Những ngày sôi động - Lê Anh Hoài

31.07.2015

Những ngày sôi động - Lê Anh Hoài

Một chiều hè năm 1939, anh Nguyễn Sơn Trà nhắn tôi sang hiệu sách Việt Quảng. Vì đã sang đây nhiều lần cùng anh Khánh nên tôi không ngại nhưng lòng cứ lo lo không hiểu có chuyện gì. Đã mấy tháng nay anh Khánh vào Bình Định nuôi mẹ ốm chưa ra lại nhà. Một mình trông coi hàng quán, tôi chẳng để tâm đến những chuyện bên ngoài. Dẫu không đoán được sự việc song tôi nghĩ hẳn có điều quan trọng liên quan đến anh Khánh. Gác lại mọi việc, tôi sang hiệu sách Việt Quảng.

Vừa bước vào tôi đã thấy anh Nguyễn Sơn Trà chờ sẵn. Anh nói, giọng nghiêm trang “Mặt trận bình dân ở Pháp vỡ rồi. Nhất định bọn thực dân Pháp sẽ trở mặt đàn áp, khủng bố phong trào và những người hoạt động cách mạng. Anh Khánh đi vắng, chị hãy tìm những sách báo anh hay mang về đọc, cất thật kỹ ngay. Nếu bọn mật thám xét nhà tìm thấy sẽ nguy hiểm cho anh chị”. Tôi vụt nhớ đến những cuốn sách tiếng Việt có, tiếng Pháp có, những tờ báo Nhành Lúa, Dân Chúng, Tiếng Dân đang để ở nhà, lòng nóng hơ. Những sách báo này tôi vẫn thường đọc mỗi khi rảnh rỗi nên biết được chúng có ý nghĩa như thế nào. Không thể để những tài liệu ấy rơi vào tay bọn mật thám. Hôm đó, mãi đến 11 giờ khuya tôi mới rời Việt Quảng, mang theo hai thùng sách đã niêm kín do anh Nguyễn Sơn Trà giao. Giữ vẻ bình thản, tôi xuống ghe qua sông Hàn về An Hải. Trời về khuya trở nên tĩnh lặng. Ngồi trên ghe nhìn mặt nước yên ả, tôi bồn chồn mong chóng đến nhà. Con sông mọi ngày vẫn thế mà sao đêm nay trở nên dằng dặc trước mắt. Về đến nhà, suốt đêm tôi hì hục chọn lựa, đóng gói, bê đi giấu cho kỳ hết trước khi trời sáng.

Lúc anh Khánh còn ở nhà bọn mật thám đã để ý. Thời gian đầu mới cưới nhau, tôi không biết anh Khánh làm nhiệm vụ gì. Chỉ thấy anh hay đến các nhà bên khu Đông này nói chuyện. Mỗi lần có sự kiện gì lại thấy bà con bên này kéo sang bên kia tham gia. Tôi ở nhà nghe bà con nói mới hay mọi người tham gia những cuộc bãi thị, biểu tình, đình công, đi đón tiếp phái bộ Godart, nghe Phan Thanh nói chuyện ở rạp hát Hòa Bình, bỏ phiếu cho Đặng Thai Mai ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ...Dần dà tôi được biết chính anh là người đã vận động quần chúng hưởng ứng những hoạt động này.  Bấy giờ bọn chúng đã theo dõi anh nhưng chưa làm gì, lúc này mới ra mặt uy hiếp.

Mươi ngày nửa tháng bọn mật thám lại xét nhà. Anh Khánh thì đôi ba tháng mới đáo lại nhà, không sao bàn bạc được. Trong lúc đang tìm cách tôi bỗng nghĩ ra giữa nhà tôi và nhà cha ruột tôi có một đường luồng thường đổ gạch đá vụn trước đây tôi chẳng hề quan tâm. Giờ nhìn lại tôi bỗng nghĩ ra sẽ cất giấu tài liệu ở đấy. Canh chừng lúc không có người tôi dồn gạch đá vụn, đào đất chôn xuống. Mãi đến ngày khu Đông giành chính quyền, tôi mới đào số tài liệu ấy lên giao lại cho cách mạng.

