Nhân 90 năm sinh Nguyên Sa (1932-2022): Nguyên Sa - Hạt cát vàng lóng lánh...
Nhà thơ Nguyên Sa và tác phẩm
Nguyên Sa (còn có bút danh là Hư Trúc) tên thật là Trần Bích Lan, sinh ngày 1.3.1932 tại Hà Nội. Tổ tiên gốc ở xã Hóa Khuê, Hòa Vang, Quảng Nam (nay là quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Di cư vào Gia Định trong biến loạn năm Giáp Ngọ (nhà Trịnh đánh chiếm Phú Xuân). Thời Gia Long ra làm quan tại Huế (em ruột ông cố là Trần Trạm, làm quan đến chức thượng thư Bộ Lại triều vua Tự Đức). Đời ông nội, từng làm quan tại Hà Nội và nghỉ hưu tại đây. Cha Nguyên Sa, ông Trần Văn Chi sinh ở Hà Nội. Có lẽ, do gia đình di chuyển nhiều nơi, nên không ít tài liệu nói ông là người gốc Huế! Thuở nhỏ học trường dòng Puginie. 1946, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tản cư về Vân Đình, Hà Đông; tiếp tục đi học tại trường Văn Lang. 1949, sang Pháp du học; năm cuối cấp trung học học tại trường Provins. 1953, đỗ tú tài toàn phần, lên Paris ghi danh học ngành triết tại Đại học Sorbonne. 1956, tốt nghiệp về sống ở Sài Gòn, dạy triết học tại các trường Chu Văn An, Đại học Văn khoa Sài Gòn; dạy thêm cho các trường trung học Văn Lang, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Thượng Hiền, Võ Trường Toản...; đồng thời mở thêm hai trường tư thục là Văn Học và Văn Khôi. Bên cạnh dạy học, ông còn cộng tác với các báo Sáng tạo (Mai Thảo), Trình bày (Thế Nguyên) và nhật báo Sống (Chu Tử). 1960, Nguyên Sa chủ trương tạp chí Hiện đại, cùng với Sáng tạo và Thế kỷ XX, là ba tạp chí hàng đầu ở miền Nam thời bấy giờ. 1966, bị gọi nhập ngũ, tốt nghiệp sĩ quan trù bị Thủ Đức khóa 24, về làm việc tại ngành quân nhu và dạy ở trường Quốc gia nghĩa tử (con em các quân nhân tử trận) từ 1967-1975, đồng thời vẫn viết văn làm báo. 1975, di tản sang Pháp, ba năm sau sang định cư ở California (Hoa Kỳ), tiếp tục làm báo, chủ trương các tạp chí Đời, Phụ nữ Việt Nam, Dân chúng. Ông mất ngày 18.4.1998, do bệnh ung thư dạ dày.
Với quan niệm rằng, mình chỉ là hạt cát giữa sa mạc cuộc đời và văn chương, nên ngay từ những sáng tác đầu tay Trần Bích Lan đã chọn cho mình bút danh là Nguyên Sa, và từ đây đã định danh thành cái tên tài danh, tài mệnh và thi mệnh ngân vang suốt cả cuộc đời sáng tác của ông, với gia sản nhiều thể loại đáng ngưỡng vọng như sau: Thơ Nguyên Sa (Tổ hợp Gió, SG, 1957), Thơ Nguyên Sa 2 (Đời, California, 1988), Thơ Nguyên Sa 3 (Đời, California,1995), Thơ Nguyên Sa 4 (Đời, California, 1998), Thơ Nguyên Sa toàn tập (Đời, California, 2000). Truyện dài: Vài ngày làm việc ở Chung Sự Vụ (Trình bày, SG, 1972), Giấc mơ (3 tập, Đời, California, 1992, 1993, 1994). Truyện ngắn: Gõ đầu trẻ (Trình bày, 1959), Mây bay đi (Tinh hoa miền Nam, SG, 1967). Ký: Đông du ký (bút ký, Trình bày, 1965), Nguyên Sa hồi ký (hồi ký, Đời, California, 1998), Cuộc hành trình tên là lục bát (hồi ký, Đời, California, 1999). Lý luận, phê bình triết học và văn học: Quan điểm văn học và triết học (Nam Sơn, SG, 1960), Descartes nhìn từ phương Đông (Trình bày, 1966), Một bông hồng cho văn nghệ (Trình bày, 1971), Một mình một ngựa (Trình bày 1971), Hai mươi khuôn mặt văn nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại (Đời, 1993). Sách giáo khoa: Luận lý học (Tác giả xuất bản, 1958), Tâm lý học (Tác giả xuất bản, 1958).
