Người lính năm xưa
Về thăm làng Xuân Thiều (nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), nhắc đến cựu chiến binh Mai Tấn Cơ, người dân nơi đây đều gật đầu trầm trồ khen ông già có tài có chí làm kinh tế nức danh khắp làng. Có người cho ông là “ông già gân”, là người tham việc. Dù đã ở cái tuổi ngoài bát thập nhưng ánh mắt ông còn rất sáng, giọng nói còn khỏe lắm, những công việc ở Hội làng nghề nuôi cá của phường, ở Hội cựu chiến binh, và ở hồ cá Bàu Trầm như xua đi tuổi già nơi ông, khiến ông như ngày càng trẻ ra. Đập vào mắt tôi đầu tiên là nét phong trần, giản dị, yêu thích lao động nơi ông già đang ngồi bên vỉa hè ngắm người qua lại, nhưng tâm trí như dõi về quá khứ xa xưa, cái thời đánh Pháp, cái thời oanh liệt của toàn dân tộc. Vào năm 1943, tròn mười sáu tuổi, Mai Tấn Cơ xung phong vào Đội tự vệ chiến đấu của xã Tân Hiệp (nay là phường Hòa Hiệp Bắc), căn cứ của Đội tự vệ đóng giữa cánh đồng của xóm Đà (thuộc xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang hiện nay), xung quanh có hào tự vệ. Đội tự vệ có nhiệm vụ huy động nhân dân biểu tình chuẩn bị cướp chính quyền.
- Dân mình lúc đó biểu tình hăng lắm! Đi suốt ngày nhưng ai cũng thích! Những ngày Cách mạng Tháng Tám, tui và các anh em thường khoác bó dây thừng, tay cầm chiếc gậy tre đi lùng bắt quân Pháp và quân phản động bỏ trốn ngoài những cánh đồng, bắt được tên nào thì trói lại rồi đưa nộp cấp trên xử lí, lùng suốt ngày đêm, mệt nhưng mà xem ra ai cũng hăng hái lắm…
Giọng ông lúc bổng lúc trầm. Thỉnh thoảng ông ngưng lại như để kìm nén quá khứ đang trào dâng trong lòng. Tôi buột miệng:
-Với bác, kỷ niệm sâu sắc nhất thời đó là gì ạ!
- Nhiều lắm! Kể suốt tháng cũng không hết được mô!...sướng nhất là đánh kho xăng Liên Chiểu ở đèo Hải Vân! Anh em lén vào kho xăng rồi cài mìn chờ…Chù! Hơn ba ngàn thùng nổ rung cả thành phố, cháy ba ngày ba đêm mới tắt…
Ông bỗng ngưng lại, đưa mắt dõi vào hàng cây trước mặt. Thỉnh thoảng, một vài chiếc lá rơi nhẹ xuống chân chúng tôi. Ngoài đường, những làn xe vút qua với những âm thanh gầm rú, nhưng giọng của ông vẫn đều đều gieo vào nắng chiều, hòa với gió nhẹ những lời chân chất mà cuốn hút. Rồi ông lại nhìn tôi như muốn nói rằng đó là trang sử đẹp nhất của đời mình! Với Mai Tấn Cơ thời đó, không gì sướng bằng được chiến đấu. Mỗi lần được giao nhiệm vụ là trong lòng Mai Tấn Cơ rạo rực khôn tả. Anh luôn tự nhủ lòng mình dù có chết cũng cam, miễn là hoàn thành nhiệm vụ…Suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, Mai Tấn Cơ được giao nhiệm vụ đánh quân chi viện của Pháp tại đèo Hải Vân. Qua nhiều lần trận mạc, anh đúc kết được rằng làm cách mạng thì nói ít làm nhiều, đã nói là làm, dốc hết quyết tâm ắt sẽ thành công. Nhờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nên khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, anh được điều ra miền Bắc tham gia sản xuất chi viện cho miền Nam. Chàng trai trẻ miền Nam lần đầu tiên được ngắm cảnh, hít gió miền Bắc, được bà con ngoài bắc xem như những đứa con cưng, anh sung sướng lắm, tinh thần hăng say sản xuất trong anh như được tiếp thêm sức mạnh. Những năm dạy bổ túc văn hóa ở xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông, thời đó giấy vở rất thiếu thốn, anh suốt đêm trăn trở, không có giấy thì lấy gì để viết, để cho đồng bào đọc cái chữ và anh bỗng nảy ra một ý nghĩ táo bạo, phải thành lập hợp tác xã sản xuất giấy. Thế là anh đưa ý kiến của mình bàn bạc cùng anh em và được thống nhất, anh đã đứng ra thành lập hợp tác xã giấy cao cấp ở xã Hồng Minh, đây là một trong những hợp tác xã đầu tiên của miền Bắc. Sau ngày đất nước thống nhất, anh đưa vợ con hồi hương. Trở về nhìn quê hương xác xơ sau thời gian dài bị chiến tranh tàn phá, nhưng anh vẫn rất vui vì được sum họp cùng gia đình, được trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đã hun đúc ý chí cách mạng trong anh...