Lâu lâu không thấy anh Khánh về, tôi lại trông. Tôi cũng không còn hay qua hiệu sách nữa. Lúc trước tối đến, anh Khánh thường đưa tôi sang đấy chơi. Nhờ thế tôi mới quen anh Nguyễn Sơn Trà và biết đó là cơ sở kinh tài, tuyên truyền của Đảng. Hồi mới quen anh Khánh, tôi đã được biết anh là người có chí hướng. Tôi có dịp gặp mặt và tiếp chuyện với những người bạn của anh Khánh là vào thời gian anh ở Bình Định. Sáng đó, một người đàn ông mặc quần trắng, áo dài thâm, đội khăn đóng, nói năng ra chiều thân thiết, tôi bỗng có thiện cảm dù chỉ mới gặp lần đầu.Tôi đoán ngay đây là một trong những người bạn anh Khánh hay gặp. Tôi mời người đàn ông vào nhà “Anh Khánh về Bình Định  nuôi mẹ bị bệnh mấy tháng nay rồi”. Anh lặng đi một lúc, vội nói “Tôi là Thu. Nhờ chị chuyển giấy này cho anh Khánh”. Vài ngày sau anh Khánh về. Tôi đưa mảnh giấy cho anh. Đọc xong anh cười: “Thu gì, Trương An đấy. Khi nào Trương An đến lại, em nhớ dặn anh ấy hẹn nơi khác, đến đây dễ bị mật thám theo dõi lắm”. Từ đó tôi mới biết đấy là anh Trương An. Những lần trước còn có anh Lê Chưởng, Hồ Tỵ tìm đến nhưng không gặp anh. Những ngày anh Khánh ở Bình Định, Việt Quảng bị đóng cửa, có không ít anh đến hỏi anh luôn. Mỗi lần anh về, tôi đều báo lại.

Sang năm 1940, tình hình ngày một trở nên căng  thẳng. Tôi có ý trông những anh đã từng đến tìm anh Khánh nhưng mãi không thấy. Bỗng một hôm, anh Trương An đến nhà. Nhìn vẻ đăm chiêu của anh, tôi dè dặt nói “Mẹ anh Khánh bệnh nặng lắm. Không biết lúc nào anh Khánh mới về được. Có gì mấy anh cứ giao cho tôi. Tôi sẽ làm thay anh Khánh”. Anh Trương An cười, giọng chân tình “Địch ngày càng ráo riết tìm cách đánh phá cơ sở của ta. Có rất nhiều cơ sở đã bị vỡ. Vấn đề quan trọng lúc này là phải gây dựng lại cơ sở. Tôi đến gặp chị cũng là để giao nhiệm vụ xây dựng trạm liên lạc cho cán bộ  hoạt động ở Đà Nẵng. Trước mắt là vậy, nếu có gì tôi sẽ giới thiệu chị với  một đồng chí khác”. Ngày ngày tôi cứ trông chừng anh Trương An. Phải mấy tháng sau anh mới trở lại. Chỉ vào người thanh niên đi cùng, anh giới thiệu “Đây là anh Liệt. Sắp đến tôi phải đi công tác xa. Anh Liệt sẽ giao công việc cho chị”. Anh Trương An đi rồi, anh Liệt bảo tôi “Tôi phải đi gặp cấp trên để nhận nhiệm vụ. Lúc nào về, tôi sẽ đến để bàn cách thực hiện”.

