Có một Trường Sơn 532
Không phải chợt nhớ, hay bỗng dưng nhớ, mà hơn 10 năm qua, tôi vẫn làm bạn và qua lại với Lữ đoàn 532- Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn. Không phải bây giờ, thời Đại tá Nguyễn Thanh Xuân làm giám đốc cơ ngơi khang trang, phương tiện hiện đại, nhân lực, mạnh mẽ dồi dào, mà ngay thời Đại tá Liễn làm giám đốc, doanh trại còn tuềnh toàng, phương tiện còn hụt hẫng, nhân lực còn thiếu thốn, tôi đã công tác, cộng tác và chơi thân thiết với anh em cán bộ Lữ đoàn.
Có việc gì hay hay ở doanh trại Lữ đoàn, hay tại công trường nắng gió, xe máy, xe đào gầm rú hoặc máy đánh búa đóng cọc, anh Liễn, anh Xuân giám đốc, hoặc anh em cán bộ chính trị cầm phôn ới một tiếng là tôi có mặt.
Trong lòng Đà Nẵng
Có lần nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nguyên chiến sĩ Đoàn 559 năm xưa về miền Trung hỏi thăm có đơn vị nào thuộc Tổng Công ty Trường Sơn để anh sáng tác ảnh, tôi đã không ngại ngần giới thiệu ngay anh lên khu vực Hoà Khánh, Liên Chiểu để tác nghiệp.
Khác với nhiều đơn vị cơ ngơi choáng ngay mặt tiền, hiên ngang bề thế Lữ đoàn 532 gần như nấp bóng trong khu vực xa dân ở một nơi thoáng mát, vắng vẻ, đường sá đi lại rẽ dọc rẽ ngang phải có người hướng dẫn, chỉ đường mới tìm ra. Ấy thế mà từ 5-10 năm trước đây là điểm đến của nhiều đơn vị tìm đến liên kết làm ăn, kêu gọi mời thầu, trong đó có lãnh đạo, chính quyền thành phố Đà Nẵng.
Hồi còn ở cấp Trung đoàn, khi đơn vị còn nghèo chưa đủ máy móc phương tiện, đơn vị đã được thành phố chọn thi công bờ kè đường Bạch Đằng Đông. Hỏi ra, lãnh đạo thành phố hồi ấy có "con mắt xanh" chọn doanh nghiệp là "bộ đội Cụ Hồ" để tin yêu, giao phó. Được "trên tin, bạn mến, dân thương", lãnh đạo Trung đoàn mạnh dạn thuê máy đóng cọc của anh Lê Tự Quảng, một doanh nghiệp tư nhân ở Đà Nẵng để giáng những nhát búa đầu tiên rộn ràng gây âm vang cả một khúc sông Hàn.
May mắn cho tôi khi giám đốc Liễn nhờ mời Trung tâm Truyền hình Việt
"Gái có công chồng không phụ", từ thành công sớm, chất lượng cao, hiệu quả tốt, 532 tiếp tục được thành phố tín nhiệm chọn thi công đường du lịch ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc, kè chắn sóng và đường Thuận Phước - Liên Chiểu một số công trình ở Bà Nà ngay từ những năm đầu phôi thai khu du lịch sinh thái nổi tiếng này. Mưa nắng thất thường, đường sá đi lại thi công ngoằn ngoèo hàng trăm cua tay áo, áp lực thi công cho kịp tiến độ thời gian vẫn không làm cho những người lính Cụ Hồ mang tên 532 trong Binh chủng Trường Sơn nản chí.
Trong gian khó đã nẩy sinh những sáng kiến, sáng tạo thi công đường trong thời tiết lạnh cóng, phương tiện tiếp tế thực phẩm thiếu thốn, khan hiếm. Và một trong những "gói thầu" đường lên Bà Nà đã hoàn thành xuất sắc trước thời hạn, được lãnh đạo thành phố khen thưởng, chất lượng không những bảo đảm kỹ thuật, mà mỹ thuật cũng được đánh giá cao.
Tôi còn nhớ ngày khánh thành Khu du lịch sinh thái Bà Nà, đi trên con đường mới mở, qua những rừng cây nguyên sinh rập rờn bóng lá còn thơm mùi cây cỏ và nhựa đường nhiều người đã không ngớt tấm tắc: Chỉ có bộ đội 532 mới làm được sớm và đẹp về con đường lên khu du lịch được tôn vinh là Đà Lạt thứ hai, là mùa xuân của nước Pháp này.
