Bãi bằng Như Lệ

24.07.2009

Bãi bằng Như Lệ

Truyện ngắn
 

Đã khuya lắm, Bọn địch như cũng mệt mỏi! Khoảng cách giữa các loạt cối cầm canh thưa thớt hơn. Đêm hạ tuần tháng chạp sương muối xuống giá buốt. Gió hun hút từ sông Thạch Hãn thổi vào; bãi bằng làng Như Lệ đường dây thôi không đứt nữa. Mệt quá, tôi ghé xuống căn hầm bên đường, vẫn để nguyên quân tư trang trên người. Đêm Đông mà lưng áo ướt sũng vì từ tối lăn qua lăn lại nhiều lượt với những cú dây đứt. Định ngả mình chút xíu cho dãn xương dãn cốt. Vừa đặt lưng, bỗng nghe tiếng ai quát tháo ầm ĩ làm  giật mình... Thì ra là tiếng quát của chính mình trong mơ!

- Chết thật, bọn thám báo mò qua bây giờ thì toi!

Lẩm bẩm một mình, tôi bật dậy, tay lăm lăm quả lựu đạn chày, lại bước vào màn đêm tối thui. Lần đường dây theo hào tuyến 3, đến được khu đại đội bộ đại đội 7. Mấy chàng 2W đang ngủ vùi, anh em bộ binh chốt tuyến 2 qua qua lại lại thay phiên nhau tuần tra... Lao vào hầm thông tin nằm vật ra, tôi thiếp đi rất nhanh.

 

Mặt trời buổi sáng qua lỗ thông hơi loa lóa chiếu vào mặt, báo hiệu một ngày nắng rát. Tôi dụi mắt nhỏm dậy, lúc đó khoảng 9 giờ hơn. Bò sang hầm đại đội, biết đường dây liên lạc đã mất từ lâu, nhưng không phải phiên trực Hữu tuyến nên không ai hối thúc tôi cả. Ở chốt này, trách nhiệm thông suốt liên lạc ban ngày về bờ sông thuộc cánh 2W - còn Hữu tuyến chúng tôi chỉ đảm nhiệm vào ban đêm, vì bãi bằng Như Lệ nằm thấp hơn trận địa quân địch rất nhiều mà chiến sự thì ngày đêm kinh khủng. Ai đó thò đầu lên khỏi hào chứ chưa cần lộ ra bãi sẽ bị ngay bắn tỉa, thậm chí cả súng liên thanh, có khi cả lựu đạn hoặc cối, pháo... của địch choảng ngay. Nhưng vì “nhàn cư vi...” tù cẳng quá nên mấy lần tôi lò dò theo hào tuyến 3, chọn chỗ an toàn rướn cổ nhòm ra cái bãi bằng đáng ghét, nhấp nhô những hầm hào... Những chiếc cột nhà cháy đen thui còn sót lại trơ trỏng, cắm lộn xộn xen những ụ đất, đá; những hố bom, hố pháo san sát nham nhở... Thấy mờ nhạt hình bóng một làng quê xưa, giờ đã bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn!

Đại đội trưởng chỉ huy tuyến chốt này là một anh chàng ngoài 30, da xỉn, môi thâm sốt rét. Mặt anh chàng hơi hoa rỗ làm nước da càng thêm xấu nhưng nhìn dáng đệu, tác phong đủ biết là một người có bề dày kinh nghiệm trận mạc. Anh ta bước qua bước lại trước hầm thông tin tỏ vẻ sốt ruột! Nhăn nhó gãi tai một hồi rồi mắt anh ta bỗng sáng lên khi nhìn thấy tôi. Anh chàng nhăn nhở cười tiến lại vỗ vai:

- 2W tậm tịt quá, mấy thằng mới bổ sung chưa thuộc bài nên câu chẳng câu chuộc, chậm chạp thiếu chính xác lắm! Hay là ông đi sửa ban ngày thử cái?  Nói xong gã lại toét miệng ra cười. Tôi bật luôn một câu trả lời theo phản xạ tự nhiên:

- Thanh thiên bạch nhật thế này đi thế nào được! Ra mà toi à, chịu thôi bố ạ. Tôi nhìn quanh, mấy cậu liên lạc, y tá... mặt mũi nhem nhuốc, áo quần bê bết bùn đất. Đến như tôi, lên lên xuống xuống luôn mà lúc này mặt mũi cũng như ngoáo ộp huống chi họ. Cơm nước hàng ngày của cả tuyến đều do anh nuôi dưới bờ sông lợi dụng những khi tối trời mới mang lên, nhất nhất phải chờ tối hẳn. Ngay cả thương binh tử sĩ cũng phải chờ, đố ai dám liều lĩnh. Mà tiểu đoàn trưởng đã có lệnh, không cho phép ai làm vậy. Đắn đo một hồi, tôi thấy trong lòng áy náy! Lẳng lặng xốc dây lưng và túi đồ... Tôi gật gù nhếch mép ra chiều cao ngạo, buông một câu:

- Thôi được, để tôi thử xem sao! Mọi người trực máy nhé...

Thi thoảng có tiếng AKA giòn tan, tiếng M76 lẹt đẹt phá tan bầu không khí yên lặng buổi sáng! Tới căn hầm cuối cùng trước khi băng ra cái bãi bằng trống trải tôi loay hoay chưa biết có nên băng ra ngay không vì khu vực này giờ lại im ắng dễ sợ! Linh cảm nhắc nhở rằng “hàng trăm cặp mắt cú vọ của bọn ngụy trên kia đang theo rõi rình rập”. Nhất là gần trưa, trời chang chang đổ nắng, từng ngọn cỏ bờ mô, từng con hào cái rãnh... nhìn rõ mồn một. Tôi đã phát hiện đoạn dây đứt; nó nằm cách căn hầm đang núp khoảng 50 mét; vắt ngang miệng một hố bom, giữa la liệt những hố pháo nhỏ màu đất còn mới. Trời trong veo, dãy đồi bát úp trước mặt. Động ông Do và rặng núi xa xa, nơi bọn pháo lớn, pháo nhỏ của địch lúc nào có địch thật, chỗ nào chúng nghi binh! Quay vào sâu hơn trong căn hầm sắp sập, ngả người lên đống ba lô phồng căng của chiến sĩ ngoài chốt để tạm, tôi căng óc suy tính... tìm cho mình một giải pháp định thần.

Chà chà, run thật! Chả thế mà tiểu đoàn trưởng đã có lệnh, không cho Hữu tuyến điện hoạt động ban ngày. Nhưng rồi tôi cười khẩy một tý, tặc lưỡi một cái, cố tỏ vẻ ta đây không sợ... kiểu “giang hồ hiệp sĩ...”, đoạn quyết định xuất phát. Trườn người khỏi hào như con thằn lằn, uyển chuyển bò ra bãi. Được vài chục mét, bỗng ùng ùng, ùng... một loạt tiếng nổ làm tai lung bung rồi ù đặc. Đất đá quanh người tung lên mù mịt. Pháo địch từ động ông Do nã tới, gần sát sạt và liên tục, tôi ngỡ mình tiêu luôn lúc đó! Chỉ kịp úp mặt xuống đất, vào sườn một hố bom B52, hai tay ôm đầu, mắt nhắm tịt chờ... rủi may. Mấy phút trôi qua, khi không thấy tiếng nổ nào thêm, đang định nhỏm dậy chạy thì lại nghe những tiếng bung... phụp... bung... phụp... Pháo khoan địch bây giờ mới đến lượt. Chúng khoan như điên như dại xung quanh người. Những tiếng nổ lục bục...  lục bục... đục trầm trong lòng đất. Bãi bằng Như Lệ rung lên như có động đất... rồi từng cột, từng cột đất đá phun tóe lên trời, lả tả rơi xuống phủ đầy người. Địch dùng pháo nổ trên mặt đất để xua những người chưa hy sinh vào hầm, rồi chúng tiếp tục tiêu diệt nốt bằng pháo khoan! Chiều qua tôi chứng kiến cảnh mấy chiến sĩ trinh sát vừa thóat hiểm từ bãi bằng này. Khi về tới bờ sông trên lưng áo một người còn bám đầy máu tươi lẫn với vãi óc trắng xóa của một đồng đội cùng hầm bị pháo khoan nổ trúng. Số tôi cao nên đã bao nhiêu lần không nhớ hết, bị bom đạn đánh trúng đội hình, có lần đồng đội hy sinh ngay bên cạnh mà tôi vẫn chưa hề hấn gì.