Tôi đợi mãi đợi hoài vẫn không thấy anh Liệt về, cả anh Trương An cũng vậy. Giữa lúc đó tôi được tin mẹ anh Khánh mất. Bấy giờ đã là đầu năm 1941. Anh Khánh về lại Đà Nẵng, bọn mật thám theo dõi anh không rời. Anh không gặp gỡ ai được, đành phải nằm nhà. Năm ấy, tôi sinh đứa con thứ hai. Cháu đầu lòng vừa sinh đã mất cách đó hai năm. Anh Khánh lại đổ bệnh. Suốt một thời gian dài từ ngày anh Liệt đi đến giữa năm 1943, tôi không liên lạc được với ai, nên chỉ dốc lòng buôn bán và chăm lo cho anh Khánh. Bệnh anh Khánh mỗi lúc một nặng. Không liên lạc được với anh em, anh buồn lắm. Chừng biết không qua khỏi, những ngày trước lúc chết, anh thường dặn dò tôi đủ điều. Lần cuối cùng là khi anh cầm tay tôi, đôi mắt dân dấn nước, giọng nghẹn lại “Vậy là chí hướng của anh đành phải bỏ dở từ đây...”. Tôi lặng điếng người, cảm thấy như có vật đè nặng trên ngực. Nắm chặt tay tôi,  đôi mắt anh rực lên ánh nhìn thương yêu, tin cậy. Tôi nhìn anh như cố thu lấy những gì anh muốn gửi lại. Chính ánh mắt ấy đã nâng đỡ tôi trong những tháng năm hoạt động sau này.

Ngôi nhà trở nên vắng lặng hẳn khi chỉ còn lại tôi và đứa con trai vừa hơn hai tuổi. Ngày qua tôi vẫn bình thản nuôi con, tuyên truyền những anh em tốt để chờ ngày bắt được liên lạc đưa vào tổ chức. Bước đầu tôi đã giác ngộ được các anh Nguyễn Văn Đoài, Lâm Đình Hòe là hai thanh niên có tinh thần ở gần nhà. Mỗi khi đêm đến, nỗi đau cựa mình trỗi dậy. Tôi chỉ biết gục đầu trước bàn thờ anh khóc thầm đau xót. Càng lúc tôi càng nhận rõ chính anh là người giác ngộ, dìu dắt và tạo nên niềm tin đưa tôi đến với cách mạng.

Mấy tháng sau ngày anh Khánh mất, anh Phan Nhụy từ Bảo An đến nhà tôi. Thắp cho anh Khánh  mấy nén nhang, anh quay sang nhìn tôi, vẻ ngại ngần “Hiện giờ số anh em được thả về đang gặp khó khăn. Các anh ấy định nấu rượu bán nhưng không có vốn và nơi tiêu thụ. Chị có cách gì giúp các anh ấy sinh sống để tiếp tục hoạt động không?”. Tôi đáp “Vậy thì tôi lo được. Tôi sẽ giao tiền và nhận hàng để bán. Khi nào có hàng, anh cứ nhắn cho tôi”. Bấy giờ muốn qua sông Hàn đều phải đi ghe vì đã có chiếc cầu nào đâu. Từ nhỏ đến giờ tôi nào nghĩ đến phải chèo ghe làm gì. Khi nhận lời chuyển hàng bán, tôi phải thuê ghe nhờ người tập chèo cả, chèo lái bát là sao. Nhìn thì đơn giản vậy mà tập mãi gần nửa tháng trời mới chèo được. Mỗi lần nhận hàng phải đi lúc hai, ba giờ sáng. Trời khuya tối đen, tôi và Đoài lọ mọ chèo ghe lần đến vùng cát bên sông hú gọi để trao nhận hàng. Về được đến nhà trời đã gần sáng. Sau mấy chuyến như vậy, tôi giao tiền cho anh Nhụy để hoạt động.

Nhật đảo chính Pháp như cú nốc ao giáng vào bọn Pháp ở chính quốc. Tin ấy lan nhanh làm hởi lòng hởi dạ những người Việt Nam yêu nước tự do và trong chốn lao tù. Từ tháng 3/1945 trở đi, tù chính trị ở các nhà lao lần lượt được thả về.

