KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH HOÀI THANH (15.7.1909 - 15.7.2009)
Khoảng đầu những năm 60 thế kỉ trước, hồi còn học Trường Phổ thông cấp III Trần Phú, thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), từ tủ sách của người anh rể là giáo viên dạy văn lần đầu tiên tôi được trực tiếp đến với tác phẩm của Hoài Thanh, đó là những chương ông viết về Hoa Tiên, Truyện Kiều, in trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, quyển IV (Nxb. Văn Sử Địa, 1959 - mà ông là đồng tác giả sách cùng Nguyễn Đổng Chi, Văn Tân...). Tiếp đó, những bài ông viết và cho đăng trên tập san Nghiên cứu Văn học, nơi ông là Thư ký toà soạn, về cuộc tranh luận nghệ thuật, hồi 1935 - 1936, văn thơ Hồ Chủ tịch, thơ Tố Hữu, Giang Nam, Thanh Hải... - sau này được tập hợp cùng với các bài, đăng trên báo, tạp chí khác, vào các tập Phê bình và tiểu luận I, II Nxb Văn học, 1960, 1965), đã cuốn hút tôi đọc một cách hào hứng, say mê.
Năm 1963, thi đỗ vào khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, là sinh viên, ngay từ năm đầu tiên, tôi làm quen với một tác phẩm quan trọng của Hoài Thanh (soạn chung với Hoài Chân) trước Cách mạng tháng Tám, đó là cuốn Thi nhân Việt Nam 1932 -1941 trong một hình thức khá đặc biệt. Chả là Thư viện chuyên khoa Văn của nhà trường, khi đó đặt tại Ký túc xá Láng (Cầu Giấy) còn lưu giữ khá đầy đủ hàng trăm tác phẩm văn chương Việt
Song chỉ như vậy thôi, chúng tôi đã mãn nguyện lắm rồi! Tôi mải mê, đắm chìm vào thế giới Thơ Mới, chép đầy vào sổ tay tư liệu văn học của mình, để sở hữu những bài thơ hay do Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển chọn và bình (Các sổ tay này, đến nay đã hơn 40 năm, tôi vẫn còn giữ được nguyên vẹn như là kỉ niệm quý giá của đời sinh viên Văn khoa - khúc dạo đầu suôn sẻ trên con đường đi vào nghiên cứu - phê bình văn chương của mình).
Những năm học sau, nghe các Thầy giảng bình về giai đoạn văn học Việt Nam hiện đại 1930 - 1945 và lý luận văn học, tôi cứ băn khoăn mãi về cuốn Văn chương và hành động của Hoài Thanh viết với sự cộng tác của Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lưu. Các Thầy chỉ nói qua loa về quyển này, không làm chúng tôi thoả mãn. Thầy bảo rằng, sách in công phu từ một nhà xuất bản tư nhân Phương Đông, nhưng khi vừa xuất bản ( 1936), thì bị thực dân Pháp tịch thu ngay, đưa về Pháp tàng trữ, cấm lưu hành ở Việt Nam. Thành ra, chỉ còn tên sách, chứ ở ta không nơi nào có để mà đọc, nghiên cứu.
Tôi nghĩ rằng, đây là một tác phẩm quan trọng trong văn nghiệp Hoài Thanh trước Cách mạng, nội dung của nó phải có điều không ổn đối với sự cai trị của thực dân Pháp thì mới bị cấm phát hành chứ và chắc chắn nó có vị trí đáng kể trong lịch sử tư duy lý luận phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Người đọc thực sự cầu thị, không thể không tìm cách tiếp cận với nguyên gốc tác phẩm, nếu muốn nhận chân quan điểm, tư tưởng và học thuật của các tác giả. Từ đấy trong tôi hình thành dần sự bức xúc tâm nguyện về việc đi tìm văn bản đích thực của tác phẩm đặc sắc nhưng chịu số phận nghiệt ngã này.
Song, phải đúng 30 năm sau, khi cơ may đưa đến, tôi mới thực hiện được điều đó.
