Cân thử tấm lòng "Mai đây còn nhớ"
Mất ngủ thường sinh ra chuyện. Mai đây còn nhớ, là cuốn sách mới , được lôi ra đọc, sau khi nghĩ mãi chuyện đời vẩn vơ vẫn không ngủ được. Cứ nghĩ đọc như kiểu “ ăn vả “ vài trang rồi ngủ , ai dè lại thức trắng...rồi lại sinh ra chuyện điểm sách , dù mới chỉ đọc đến trang 106, hết bài của anh An... Còn lại để dành, đêm sau đọc tiếp .
Cuốn sách chính thức có 271 trang và một trang khuyến mãi, giả đò quên tính. Do báo Đà Nẵng chịu trách nhiệm phát hành, tập hợp những bài thơ, văn, ký sự..,được đăng trên 3 “ ấn phẩm " của bản báo gồm: Đà Nẵng ra hàng ngày, Đà Nẵng cuối tuần và www.baodanang.vn, hình như từ 21/6/2008 đến dịp kỷ niệm lần thứ 84 Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2009. Vì sách do báo in, nên mất cảnh giác, cứ nghĩ cũng như báo chí thôi, xin các nhà báo thứ lỗi, chỉ đọc qua đường, đưa giấc, có ngờ đâu, càng đọc càng tỉnh người ra thế này!
Trước hết xin có đôi lời về ý tứ của “Bếp trưởng” có vẻ quá cẩn trọng từ việc chỉ đạo màu sắc, kiểu dáng, ma-két trang bìa (chắc là của La Thanh Hiền?), nhưng, đều y theo một kiểu đơn hàng của chủ đề MAI ĐÂY CÒN NHỚ , đơn sơ và khiêm tốn, chỉ để nhớ cho vui. Mai đây...lửng lờ...ai nhớ cũng quí, ai quên cũng thôi, chỉ là kỷ niệm một thời đã sống !
Một trang tâm sự ngắn gọn cùng bạn đọc và 11 trang ảnh minh hoạ đều thuộc hàng tuyển, chuẩn, xin cho miễn lời bình.
Trang 17, bắt đầu là bài “ đinh ”, Ba phút sự thật, của Phùng Quán, được báo Đà Nẵng đăng vào ngày 20/6/2008, như là một bài học lớn về nghệ thuật ngôn từ...mà chắc không chỉ là thế...vì ai cũng biết cả văn và người ở đây đều là hàng độc, là đặc sản,... là đinh thép đã được cuộc đời đọa đày, tinh luyện... đến mức miễn dịch, miễn cảm...mà những người bếp núc chuyên nghiệp ở toà soạn báo Đà Nẵng âm mưu dẫn dắt những người đọc như tôi vào những đêm thao thức...
Tôi cũng là người yêu sách nhưng có hai tính xấu là hay để mất sách và xài xể sách khá thô bạo, gặp bài hay, ý đẹp là y như rằng gạch đít, gấp góc vô tội vạ với bất kỳ loại bút nào có trên tay, kể cả tiểu thuyết diễm tình, lãng mạn huống chi sách in của báo, cho nên phải ghi ngay trang một là sách riêng của “ Dô Cương ”. Để sau đó tha hồ ghi gạch và xếp góc. Chỉ mới 106 trang mà có tới 33 chỗ bị gấp góc, đánh dấu, một số trang bị gấp cả hai góc, còn gạch thì, xin lỗi các tác giả, em gạch hơi nhiều, để khắc đậm vào lòng những điều tâm đắc thú vị.
Cũng phải nói riêng về bài thứ hai, cũng thuộc hàng đinh thép của cuốn sách, vì từ tác giả Hà Văn Thịnh, cho đến chủ đề Lửa, quyết đoán, niềm tin...(tr.19) và nhất là nhân vật của sự kiện, tất cả đều nóng và nổi cả. Thật ra đến bây giờ tôi vẫn chưa gặp và không biết mặt mũi anh Thịnh thế nào, chắc là còn trẻ, nhưng đã là một nhà báo có tên tuổi, thành danh, vì đã đọc anh khá nhiều trên các báo về những vấn đề nóng, lần này anh cũng trích dẫn một chủ đề cũng khá xốc: người lãnh đạo mà không có nhiệt tình cách mạng thì chỉ là kẻ sáng cắp ô đi, tối cắp về mà thôi !
Xin thưa nhà báo rằng lãnh đạo to bây giờ chỉ đi ô tô, miễn bàn, còn lãnh đạo kiểu công chức loàng xoàng cỡ anh em mình thì toàn đội mủ bảo hiểm có dán tem hẳn hoi! Đi ô, đi dù cho cảnh sát phạt à? Anh ngon thì điều tra phóng sự, sẽ có nhiều điều thú vị, nhiều người chỉ suốt ngày ngồi trước máy tính để chơi bi và chat, nhưng đầu vẫn đội “ mủ bảo hiểm công chức” và thế là vô tư sướng, đâu như cánh nhà báo phải loạn lên, viết bài theo chỉ tiêu, hoặc như giai cấp công nhân tiền phong, rồi nông dân cách mạng tối ngày âu lo, phập phù thất nghiệp, giá cả leo thang, chứng khoán, nhà đất lên xuống ! Công chức tà tà khoẻ re...Ô dù sớm đi tối về, chuyện cũ rồi anh ơi !
