang bao trùm lên những ngôi nhà, trên những tán lá, mang đến sức sống cho cây bơ và sưởi ấm những giá băng ngăn cách trong tình bạn của chúng tôi.
Bố tôi nói đúng, những người luôn biết lắng nghe là những người cảm nhận mọi thứ bằng trái tim.
T.T.L