Không khí văn nghệ

24.07.2009

Không khí văn nghệ

Vấn đề: “Đời sống văn nghệ”, “Không gian văn hóa văn nghệ”…luôn được nhiều người quan tâm, là đề tài của một số nhà nghiên cứu. Nhưng “không khí văn nghệ” lại có ít người nhắc tới, có chăng là ở các cuộc gặp mặt thân mật, các buổi liên hoan rôm rả quá người ta bảo: “Có không khí văn nghệ”. Xin đừng ai nghĩ rằng: “Không khí văn nghệ” là không khí của những chuyện tầm phào. Theo tôi, không khí văn nghệ là yếu tố góp phần làm phong phú đời sống văn nghệ, có tác động tích cực đối với những người sáng tạo văn học nghệ thuật và cả những người hưởng thụ văn nghệ. Không khí văn nghệ luôn có ở mọi lúc, mọi nơi.

Những ngày đầu giải phóng, Đà Nẵng ngập tràn niềm hân hoan chiến thắng. Trong niềm hân hoan ấy chúng tôi đã nhận ra cái không khí văn nghệ ở một thành phố từng là nơi đồn trú của hơn nửa triệu sắc lính. Không khí ấy mới chỉ dừng lại ở sự khát thèm, ở nhu cầu văn hóa văn nghệ mà đội ngũ những người làm văn nghệ chuyên nghiệp chúng tôi chưa đáp ứng kịp. Bù vào khoảng trống ấy, chúng tôi lặn lội đi, cặm cụi viết, hì hục cho ra sách…và tổ chức nhiều cuộc giao lưu. “Cung” và “cầu” cứ thế thúc đẩy nhau.

Một không khí văn nghệ thật đáng quý và rất dễ thương, nhưng không phải từ trên trời rớt xuống. Trong không khí ấy, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng đã xúc tiến thành lập Hội Văn nghệ. Tháng 4-1978, tổ chức Hội được thành lập (lúc đó Đà Nẵng là một phần máu thịt của đất Quảng). Hội được ra đời và hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ điều, khi mà mỗi bữa ăn của người xứ Quảng, một hạt gạo phải cõng theo mươi lát sắn khoai, nhưng không khí văn nghệ thì không thiếu, nó còn vượt lên cả không gian văn nghệ. Văn nghệ xứ Quảng vượt đèo Hải Vân ra Huế. Văn nghệ Bình-Trị-Thiên băng qua Hải Vân vào Đà Nẵng. Ngoài những cuộc gặp gỡ chính thống ở cơ quan Hội, có lần chúng tôi bất ngờ gặp nhau ở nhà anh Nguyễn Quang Hà, anh Tô Nhuận Vĩ, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường…Khi ngồi uống trà, khi ăn bát chè Huế, khi anh Tường mua được xị rượu gạo, cầm ly lên tay rồi, anh sực nhớ gọi chị Lâm Thị Mỹ Dạ kiếm cho lon đậu phụng rang, lát sau, nhiều anh em văn nghệ Huế đã có mặt cùng đọc thơ, cùng trao đổi tình hình văn nghệ của từng vùng đất, chúng tôi càng có điều kiện hiểu biết về nhau, thôi thúc nhau trong công việc. Thỉnh thoảng các bạn văn nghệ Huế lại có mặt ở Đà Nẵng. Có lần vào khoảng 10 giờ đêm, nhà thơ Hải Bằng (Huế) được nhà thơ Trần Thanh Tịnh nhắn chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Trác (số 5 Yên Báy). Nhà thơ Hải Bằng xin được đọc 3 bài thơ ngắn, tâm đắc, anh mới làm xong, té ra, anh đọc tới 30 bài. Trời chuyển sáng vẫn chưa dứt tiếng thơ.

Lại những lần được anh Vũ Hữu Định mời anh em đến nhà nghe thơ anh và các bạn thơ trong thành phố, cùng trao đổi góp ý, khen chê thẳng thừng. Một đêm đọc thơ, nghe thơ cũng chỉ vài xị rượu gạo, hai trái cóc và một quả xoài xanh, nhưng ai cũng có cảm giác thú vị về cái tình văn nghệ, không khí ấy cứ thường xuyên diễn ra, sôi động nhất vào mỗi khi sắp đến kỳ đại hội văn nghệ lần 1, lần 2.

Có đêm, mọi người thi nhau đọc thơ của mình, tôi đành nhường anh em, nên chỉ im lặng lắng nghe, thấy vậy, nhà thơ Trần Thanh Tịnh nói đùa: -“Anh không có thơ đọc thì sắp tới làm lãnh đạo để chúng tôi làm thơ”.