Trong Nguyên Sa hồi ký, ông từng nói về sở thích của mình rằng: “Tôi thích được giới thiệu bằng cách đọc lên một bài thơ Nguyên Sa. Đó là cách giới thiệu được cả Nguyên Sa ý thức và vô thức, cho thấy bản ngã của người làm thơ tương đối đầy đủ nhất, cả bản ngã đã có, bản ngã đang có, và bản ngã muốn có. Những bài thơ khác biệt mang lại bản ngã khác biệt.” . Tôi là người thuộc thế hệ sau, chỉ là người yêu thơ, thích đọc thơ Nguyên Sa, xin theo sở thích của ông, giới thiệu nguyên vẹn bài thơ mà tôi yêu thích nhất:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở xung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
Thơ học trò anh chép lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu
Em không nói đã nghe từng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt
Em chợt đến chợt đi anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại
Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
Em đi rồi sám hối chạy trên môi
Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng
Em ở đâu hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng
(Áo lụa Hà Đông)
Thi ảnh đẹp như một bức tranh. Những câu thơ cứ ngân vang theo gót chân rải đều trên lối đi trải sỏi, trong khu vườn có chút nắng thu chiếu rọi làm nặng thêm những tà áo lụa trắng mềm, trinh nguyên và vụng dại. Có lẽ, đây là một trong những bài thơ hay nhất, thể hiện rõ nhất cảm thức sáng tạo và giọng điệu tâm hồn theo kiểu của Nguyên Sa. Ông đem đến một hơi thơ lạ, một giọng điệu tâm hồn tươi trẻ, nồng nhiệt, trinh nguyên. “Đương thời, ông được xem là một “hậu Xuân Diệu” của thơ tình miền Nam, được đông đảo tuổi trẻ, học sinh, sinh viên yêu thích”. Ở miền Nam, giới trẻ thập niên 60 trở đi tôn sùng thi sĩ, người đã nói lên được tiếng lòng của họ. Họ chép thơ ông, mang đến trường, đến lớp chuyền tay nhau đọc. Là ông hoàng của thơ tình, nhưng thơ tình của ông là dành cho lứa tuổi mới lớn/ học trò, không say đắm, da diết, thậm chí đẫm tính nhục dục của những mối tình trưởng thành kiểu như “ông hoàng thơ tình Xuân Diệu” và các nhà thơ mới, mà là sự e ngại, dò dẫm, ngập ngừng và còn lắm vụng về của tuổi mới vào đời, mượn ngoại cảnh để thể hiện nỗi lòng đôi khi rất bâng quơ: “Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám/ Tuổi của nàng ta nhớ chỉ mười ba/ Tôi phải van lơn ngoan nhé đừng hờn (...) Chân díu bước mà mắt nhìn vương vướng/ Nàng đến gần tôi chỉ dám quay đi/ Cả những giờ bên lớp học trường thi/ Tà áo khuất thì thầm chưa phải lúc” (Tuổi mười ba); rồi “Không có anh lấy ai đưa em đi học về/ Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học/ Ai lau mắt cho em ngồi khóc/ Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa” (Cần thiết). Tình yêu là một thứ tình cảm lạ lẫm, người trẻ khi yêu trở nên già, còn người già khi yêu lại hóa thành trẻ nít, chỉ có thơ ông là mãi dừng ở tuổi bắt đầu yêu. Thơ Nguyên Sa tự nhiên như tự khúc của tâm hồn tuổi trẻ mới lần đầu lạc bước vào xứ thần tiên. Ông không quá coi trọng vần mà đề cao nhịp điệu. Giữa câu thơ và câu văn xuôi không khác nhau ở vần, sự ngắt nhịp và độ dài ngắn bằng số lượng chữ, mà chính là ở nhịp điệu câu thơ. Vần thơ, nếu biết cách gieo đúng, câu thơ sẽ trở nên biến hóa khôn lường: “Vần thơ có vần chỉnh, vần thông, vần cưỡng áp và lạc vận. Vần chỉnh không cần sự hỗ trợ, không cần sự phối âm, nhưng sự sử dụng những nền âm thanh khác biệt có khả năng làm cho vần thông trở thành vần chỉnh, vần cưỡng và ngay cả vần lạc cũng được nắm tay giữ được trong khoảng không gian giữa trời, giữa đất mênh mông”. Về câu chữ có thể thay đổi, nhưng cốt lõi của ý tưởng quan niệm này được ông nhắc lại nhiều lần trong hồi ký, các công trình nghiên cứu và cả trả lời phỏng vấn báo chí.