Qua được đoạn tưởng tiêu đời đó, tôi nghển cổ dõi nhìn các đoạn dây đứt nhỏm người vụt tới, khẩn trương các động tác tháo nối . . . rồi lao nhanh về phía bờ sông qua cái bãi bằng ghê rợn, mù mịt khói bụi, khét lẹt mùi thuốc súng và nóng như thiêu đốt. Trên đường giữa bãi bằng, dù chạy rất nhanh, tôi vẫn kịp nhìn thấy một trái lựu đạn không kíp, loại tấn công màu vàng ai đó vứt dưới đáy một hố bom sâu. Tri giác nhắc tôi nhớ tới hai quả lựu đạn cách đó mấy hôm tôi đã kỷ niệm cho thằng em kết nghĩa cùng tiểu đội, lúc nó lên đường sang đây; nó thích loại lựu đạn này, vừa xinh, vừa gọn nhẹ, giống hệt quả lựu đạn không kíp đang nằm trong hố bom! Về được đến bờ sông, tôi thở phào nhẹ nhõm! Sà vào hầm tổng đài, mấy đứa trực máy cung ban chỉ huy tiểu đoàn đồng loạt bật ùa ra reo mừng:

- Cứ tưởng mày bị sao rồi, đường dây thông suốt cả ban ngày, giỏi quá - Tiểu đội trưởng của tôi cười lớn, phô hết cả mấy chiếc răng vô, ôm chầm lấy tôi. Mấy vị chỉ huy tiểu đoàn cũng cười rạng rỡ mặt mày,tiến lại vỗ vỗ vai tôi khen ngợi... Nhìn thằng em kết nghĩa của tôi, sao lúc này nó như nhỏ bé hơn ngày thường! Nó nhìn tôi ngượng ngùng bẽn lẽn như con gái, khác hẳn với bản tính mạnh mẽ và tác phong nhanh nhẹn hàng ngày của nó. Cổ nó treo cánh tay trái, băng bó trắng toát, nó lí nhí:

- Anh liều quá, em đã bảo rồi, may mà chưa bị sao... Tôi hề cười, như người có lỗi muốn làm lành, phân bua:

- Tại ban ngày trên đó chẳng có việc gì làm nên anh liều thử... ai ngờ sợ thật! Vả lại cánh 2W chưa thạo việc, anh em ở chốt cần kíp.... Mà không liều làm sao anh biết mức độ ác liệt ban ngày trên bãi Như Lệ; em yên tâm điều trị, mai mốt lại về với anh nha.

 

Chiều tối hôm đó, có một trận lấn dũi của quân đội Việt Nam cộng hòa! Nhờ đường dây thông suốt (không có ai bò ra ban ngày trên bãi bằng nên địch cũng chẳng bắn phá gì tiếp). Lần đầu tiên từ khi đơn vị nhận bàn giao, đường dây Hữu tuyến đảm bảo liên lạc ban ngày. Hỏa lực và bộ binh quân giải phóng phối hợp chặt chẽ, đã bẻ gãy những đợt tấn công của địch; tôi được khen thưởng rồi được kết nạp Đảng những ngày sau đó.