 Hôm ấy là đầu tháng 4/1945, bất ngờ  anh Sát lùn con bà Hòa Tây sang tìm tôi báo “Chị Khánh, anh Trà, anh Châu về rồi”. Sáng hôm sau tôi đi tìm anh Nguyễn Sơn Trà và anh Nguyễn Ngọc Châu ngay. Gặp tôi, anh Châu bảo “Sắp tới địch sẽ thả một số chính trị phạm nữa. Ngặt là anh em không có tiền ăn đường. Trước mắt ta cần phải lập tiểu ban “Cứu tế đỏ” để giúp đỡ  anh em tù”. Tiểu ban “Cứu tế đỏ” chỉ có hai người là anh Châu và tôi. Anh Châu vận động quần chúng ở bên kia, còn tôi vận động quần chúng ở khu Đông. Số tiền vận động được trong hai tháng, tôi giao lại cho anh Châu để phân phát cho chính trị phạm được thả về.

Một tháng sau, tôi được tin anh Nguyễn Hồng Minh, Lê Văn Hiến, Lê Văn Quý được trả tự do. Đến nhà anh Hiến, tôi gặp anh Minh và anh Quý tại đây. Mấy năm mất liên lạc giờ gặp lại các anh, tôi mừng vô cùng. Lúc này tôi mới được biết lần ấy anh Trương An vừa ra đến đèo Hải Vân  đã bị bắt cùng với tài liệu trên người. Anh Liệt cũng bị bắt trên đường đi nhận nhiệm vụ. Tôi đề nghị các anh giao công tác. Không lâu, tôi được gọi đến nhà chị Lê Thị Truyền gặp anh Quý để nhận nhiệm vụ xây dựng phong trào Việt Minh ở khu Đông. Về lại khu Đông, tôi xây dựng tổ chức Việt Minh gồm tôi, Đoài và Hòe. Từ tổ Việt Minh này dần dần tiến đến tổ chức các tổ nông dân cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, thanh niên cứu quốc, nhi đồng cứu quốc hoạt động bí mật qua người liên lạc.

Khu Đông hồi đó nhà cửa hãy còn sưa sớt. Đường đi lối lại thênh thênh dương liễu và cát tơi. Mỗi bước chân đặt xuống, cát phủ đến mắt cá. Dưới trời nắng nóng, đi trên cát cứ như nóng vào tận ruột. Công việc lúc nào cũng bề bộn, mà tôi lại chẳng biết đi xe đạp, đành phải suốt ngày lội bộ trên cát để xây dựng các tổ cứu quốc, phong trào phụ nữ ở các làng Mỹ Khê, Phước Trường, Tân Thái. Chẳng bao lâu sau, phụ nữ thành phố tổ chức Đại hội quyết định chuyển Ban phụ vận thành Ban chấp hành hội phụ nữ cứu quốc lâm thời, bổ sung thêm chị Trần Thị Xuân, ủy viên phụ trách khu Trung, chị Mai, ủy viên phụ trách khu Tây và chị Phấn, ủy viên phụ trách Hòa Vang. Các anh bảo tôi chuẩn bị chờ ngày cướp chính quyền khu Đông khi có lệnh của Thành ủy.

Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi như phát súng lệnh tiên phong ngân vang cả nước. Khắp nơi rùng rùng chuyển động theo với niềm rạo rực khôn cùng. Chỉ một ngày sau ngày Hà Nội khởi nghĩa, Hòa Vang nổi dậy. Anh Nguyễn Hồng Minh đặt trạm liên lạc tại nhà tôi để nắm tin tức giữa Hòa vang và Quán Cái. Sự kiện Hòa Vang khởi nghĩa trở thành nỗi thôi thúc người dân Đà Nẵng giành chính quyền. Tôi qua Thành ủy gặp các anh Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Trác, Lê Văn Quý xin chỉ thị chuẩn bị khởi nghĩa. Các anh nhất trí. Trên đường về, tôi khấp khởi mừng vui, ngỡ như đang đi giữa rừng cờ, biểu ngữ và dòng người vô tận. Về đến nơi, tôi cùng Đoài và Hòe chuẩn bị biểu ngữ, truyền đơn. Nửa đêm, anh em treo biểu ngữ trên các ngả đường, ban ngày nhằm vào những đoạn dân thường qua lại rải truyền đơn. Một đôi ngày lại treo biểu ngữ, rải truyền đơn như vậy trong suốt thời gian chờ lệnh khởi nghĩa.