Trưởng thành từ cái nôi của triết học hiện sinh, từ thời trung học Nguyên Sa đã tiếp xúc với môi trường triết học và say mê những J.P.Sartre, E.Camus, S.de Beauvoir... là những đỉnh cao của triết học hiện sinh phương Tây thời bấy giờ. Tốt nghiệp ngành triết của trường Đại học Sorbonne danh tiếng, trở về nước trở thành giáo sư triết học bậc đại học và trung học, ông tiếp tục nghiên cứu, viết sách và giảng dạy triết học, trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu giảng dạy “luyện thi” tú tài môn triết học. Môi trường đó, cùng với niềm đam mê của bản thân, hẳn nhiên đã tạo cơ sở vững vàng cho ông trong tư cách con người của triết học. Và, là một nhà triết học được đào tạo tử tế, được xếp vào hàng “tứ trụ” của các giáo sư triết học phương Tây lừng lẫy của Đại học Văn khoa Sài Gòn, bên cạnh Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn, Lê Tôn Nghiêm thời bấy giờ, nhưng thơ ông chân thành giản dị, gần gũi với tâm tưởng của lứa tuổi học trò, là thơ cho lứa tuổi mới lớn. Dân gian có câu: “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” quả không sai. Không thiếu những người ít am hiểu về triết học, thường hay nói chuyện triết lý, còn đối với những người xuất thân từ triết học, đã nghiên cứu triết học đạt đến mức cảnh giới, thường nói ra những điều giản dị, dễ hiểu mà chạm đến bề sâu thăm thẳm trong tâm tưởng con người. Về điều này, trong một lần trả lời phỏng vấn Vũ Bằng vào năm 1972, ông cho rằng: “Nói triết lý sa sả, e rằng sẽ là người tự kiêu. Nhất là trong thơ, càng nhiều triết lý càng mất đi tính cách của thơ. Theo tôi, thực chất của thơ là cái linh hồn, là sự sống của những chữ ta dùng”. Trong thực tiễn sáng tạo, sức sống của câu chữ trong thơ Nguyên Sa, chảy tràn qua tâm hồn nhiều thế hệ người đọc tuổi trẻ, đã chứng minh điều đó.
