Phải chăng văn học viết về thiếu nhi đang bị lãng quên? - Trần Trung Sáng
Văn học viết về thiếu nhi phải chăng đang bị trì trệ hay bị lãng quên? Hầu như rất ít nhà văn có sáng tác dành cho thiếu nhi, vì sao? Trách nhiệm thuộc về ai? Vấn đề tưởng đơn giản, nhưng nhiều năm qua, trên cả nước, gần như vẫn chưa tìm ra được giải pháp thỏa đáng. Thậm chí, tại một Hội nghị thảo luận về văn học thiếu nhi, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ đã trăn trở nêu ý kiến : “Các nhà văn Việt Nam đang làm gì mà để con trẻ lớn lên từng ngày với những giá trị không thuần Việt? Tại sao cứ bàn nhiều đến chuyện giải cứu bất động sản mà ít ai bàn đến việc xây dựng tâm hồn Việt?”. Sinh thời nhà văn Tô Hoài cũng từng nói, sở dĩ văn học thiếu nhi ở ta tồn tại như hôm nay là do chúng ta đang thiếu một phong trào viết cho thiếu nhi. Muốn tạo ra được phong trào này phải có nhiều cuộc thi, phải chăm lo bồi dưỡng và quan tâm đội ngũ viết cho thiếu nhi, có những hỗ trợ thích đáng, kịp thời để tác phẩm có chất lượng đến được với bạn đọc…
Tại thành phố Đà Nẵng, nhìn lại những thập niên qua, cần phải ghi nhận, bên cạnh những nỗ lực của nhiều lĩnh vực trong hoạt động văn học, đã có không ít các đơn vị, tổ chức xuất bản và đặc biệt là một đội ngũ cầm bút có những đóng góp không mệt mỏi, để đem đến cho tuổi thơ những tác phẩm tâm huyết nhất của mình. Trong đó, về lĩnh vực thơ có thể nhắc đến những tác giả với nhiều tác phẩm có tiếng vang như: Ngân Vịnh, Đông Trình, Huy Lộc, Trương Văn Ngọc, Đỗ Xuân Đồng, Bùi Xuân, Trần Khắc Tám, Hoàng Minh Nhân... Về văn những tác giả thường xuyên có tác phẩm viết về thiếu nhi như: Đà Linh, Nguyễn Kim Huy, Thanh Quế, Quế Hương, Nguyễn Thị Thu Hương, Trần Trung Sáng, Bùi Tự Lực, Trần Kỳ Trung...Đặc biệt, trong thời gian gần đây, văn học về thiếu nhi đã góp mặt thêm một số tác phẩm của các tác giả Nguyễn Thái Phi, Nguyễn Thị Phú, Nguyễn Trung Kiên...
Trong số những cây bút nói trên, tỉ lệ tác giả và tác phẩm dành vị trí cao qua Giải thưởng văn học thiếu nhi toàn quốc hằng năm là rất đáng khích lệ.Tuy nhiên khách quan mà nói, đa phần những tác phẩm của các tác giả Đà Nẵng còn chưa phổ cập rộng rãi, so với các cây bút chuyên viết thiếu nhi ở hai đầu đất nước Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng cho rằng: “ Có thể nói Đà Nẵng có một đội ngũ khá mạnh chuyên viết về thiếu nhi, nhưng thực sự không được chú ý như hai đầu đất nước là do những mặt khách quan như khâu in ấn còn gặp quá nhiều khó khăn, khâu quảng bá còn nhiều hạn chế...Bên cạnh đó, còn là tình trạng chung của hoạt động văn học thiếu nhi cả nước. Ngay cả nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam còn phải lúng túng nói rằng, mấy năm nay đội ngũ viết cho thiếu nhi không giảm, nhưng in ở đâu mới là vấn đề. Vì thế giải pháp cấp thiết hiện nay là phải quy hoạch lại, phải có sự liên kết với các nhà xuất bản. Hiện Hội Nhà văn Việt Nam đang khôi phục lại Ban Văn học thiếu nhi và đang đề nghị xuất bản tờ Văn học thiếu nhi nhưng rất khó và chúng tôi vẫn đang chờ đợi”.