Đùng một cái, sáng mai thức giấc, một ngày như mọi ngày, tôi mở cửa nhìn ra ngoài đường, vẫn những gương mặt thân quen cũ đi vào cơ quan Hội (sau khi đại hội chuyên ngành). Nay các anh các chị đã thành nhà: nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà…Thành phố chúng ta đã có gần 600 nhà. Một sự chuyển biến đến phi thường.

Một buổi sáng, chúng tôi cùng ngồi trong quán cà phê, biết tôi là người từng nhiều năm trong văn nghệ, một nhạc sĩ nói: -Tôi thấy không khí văn nghệ bây giờ thế nào ấy anh ạ.

Tôi gặng lại:-Thế nào là thế nào? Nhạc sĩ nhắc lại những chuyện ngày xưa. Tôi cãi ngay: -Ông lại hoài cổ rồi. Xưa khác, giờ khác, xưa con gà có thể bay qua 3 nhà hàng xóm, nay đô thị hóa, nhà gian, cửa khoá trong, khoá ngoài. Thời gian trôi nhanh, sự vật đổi thay từng phút, từng giây. Ngày xưa, thích hít thở không khí trong lành ta về vùng quê. Nay vùng quê đã có khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều nhà máy mọc lên, rõ ràng không khí sẽ có khói bụi, có mưa a xít, thì ta cũng phải sống chung như người dân đồng bằng sông Cửu Long từng sống chung với lũ.

Nhạc sĩ ngán ngẩm kể lại chuyện, có lần anh say sưa trình bày một ca khúc mới, nghe xong, mọi người vỗ tay tán thưởng, người vỗ tay khen rối rít nhất là một đồng nghiệp ngồi bên cạnh. Nhạc sĩ liền hoải: - Anh thấy đoạn nào là hay nhất. Đồng nghiệp lúng túng hỏi lại:-Nhạc sĩ vừa hát bài gì ấy nhỉ!...

Nghe xong, tôi ồ lên cười: Gì chứ, những chuyện ấy tôi có thể kể ra cả ngày cũng không hết. Này nhé: Bạn tôi là một nhà thơ, đột nhiên mời tôi ra quán chiêu đãi, với lý do: Tác phẩm của anh đã được công bố đoạt giải thưởng, anh tạm ứng ở vợ một khoản chiêu đãi bạn. Vì tuần sau mới được nhận giải. Anh xin lỗi tôi về việc chưa tặng sách, vì tác phẩm khoảng nửa tháng mới in xong.

Lại nữa, một thành viên trong hội đồng xét giải, gặp bạn, rối rít khen: Dạo này cậu viết thơ “lên tay” đấy, sắp tới mình sẽ đề nghị xét giải cho tập thơ mới của cậu. Nhà thơ đưa tay gãi lên đầu: Em thấy làm thơ cho hay, thật khó, đã hai năm nay em không viết được câu nào, đành phải chuyển sang viết báo thôi !

Lại nữa, một thành viên trong hội đồng nghệ thuật quyết bảo vệ cho một tập thơ X trước hội đồng xét giải, với giọng hùng hồn, ông nói: “Đây là tác phẩm tuyệt vời trên cả tuyệt vời, lời hay, ý đẹp, tứ thơ lạ lắm, hay đến từng câu, từng chữ…Tóm lại đây là một tác phẩm hay nhất trong đời tôi mới gặp”…

Các thành viên trố mắt, lắc đầu. Nhân lúc giải lao, một thành viên trong hội đồng hỏi anh: -Trong tập đó, ông thích nhất bài nào? Ông nheo mắt, ngoáy ngoáy cái đầu: -Tôi đã đọc quái đâu, à, mà cũng không biết tên tập sách ấy là gì nữa!...

Ông nhạc sĩ bạn tôi lắc đầu: -Thế thì văn nghệ làm quái gì có không khí!

Tôi cãi: Nếu không có không khí thì chả ai sống nổi, anh thấy đấy ai lại chẳng cần không khí. Khi ra đường, mọi người đeo khẩu trang, tức là hít thở cái không khí được lọc qua khẩu trang để tự bảo vệ mình.

Ai cũng biết thời nay có rất nhiều của ngon vật là, những thú vui giải trí, nhưng người ta vẫn đi tìm rau sạch, thực phẩm sạch, được thưởng thức một thứ bóng đá sạch, cũng như văn nghệ chúng ta đang cần một thứ không khí sách. Cái thứ không khí ấy chỉ có được khi ngọn lửa đam mê cháy bỏng trong lòng ta chân thực.

 Lúc này con người đổ xô đi tìm cái “sạch” có nghĩa là lúc quanh ta sự ô nhiễm quá nhiều.

