Những hoài bão cao quý hướng đến tương lai - Phương Mai

31.07.2015

Những hoài bão cao quý hướng đến tương lai - Phương Mai

Sau gần một tháng hoạt động, Trại sáng tác Văn học thiếu nhi năm 2015 đã kết thúc vào những ngày trung tuần tháng 7 vừa qua. So với những lần trước, Trại hè năm nay số lượng các em tham gia không nhiều hơn. Cụ thể, có 13 em tham gia, trong đó phần đông ở khối lớp 8. Tổng số tác phẩm dự trại là 25 bài, trong đó đa phần là văn xuôi, thơ chỉ có 2 bài. Tuy nhiên, điều đáng chú ý, năm nay hầu hết các em đều là những gương mặt hoàn toàn mới lần đầu đến với Trại sáng tác, và sự ham học hỏi, tình yêu văn học của các em là rất đáng khích lệ.

 

Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương, thành viên Ban tổ chức Trại : “Mỗi em đến với Trại đều hoàn chỉnh từ một đến vài ba tác phẩm. Năm nay nét mới là trong quá trình tham gia Trại của các em, Ban tổ chức đã đầu tư  nhiều hơn trong việc hướng dẫn, gợi mở xây dựng từng tác phẩm theo hướng nâng cao song vẫn tôn trọng được ý tưởng, tinh thần sáng tạo của các em …”.

Qua các tác phẩm dự trại, phần lớn nội dung cũng tập trung ở các đề tài: học đường, tình bạn, gia đình, cha mẹ, thiên nhiên, môi trường… Có những truyện hướng đến những suy tư, trăn trở của tuổi trẻ trước ngưỡng cửa tương lai, về sự sống cái chết, về thân phận làm người, về đức tính hy sinh… như truyện Cánh chim phương Nam ở trời Tây (Nguyễn Lê Thùy An, lớp 11C1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), Phép màu (Lê Đức Anh, lớp 7/3 Trường THCS Nguyễn Huệ), Đức hy sinh (Nguyễn Thị Thanh Hiền, lớp 8/1, Trường THCS Nguyễn Văn Linh), Hoài ức (Lê Thị Thu Phương (lớp 8/2 Trường THCS Nguyễn Phú Hường)… Có truyện lại hồn nhiên, vui tươi, nhí nhảnh như những đoạn phim hoạt hình như Ngôi sao lạ (Đinh Hoàng Lan Anh, lớp 8/1, Trường THCS Kim Đồng) hoặc Báo Tisu và cậu bé không bình thường (Trần Thu Hà, lớp 8/4, Trường THCS Nguyễn Công Trứ)…Và có những tản văn trong trẻo, nhẹ nhàng, đẹp như những bài thơ xuôi diễn đạt về những cảm xúc ở cuộc sống chung quanh như: Tiếng chim (Phan Quỳnh Hương, lớp 8/1, Trường THCS Nguyễn Văn Linh), Mưa đầu mùa (Nguyễn Minh Nguyên, lớp 8/1 Trường THCS Nguyễn Văn Linh), Chíp Chíp về quê (Nguyễn Thị Hoàng My, lớp 8/2, Trường THCS Nguyễn Phú Hường).

Mặt ưu điểm của các em ở Trại viết lần này, là hầu như mỗi em đều cố gắng tìm đến một nội dung mới lạ, độc đáo ít trùng lặp. Mặt khuyết điểm là ở một vài tác phẩm, một vài đoạn các em để lộ ra những chi tiết phô trương vụng về, hoặc cường điệu quá xa rời thực tế. Điều đó đã hạn chế khá nhiều đến hiệu quả sáng tác của các em. Về thơ chưa để lại ấn tượng đáng kể.