Trên đường Hồ Chí Minh
Sau những ngày mưa còn lấm lem bùn, một ngày nắng đẹp, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã thi công đường Đông Trường Sơn bắt đầu từ Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Trong đội hình ở gần làng Mực gắn liền với tác phẩm "Bức thư làng Mực" khá nổi tiếng của nhà văn quân đội Nguyễn Chí Trung, những chiếc xe chở đất vạm vỡ đã đồng loạt nổ máy chở đất khởi công trong sự hoan hỉ của hàng trăm đồng bào dân tộc về dự lễ trên cung đường này.
Bộ đội 532 đã nhận thi công từ cây số 101 đến cây số 108 mặt đường thâm nhập nhựa 3,5 mét. Thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, có những đoạn xa dân cư, hiểm trở, nhưng bộ đội vẫn thực hiện bền bỉ hai bám (bám công trình, bám đồng bào). Cung đường xa xôi, cách trở, nguyên liệu vật tư không phải sẵn có, vừa làm vừa khai thác, vừa nghe ngóng thời tiết, bộ đội phải đánh vật thay ca, tăng ca, tăng năng suất, tranh thủ những ngày lễ, ngày nghỉ mà bám sát thi công.
Để tiếp sức năng lực, bộ đội công trình thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện, trao đổi với lãnh đạo chính quyền địa phương, giao lưu tình cảm với đồng bào. Chén trà, củ sắn, hạt đậu luộc, những câu chuyện một thời trận mạc đã ngày càng xích lại tình nghĩa quân - dân với nhau. Anh Hoàng, Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn còn bổ sung với tôi "một bám" nữa là bám "ký ức Trường Sơn". Ngày xưa, trong mưa bom, bão đạn, đường Trường Sơn vẫn âm thầm nối mạch cho bao chiếc xe, bao dấu chân chiến sĩ đi qua làm nên chiến công huyền thoại. Ngày nay đường Hồ Chí Minh mới sẽ mở ra công nghiệp hoá, hiện đại hoá để giúp đồng bào xoá đói giảm nghèo, giao thương, đi lại thuận tiện "mở rộng cái chân, nhìn xa con mắt".
Chứng kiến bộ đội 532 làm đường Hồ Chí Minh qua Đông Trường Sơn, các ông Zơrâm Bia, nguyên đại đội trưởng, Hồ Đơ, nguyên trợ lý tác chiến thuộc đường dây 559 và Zơrâm Ấu, nguyên Huyện đội trưởng Nam Giang năm xưa phấn chấn ra mặt. Trong các buổi hội họp bàn chuyện hỗ trợ bộ đội mở đường, các ông đều nói: Đúng là bộ đội Cụ Hồ, bộ đội 532 làm suốt ngày đêm không hề biết mệt. Có việc chi dính dáng tới con đường cũng hỏi han đồng bào.
Thời gian ngắn, chúng tôi vội đi, nhưng các cựu chiến binh trên đường Trường Sơn năm xưa cứ ân cần mời ở lại. Nâng chén rượu Tà vạc, ông Zơrâm Bia nói: "Hồi xưa, bộ đội 559 cùng quân-dân Nam Giang làm đường Trường Sơn để đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Nay bộ đội thuộc Binh đoàn Trường Sơn làm đường Hồ Chí Minh công nghiệp hoá- hiện đại hoá để chống giặc dốt, giặc đói, giặc nghèo. Bất cứ, nơi nào có con đường Hồ Chí Minh đi qua, đồng bào đều hỗ trợ nhanh chóng giải phóng mặt bằng, giúp đỡ bộ đội "mở đường thắng lợi ".
Trên con đường tình nghĩa Việt-Miên
Ưu ái cánh báo chí, văn nghệ, lãnh đạo Lữ đoàn muốn chọn xe con êm ái, máy lạnh mát mẻ, nhưng anh Thành, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 532 tham mưu rất đúng: đi Tây Nguyên lội rừng rú, đồi dốc, ngầm nước e sẽ không tiện, "đành" chọn chiếc xe u-oát thiện chiến nhất để "cày" đường Trường Sơn. Chuyến đi hôm ấy, ngoài tôi, nhà văn Nguyễn Đức Chữ còn có hai nhà báo Công Dũng và Trần Đinh, phóng viên Phòng thời sự Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng. Ăn vội tô mì Quảng Tuý Loan, chúng tôi theo đường Trường Sơn bắt đầu từ xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thẳng tiến về Nam Giang, lên Khâm Đức, lên Kon Tum.