Tốt nghiệp Đại học cuối năm 1967, tôi có duyên may được về Viện Văn học, làm việc ở Phòng nghiên cứu lý luận văn học do Nam Mộc phụ trách. Hoài Thanh lúc này là Phó Viện trưởng Viện Văn học, vẫn kiêm Thư ký toà soạn Tạp chí Văn học (do đổi tên từ 7/1963). Là một cán bộ trẻ, tròm trèm tuổi 20, mặt còn đầy vẻ thư sinh, về tập sự nghiên cứu ở một cơ quan nghiên cứu văn học hàng đầu ở miền Bắc, tôi không khỏi rụt rè, ngỡ ngàng. Tôi luôn dặn mình phải nhũn nhặn, chịu khó, học tập tấm gương lao động khoa học cần mẫn, sự dùi mài bút lực của các bậc trưởng thượng, đàn anh trong cơ quan, như: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hoàng Trinh, Nam Mộc, Vũ Đức Phúc, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Đức Đàn...
Ở nơi sơ tán của Viện Văn học - làng nhỏ ven sông Cầu, thuộc huyện Yên Phong (Hà Bắc), lần đầu tiên tôi được gặp Hoài Thanh. Hồi này, ông kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt
Tôi còn nhớ hôm đó, sau bữa ăn trưa đạm bạc ở bếp ăn tập thể cơ quan xong, tôi được ông triệu vào gặp tại căn phòng nói trên. Thân mật và tế nhị, ông hỏi đôi điều cần biết về gia cảnh và nguyện vọng phấn đấu về chuyên môn và chính trị của tôi, rồi chuyển sang hỏi tôi có đọc nhiều thơ không, có thói quen hay ghi chép thơ vào sổ tay không, có bài thơ nào thích, mới chép được từ báo chí, thì cho ông được ngó xem cùng?
Được lời như cởi tấm lòng, hôm sau tôi trịnh trọng bê lên chỗ ông một chồng sổ tay ghi chép lớn, nhỏ có được sau 4 năm ở Đại học - một phần kho tư liệu văn học của tôi, cũng còn có ý ngầm khoe với ông nữa chứ! - trong đó chép từ đủ nguồn tài liệu sách báo, và có mấy bài mới chép trong năm 1967. Ông người cao lớn, nên phải khom người xuống đỡ lấy, tủm tỉm cười, lấy tay vuốt nhẹ lên bìa simili các cuốn sổ tay tôi chép thơ người khác, rồi nói nhẹ như thầm thì: - Cảm ơn cháu, bác sẽ dành thời gian đọc trong ít ngày, rồi trả lại nguyên vẹn cho cháu, không sợ mất đâu!
Suốt một tuần sau đó, tôi hồi hộp chờ đợi được gặp lại ông, để nghe ông nhận xét ra sao về khiếu thẩm mỹ và con mắt chọn "thơ hay" của tôi. Và cái ngày ấy đã đến. Buổi tối mùa hè đó, dưới ánh dèn dầu le lói, trời nóng bức, hai bác cháu phải quạt luôn tay, ông dành cho tôi khoảng 1 tiếng đồng hồ, để trò chuyện đôi điều về nghề nghiệp.