                                                 Đ.V.Đ

 

Vấn đề: “Đời sống văn nghệ”, “Không gian văn hóa văn nghệ”…luôn được nhiều người quan tâm, là đề tài của một số nhà nghiên cứu. Nhưng “không khí văn nghệ” lại có ít người nhắc tới, có chăng là ở các cuộc gặp mặt thân mật, các buổi liên hoan rôm rả quá người ta bảo: “Có không khí văn nghệ”. Xin đừng ai nghĩ rằng: “Không khí văn nghệ” là không khí của những chuyện tầm phào. Theo tôi, không khí văn nghệ là yếu tố góp phần làm phong phú đời sống văn nghệ, có tác động tích cực đối với những người sáng tạo văn học nghệ thuật và cả những người hưởng thụ văn nghệ. Không khí văn nghệ luôn có ở mọi lúc, mọi nơi.

Những ngày đầu giải phóng, Đà Nẵng ngập tràn niềm hân hoan chiến thắng. Trong niềm hân hoan ấy chúng tôi đã nhận ra cái không khí văn nghệ ở một thành phố từng là nơi đồn trú của hơn nửa triệu sắc lính. Không khí ấy mới chỉ dừng lại ở sự khát thèm, ở nhu cầu văn hóa văn nghệ mà đội ngũ những người làm văn nghệ chuyên nghiệp chúng tôi chưa đáp ứng kịp. Bù vào khoảng trống ấy, chúng tôi lặn lội đi, cặm cụi viết, hì hục cho ra sách…và tổ chức nhiều cuộc giao lưu. “Cung” và “cầu” cứ thế thúc đẩy nhau.

Một không khí văn nghệ thật đáng quý và rất dễ thương, nhưng không phải từ trên trời rớt xuống. Trong không khí ấy, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng đã xúc tiến thành lập Hội Văn nghệ. Tháng 4-1978, tổ chức Hội được thành lập (lúc đó Đà Nẵng là một phần máu thịt của đất Quảng). Hội được ra đời và hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ điều, khi mà mỗi bữa ăn của người xứ Quảng, một hạt gạo phải cõng theo mươi lát sắn khoai, nhưng không khí văn nghệ thì không thiếu, nó còn vượt lên cả không gian văn nghệ. Văn nghệ xứ Quảng vượt đèo Hải Vân ra Huế. Văn nghệ Bình-Trị-Thiên băng qua Hải Vân vào Đà Nẵng. Ngoài những cuộc gặp gỡ chính thống ở cơ quan Hội, có lần chúng tôi bất ngờ gặp nhau ở nhà anh Nguyễn Quang Hà, anh Tô Nhuận Vĩ, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường…Khi ngồi uống trà, khi ăn bát chè Huế, khi anh Tường mua được xị rượu gạo, cầm ly lên tay rồi, anh sực nhớ gọi chị Lâm Thị Mỹ Dạ kiếm cho lon đậu phụng rang, lát sau, nhiều anh em văn nghệ Huế đã có mặt cùng đọc thơ, cùng trao đổi tình hình văn nghệ của từng vùng đất, chúng tôi càng có điều kiện hiểu biết về nhau, thôi thúc nhau trong công việc. Thỉnh thoảng các bạn văn nghệ Huế lại có mặt ở Đà Nẵng. Có lần vào khoảng 10 giờ đêm, nhà thơ Hải Bằng (Huế) được nhà thơ Trần Thanh Tịnh nhắn chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Trác (số 5 Yên Báy). Nhà thơ Hải Bằng xin được đọc 3 bài thơ ngắn, tâm đắc, anh mới làm xong, té ra, anh đọc tới 30 bài. Trời chuyển sáng vẫn chưa dứt tiếng thơ.

Lại những lần được anh Vũ Hữu Định mời anh em đến nhà nghe thơ anh và các bạn thơ trong thành phố, cùng trao đổi góp ý, khen chê thẳng thừng. Một đêm đọc thơ, nghe thơ cũng chỉ vài xị rượu gạo, hai trái cóc và một quả xoài xanh, nhưng ai cũng có cảm giác thú vị về cái tình văn nghệ, không khí ấy cứ thường xuyên diễn ra, sôi động nhất vào mỗi khi sắp đến kỳ đại hội văn nghệ lần 1, lần 2.

Có đêm, mọi người thi nhau đọc thơ của mình, tôi đành nhường anh em, nên chỉ im lặng lắng nghe, thấy vậy, nhà thơ Trần Thanh Tịnh nói đùa: -“Anh không có thơ đọc thì sắp tới làm lãnh đạo để chúng tôi làm thơ”.

