Cụ Sáng
Bức vẽ Ông nội và Astro (2017) của ông Chan Jae Lee.
Ngày nào tôi cũng thấy cụ ngồi ở đó. Dưới gốc cây bằng lăng đang độ thay lá, nơi giao tranh của hai con đường chật ních người và xe, cụ bưng chiếc thúng đan tre đã sờn hơn phân nửa với lưa thưa vài chiếc bánh cam được lót trên tấm giấy báo, nhìn có vẻ đã nguội ngắt.
Từng đợt, cứ ba mươi giây, khi đèn giao thông chuyển báo đỏ và khi những chiếc xe ồn ào kia chợt dừng lại thì “điệp khúc vàng anh” của cụ lại vang lên:
- Ai bánh cam không? Bánh cam mới ra lò thơm ngon nức mũi đây.
Vừa nói cụ vừa quơ chiếc quạt mo đưa qua đưa lại trên khoảng không để vội xua đi đám ruồi chết dở, rồi cụ vẫy vẫy, chĩa vào hướng người đi đường:
- Con, ghé mua dùm bà cái bánh đi con, bà bớt cho ít đồng.
Cái giọng ngọt xớt này của cụ khác hẳn với cái giọng ríu rít mời gọi ban nãy, tôi cá rằng ai nghe phải cũng sẽ mủi lòng thương xót mà vô thức đi vào.
Chỉ tiếc là...
Dưới cái nóng như đổ lửa này, con người ta dù có muốn thì cũng sẽ chùn bước trước khoảnh khắc đưa bàn chân trơ trọi ra giữa muôn vạn tia nắng ấy.
Cái tiết trời mùa hè chói chang, chưa kịp đến nửa buổi mà nắng đã dội lên khắp đầu, nếu không nhìn đồng hồ thì tôi tưởng khung cảnh trước mặt đang là buổi ban trưa. Vì đang là giờ cao điểm nên ai cũng vội. Tiếng còi xe thi nhau inh ỏi, kẻ chen người lấn, cố dành được mảnh đường sát lề được rợp mát bởi tán lá cây dày đặc nhô ra. Người thì muốn được phi ngay đến nơi làm việc, kẻ thì chỉ mong ba mươi giây trước mặt trôi nhanh một chút để mau chóng thoát khỏi đám người xe náo nhiệt này.
Và tất nhiên, không ai thèm đếm xỉa đến cụ. Chỉ vài ba người dừng ở phía bên bờ vỉa hè là chú ý đến sự hiện diện của cụ nhưng cũng chỉ được khoảng độ mười giây khi cái “điệp khúc vàng anh” của cụ vang lên, rồi lại dần quay đi, mặc cho cụ vẫn van lời tha thiết. Cụ trông chờ ai đó có thể mua giúp cụ dù chỉ là một ít, cụ đã ngồi đây cả sáng nay rồi.
Cụ sống trong một con hẻm nhỏ ở cuối đường. Đó là một “khu ổ chuột” chật hẹp và tối tăm, với chi chít những ngôi nhà bằng tôn đã thủng dột vài chỗ, hay là những túp lều tranh dựng tạm đã te tua rách nát. Đây vốn là nơi mà ta có thể bắt gặp những số phận bất hạnh, bần cùng lại vô tình bị cả xã hội và chính gia đình lãng quên, phải lang thang trên khắp nẻo chỉ để mong nhận được vài đồng tiền thương hại của những người đi đường.
Mọi người hay gọi cụ là cụ Năm Sáng. Năm là vì cụ sinh thứ năm, còn Sáng thì phải kể đến cái vết bớt “ngự trị” trên má trái của cụ sẽ ửng đỏ lên mỗi khi cụ phấn khích hay tức giận vì chuyện gì đó.
Cụ có một người con trai tên là Tư. Chồng cụ mất từ hồi thằng Tư mới lên ba, bỏ lại thân cụ cằn cỗi suốt ngần ấy năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng chỉ để kiếm những bữa cơm đủ đầy.
Mới độ năm năm trước, thằng Tư đòi cưới vợ. Cụ đã phải đi từ đầu làng đến cuối ngõ, chỉ cần là người quen cụ đều ghé thăm để hỏi vay chút mọn tiền. Thậm chí là mảnh đất vườn nhà cụ, cả thửa ruộng nhỏ hình thang - cái gọi là “gia sản” đã nuôi sống hai mẹ con, cụ cũng đem bán nốt. Có lẽ cụ Sáng muốn được dành trọn hết những gì cụ có cho thằng Tư và vợ nó, coi như là bù đắp những ngày tháng cực khổ, bôn ba cùng cụ, để chúng nó sau này có một cuộc sống khá giả hơn.
Thằng Tư tỏ ý muốn vào Sài Gòn lập nghiệp, rồi đưa cả cụ lên sống với hai vợ chồng nó, nhưng cụ một mực không đi. Cái thân già của cụ vốn không ngửi nổi mùi khói bụi tấp nập, lại thêm một phần là do cụ không muốn phải xa quê hương, xa cái nơi chôn rau cắt rốn này của cụ.