Ngay từ những bài thơ đầu tay, sáng tác từ thời còn sinh viên đầu những năm 1950 ở Pháp, Nguyên Sa đã tạo nên ấn tượng đậm nét trong đời sống thơ ca: Tôi sẽ sang thăm em, Tiễn biệt, Nga. Những câu thơ không vần, không logic, không trật tự, thậm chí cả nhịp điệu cũng có vẻ như hơi rời rạc, không phải thơ niêm luật, cũng không phải thơ tự do, nhưng ngôn từ lạ lẫm, không theo một khuôn mẫu nào của thơ truyền thống cũng như thơ mới đã thịnh hành và thống trị một thời trước đó, thơ Nguyên Sa giản dị nhưng cảm xúc trì nặng trên từng con chữ, lại có khả năng phóng thích một cách dồn dập như một cơn mưa đầu mùa có tia chớp:
Tôi sẽ sang thăm em
Để những mớ tóc màu củi chưa đun
Màu gỗ chưa ai ghép thành thuyền
Lùa vào nhau nhóm lửa
Tôi sẽ sang thăm em
Để những ánh mắt màu sao sáng tỏ
Hay đôi mắt màu thóc đang say
Màu vàng khô pha lẫn sắc nâu gầy
Đừng nhớ nhung những ngày còn là lúa
Để lệ trắng như gạo mềm rơi trên tay
(Tôi sẽ sang thăm em)
Đặc biệt ấn tượng không chỉ ở thơ mà còn ở hành động lãng mạn, một phép ứng xử hàm ý trữ tình và cao sang của một thi nhân, khi một trong ba bài thơ đầu tay này Nguyên Sa làm để tặng người yêu của mình với “mối tình sét đánh” là Trịnh Thúy Nga, đã được in trên thiệp cưới của hai người (tại Paris, ngày 10.12.1955) để gửi mời bạn bè, người thân đông đảo đến dự đám cưới của một chàng sinh viên nghèo, nhưng không khí hết sức long trọng và tràn ngập niềm vui. Đó là bài Nga, sau này trở thành một trong những bài nổi tiếng trong thi nghiệp của Nguyên Sa:
Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển
(...)
Nói cho anh đi Nga ơi...
(em làm ơn chong chóng)
Lại bên anh đi, bằng một lối rõ thật gần
Bằng một lối gần hơn con đường cong
Bằng một lối gần hơn con đường thẳng
Bằng đôi má hồng non, bằng mắt nhìn trinh trắng
Dưới góc độ loại hình, nhìn chung việc đưa thơ phổ nhạc phần lớn là một sự tái sinh, tạo điều kiện cho thơ thêm một sức sống/ cuộc đời mới qua ngôn ngữ âm thanh. Thời những năm 1960, 1970 thơ Nguyên Sa lan tỏa nhanh nhờ được đan cài trên những vòm cong âm thanh, trở thành một thế giới mỹ cảm trôi bồng bềnh trong tâm hồn con người, từ thế hệ này đến thế hệ khác, ngân vang trong những giai điệu tài hoa của Ngô Thụy Miên (Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em, Tình khúc tháng sáu), Phạm Duy (Vết sâu), Phạm Đình Chương (Màu kỷ niệm), Hoàng Thanh Tâm (Tháng sáu trời mưa), Anh Bằng (Mai tôi đi), Song Ngọc (Tiễn đưa), Phạm Anh Dũng (Hư ảo trăng)... Sức sống lan tỏa và lâu bền của thơ Nguyên Sa thông qua âm nhạc, điều đó khẳng định thơ ông giàu nhạc điệu. Ngay cả một trong ba bài thơ đầu tay, có bài Tiễn biệt, đã có sức sống lâu bền thông qua những giai điệu của Trọng Nghĩa:
Người về đêm nay hay đêm mai
Người sắp đi chưa hay đi rồi
Muôn vị hành tinh rung nhè nhẹ
Hay ly rượu tàn run trên môi
Người về trên một dòng sông xanh
Trên một con tàu hay một ga mông mênh
Sao người không chọn sông vắng nước
Hay nước không nguồn cho sông đi quanh