Đùng một cái, sáng mai thức giấc, một ngày như mọi ngày, tôi mở cửa nhìn ra ngoài đường, vẫn những gương mặt thân quen cũ đi vào cơ quan Hội (sau khi đại hội chuyên ngành). Nay các anh các chị đã thành nhà: nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà…Thành phố chúng ta đã có gần 600 nhà. Một sự chuyển biến đến phi thường.

Một buổi sáng, chúng tôi cùng ngồi trong quán cà phê, biết tôi là người từng nhiều năm trong văn nghệ, một nhạc sĩ nói: -Tôi thấy không khí văn nghệ bây giờ thế nào ấy anh ạ.

Tôi gặng lại:-Thế nào là thế nào? Nhạc sĩ nhắc lại những chuyện ngày xưa. Tôi cãi ngay: -Ông lại hoài cổ rồi. Xưa khác, giờ khác, xưa con gà có thể bay qua 3 nhà hàng xóm, nay đô thị hóa, nhà gian, cửa khoá trong, khoá ngoài. Thời gian trôi nhanh, sự vật đổi thay từng phút, từng giây. Ngày xưa, thích hít thở không khí trong lành ta về vùng quê. Nay vùng quê đã có khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều nhà máy mọc lên, rõ ràng không khí sẽ có khói bụi, có mưa a xít, thì ta cũng phải sống chung như người dân đồng bằng sông Cửu Long từng sống chung với lũ.

Nhạc sĩ ngán ngẩm kể lại chuyện, có lần anh say sưa trình bày một ca khúc mới, nghe xong, mọi người vỗ tay tán thưởng, người vỗ tay khen rối rít nhất là một đồng nghiệp ngồi bên cạnh. Nhạc sĩ liền hoải: - Anh thấy đoạn nào là hay nhất. Đồng nghiệp lúng túng hỏi lại:-Nhạc sĩ vừa hát bài gì ấy nhỉ!...

Nghe xong, tôi ồ lên cười: Gì chứ, những chuyện ấy tôi có thể kể ra cả ngày cũng không hết. Này nhé: Bạn tôi là một nhà thơ, đột nhiên mời tôi ra quán chiêu đãi, với lý do: Tác phẩm của anh đã được công bố đoạt giải thưởng, anh tạm ứng ở vợ một khoản chiêu đãi bạn. Vì tuần sau mới được nhận giải. Anh xin lỗi tôi về việc chưa tặng sách, vì tác phẩm khoảng nửa tháng mới in xong.

Lại nữa, một thành viên trong hội đồng xét giải, gặp bạn, rối rít khen: Dạo này cậu viết thơ “lên tay” đấy, sắp tới mình sẽ đề nghị xét giải cho tập thơ mới của cậu. Nhà thơ đưa tay gãi lên đầu: Em thấy làm thơ cho hay, thật khó, đã hai năm nay em không viết được câu nào, đành phải chuyển sang viết báo thôi !

Lại nữa, một thành viên trong hội đồng nghệ thuật quyết bảo vệ cho một tập thơ X trước hội đồng xét giải, với giọng hùng hồn, ông nói: “Đây là tác phẩm tuyệt vời trên cả tuyệt vời, lời hay, ý đẹp, tứ thơ lạ lắm, hay đến từng câu, từng chữ…Tóm lại đây là một tác phẩm hay nhất trong đời tôi mới gặp”…

Các thành viên trố mắt, lắc đầu. Nhân lúc giải lao, một thành viên trong hội đồng hỏi anh: -Trong tập đó, ông thích nhất bài nào? Ông nheo mắt, ngoáy ngoáy cái đầu: -Tôi đã đọc quái đâu, à, mà cũng không biết tên tập sách ấy là gì nữa!...

Ông nhạc sĩ bạn tôi lắc đầu: -Thế thì văn nghệ làm quái gì có không khí!

Tôi cãi: Nếu không có không khí thì chả ai sống nổi, anh thấy đấy ai lại chẳng cần không khí. Khi ra đường, mọi người đeo khẩu trang, tức là hít thở cái không khí được lọc qua khẩu trang để tự bảo vệ mình.

Ai cũng biết thời nay có rất nhiều của ngon vật là, những thú vui giải trí, nhưng người ta vẫn đi tìm rau sạch, thực phẩm sạch, được thưởng thức một thứ bóng đá sạch, cũng như văn nghệ chúng ta đang cần một thứ không khí sách. Cái thứ không khí ấy chỉ có được khi ngọn lửa đam mê cháy bỏng trong lòng ta chân thực.

 Lúc này con người đổ xô đi tìm cái “sạch” có nghĩa là lúc quanh ta sự ô nhiễm quá nhiều.

 

ĐỖ VĂN ĐÔNG