- Hồi đó xung quanh đây vắng vẻ lắm! Cùng vợ cặm cụi với mấy mảnh ruộng không đủ sống, tui cứ nghĩ cách nhưng không ra, cảm thấy cuộc sống khó khăn quá…
- Sao bác không chuyển nghề khác?
- Thú thật! Bản tính tui chỉ thích làm nông nghiệp thôi à! Nên suốt ngày đêm, tui căng óc nghĩ hoài mà vẫn không thấu!
Ông vừa bộc bạch vừa đưa điếu thuốc lên châm đến mấy lần. Kỷ niệm quả là thiêng liêng vô vàn! Tuổi già thích sống với quá khứ! Ông rít một hơi dài rồi từ từ vừa nhả khói, vừa tâm sự.
- Một hôm, tui đi làm đồng về qua Bàu Trầm (nay thuộc phường Hoà Hiệp Nam), nhìn cái bàu xác xơ từ xa xưa, tui tò mò tìm hiểu và biết được cái Bàu Trầm không bao giờ hết nước, lòng Bàu Trầm toàn cát, có mạch nước, gọi là Bàu Trầm vì giữa bàu có cây Trầm, rộng sáu mươi mốt ha. Tui tự nhủ, cái Bàu Trầm này có thể biến thành hồ nuôi cá. Kinh nghiệm bao năm chiến đấu, làm kinh tế chỉ cho tui biết rằng, làm kinh tế cũng như làm cách mạng, phải luôn có quyết tâm cao, đã nói là làm và làm với tinh thần cao nhất chắc chắn sẽ thành công, thế là tui xin thầu cái Bàu Trầm. Người làng Xuân Thiều thấy vậy, ai cũng lắc đầu và cho rằng phen này tui đem tiền đổ bụi tre, trong làng không ai dám thầu vì đều cho rằng không ăn thua. Khi bắt tay vào làm mới thấu hết những cực khổ! Ngoài vợ cùng tám đứa con mọn, trong tay tui không có một đồng. Anh em làng xóm đều chung một cảnh nghèo như mình…biết mần răng được! Vợ tui thương tui suy tính mãi mà chưa xong, có lúc an ủi: Hay ta từ bỏ nuôi cá đi, tìm cách khác. Nhưng tính tui đã quyết là làm, đã đi phải đến, đã bàn phải xong… Nói đến đây, giọng ông bỗng khỏe hẳn lên. - Tui liều lên ngân hàng và may mắn thay là vay được! Mừng như mở cờ trong bụng, hai chân bước ríu vào nhau… nhưng hồi đó ở Đà Nẵng chưa có cá giống, tui lại khăn gói vào mãi trong Sài Gòn để mua con giống và học cách chăm sóc…
Thời gian lặng lẽ trôi qua, cũng như Mai Tấn Cơ suốt ngày cặm cụi ngoài hồ cá với mong ước thầm lặng. Với ông lúc này, hồ cá là cứu cánh của cả gia đình, là niềm hạnh phúc vì được làm cái việc mà mình ưa thích? Mùa đông hay mùa mưa, ông luôn tìm cách chống đỡ với thiên nhiên. Phải chăng ở đời, những giọt nước mắt và mồ hôi đổ ra đều đơm hoa kết trái! Vào một sáng, người làng Xuân Thiều đều trố mắt nhìn Mai Tấn Cơ bán những tấn cá và thu về rất nhiều tiền, đi qua hồ và nhìn những đàn cá giăng hàng, lúc ấy họ mới ngộ ra rằng ông đang “hốt bạc”. Ông đứng bên hồ cá châm điếu thuốc, nhả khói lên trời như khẳng định với chính mình rằng ở đời không có gì là khó, điều quan trọng là lòng quyết tâm của mình đến mức nào! Hồi đó, cái ăn cái mặc còn thiếu thốn, người dân nơi đây nhìn hồ cá mà phát thèm! Họ xem hồ cá Bàu Trầm như đống vàng treo lơ lửng giữa cánh đồng. Sự thiếu thốn cộng với ý thức còn thấp của người dân khiến hồ cá bị bắt trộm thường xuyên như cơm bữa, họ ào ạt bắt trộm trước những lời van xin của ông.
