Hãy giữ lấy núi Phước Tường!
Hồi còn nhỏ đọc truyện Tàu, tôi thích nhất câu chuyện Ngu Công dời núi trong sách Cổ học tinh hoa. Chuyện kể rằng phía nam châu Ký bên Trung Quốc có hai quả núi Thái Hàng và Vương Ốc rộng bảy trăm dặm, cao muôn thước, cây cối rậm, ác thú nhiều, đi lại khó, một ông lão chín mươi tuổi ở gần đó là Ngu Công đem con cháu cùng cả tộc họ ra phá núi - kẻ đục đá, người đào đất, kẻ đầu đội, người vai mang, hết ngày này sang tháng khác, và cuối cùng nhờ sự bền lòng của Ngu Công nên về sau vùng nam châu Ký không còn núi non chướng ngại, đi lại thuận tiện. Có lẽ từ câu chuyện Ngu Công dời núi mà cụ Hồ đã khái quát thành bài học chính trị để giáo dục thanh niên: “Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền - Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên”.
Tuy nhiên càng lớn lên tôi càng thấy câu chuyện Ngu Công dời núi và cả lời dạy của cụ Hồ chứa đựng ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn là ý nghĩa hiện thực. Thì ra núi ở đây không chỉ là và chủ yếu cũng không phải là núi thật. Bởi có khi núi ấy lại là tiếng vó ngựa quân Mông - Nguyên đang vượt biên giới phía Bắc tràn qua bờ cõi Đại Việt vào nửa sau thế kỷ 13, là tiếng đại bác trên pháo hạm quân đội tư sản Tây phương đang nổ rền ở cửa biển Đà Nẵng ngày mồng 1 tháng 9 năm 1858, là tiếng còi tàu đang vang lên ở bãi biển Phú Lộc ngày mồng 8 tháng 3 năm 1965 cùng với sự đổ bộ của Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn 9 thuỷ quân lục chiến Mỹ mở đầu quá trình can thiệp trực tiếp bằng quân sự của quân viễn chinh Hoa Kỳ trên chiến trường miền Nam Việt Nam...
Như vậy núi ở đây chủ yếu là hiện thân của bao nhiêu trở lực trong cuộc đời trần thế - những trở lực nhiều lúc tưởng chừng không thể vượt qua, hay nói cho đúng hơn, chủ yếu là hiện thân của tư tưởng sợ núi cao - tức ngại khó hoặc thiếu kiên nhẫn để vượt khó. Như vậy noi gương Ngu Công và làm theo lời dạy của cụ Hồ không chỉ là và chủ yếu cũng không phải là ra sức đào núi thật, mà là phải rèn luyện tinh thần sẵn sàng đối mặt đương đầu và biết bền lòng vượt qua gian khó. Ra sức đào núi thật cũng cần mấy phẩm chất này, bởi không thế thì không thể nào làm xong hầm đường bộ Hải Vân và các công trình phục vụ dân sinh tương tự, nhưng nếu chỉ thấy ý nghĩa hiện thực mà không thấy ý nghĩa tượng trưng của câu chuyện Ngu Công dời núi thì khoảng cách giữa những quả núi thật đang được đào cật lực - không phải chỉ bằng phương tiện thủ công mà còn bằng phương tiện hiện đại - với hố sâu của sự suy thoái môi trường sinh thái sẽ trở nên rất… rất gần.
Đang hướng đến mục tiêu xây dựng “thành phố môi trường”, người Đà Nẵng vô cùng nhạy cảm với mọi nguy cơ dẫn đến suy thoái môi trường sinh thái. Chính vì thế mà làng nghề đá Non Nước chủ yếu đang chế tác sản phẩm từ đá núi Nhồi nhập ngoài Thanh Hoá về chứ không còn sử dụng nguyên liệu tại chỗ như nhiều năm trước đây. Hãy thử tưởng tượng nếu không có chủ trương đúng đắn và kịp thời của chính quyền thành phố cấm không được khai thác nguyên liệu tại chỗ để làm nghề đá mỹ nghệ thì chắc Ngũ Hành Sơn của chúng ta giờ đây chỉ còn là… Tứ Hành Sơn, và không chừng tương lai không xa sẽ chỉ là… Tam Hành Sơn - nghĩa là sẽ phải thiết kế lại mẫu logo của Đà Nẵng. Và tới lúc ấy chắc là không người Đà Nẵng nào còn lòng dạ để cất lên câu hát ngợi ca vẻ đẹp thiên phú của quê mình: “… Núi trong lòng thành phố - Phố trong lòng biển khơi…”.
BÙI VĂN TIẾNG