Các tổ đoàn thể cứu quốc, tự vệ cứu quốc ngày càng được củng cố, phát triển. Đang lúc tập trung chuẩn bị nổi dậy, tôi nhận được tin của anh em cơ sở báo tổ chức thanh niên Phan Anh của địch sẽ tổ chức mítting vào lúc 2 giờ chiều ngày 22/8/1945 tại kho hàng Descours et Cabaud ở An Hải. Ngay sáng hôm ấy, tôi sang Thành ủy gặp anh Nguyễn Trác, phụ trách quân sự đề nghị cho phép chúng tôi chiếm diễn đàn để tuyên truyền cho ta. Sau phút suy nghĩ, anh Trác gật đầu “Được. Nếu có thể hãy biến cuộc mítting thành cuộc diễu hành  biểu tình để thị uy”. Được lời như cởi tấm lòng, tôi quay về gấp rút chuẩn bị chu đáo, chờ đến giờ hành động.

Kho hàng Descours et Cabaud chiều ấy trang trí khác hẳn ngày thường, thanh niên trong tổ chức Phan Anh tụ tập đông có đến trăm rưỡi người. Đến giờ khai mạc bọn chúng chưa kịp làm gì, Lâm Đình Hòe đã chiếm diễn đàn cuộc họp để cổ động quần chúng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Việt minh và giới thiệu về lá cờ đỏ sao vàng của cách mạng. Qua đọc báo Cứu Quốc, báo Giải Phóng, chúng tôi biết được cờ đỏ sao vàng là như thế nào. Từ đầu tháng 8, tôi và Đoài từng là thợ may đã bí mật mua vải về may sẵn 3 lá cờ. Ngày Hòa Vang khởi nghĩa, vì chưa kịp chuẩn bị nên anh em trên đó đã mượn cờ của chúng tôi để cắm ở huyện đường Hòa Vang. Sau cuộc nói chuyện, theo sự phân công, Đoài và Hòe đã chuẩn bị sẵn cờ và biểu ngữ dẫn đoàn người diễu hành, còn tôi về lại nhà chờ chỉ thị của Thành ủy. Từ kho hàng Descours et Cabaud, đoàn biểu tình ra ngã Năm, xuống Nại Hiên Đông. Cờ đỏ sao vàng phất phới, biểu ngữ giăng ngang dẫn đường, đoàn người bước đi hồ hởi trong tiếng hô vang trời. “Việt Nam là của người Việt Nam“, “Việt Nam phải hoàn toàn độc lập”, “Việt Nam độc lập muôn năm”... Qua mỗi ngả đường, dòng người nhập vào một đông khiến cuộc biểu tình thêm hừng hực khí thế. Ngồi ở nhà mà lòng tôi bồn chồn hồi hộp dõi theo từng bước chân diễu hành trên đường. Tôi như thấy sắc đỏ của màu cờ và biểu ngữ lấp loáng trước mắt thúc giục đôi chân. Ngoài kia cuộc biểu tình vẫn đang diễn ra theo kế hoạch. Giữa lúc ấy chị Trần Thị Xuân, liên lạc của Thành ủy đến gặp tôi báo “Thành ủy chỉ thị phải giải tán ngay cuộc biểu tình để tránh đổ máu vì bọn hiến binh Nhật đóng ở bờ Tây sông Hàn đã tập trung chĩa súng sang cả bên này. Nếu chúng còn thấy đoàn người biểu tình thì tình hình sẽ trở nên căng thẳng, nguy hiểm đến tính mạng của quần chúng”.