Sau khi thằng Tư rời đi, chỉ còn lại bóng lưng cụ lủi thủi, ngồi lặng bên bến đò vắng tanh, không một tiếng người. Cụ không còn chốn nương thân nữa. Cụ thơ thẩn đưa hai con mắt hướng về phía xa xa bên kia bờ, có vẻ trầm tư lắm.
Dường như cụ nghĩ ra điều gì đó.
Mờ sáng hôm sau, lúc mọi nhà vẫn còn đang ngáy ngủ, cụ đã một mình lặng lẽ bắt xe lên thành phố, với hy vọng có thể tự nuôi sống bản thân…
Cụ lang thang khắp các nẻo đường, cụ tìm cho mình một vị trí lý tưởng để có thể trải được tấm chiếu rách - thứ đồ duy nhất cụ đem theo cùng với chiếc nón rách tươm đội đầu.
Cụ đi suốt mấy ngày liền, ngay cả nơi cạnh bãi rác, dưới gầm cầu hay thậm chí những góc tối ẩm ướt giữa lòng đô thị, chỗ nào cụ cũng thử ngồi lại nhưng chưa đầy một ngày đã bị các bác tổ trưởng đón đầu, nằng nặc đuổi đi. Bởi lẽ đó vốn không phải là chỗ ngủ của những người lang thang như cụ.
Không bỏ cuộc, cụ lại tiếp tục đi. Cụ đi mãi đến cuối đường. Cái mùi tanh hôi từ trong hẻm xồng xộc vào mũi. Cụ thấy những con người giống cụ nhưng trông họ thảm thiết hơn. Họ nằm lê lết trên những tấm vải bạt cũ được trải san sát nhau. Cụ mon men đi ngang qua hai hàng người, lắng lặng rồi đặt nhẹ thân mình xuống một khoảng trống còn sót lại ở tít đằng cuối hẻm.
Cụ ngồi bên cụ Mừng - một bà lão trạc tuổi cụ với khuôn mặt đầy phúc hậu. Cụ Mừng kiếm cơm bằng nghề bán vé số. Cụ thường tấp vào các khu chợ ồn ào hay các quán cà phê đông đúc để mời mọc mọi người. Có lẽ vì thế mà giọng cụ vẫn còn trong trẻo, lại còn dẻo quánh nữa.
Cụ Mừng nhiệt tình “giới thiệu” công việc này với cụ nhưng cụ không ưng. Cụ nói cái lưng của cụ không còn linh hoạt như trước nữa. Sau một hồi suy nghĩ thì cụ mới nhớ ra những chiếc bánh cam - món bánh ngày xưa cụ vẫn hay làm cho thằng Tư ăn, nó thích vô cùng.
Cụ mót trong túi ra, vét từng đồng cụ dành được ở dưới quê, còn bao nhiêu cụ gom hết lại rồi mở cho mình một sạp hàng rong nhỏ, hay nói cách khác là một chiếc thúng với lẻ tẻ vài ba chiếc bánh cam.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, cụ hành nghề đã được gần năm năm. Có vẻ cụ đã quá quen với việc thức dậy từ tờ mờ sáng, chuẩn bị tất tần tật rồi với chiếc thúng tre kẹp bên hông, rảo bước ra ngã tư ngồi từ lúc chưa có ai đến lúc đường đã chật ních người.
Cách đây vài năm thì món bánh cam của cụ vẫn còn là món khoái khẩu của người dân Đà Nẵng nhưng giờ đây có vẻ nó đã và đang dần chìm vào ký ức xa xăm ấy. Dòng người lũ lượt kéo qua từng đợt nhưng lại chẳng có ai để ý đến những chiếc bánh cam tròn ủm của cụ.
Trời đã chập choạng tối, những ngọn đèn điện lần lượt bừng lên rọi xuống khắp mặt đường. Dù đã là giữa tháng bảy nhưng đâu đó trên các tán cây vẫn còn tiếng ve kêu râm ran, nghe thật não lòng người. Mấy đám người xe ồn ào khi sáng cũng đang dần biến mất vào các con ngõ dẫn lối về nhà. Đây chính là khoảnh khắc mà con người ta cùng quây quần với nhau sau một ngày dài mệt mỏi.
Cụ Năm Sáng ngồi đờ đẫn, ngước nhìn về phía hoàng hôn rồi một tay bê rổ bánh, tay kia quàng ra phía sau đặt nhẹ lên lưng, cụ đứng lên một cách thật chậm rãi. Cụ thở một hơi thật dài và sâu rồi lặng lẽ bước đi về phía con hẻm thân thuộc. Bóng lưng cụ xa dần rồi khuất sau dãy bằng lăng đang khoe ra những bông hoa tím nhỏ.
- Lại thế nữa à?
