Nghệ thuật múa với văn hóa Du lịch Đà Nẵng

24.07.2009

Nghệ thuật múa với văn hóa Du lịch Đà Nẵng

Hai đêm bắn pháo hoa quốc tế trên sân khấu sông Hàn, dưới sự thực hiện của Công ty tổ chức sự kiện Sơn Lâm, biểu diễn chương trình ca múa nhạc phụ trợ. Chỉ nói riêng phần múa, Hội Nghệ sĩ múa Đà Nẵng nhận được nhiều ý kiến của đồng nghiệp hai đầu Nam Bắc thăm hỏi, đại ý: Múa chuyên nghiệp đi đâu mà để nghiệp dư chiếm lĩnh sàn diễn, pháo hoa bắn lên trời tuyệt đẹp nhưng múa dưới đất thì nhạt nhòa, đã thể hiện múa tính cách dân tộc của nước nào thì phải rõ ràng, sắc nét của họ mới là trân trọng văn hóa họ, tôn trọng văn hóa họ mới là biểu thị văn hóa mình.

Điểm lại, múa biểu diễn cho văn hóa du lịch trên thành phố Đà Nẵng của chúng ta những năm qua còn nhiều điều khiếm khuyết. Những người làm công tác tổ chức cho du lịch, chưa hiểu sâu về nghệ thuật múa nên thường dễ tính chấp nhận cho các nhóm, vũ đoàn biểu diễn các tiết mục chương trình múa lấy vui mắt làm chính, kể cả việc biểu diễn các điệu múa dân tộc mình cũng chưa đúng chuẩn mực.

Năm 2007, tại thành phố Nam Ninh-Quảng Tây Trung Quốc có tổ chức hội thảo quốc tế Trung Quốc và các nước Asean với chủ đề “Múa với văn hóa du lịch” khẳng định tuyên ngôn của nghệ thuật múa với du lịch, tầm cao giá trị văn hóa mỗi nước thông qua ngôn ngữ múa đến với mọi người trên thế giới.

Trong khi ngành du lịch mỗi nước, mỗi địa phương ra sức quảng bá về di sản kiến trúc, địa hình, hàng hóa hay ẩm thực. Nghệ thuật múa, tinh hoa trong kiến thức thượng tầng lại quên đi, chưa coi trọng nó hoặc chưa biết xử dụng nó.

Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chức năng chuyên nghiệp là biểu diễn tuồng, nhiều năm qua để mưu sinh phải với sang cả lĩnh vực múa rối nước và múa thật các điệu múa dân gian, dân tộc không đúng với chức năng của mình, tuy hết sức cố gắng, nhưng tuồng diễn múa sao có thể hay, có thể chuẩn được.

Hội Nghệ sĩ múa Đà Nẵng đã cảnh báo nguy cơ xói mòn nghệ thuật múa, khi các nghệ sĩ biểu diễn múa chuyên nghiệp được đào tạo chính quy ra chạy theo việc kiếm sống hàng ngày, tập tành qua quýt chạy sô diễn cho nhà hàng, đám cưới, chỉ vài ba năm, nhan sắc tàn phai sẽ không còn đất diễn và trình độ chỉ còn ở mức nghệ thuật quần chúng.

Các tiết mục, chương trình múa được dàn dựng và biểu diễn như kiểu phụ trợ cho bắn pháo hoa quốc tế vừa rồi sẽ làm hỏng thị hiếu thẩm mỹ khán giả. Rồi mai đây múa chẳng còn chỗ đứng trong văn hóa du lịch khi đáng lẽ bộ môn nghệ thuật đắc dụng với sự phát triển tầm cao ở Đà Nẵng.

Khi thành phố đã có lịch tổ chức hội, lễ hội thường niên, các chương trình biểu diễn nghệ thuật (trong đó có múa) cũng theo đó mà chuẩn bị từ trước đó, giao cho các đơn vị nghệ thuật của thành phố đảm nhiệm, phát huy được khả năng lực lượng nội tại, những chương trình, tiết mục múa phải có giá trị nghệ thuật đích thực là vốn báu để thường xuyên trưng diễn cho khán giả trong nước, nước ngoài đến với thành phố chúng ta.

Ngoài những điệu múa riêng biệt, còn múa trong các lễ hội dân gian của Đà Nẵng, miền Trung và các dân tộc trên cả nước nếu được dàn dựng để biểu diễn cũng hết sức hấp dẫn. Nhà biểu diễn đa năng của thành phố là địa điểm lý tưởng để tổ chức loại hình này, có thể lập nên chưong trình diễn hàng tuần, hàng tháng, diễn dưới tàu du lịch mỗi lần cập bến của ta…chưa kể việc giao lưu trong nước, nước ngoài.

Việc ích lợi nhiều mặt nên làm, chỉ có điều chính quyền thành phố phải vào cuộc đầu tư: Đầu tư kinh phí dàn dựng chương trình, tiết mục, đầu tư đào luyện diễn viên. Hội Nghệ sĩ múa thành phố xin đảm nhận vai trò thiết kế, thi công, thực hiện với tinh thần như hội thảo quốc tế về múa trong văn hóa phục vụ du lịch: thực sự sẽ là công cuộc kinh doanh hiệu quả lớn về kinh tế-văn hóa.
 

NSƯT LÊ HUÂN