Năm 1966, ở tuổi ngoài ba mươi Nguyên Sa bị lệnh tổng động viên phải nhập ngũ, trở thành sĩ quan trù bị của “quân lực Việt Nam cộng hòa” làm việc trong ngành quân nhu và dạy học ở trường Quốc gia nghĩa tử (dạy cho con quân nhân tử trận). Chiến tranh không còn là cái bóng đen ám ảnh xa xôi, mà đã dội thẳng vào tâm thức sáng tạo, chi phối nhiều ngõ ngách trong tâm hồn của thi nhân. Sự hoang mang, hụt hẫng trước diễn biến của thời cuộc, làm cho người thi sĩ chuyên ngợi ca tình yêu và cuộc sống, bây giờ đã nhận ra “Năm ngón tay có bốn mùa trái đất/ Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân/ Có cất tiếng đòi to/ Tiếng đòi rơi rụng/ Những âm thanh làm sẹo ở trong hồn”. Tuy không phải là lính chiến, nhưng sự khốc liệt của cuộc chiến đã trở thành những vọng âm nặng nề đối với thi nhân, nên bên cạnh truyện dài Vài ngày làm việc ở Chung Sự Vụ, thơ ông đi dần về phía những ca từ như trong nhạc Trịnh Công Sơn, mang đậm tính chất phản đối chiến tranh:
Tuổi ba mươi và bấy nhiêu lần lũy thừa đau khổ
Nhân danh cánh tay mọc trái nghi ngờ
Nhân danh vầng trán quê hương lo ngại
Nhân danh mái tóc chờ mưa trong sa mạc
Như lễ vật trong ngày lại quả gửi về chẳng còn nguyên vẹn
Anh trả lại em những những mùa thu lá vàng
Những xứ ước mơ, những lâu đài kỷ niệm...
(Giã biệt)
Những bài thơ ra đời trong giai đoạn này như Tình yêu của người đàn ông ba mươi tuổi, Hai mươi, Cảm tạ, Giã biệt, Bây giờ, Bao giờ, Sám hối, Anh đã bảo em, Cắt tóc ăn tết... đều có âm hưởng chung: không còn là những lời yêu dịu dàng, đằm thắm, những trách móc, giận hờn của tuổi bắt đầu yêu, mà là nỗi đau thương, căm giận trước thực trạng đất nước chiến tranh ngày một dữ dội, không cách gì dập tắt, đến mức chán ngán: “Niềm đau đất nước mỗi ngày một đau/ Câu hỏi đã lớn mỗi ngày một lớn/ Những đứa sát nhân, vu oan giá họa/ Những đứa chụp mũ, chụp mũ, chụp mũ/ Mỗi ngày một tăng theo cấp số nhân/ Bạn bè dần hết theo tỷ lệ nghịch/ Chán cả làm thơ, chán cả ngâm thơ” (Bao giờ). Đây là bài thơ thể hiện tâm trạng bế tắc của Nguyên Sa trước thực trạng dữ dội của chiến tranh, thể hiện rõ nhất ở câu thơ cuối như điệp ngữ về một hằng số nghi vấn: “Bao giờ, bao giờ, bao giờ, bao giờ?”.
Sau lần chán ngán chiến tranh, “chán cả làm thơ, chán cả ngâm thơ” ấy, khi định cư trên đất Mỹ, Nguyên Sa lại tiếp tục làm thơ viết báo như một nghiệp dư không thể buông bỏ. Nhưng phải thừa nhận rằng thơ Nguyên Sa trong giai đoạn này không được khởi sắc như thuở ban đầu. Dường như thiếu đi bề dày sinh khí từ cội nguồn văn hóa dân tộc. Bằng chứng hiển nhiên là, nhiều bài vẫn không thoát khỏi tâm trạng buồn chán, bi quan như Hiu quạnh, Lúc chết, Em gầy như liễu trong thơ cổ,... nhất là 22 bài ông viết trong năm 1998, trước ngày ông qua đời ngày 18 tháng 4, “khi những chiếc lá phong màu rượu chát rơi xuống một vị trí tên là mặt đất/ Gió đưa những chiếc lá phong sang một vị trí khác cũng tên là mặt đất/ Như thể vật nào cuối cùng cũng chỉ có cùng một tên” (Hóa học trị liệu), cùng trở về với cát bụi mà thôi. Duy chỉ có những bài ông vọng về cố hương, hoặc nhập tâm vào hình tượng tà áo trắng em mang đã trở thành biểu tượng nghệ thuật, nội dung mỹ cảm làm lay động bao thế hệ đi qua suốt nửa thế kỷ, là những hình tượng mang tín hiệu thẩm mỹ khó phai mờ: “Ngọn đèn chiếu xuống bức tranh/ Cầm lên Hà Nội thấy đình miếu xưa/ Tiễn nhau nhớ tháng Giêng, mưa/ Sông Hồng nước động bóng chưa nhập hình/ Tiễn anh linh hiển u linh/ Cấu vào da thịt thấy mình bỏ đi”. Hoặc khi thi nhân hướng về chiếc áo dài dân tộc, thấy hình hài của hình mẫu xưa: người em tóc ngắn, em gầy như liễu, em buồn như con chó ốm: “Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió thổi, một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn gió trắng bay”.
