Những mẩu chuyện về Bác Hồ
Bác Hồ tiếp dân
Hằng ngày, Bác phải tiếp rất nhiều khách. Những người khách đó rất khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là khách trong nước. Đó là đại diện các đoàn thể cứu quốc, công nhân, nông dân, thâm niên, phụ nữ ; là những đại biểu các tôn giáo, các tầng lớp công thương hoặc các nhân sĩ. Một đoàn cán bộ, chiến sĩ vừa ở Nam Bộ ra, xúc động đến trào nước mắt trong buổi đầu gặp Bác... Một đoàn đại biểu của đồng bào các dân tộc miền núi đã san sẻ "cháo bẹ, rau măng" với cách mạng, ở khu giải phóng về thăm Thủ đô, có cả các cụ già râu dài đến để góp ý kiến xây dựng quốc gia. Có khi chỉ là một người kiếm cớ đến xin giải thích một điều gì về chính sách để được gặp Bác.
Nhiều buổi Bác mải miết tiếp khách, quá bữa mới xuống nhà ăn. Thấy Bác mệt và bận quá, có lần anh em bảo vệ đề nghị với Bác bớt những cuộc gặp gỡ không cần thiết, Bác nói :
- Chính quyền ta mới thành lập, đồng bào cán bộ có nhiều điều muốn biết, cần hỏi. Đây cũng là dịp để nói rõ chủ trương, chính sách của Chính phủ, của đoàn thể cho mọi người rõ. Ta không nên để đồng bào cảm thấy gặp những người trong Chính phủ bây giờ cũng khó khăn như đến cửa quan ngày trước.
Bác Hồ từ Tân Trào về Hà Nội vào cuối tháng 8 - 1945. Đầu tiên, Người ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay thuộc quận Tây Hồ), sau đó các đồng chí lãnh đạo bí mật đưa Bác về ở tại nhà số 48 Hàng Ngang, có một thời gian Bác đến ở tại nhà số 8 phố Vua Lê(1) bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Chuyện kể xảy ra tại ngôi nhà đó.
Khi Bác Hồ cùng ăn cơm tập thể với anh em bảo vệ và phục vụ. Có người gợi ý mời Bác ăn riêng để bảo đảm sức khoẻ, nhưng Bác không đồng ý. Một buổi sáng sau khi cùng ăn sáng với mọi người, Bác sang bàn uống nước. Trên bàn hôm đó có mấy nải chuối để ăn tráng miệng. Tiêu chuẩn mỗi người một quả, ai nấy tự giác lĩnh lấy phần của mình. Một đồng chí cán bộ bẻ quả chuối thấy ở phần cuối bị nẫu liền để ra bên cạnh, giơ nải chuối chọn quả khác lành hơn. Khi Bác tới bàn uống nước và cầm quả chuối kia, lấy con dao cắt phần nẫu bỏ vào bồ rác rồi thản nhiên bóc ra ăn và nói :
- Ở chiến khu được một quả như thế này mà ăn thì quý biết mấy.
Đồng chí cán bộ kia uống nước xong, đặt chén xuống bàn, hai vành tai đỏ ửng lên.
(1) Nhà số 8 phố Vua Lê nay thuộc phố Lê Thái Tổ. Nhà này bị phá hoại sau ngày toàn quốc kháng chiến (trong thời gian 90 ngày đêm Hà Nội oanh liệt chiến đấu chống thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta tháng 12 - 1946.
Nhờ biết cách tổ chức công việc cho nên hằng ngày dù phải giải quyết không biết bao nhiêu công việc từ lớn đến bé, mà Văn Phòng Bác vẫn không đông người lên. Trên chặng đường trường kì kháng chiến, chỉ có một tiểu đội tám người đi theo Bác vừa bảo vệ vừa phục vụ và liên lạc. Tám người này được Bác đặt tên là Trường, Kì, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.
Năm 1948, đồng chí Lê Văn Nhương quê ở Nghi Lộc, Nghệ An được điều đến cơ quan Bác. Sau khi hỏi thăm quê hương, gia đình, quá trình công tác, Bác vui vẻ nói :
- Bây giờ chú vào phục vụ Bác, để Bác đặt lại tên cho chú nhé !
Đồng chí Nhương sung sướng thưa :
- Thưa Bác vâng ạ.
- Bác đặt tên cho chú là Cần. Cần là cần, kiệm, liêm, chính, là cần cù, chịu khó, mong chú cố gắng xứng với cái tên đó.
Hai mươi năm sau (8 - 1967), một đồng chí bác sĩ được điều thêm về chăm sóc sức khoẻ cho Bác. Đồng chí này tên là Mận quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Đồng chí được Bác đổi tên là Mẫn.
Hai người Cần và Mẫn, một mới, một cũ, đều là người đồng hương với Bác, cùng có mối quan hệ mật thiết với nhau trong công tác. Một người chuyên lo bữa cơm, giấc ngủ của Bác, rất tận tuỵ. Một người chuyên chăm lo sức khoẻ của Bác, rất cần mẫn. Hai đồng chí trong công việc luôn được mọi người trong cơ quan quý mến và được Bác tin yêu. Phải chăng Bác Hồ đặt tên Cần và Mẫn cho hai người chính để nhắc tới nhưng phẩm chất tiêu biểu và cao đẹp, phẩm chất "xứ Nghệ" nói riêng, và phẩm chất Việt Nam nói chung mà Bác là người tiêu biểu.
- Gọn gàng, ngăn nắp cũng là một cách bảo mật. Khi hoạt động bí mật cũng như trong nếp sống hằng ngày của người cán bộ, các chú phải thường xuyên chú ý rèn luyện.
Sau này, khi về sống ở Hà Nội, Bác vẫn giữ nếp sống gọn gàng, ngăn nắp ấy. Trên bàn làm việc của Bác ở phòng dưới nhà sàn, ngày nào cũng vậy, sau giờ buổi sáng, trước lúc sang ăn cơm, Bác đều xếp tài liệu, sách vở ngay ngắn. Buổi chiều hết giờ làm việc, Bác mang tài liệu lên nhà, mỗi thứ để một nơi theo đúng chỗ quy định.
Một lần đang lúc giữa trưa thì còi thành phố báo động có máy bay Mĩ đến. Bác bình tĩnh từ trên nhà đi xuống cầu thang. Nhìn thấy một số đồng chí bảo vệ tất tưởi chạy ra hầm, quần, áo, súng, đạn, ba lô không gọn gàng, Bác bảo :
- Các chú là bộ đội phải bình tĩnh và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu. Lúc có giặc cũng như khi không có giặc. Muốn vậy, trong cuộc sống hằng ngày, các chú phải sống ngăn nắp, trật tự và gọn gàng.