Đoàn biểu tình đang ở An Đồn. Dòng người lúc này đã dài dằng dặc có đến ngàn người. Nhìn những gương mặt bừng bừng khí thế, tôi băn khoăn suy nghĩ. Cuộc biểu tình đang lên cao. Đây là cơ hội tốt để kêu gọi quần chúng hưởng ứng phong trào Việt minh, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Lúc này nếu giải tán sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của mọi người. Không thể làm như thế được. Bằng mọi cách phải bảo đảm cho cuộc biểu tình được tiếp tục, có gì sẽ chịu kỷ luật với Thành ủy sau. Tôi  bàn với Đoài và Hòe đưa đoàn biểu tình vào lối đi trong xóm, tránh đi dọc bờ sông như ban nãy. Đoàn người vẫn hăng hái đi, vượt qua An Đồn, xuống Bắc Mỹ An rồi vòng lên lại ngã Năm Sơn Trà vẫn không một ai rời hàng. Mặt trời đã lặn, bấy giờ đã 6 giờ chiều, chúng tôi đề nghị giải tán, mọi người đòi đốt đuốc tiếp tục đi. Phải khó khăn lắm mới thuyết phục bà con ra về. Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi. Sáng ra, tôi đã bươn bả sang Thành ủy. Nghe tôi trình bày, các anh nhìn tôi cười đồng tình. Tôi thở phào khi thấy các anh đã không khiển trách lại còn biểu dương. Nỗi lo  được cất bỏ, tôi thấy thanh thản, tự tin bởi đã không phụ lòng tin cậy của các anh.

Mỗi ngày qua đi, tình hình có nhiều chuyển biến mới. Lệnh khởi nghĩa vẫn chưa được phát ra bởi đang chờ cuộc thương lượng giữa ta và Nhật về vấn đề quân Nhật đồng ý thực hiện cam kết không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa ở Đà Nẵng để tránh gây đổ máu khi quần chúng nổi dậy. Dẫu vậy, đâu đâu cũng chộn rộn không yên. Sớm 26/8 Thành ủy chỉ thị phải chuẩn bị sẵn sàng khi tiếng còi tầm thường lệ ở Bưu điện cất lên thì tổ chức nhân dân nổi dậy giành chính quyền.

Theo kế hoạch đã bàn, Hòe dẫn đội tự vệ đến thẳng nhà lý trưởng làng An Hải là Đỗ Trọng Hoài buộc hắn giao con triện. Đoàn người đầu trần, áo vải, chân đất, tay dao, tay mã tấu rầm rập bước đi, cờ đỏ sao vàng dẫn lối trông thật hào hùng. Trông thấy đội tự vệ tiến vào, tên Hoài hoảng hốt dâng ngay con triện. Không một tiếng súng nổ, không một giọt máu rơi chỉ có tiếng reo vui theo niềm hào khởi của lòng người. Những bước chân lại nối nhau trên đường làng tiếp tục làm cuộc nổi dậy. Chẳng rõ từ đâu, dân chúng nhập vào đông không đếm xuể. Nhìn những con người chân chất, lam lũ nhưng tràn đầy khí thế, tôi càng thấm thía sức mạnh của niềm tin và lòng người, càng nhận thức được cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và chính họ là những người làm nên lịch  sử dân tộc.

Lá cờ cách mạng được treo lên trước đình làng. Năm cánh sao vàng nổi bật trên nền cờ đỏ như hút lấy ánh nhìn của mọi người. Mãi đến hôm nay, người dân An Hải mới thực sự được ngắm nhìn thỏa thích lá cờ cách mạng từng trông đợi bao năm trời. Từ giây phút ấy, chính quyền của một vùng An Hải rộng lớn nhất khu Đông đã thuộc về cách mạng. An Hải giành chính quyền thắng lợi đã góp phần quyết định vào việc lật đổ bộ máy cai trị thực dân và tay sai ở khu Đông. Người dân khu Đông sẽ mãi mãi không bao giờ quên chính họ đã góp phần làm nên một ngày 26/8 sôi động hào hùng trong mùa thu  lịch sử năm 1945.

(Viết theo lời kể của bà Trần Thị Anh Kim)

L.A.H