Ngoài thơ, Nguyên Sa còn là tác giả của hai truyện dài (trong đó có truyện dài đến 3 tập), hai tập truyện ngắn, ba tập hồi ký và bút ký, hai tập sách giáo khoa và đáng lưu ý là bốn công trình nghiên cứu về văn học và triết học. Triết học của ông thể hiện tinh thần phổ thông, nhằm trả lời cho các câu hỏi “Thượng đế là gì?”, “Triết học là gì?”, “Sáng tạo là gì?”... và cốt lõi vấn đề trong tư tưởng triết học của ông là sự sáng tạo, bởi “sáng tạo là cái nhân của đời sống”. Đặc biệt, chất liệu để giải quyết những vấn đề triết học trừu tượng, ông đều dựa trên những kiến văn sâu rộng về văn học. Ông dùng văn học để luận giải những vấn đề trừu tượng và phức tạp của triết học. Quan điểm về văn học, ông dựa trên những khảo sát về các tác giả lớn trong lịch sử văn học nước nhà như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát,...
Người ta nói rằng, vào những năm của thập niên 1960, văn học nghệ thuật miền Nam thể hiện rõ sự áp đảo của làn sóng di cư. Những tác giả sớm thành danh đều là di cư từ Bắc vào: Nguyễn Gia Trí, Tạ Tỵ, Thái Tuấn, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Y Vân, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương, Vũ Bằng, Đinh Hùng, Nhật Tiến, Duyên Anh, Phạm Thiên Thư... trong đó có cả Nguyên Sa và chính Nguyên Sa đã dựng nên một hình tượng của riêng ông, đó là người em tóc ngắn, trong màu áo lụa trắng trinh nguyên. Bên cạnh đó, Nguyên Sa còn là một “họa sĩ” pha màu khá độc đáo, khi thì “Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng” (Áo lụa Hà Đông), “Anh nhớ em ngồi áo trắng thon” (Em gầy như liễu trong thơ cổ), rồi “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc/ Áo nàng xanh anh mến lá sân trường/ Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương/ Anh thay mực cho vừa màu áo tím” (Tuổi mười ba), “Người về trên một dòng sông xanh” (Tiễn biệt), rồi lại “Để những mớ tóc màu củi chưa đun/ Màu gỗ chưa ai ghép thành thuyền (...) Để những ánh mắt màu sao sáng tỏ/ Hay đôi mắt màu thóc đang say/ Màu vàng khô pha lẫn nâu gầy” (Tôi sẽ sang thăm em), “Những chiếc lá phong màu rượu chát rơi xuống một vị trí tên là mặt đất” (Hóa học trị liệu)... từng lớp, từng mảng màu được đắp lên khoảng mênh mang của cảm xúc, hắt sáng lên tường vách đời sống những thảm nhung đa sắc màu như thực như hư.
Với những đóng góp đầy về số lượng, sâu về chất lượng như vậy, nhưng Nguyên Sa vẫn tự nhận mình chỉ là hạt cát, thậm chí nhẹ tênh như hạt bụi, tôi nghĩ, đúng Nguyên Sa chỉ là hạt bụi, nhưng là “hạt bụi bay xa” (Trần Trung Sáng).
P.P.P