Nhà văn Bùi Tự Lực, một trong những tác giả viết cho các em khá sung sức bày tỏ: “Viết văn để bạn đọc chấp nhận được đã khó, viết cho thiếu nhi càng khó hơn nhiều, bởi các em là lớp bạn đọc rất trong sáng, hồn nhiên, vô tư, những tâm hồn rất nhạy cảm và giàu trí tưởng tượng; vì vậy đòi hỏi các tác phẩm cho các em không cầu kỳ trong ngôn ngữ, không phức tạp trong tình tiết, tất cả phải ngắn gọn dễ hiểu, nhưng yêu cầu giá trị thẩm mỹ và tính nhân văn phải cao. Người lớn đọc truyện có khả năng tự nhận thức và điều chỉnh, có khi còn “tự sửa sai” cho tác giả; còn các em rất thơ ngây và tin vào người lớn, các nhà văn và tác phẩm là thần tượng của tâm hồn các em. Các nhà văn viết một cái gì sai cho các em là coi như “chết chữ” rất khó sửa. Tuổi niên thiếu trong veo nhưng khá ngắn so với một đời người, là hồi ức rất xa xăm; cuộc sống quanh ta cuộn chảy như sông, gập ghềnh như thác; vốn sống của các nhà văn nhiều nhưng có thể lưng vốn cóp nhặt về tuổi thơ ít quá, nên nhiều khi các nhà văn cảm thấy đuối sức trước yêu cầu đọc của các em. Các em có thể đọc sách ở mọi nơi mọi lúc”.
Nhà văn Bùi Tự Lực cũng là một trong những người góp phần nỗ lực dành nhiều thời gian quảng bá văn học thiếu nhi đến với các trường học tại Đà Nẵng qua các hình thức giao lưu, giới thiệu tác giả - tác phẩm....Ông nói: “Là một tác giả văn học thiếu nhi, tôi nhận thấy mình còn nợ với các em nhiều lắm và đang có nhiều dự định. Hiện tại tôi đang hoàn chỉnh tập truyện ngắn viết về con chó, con chim…các con vật đáng yêu của các em và tập truyện vừa viết cho cậu con trai đã đi xa ba mẹ từ dạo ấy, sau khi vượt qua ngoạn mục một khối u não hiểm ác độ III, nhưng lại vấp ngã trước tai biến trên đường đời...”.
Trong khi đó, Nguyễn Thái Phi tác giả của tập sách Lung linh tuổi thơ (Nxb Văn Học, 2014) vừa ra mắt gần đây nêu nhận định: “Theo quan sát của tôi hiện nay văn học thiếu nhi rất phong phú. Dạo các nhà sách thấy đủ các loại từ sách gối đầu giường rất xa xưa như Những tấm lòng cao cả, Túp lều của bác Tôm… cho đến thể loại sách mới mang tính trào lưu bây giờ là những tập truyện tranh nhiều tập trong và ngoài nước. Nhưng xu hướng là các cháu ít thích văn xuôi mà thích truyện tranh do nội dung dễ hiểu, tranh vẽ thú vị và ấn tượng. Thực sự tôi cũng thấy truyện tranh rất thú vị, tuy vậy, theo trào lưu này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng diễn đạt cảm xúc cũng như việc học môn văn của các cháu do truyện tranh ít có tính văn học. Hiện nay học sinh học môn văn rất vất vả và phần lớn là không thích môn học này. Đã có rất nhiều bài văn ngô nghê, câu cú lộn xộn sai ngữ pháp của học sinh ngày nay được đăng tải trên các trang mạng xã hội. Đó là một thực trạng. Tôi nghĩ nhiệm vụ của các bậc phụ huynh là nên tìm hiểu và quan tâm hướng dẫn cho các cháu đọc hài hòa giữa các thể loại của mảng văn học thiếu nhi rất phong phú hiện nay thì các cháu mới phát triển khả năng tư duy văn học cũng như thỏa mãn nhu cầu giải trí được....”. Dù vậy, nói về dự tính của mình trong thời gian đến, Nguyễn Thái Phi cho biết: “Tuổi thơ luôn đáng yêu nên tôi vẫn đang ấp ủ sẽ viết ra những câu chuyện thú vị của tuổi thơ mình như một cách được trò chuyện với các cháu ở lứa tuổi mình ngày xưa và cũng như để tâm hồn mình mãi được trẻ thơ vậy…”.