Con đường Trường Sơn đẹp, êm như ru, những thác trắng xoá bọt nước, những ngôi nhà sàn đồng bào nép bên rừng đều được ghi lại trong chiếc ca-mê-ra của nhà báo Công Dũng. Những cánh rừng nguyên sinh, tái sinh xanh ngát sau mưa càng kích thích chúng tôi hát vang "Bài ca Trường Sơn". Qua Plei Cần, Ngọc Hồi, rồi Đắc Tô-Tân Cảnh, trung tâm thành phố mới Kon Tum, rạng rỡ phố núi " Em Plei Ku má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông", qua Hàm Rồng, đến cuối giờ chiều, chúng tôi mới đến được huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Bổi hổi, bồi hồi tôi nhớ lại những năm tháng ban đầu còn làm phóng viên báo Quân khu 5, rồi sau này làm phóng viên báo Quân đội nhân dân luôn luôn bám sát từng bước gian khổ, trưởng thành của Binh đoàn 15, một đơn vị làm kinh tế có hiệu quả, uy tín cao với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Ban điều hành dự án Trường Sơn 78- Tổng công ty Trường Sơn đi kiểm tra tuyến về còn nhễ nhại mồ hôi, nhưng vẫn vô đề ngay:"Đây là dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 78 Vương quốc Cam-pu-chia có 70 cây số từ cửa khẩu Lệ Thanh đến Ô-za-đao vào đến thị xã Bung Lung với sự liên doanh của các nhà thầu Tổng công ty Trường Sơn(TS)-Cienco1-SK, trong đó của TS 35%. Các đơn vị thuộc TS gồm Công ty 384, Công ty 532 và Công ty 472. Khắc phục khó khăn về thời tiết khắc nghiệt, ngôn ngữ bất đồng, quá trình vận chuyển xe máy, vật tư thi công, các đơn vị thuộc Tổng công ty Trường Sơn đã cố gắng vượt lên hoàn thành tiến độ, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong thi công, xây dưng tốt mối quan hệ đoàn kết gắn bó với chính quyền và nhân dân địa phương nước bạn. Cụ thể, Công ty 472 cố gắng kiên trì bền bỉ, làm việc có trách nhiệm tổ chức, xây dựng đơn vị tốt, gần hoàn thành phần việc của mình, còn chi viện 3 cây số đường cho Công ty 384. Công ty 532 đã bổ sung, điều chỉnh lực lượng quyết tâm hết tháng 5 năm 2009 hoàn thành mố trụ, đúc hầm, 30/6 lắp xong đầm, 31/7 đổ xong bê tông mặt cầu. Đội thảm AC phấn đấu đến 30/7 là hoàn thành cơ bản, phần cầu. Trung uý Trương Xuân Thành, Chỉ huy trưởng thi công trên công trình tâm sự: Đây là lần đầu tiên Tống công ty Trường Sơn thi công công trình ở nước bạn Cam-pu-chia. Tuy công trình không to tát, nhưng có ý nghĩa lớn, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác, làm quen thị trường Cam-pu-chia.
Trăm nghe không bằng mắt thấy, sáng sớm hôm sau, xe chúng tôi đã qua biên giới tỉnh Na-ta-ra-ki-ri. Thay vì con đường ngày xưa lúc tôi làm phóng viên chiến trường-lầm lụi bụi đỏ, mìn rình rập, cỏ ngập úa đường đi, nay nhờ có xe các đơn vị thuộc Tổng công ty Trường Sơn thi công đường sá khang trang hẳn. Ngầm Ô-za-đao!...Bao nhiêu đồng đội tôi đã ngả xuống ở khu vực ngầm, có vị thế "cửa tử" này do Pôn Pốt phục kích? Một thoáng ngậm ngùi. Trung uý Thành bảo: "Còn khoản 10 cây số nửa là tới ngầm Ô-za-đao. Nơi ấy, người dân Cam-pu-chia đã làm miếu thờ hương khói quanh năm. Đến ngày rằm, mồng một, thỉnh thoảng có các sư đến tụng kinh cầu siêu, nhân dân đến tiếc thương hương khói nghi ngút".
Xe đi bon bon theo con đường bộ đội Trường Sơn mới thâm nhập nhựa. Rất nhiều hàng quán, nhà cửa mọc sát hai bên đường buôn bán, tấp nập. Qua thị xã Bung Lung không khí làm ăn, chợ búa nhộn nhịp hẳn. Khi hỏi các tiệm tạp hoá, hầu hết người dân Cam-pu-chia đều hân hoan khen ngợi bộ đội các đơn vị thuộc Tổng Công ty Trường Sơn thi công. Mẹ Sriêng, một người dân của thị xã Bung Lung hồ hởi: "Bộ đội Trường Sơn giỏi lắm. Nó làm suốt ngày đêm mở rộng cái đường cho bà con mình dễ buôn bán làm ăn, đi lại. Trước đây, đường nhỏ trong rừng, nay đường rộng thông thống, không phải lầy lội mùa mưa, bụi ngập mùa khô. Cảm ơn bộ đội Trường Sơn, cảm ơn bộ đội 532".
Trên đường tuần tra biên giới Việt- Lào .