Ông ôn tồn bảo tuổi trẻ là quý lắm, phải tận dụng thời gian, hết lòng làm việc cho cái chuyên môn mà mình sở trường và theo đuổi, để khi sức tàn, lực kiệt, có thể mãn nguyện là mình đã có chút gì có ích cho cuộc đời chung. Nghiên cứu văn chương thì phải chịu khó tự mình tìm đọc văn bản tác phẩm, đọc đi đọc lại không ngại, cốt để thẩm thấu được cái hồn, cái thần của nó. Khi đọc phải tĩnh tâm, thành thực với mình, với người, an nhiên tự tại. Phê bình cần có tài năng thiên bẩm, tấm lòng rộng mở và cảm hứng dồi dào đã đành, nhưng trước hết phải lao động trên từng câu chữ của người ta, nghiên cứu kỹ lưỡng tác phẩm, từng dòng, tìm kiểu cách diễn đạt khác lạ, kể cả những chỗ tác giả để trống, tức là những khoảng lặng, tích tụ sự bùng nổ tư tưởng, cảm xúc. Phải gắng lần tìm cho ra những điều sâu xa, ẩn chứa mà tác giả tâm huyết gửi gắm trong mọi nơi thuộc tác phẩm sáng tác hoặc phê bình. Một bài phê bình thơ hay, theo ông, người viết cần tinh tường trích được những câu thơ hay của tác giả. Kinh nghiệm của ông là, khi đọc bài phê bình thơ, trước hết ông lướt qua những đoạn trích thơ đã. Nếu là thơ hay, ông sẽ bắt đầu đọc từ đầu bài phê bình đó. Còn nếu ngược lại ông thú thực rằng, mình sẽ không có đủ hứng thú và kiên nhẫn đọc toàn bài phê bình đó nữa.
Ông động viên tôi không được lơ là việc đọc phát hiện, đọc trực tiếp và kĩ càng tác phẩm văn chương. Phải đọc để "nằm lòng" tác phẩm, thâm nhập vào các tầng vỉa sâu xa, rộng dài của nó. Với thơ hay, không được nản lòng khi đọc đi đọc lại chúng, bởi mỗi lần đọc, có thể ta sẽ phát hiện thêm được những khía cạnh mới mẻ, từ nơi tác phẩm đó chăng?
Ông lại khuyên tôi nên chọn phê bình, định hình phong cách, và "gu thẩm mỹ" vào một thể loại văn chương nhất định, hoặc là thơ, hoặc là văn xuôi, văn học kịch, văn lí luận - phê bình, bởi lúc đó, mới vào nghề tôi đang phân vân trong sự lựa chọn nói trên (sau này tôi mới vỡ lẽ và "ngấm" lời khuyên của ông: thoạt đầu tôi phê bình thơ, sau tự thấy không ổn và không dễ dàng gì, tôi bèn chuyển sang phê bình, nghiên cứu loại văn tự sự và văn nghiên cứu - phê bình- và thấy đó là mới thực sự là chỗ đứng của mình).
Cũng trong buổi tối hôm ấy, tôi mạnh dạn hỏi ông về cuốn Văn chương và hành động. Khi đó, ông trở nên trầm ngâm, lặng đi một lát, rồi nói: Cuốn sách này cùng với các bài viết đăng báo trước Cách mạng tháng Tám, bác không tài nào giữ được. Bây giờ phải nhờ vào công phu giúp đỡ, sưu tầm, nhặt nhạnh của các thế hệ sau mà thôi. Nếu các cháu có điều kiện, biết đâu, lại giúp được bác việc này cũng nên?
Chia tay ông, tôi thầm hứa, khi gặp hoàn cảnh thuận lợi và cho phép, tôi sẽ hết lòng không phụ sự tin cậy mà ông đã uỷ thác.
Dịp may đó đã đến. Vào cuối những năm 80 thế kỷ trước, khi công cuộc đổi mới được mở ra, giới nghiên cứu, lý luận, phê bình, bắt đầu soát xét lại việc nhìn nhận một số hiện tượng văn học (tác gia, tác phẩm, trào lưu) mà trước đây do áp lực và bối cảnh thời cuộc trong nước, quốc tế, do không có đầy đủ tư liệu nghiên cứu trong tay, hoặc do định kiến, giáo điều, hẹp hòi. . .mà đôi lúc, người ta đã đánh giá vênh lệch giá trị của tác phẩm, vị trí của nhà văn hoặc trào lưu văn học chưa hoàn toàn có sức thuyết phục và đáng tin cậy.
Tôi được Viện Văn học giao chủ trì công trình cấp Viện, nghiên cứu lại và khôi phục đầy đủ tư liệu khoa học về cuộc tranh luận nghệ thuật 1935 - 1939 mà ta quen gọi là cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh giữa nhóm của Thiếu Sơn, Hoài Thanh và nhóm của Hải Triều.