Cũng trong một cuộc hội thảo về văn học thiếu nhi cách đây vài tháng, nhà văn Trung Trung Đỉnh khẳng định: “Đúng là dăm mười năm nay mảng văn học cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi của các nhà văn Việt Nam rất yếu. Yếu cả về số lượng và chất lượng. Các nhà văn không theo kịp nhịp điệu phát triển chung của tiến bộ xã hội, hay nói đúng hơn là sự thay đổi của xã hội. Một số nhà văn viết cho thiếu nhi mà tư duy vẫn y như cũ, nghĩa là vẫn câu chuyện về bác gà trống choai, anh dế trũi, cô bồ câu... Trong khi đó, con cháu chúng ta lớn lên trong một môi trường xã hội hoàn toàn mới. Bé tí teo đã được tiếp xúc với công nghệ mà trước đây nằm mơ cha mẹ cũng không có. Ngược lại, chúng chưa chắc đã phân biệt được quả đu đủ với quả lê khác nhau chỗ nào. Các nhà văn ta lớp tuổi 50 trở lên đa số kém sử dụng công nghệ, trong khi đó cuộc sống, nhất là cuộc sống giới trẻ hoàn toàn thay đổi. Và vì thế, tư duy cũng thay đổi, nhu cầu hưởng thụ khác xa với cha mẹ... Vì thế lớp nhà văn quan tâm việc viết cho thiếu nhi yếu dần đi. Cố cũng khó được”.
Còn theo nhà văn Lê Phương Liên: “Không có đề tài hay hoặc dở, hấp dẫn hay không hấp dẫn… mà chỉ có tác phẩm hay và không hay mà thôi! Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng, luôn vận động và phát triển từng giây, từng phút dù con người có muốn hay không. Những người đã từng viết cho thiếu nhi, nếu đang chuyển bút sang đề tài hoặc lĩnh vực khác cũng là một điều dễ hiểu. Và tình yêu văn học thiếu nhi vẫn âm thầm chảy cùng với sự vận động đó, và vẫn là nỗi khát khao sáng tạo của những nhà văn dành nhiều tâm huyết cho trẻ em. Sáng tác văn học thiếu nhi: Cần một cái nhìn đa chiều! Ngày nay, một bộ phận thiếu nhi ở thành phố, sống và học tập như rô-bôt được lập trình sẵn. Đồ chơi giải trí của các em đều là những máy móc hiện đại, đắt tiền. Cuộc sống các em gắn với “cuộc sống số”, cái cảm, cái nghĩ của các em xa lạ với những bạn bè khác cùng trang lứa. Rất nhiều em, bây giờ hoàn toàn không biết gì về các trò chơi dân gian của trẻ con. Không phân biệt được cây này với cây khác, con này với con kia… Khái niệm cực khổ, thiếu đói, các em hoàn toàn không có, trong khi một bộ phận khá lớn các em thiếu nhi ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa… lại khao khát, thèm muốn một phần rất nhỏ của đời sống thị thành. Các tập truyện như “Doremon”, “Harry Potter”… cho dù có là sách “best seller”, bán ra hàng trăm triệu bản, thì phần nhiều mang tính giải trí và cũng chủ yếu dành cho các em thiếu nhi ở thành phố”.
Trở lại với tình hình hoạt động thực tế về văn học thiếu nhi của thành phố Đà Nẵng, nhìn chung, sự quan tâm vấn đề này mới chỉ là bề nổi và dừng lại ở những hội nghị, hội thảo, tổng kết. Mặc dù, mỗi năm Hội Nhà văn Đà Nẵng phối hợp với ngành giáo dục vẫn duy trì đều đặn Trại sáng tác hè dành cho các em tạo được tiếng vang tốt, nhưng ở lĩnh vực viết về thiếu nhi hầu như không có một Trại sáng tác nào để cho các nhà văn tham gia. Cần lưu ý, nhiều năm liền, Hội Nhà văn và Nhà xuất bản Đà Nẵng có chủ trương ấn hành một tuyển tập sáng tác của 6 tác giả điển hình về văn học thiếu nhi, nhưng kết quả chỉ nằm lẩn quẩn trên các văn bản báo cáo dự kiến hàng năm, vì không xoay xở nổi khoản kinh phí ưu tiên dành cho mảng sáng tác này.
Rõ ràng đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông báo động. Những người có trách nhiệm với văn học địa phương cần phải đưa ra những kế sách thiết thực cụ thể để thúc đẩy tạo ra một phong trào viết cho thiếu nhi hiệu quả, có tính thiết thực và lâu dài. Làm được như vậy thì mới có sức thu hút, thay đổi suy nghĩ của nhiều cây bút tiềm năng đầu tư hẳn vào mảng đề tài này. Phải có nhiều người sáng tác, nhiều ấn phẩm viết về thiếu nhi, thì mới hy vọng trong năm mười tác phẩm sẽ tìm được một tác phẩm hay dành cho các em. Chuyện nghe không khó, nhưng làm không dễ. Bởi chúng ta có quyết làm hay không? Và bao giờ làm?
T.T.S