 Kết quả Trại sáng tác, theo đánh giá của các thành viên trong Ban tổ chức, những tác phẩm nổi bật, đáng chú  ý có thể được kể dưới đây:

 Cây bơ ở khu đất trống (Trịnh Thị Liên, lớp 11C1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) là câu chuyện giữa đôi bạn Di và Quân, từng gắn bó với nhau từ khi còn học lớp 2. Trong con mắt Di: “Quân lúc nhỏ cười rất nhiều, và mỗi khi cười, đôi mắt của cậu ấy dường như cũng cười theo, híp lại, không thấy mặt trời đâu nữa, nhưng thật sự thì khi Quân cười cũng đủ để tỏa ánh nắng rồi”. Còn trong con mắt Quân: “Di là một con bé phiền phức, phiền phức từ khi chúng tôi 7 tuổi! Nó cứ đi theo tôi suốt ngày, khiến tôi không thể tham gia bất kỳ trò chơi nào với tụi con trai trong xóm”. Với từng phân đoạn cắt lát đan xen, câu chuyện của Di và Quân quanh quẩn bên cạnh một cây bơ ở khu đất trống, gần chỗ xe buýt đưa đón hai đứa tới trường. Nội dung câu chuyện khắc họa đậm nét tình yêu thiên nhiên môi trường, đồng thời cũng thể hiện những tình cảm nhẹ nhàng trong sáng của tuổi học trò. Truyện diễn đạt khá hấp dẫn, mang nhiều tình huống kịch tính, nhưng chung quy đem đến người đọc một cái nhìn lạc quan như lời kết: “Bố tôi nói đúng, những người luôn biết lắng nghe là những người cảm nhận mọi thứ bằng trái tim”.
Giải mã (Trần Thị Huyền, lớp 9/1, Trường THCS Nguyễn Công Trứ) là một câu chuyện kể về mối quan hệ bí ẩn giữa một cô bé học trò lớp 6 tên Mẫn với một “lão già điên” thường lang thang cạnh trường học. Có lần, ông ấy đã từng chặn đường Mẫn tự xưng là “ông nội”, khiến cô ta hốt hoảng đẩy ông ra phóng vội…Thế nhưng, vào một ngày se lạnh, Mẫn đã đứng lại để ông già đưa đôi bàn tay nhăn nheo nắm lấy tay mình rồi đưa ông về đến tận nhà, nơi “ông không nhớ bất cứ điều gì ngoài căn nhà và đứa cháu nội đã khuất”. Và từ đó, Mẫn nhận ra “mình sẽ ở mãi bên cạnh ông, người đàn ông già nua mang tâm hồn của một đứa trẻ…”. Truyện có đề tài lạ, mang ý nghĩa giáo dục kín đáo và sâu sắc, rất cần thiết với bạn đọc trẻ hiện nay.

Mặt trời xanh (Sử Hà Hạnh Nhi, lớp 10/6, Trường THPT Phan Châu Trinh), chuyện tự sự về một người đi lạc vào giấc mơ của người khác. Nơi có dải cát vàng, sau lưng là những vết cát lún, bên cạnh là từng đợt sóng biển nối nhau lao vào bờ, và mặt trời xanh …Người được nhân vật “tôi” gặp gỡ  trong giấc mơ là cô gái có mái tóc ngắn, mảnh và cháy, làn da cũng màu sạm nắng, đôi mắt đen long lanh mơ hồ…Truyện có lúc dẫn dắt người đọc gặp gỡ cô gái ấy trong đời thật, có lúc lại đưa cô gái về lại giấc mơ, nhằm để minh họa một điều: cô gái ấy bị chứng bệnh trầm cảm, kể từ sau khi người bạn thân bị chết chìm trong sóng biển mà cô ta không cứu nổi. Cuối cùng chính nhân vật “tôi” đã cứu giúp cô gái ra khỏi giấc mơ bị ám ảnh của người bạn đã mất để được “ mơ giấc mơ của chính mình” và tiếp tục “sống cuộc sống của chính mình”.

 Trại sáng tác Văn học thiếu nhi 2015 đã khép lại. Có thể từ những thành quả ban đầu của Trại hè vừa qua sẽ chắp cánh năng khiếu cho các em bay xa hơn nữa. Cũng có thể đó chỉ là những kỷ niệm thú vị nho nhỏ rồi các em sẽ lãng quên. Nhưng điều quan trọng hơn cả, chính từ những sáng tác của các em để lại đã hứa hẹn cho ngày mai, một thế hệ mới kế thừa có trái tim xúc cảm biết yêu thương, yêu cái đẹp, không khoan nhượng cái ác, và có những hoài bão cao quý hướng đến tương lai.. 

P.M.