Sau hai năm tập trung khảo sát, nghiên cứu với sự giúp đỡ tận tình của cán bộ thư viện ở Hà Nội và bạn bè ở Pháp, tuy kinh phí được cấp còn ít ỏi, nhưng kết quả thật không ngờ! Chúng tôi đã tập hợp được khá đầy đủ, bước đầu phân loại, định vị một khối lượng tư liệu phong phú thuộc mảng thể loại chuyên ngành nghiên cứu, lý luận, phê bình của văn học Việt Nam hiện đại nửa đầu thế kỷ XX.
Trên cơ sở đó, trong vòng bốn năm trời, lần lượt các công trình khảo luận sau đây của chúng tôi được ra mắt bạn đọc rộng rãi:
- Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật 1935 - 1939, Nxb Khoa học xã hội 1996;
- Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam 1900 - 1945, 5 tập, Văn học, 1997;
- Hoài Thanh - Bình luận văn chương (1934- 1943),Giáo dục, 1998;
- Hoài Thanh - Lê Tràng Kiều- Lưu Trọng Lư - Văn chương và hành động (tái bản lần thứ nhất), Hội Nhà văn, 1999 .
Những công trình này đã thể hiện cố gắng tâm huyết của chúng tôi trong việc cung cấp văn bản tư liệu gốc, chính xác, khá đầy đủ thuộc khu vực tác phẩm nghiên cứu, lí luận, phê bình văn học Việt Nam hiện đại trong buổi đầu hình thành và phát triển, lấp vào những khoảng trống về tư liệu kéo dài đã nhiều năm. Nó cũng bước đầu mạnh dạn đưa ra những căn cứ mới, đánh giá lại, tranh luận, điều chỉnh những nhận định cực đoan, võ đoán phiến diện trước đây, xung quanh các khía cạnh còn bất đồng, thuộc các hiện tượng văn học đó.
Lúc ấy, Hoài Thanh đã mất. Ông không còn có dịp để nhìn lại những tác phẩm bị thất lạc của ông ngày nào, bây giờ lại có mặt trong các tuyển tập tác phẩm của ông. Và nhiều nhận định về ông, nhất là về thời kỳ ông hoạt động lý luận, phê bình văn học trước Cách mạng tháng Tám, đã có sự đổi khác, ghi nhận những đóng góp quý báu của ông vào tiến trình vận động của tư duy lý luận, phê bình văn học Việt Nam trong quỹ đạo hiện đại hoá, hội nhập vào khu vực và quốc tế, mà vẫn giữ được tinh thần, cốt cách dân tộc Việt Nam.
Có thể nói, bằng sự hiện diện của tác phẩm chứa đựng một tài năng phê bình kiệt xuất, qua tấm gương sống trung thực và lao động nghệ thuật bền bỉ, say sưa, cùng những lời khuyên nhủ chân tình dành cho người trẻ tuổi mới vào nghề, Hoài Thanh đã dẫn dắt tôi từng bước đi vào nghiệp phê bình văn chương. Và tôi đã trở thành người học trò nhỏ, người đồng nghiệp vong niên của ông.
Tôi vô cùng sung sướng đón nhận tập sách mới của Hoài Thanh, do Từ Sơn sưu tầm và công bố, nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Cuốn sách này, có thể nói, đã bổ sung vào Toàn tập Hoài Thanh (cũng do Từ Sơn tuyển soạn, gồm 4 tập, Nxb. Văn học, 1999) một số bài phê bình văn học có giá trị của Hoài Thanh từng đăng trên báo Tràng An những năm 1935 - 1936 về Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, về thơ Phan Văn Dật, Phạm Văn Ký, về Chương dân thi thoại của Phan Khôi, về Phan Bội Châu, Henri Barbusse...
Như vậy là, với thời gian và sự nỗ lực của chúng ta, chân dung văn học của Hoài Thanh ngày càng được rạng rỡ, toả sáng!