Vào buổi sáng một ngày bình yên, Thắng từ bệnh xá tiền phương về thăm đơn vị. Tôi bảo nó giơ cánh tay cho xem vết thương đã tháo băng. Thấy ở cổ tay phía mặt dưới, quanh các nốt lấm chấm li ti đỏ đen có vài mảng nhỏ màu xanh lam cỡ hạt dưa, hạt bí... Không có nốt nào chứng tỏ vết thương sâu. Tôi hỏi nó:

- Sao vết thương có những nốt xanh như vậy?

Thắng trả lời:

- Lúc em giơ tay chữa dây, đạn cối nổ gần quá, thuốc táp vào nên có màu xanh như thế. Một sự liên tưởng không thích thú gì bỗng len vào đầu; và tôi chợt nhận ra đó là hình ảnh quả.lựu đạn không kíp màu vàng nằm dưới đáy hố bom trên bãi bằng Như Lệ mấy hôm trước ! Lòng dạ tự dưng buồn xịu, mắt tối sầm! Có cái gì như là sự đau đớn vô hình xộc tới, nhói vào vốn đa sầu đa cảm của tôi. Thảo nào từ hôm đó tôi chỉ nhìn thấy một quả lựu đạn tấn công màu vàng trên dây lưng của Thắng nằm ở hầm tổng đài. Tôi nhớ lại cái đêm cách đó dăm ngày, do tuyến dây từ bờ sông qua bãi bằng Như Lệ quá ác liệt, tôi được điều về tăng cường. Tôi cùng Thắng và mấy chiến sĩ trinh sát tiểu đoàn xuất phát. Tới giữa bãi, một loạt cối 61 của địch chặn lại. Mọi người dừng, lánh tạm vào căn hầm bên đường. Thắng đẩy lưng tôi theo đoàn người nói:

- Anh quay lại trước đi, em sẽ quay sau... Tôi cùng mọi người trong hầm đi được một lúc; tiếng pháo, tiếng cối vẫn ùng oang chưa dứt mà không thấy Thắng trở lại. Tôi trồi lên mặt đất, vừa ra tới ngách hào đã nghe thấy tiếng lu loa:

- Anh ơi, em bị thương rồi. Dưới ánh pháo sáng chỗ miệng hầm, tôi thấy cánh tay Thắng đầy máu... Tôi lấy băng gạc bên người băng tạm rồi lôi nó vào hầm chờ ngớt hẳn tiếng pháo mới lại cùng mọi người đi tiếp. Từ lúc đó chỉ mình tôi sửa dây, Thắng chỉ làm công việc dẫn đường. Khi đường dây được thông suốt trở lại, tôi bảo Thắng:

- Thôi, mày về điều trị đi, tao ở đây một mình cũng được. Vết thương không nặng nhưng không thể ở đây được đâu. Thắng chần chừ ái ngại một lúc rồi nó khuyên tôi:

- Anh cẩn thận đấy, ban ngày đã có bọn Vô tuyến, không việc gì phải liều lĩnh vô ích. Tiểu đội đang thiếu người, anh mà bị nữa thì tuyến này không có ai đảm nhiệm đâu. Nói rồi Thắng quay ngược, mất hút rất nhanh trong đêm tối.

"Quả lựu đạn không kíp màu vàng nằm dưới hố bom"! Chẳng còn phải hoài nghi gì nữa, thằng em của tôi trong phút giây yếu lòng ở cái đêm ác liệt ngoài bãi bằng Như Lệ, nó đã bỏ rơi tôi, bỏ lại một mình tôi cho sự khốc liệt hiểm nguy, vất vả và sống chết... Nó đã tự thương, Nó đã phản bội tôi!

Tôi chán chường vật lưng xuống chiếc giường dã chiến trong hầm tổng đài giơ tay bịt lấy mặt trong tiếng thở dài. Không khí trong hầm càng ngột ngạt khó thở? Thật không thể ngờ được con người ta thay đổi nhanh thế! Thân thiết với nhau mấy năm trời như vậy mà rồi vẫn có thể làm được cái việc khốn nạn như vậy !