Nhà báo đã nổi tiếng, lại có ngày riêng 21/6 để làm cho nổi hơn, chuyên làm chuyện nổi và chuyện trò tối ngày với những người nổi nhất !
Như chuyện, sau hơn 300 năm, bỗng có người viết lại Nam quốc sơn hà ( tr.22 ) gởi báo Đà Nẵng, xin làm thư ký riêng cho Nguyễn Trãi để viết Hoàng Sa - Trường Sa đại cáo :
Đất nước tiên rồng,
85 triệu đồng bào có bạn bè khắp năm châu
Cộng đồng ASEAN phương
Quan hệ chiến lược phía mặt trời lên ngày càng vững chắc
Thương trường thế giới đón chào WTO
Chính trường toàn cầu Hội đồng Bảo an dành chỗ đứng
Sức mạnh Việt
Hoàng Sa,Trường Sa là của Việt
Không cần xem thiên thư chỉ cần học trong sách sử
Chân lý sáng ngời ở phía Việt
Đó là giáo sư Trần Văn Thọ, đã viết vào dịp nghe tin Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng tái quyết định thành lập huyện đảo Hoàng Sa tại kỳ họp đầu tiên. Giáo sư quê ở Điện Phước, đã từng làm cố vấn Thủ tướng Nhật Bản và giảng dạy kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới...Bây giờ, tha thiết về lại cố hương, làm con dân nước Việt, kể cả ở huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa của nước Việt, hết lòng, trân trọng !
Và những chuyện nhỏ, rất nhỏ, thầm lặng của những người tưởng như chỉ có trong chuyện phim nổi tiếng Người tử tế của đạo diễn NSND Trần Văn Thủy, lại diễn ra ngay tại ngôi trường nhỏ, ở khu phố nhỏ Đà Nẵng, cũng bị đôi mắt và tấm lòng tinh tế của người viết không chuyên như Đông Trà đưa lên trang báo, Đưa tang bà Cụ, (tr.57 ), như một nén nhang tiễn đưa bà lão nhân từ , giả biệt thế giới khách hàng tuổi thơ, vô tư nhưng còn đầy sự dối lừa, tráo trở . Nhiều bài viết, mà nếu chỉ nhìn qua cứ tưởng sẽ khô như ngói, mang tính “ téc-ních” như Sứ mệnh xã phường của Nguyễn thị Em ( tr.28 ); 10 năm cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước của Huỳnh Năm (tr.83)...lại ẩn dấu bên trong bao điều thú vị, nếu như biết rằng tại đây còn có 2 công ty đang ngược xuôi, năn nỉ mãi để được chậm cổ phần hoá ! (vì còn nhiều sữa chăng?), và cũng ngay trung tâm Đà Nẵng, đã có đến hai di sản cuối cùng của nền thương nghiệp quốc doanh khá hấp dẫn và thú vị đó là Bánh mì quốc doanh Hùng vương, chắc nịch và cà phê khách sạn Thanh Thanh vừa rẻ vừa chân tình, gần gũi, chỉ hơi chậm chạp, chờ lâu ! mà anh Năm còn để sót chưa đưa vào bài viết của mình? Rồi lại chuyện Chọn đúng người để giao nhiệm vụ ở Hoà thọ Đông, Cẩm Lệ, trong bài Hiệu quả từ cách làm mới, (tr.35) của Mỹ Hạnh, chuyện tưởng giản đơn, lại là chân lý của muôn đời .
- Có việc gì không cần giao đúng người, hả Chị ?
Chỉ một trong hai việc là lãnh đạo và cai quản dân đã quá hệ trọng rồi, huống là, vừa làm bí thơ vừa làm chủ tịch, vừa nghĩ vừa làm, vừa thổi còi vừa đá bóng, chỉ nói cái đầu (chưa kể cái tâm)... mà lại giao trật người, thì thật... ôi thôi, không dám bàn thêm .
Những bài mang tính tổng kết như Ấn tượng tháng Ba, của Trương Công Định ( tr.31 ), Thu hút đầu tư nước ngoài ở Đà Nẵng, của Thành Lân (tr.74),.. .thật quá đầy đủ, chỉ hơi tiếc, nếu anh Định đảo câu cuối thành : Đà Nẵng đã biết cách lựa chọn đúng hướng đi, biết cách đi thật vững vàng; và chắc chắn sẽ đi đến đích hạnh phúc...từ những tháng Ba ấn tượng, thì sẽ ấn tượng hơn chăng ?
Con người ngày càng có nhiều cách sống thông minh hơn. Để hiểu Đất và Người
GIAO VĂN CƯƠNG