Về lại huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, qua đèo Lò Xo chúng tôi thắp nhang tưởng nhớ các cựu chiến binh của Hà Nội không may bị tử nạn ở nơi đây vào những năm trước. Nhà văn Nguyễn Đức Chữ cầm bó nhang lâm râm khấn vái. Rồi bỗng dưng như có ai thôi thúc, anh nhảy vọt lên một con dốc cao gần 100 mét để đọc thơ ứng khẩu tại chỗ về đồng đội hy sinh trên đường Trường Sơn: Nén nhang lòng cầu nguyện/Các anh chị ngủ yên/Có hồn thiêng sông núi/ Có tổ tiên hộ trì/ Mây ngàn năm vẫn trắng /Nâng hồn lên mây xanh/Rừng Trường Sơn trăm tuổi/ Thức dậy thời chiến tranh. Tôi chép lại đọc cho mọi người cùng nghe, ai cũng bùi ngùi.
Thôn 16 tháng 5, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei nằm trên đường Hồ Chí Minh. Thượng tá Đinh Xuân Thu, trưởng ban dự án Đồn 67 1 Rơ Long ân cần đón chúng tôi. Anh cho biết: Dự án có 47 cây số, qua 2 xã Đăk Nhoong và Đăk Long sát biên giới nước bạn Lào, gồm 5 gói thầu của 8 đơn vị thi công: Công ty 470, Công ty 53, Công ty 532, Chi nhánh phía Nam, Xí nghiệp 567, Xí nghiệp 597, Xí nghiệp 145, Xí nghiệp rà phá bom mìn, Trung tâm thí nghiệm...
Địa hình dự án của tuyến đường tuần tra phức tạp nhất Kon Tum. Cả trục đường gần năm mươi cây số, chỉ có hai con đường vào thi công. Bộ đội tự mở đường vào, tự nối lại các tuyến đường. Trước đây, khi bộ đội chưa mở rộng đường, đồng bào Giẻ Triêng nơi đây, nếu đi bộ, phải mất hai ngày đường. Hiện nay, các đơn vị đã thi công được 15% trên tổng số khối lượng, trong đó đào đắp năm triệu khối, tương đương mỗi cây số là hơn trăm khối, làm mặt bằng bê tông xi măng mác 300 là 33 ngàn khối. Cầu thi công 2 chiếc, trong đó có một chiếc đã lao xong dầm.
"Đánh giá của anh về chất lương thi công? ". Bất chợt nhà báo Trần Đinh hỏi. Thượng tá Thu: "Việc thi công tương đối khoa học, bảo đảm đủ thiết bị, nhân lực. Những đơn vị được Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn biểu dương là Công ty 470, Công ty 53, Công ty 384. Công ty 532 đã có nhiều cố gắng bám nắm công trình, xây dựng tốt mối quan hệ với nhân dân. Đặc biệt, Công ty 470 xứng đáng được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng".
Có một đoạn khó đi, xe u oát chúng tôi phải chờ xe ủi mở đường. Đã 5 giờ chiều không khí lao động trên công trường vẫn còn nhộn nhịp. Hùng, một chiến sĩ của Công ty 532 nói: " Báo cáo các thủ trưởng, chiều mát, chúng em tranh thủ làm bù những ngày mưa dài trước đó để bảo đảm tiến độ ".
Chúng tôi vào thăm nhà dân. Đường mở tới đâu, đồng bào ra mặt tiền tới đó. Chúng tôi thấy nhiều xe máy ở trong làng, nhiều nhà đã mở ti vi xem chương trình văn nghệ. Cụ A Ngớ, ở làng Đăk Ung, xã Đăk Nhong đang ngồi đan lát, thấy chúng tôi vào làng, cười khà khà: " Anh em bộ đội Trường Sơn tốt lắm. Hồi chiến tranh nó cũng qua đây ở với đồng bào mình. Nó mở đường tuần tra này giúp cho đồng bào Giẻ Triêng mình đi lại dễ dàng, nhiều nhà đã sắm được hon đa, con nít đến trường gần hơn".
Tôi móc máy điện thoại liên hệ với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Hà Ban. Anh Hà Ban nói như reo trên máy: "Sao các nhà báo, nhà văn không báo sớm để bọn tôi đón tiếp và cùng đi lên tuyến đường tuần tra với anh em. Thay mặt lãnh đạo, chính quyền tỉnh, tôi cảm ơn bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ đã mở đường làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, nay tiếp tục làm đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh nhà, đặc biệt là làm" đường tuần tra phục vụ công tác bảo vệ quốc phòng an ninh, vừa gắn kết quốc phòng an ninh với phát triển kinh tế, vừa xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc tại địa bàn, giữa đồng bào hai nước láng giềng Việt Nam và Lào thắm tình hữu nghị anh em" .
LÊ ANH DŨNG