Tôi chưa dám đả động đến những điều to tát hơn như tinh thần chiến đấu tinh thần đồng đội hoặc tinh thần yêu nước,cách mạng... Những cái đó là của chung xã hội, là của chung cuộc chiến tranh giữ nước, là của chung nhân loại! Có thể tôi đã ích kỷ quá chăng? Sao ngay lúc đó, trong những ngày tháng đó nơi chiến trường xa xôi, tôi chỉ suy nghĩ được cho riêng mình như vậy? Đau khổ chua chát cho riêng mình, giông giống như nỗi đau tình yêu, tình bạn gì đó... Như là sự thất tình vậy! Cũng kể từ đó,tôi gần như im lặng, xa lánh Thắng. Thường ngày nó vẫn vồ vập  chăm chút tôi như dạo nào... Trong những lần phục vụ chiến đấu tiếp theo, ai cũng khen nó nhanh nhẹn dũng cảm! Nhưng tôi, tôi như vô cảm với nó rồi! Tôi không thể cười đùa với nó được như trước nữa!

 

Chiến dịch năm 1975, tôi bị thương rất nặng ở gần thành phố Huế ! Cụt hai chân và cả hai mắt không bao giờ còn được nhìn thấy gì. Những trận đau đớn thể xác, những lần chuyển viên dần dần tới gần quê nhà! Cô người yêu xinh đẹp tới thăm một lần, khóc lóc... Rồi lặng bặt không thấy tới nữa! Cuộc đời thật là tăm tối cứ trôi đi, trôi đi... Đã có lần tôi định tìm đến cái chết...

Năm 1979, một hôm, khi đang nằm buồn trong trại thương binh ở Thái Nguyên thì nghe báo có hai đồng đội cũ tới thăm! Có tiếng những bước chân lẹp kẹp bước vào phòng, chưa nghe thấy tiếng nói của những người khách!

Giọng cô y tá nhỏ nhẹ dễ thương:

- Anh Văn à, đoán xem là những ai nào? Một đôi bàn tay mát lạnh của khách nắm lấy tay tôi. Tôi như vô cảm trong thôi miên, rờ rồi vuốt bàn tay khách! Cái cổ tay tròn, nhỏ sần sùi do có những vết sẹo mà thoạt chạm tôi đã nhớ ra là cánh tay ai. Tôi nói ngay:

- Thằng Thắng chứ còn ai vào đây nữa!

Cả mấy người khách đều cùng ồ lên:

- Giỏi quá, giỏi quá!

Lại một người nữa! Rờ tay chưa nhận ra thì tôi rờ lên mặt, tay tôi dừng lại ở cái mũi. Tôi vừa vân vê cái mũi ấy vừa nói:

- Cái mũi dài mà khoằm thế này thì chỉ có Trần Khoa quê Hải Phòng! Cả phòng lại ồ lên:

- Tuyệt vời, tuyệt vời . . .

Tôi thấy có mấy giọt nước ấm nóng rơi trên cánh tay mình! Vẫn cầm hai cánh tay của hai người đồng đội, tôi chưa nói được câu gì thì nghe giọng Trần Khoa:

- Ngày mai, bọn mình lại lên Lao Cai đánh nhau với quân Tàu đây, tiện qua tạt vào thăm bạn! Thằng Thắng hôm nào cũng nhắc tới cậu, hôm nay mới thấy mặt nó đỡ rầu rầu đấy Văn à. . .Lâu lắm, nước mắt tôi mới lại chảy! Nhưng nước mắt lần này mặn mòi nhủ khuyên tôi không thể bi quan thêm! Khi người ta chưa chết thì cuộc đời còn nhiều điều thay đổi lắm! Chỉ chứng kiến qua tai thôi cũng còn đầy... Đó cũng là động lực thôi thúc tôi theo học chữ nổi rồi tự dưng thấy thích viết linh tinh... Cô y tá người dân tộc Tày cho tôi tình yêu thứ hai... và đây là bài viết đầu tiên của đời tôi !

                                                                                                                                                                                    2002- 2008   

NGUYỄN TRƯỜNG TAM