- Tui xin từng nào họ bắt từng đó, gây với họ sợ họ thù, tui tìm những thanh niên thất nghiệp để thuê, dù có lúc số người bảo vệ lên đến bảy chục nhưng cũng chẳng ăn thua, họ có sợ bảo vệ là chi mô!
Ông vừa khoát tay vừa phân trần. Tôi chợt nghĩ, ở đời, dù khó khăn đến mấy cũng có cách giải quyết, quan trọng là phải có lòng kiên nhẫn. Ông quả là người như thế. Ông lại châm điếu thuốc. Càng về chiều, gió càng lồng lộng, gió lồng vào ngôi nhà hai tầng trống vắng của ông. Chân gác hình chữ ngũ, người đổ về phía trước, ông cất giọng chậm rãi.
- Nhiều đêm thức trắng mà nghĩ không ra! Nhiều người còn chỉ cho tui nên chuyển nghề…tui đã nói là chỉ thích làm nông nghiệp nên mặc kệ họ…nằm bên vợ mà đâu ngủ được! Những hình ảnh thời trận mạc cứ chập chờn trong đầu, như thôi thúc tui đừng nản chí…cuối cùng tui cũng tìm được cách, ấy là cách “đánh vào lòng người”… Ông bỗng cười giòn và cao giọng - Tui đến từng gia đình trong làng, biếu mỗi nhà một cân cá và tâm sự : Nếu mua cá ở Bàu Trầm thì tui chỉ lấy tiền một nửa, cho một nửa… Thế là hết trộm!
Cũng từ đó, tiếng tăm của ông lan khắp vùng. Nhiều tổ chức và cá nhân tìm đến ông học hỏi cách nuôi cá. Cách nuôi cá của ông cũng đặc biệt như con người ông vậy. Mai Tấn Cơ điềm tĩnh nói:
- Đây là bí mật nhưng tui cũng xin thưa thiệt với anh là khi cá thải phân ra, phân cá sẽ sinh ra nhiều phù du, trong phù du có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cho cá, cứ thế, lấy cá mà nuôi cá, tui chỉ tập trung khâu bảo vệ.
- Vậy chắc lãi lắm bác nhỉ!
- Nuôi cá một vốn bốn lời mà! Không biết thiên hạ thế nào chứ với tui thì “nhứt nuôi cá, nhì ngả bạc”…lần nào tui cũng được ra báo cáo ngoài Trung ương, lần ni để thằng con nó đi…
Ông lại rít điếu thuốc với vẻ khoan khoái. Cứ ngỡ đã yên nhưng nào ngờ một hôm, ông như không tin vào mắt mình khi thấy cá chết nổi khắp mặt hồ, ruột ông như bị dao cứa! Ông ngậm ngùi đưa cá chết vào gặp giám đốc của mấy nhà máy ở khu công nghiệp Hòa Khánh. Họ đều lắc đầu, ông thất thểu ra về…Nhiều người cho rằng lần này ông sẽ thua, Bàu Trầm hẳn sẽ bị khu công nghiệp “hoá đá” luôn. Nhưng tinh thần người lính vẫn mãnh liệt trong ông. Đang ngủ, ông bỗng vùng dậy với quyết tâm: Phải bảo vệ bằng được Bàu Trầm! Đó là cơ nghiệp, là niềm tự hào! Phải bảo vệ Bàu Trầm như bảo vệ thành quả cách mạng vậy!... Ông lại phải mang cái thân già đi đấu tranh.
- Lúc đầu không ai nhận lỗi cả, tui phải tiếp tục đấu tranh, không đấu tranh thì Bàu Trầm sẽ bị hủy hoại bởi ô nhiễm mất! Cuối cùng tui đấu tranh ra tận Trung ương mới được ấy chứ!
Ông cao giọng như thế. Những nếp nhăn trên trán ông giãn ra. Bàu Trầm lại trở về như xưa, với những đàn cá giăng hàng nguẩy đuôi chào ông vào mỗi sáng sớm. Nhìn tôi rồi nhìn những làn xe vút nhanh trên đường, ông hớn hở nói :
- Mỗi ghe đánh bắt suốt ngày ít nhất cũng vài trăm bạc, con tui bây giờ đều làm ở hồ, chúng nó sẽ thay tui tiếp tục phát triển Bàu Trầm...
TRẦN PHÚ YÊN