Cụ Mừng đang ngồi đếm từng tờ vé số, nghe tiếng bước chân nặng nề của cụ Sáng lại ngẩng đầu lên, lia cặp mắt qua cái rổ bánh cam còn y vẹn, rồi nói cái câu mà hôm qua cụ cũng nói.
- Đã mấy ngày liên tiếp rồi không bán được quá mười cái.
Cụ thở dài rồi ngồi bệt xuống. Cái thở dài như chưa đủ trút ra hết nỗi phiền muộn trong cụ. Cụ không đáp, vẫn giữ cái vẻ mặt đăm chiêu ấy từ nãy đến giờ. Cụ lo lắm, không biết những ngày tiếp đến cụ sẽ sống như thế nào. Cụ Mừng biết tỏng. Mọi thứ xung quanh cụ đều để ý rất rõ. Nhưng cụ không nói, bởi cụ cũng chỉ là một kẻ lang thang, cụ chẳng có gì để mà giúp cụ Sáng cả.
Sáng hôm sau độ tầm bảy giờ ba mươi, cụ Mừng lật đật đeo chiếc túi trước bụng, đội chiếc mũ vành đã bạc màu rồi cầm xấp vé số dày cộp trên tay. Như mọi khi, cụ đi thẳng đến khu chợ mới xây, cách nơi ổ chuột chỉ bốn năm căn nhà.
Chợ mới khá rộng, các quầy hàng thi nhau lần lượt mọc lên, người mua cũng nườm nượp kéo đến. Cụ tinh mắt chọn những đám đàn ông mà ngân nga câu nói quen thuộc của mình:
- Vé số đây, vé số đây, sáng mua chiều xổ, không sợ bị lỗ. Mua vé số đi cậu ơi!
Với kinh nghiệm bán vé số lâu năm cùng với nghệ thuật dẫn khách tài tình, chỉ với một buổi sáng cụ đã nhanh chóng thu về hơn chục tờ mười ngàn. Đến tầm một hai giờ chiều, lúc mà khu chợ đã thưa thớt bóng người thì cụ Mừng lại bắt đầu dạo quanh các quán cà phê dọc đường. Cụ săn lùng rồi lại dùng những lời mật ngọt để câu kéo khách mua vé số của cụ.
Chợt một cái gì đó làm chân cụ chùn bước, lúc cụ đi ngang qua cây cột điện bên vỉa hè. Một tờ giấy được dán hờ trên thân cột. Cụ Mừng ngẩn người, nhìn ngó một hồi rồi cụ giựt mạnh xuống, miếng keo dính nhỏ xíu ngay lập tức bị bong ra, nửa còn lại vẫn còn trên tờ giấy.
Cụ Mừng hối hả lao đến chỗ ngã tư mà cụ Sáng ngồi. Cái dáng vẻ hấp tấp của cụ thật khiến người ta phải phì cười. Cụ Sáng chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã bị người bạn tâm giao của mình bắn một tràng tới tấp:
- Bà Sáng, bà Sáng. Trời đất ơi, bà coi tui tìm thấy gì nè.
Vừa nói cụ vừa giơ tờ giấy cụ giựt được từ cột điện xuống lúc nãy lên. Cụ Năm Sáng lúc bấy giờ mới có thì giờ để hoàn hồn. Cụ nhíu đôi mắt nhìn thật kĩ. Cảnh tượng trước mắt thật khiến cụ Năm Sáng phải bàng hoàng đến bật khóc.
Một người mẹ với một đứa con. Bức ảnh chụp khi đứa con khoảng độ hai mươi. Có thể bạn sẽ không nhận ra người con này là ai nhưng vết bớt ẩn hiện bên má trái của người mẹ đứng kế bên thì tôi chắc chắn bạn đang nghĩ đến người mà tôi đang nghĩ. Đó chính là gương mặt của cụ Năm Sáng mười năm trước.
Cụ Năm Sáng lúc này đã ghì chặt tờ giấy trong tay. Cụ với đôi mắt thất thần liếc nhẹ xuống dòng chữ phía dưới bức ảnh. Cả cụ và cụ Mừng đều biết đứa con trai duy nhất của cụ năm nào đã trở về và đang dốc sức tìm kiếm tung tích của cụ. Cụ Năm Sáng quay qua nhìn cụ Mừng với đôi mắt nghẹn nước, cụ thốt lên trong sự vui sướng pha một chút giọng run run:
- Đúng là thằng Tư rồi, là thằng Tư. Thằng con trai tui nó quay về rồi bà ơi!
- Ừ... Chúc mừng bà nha! - Cụ Mừng lâng lâng.
Cụ Mừng cảm thấy vui cho cụ Sáng vì đến cuối cùng đứa con trai ấy cũng quay về nhưng cụ lại có một chút tiếc nuối, như cảm giác sắp phải chia xa thứ mình trân trọng nhất. Trong lòng cụ Mừng đang có hai luồng cảm xúc trái ngược nhau, chúng giằng co đấu đá nhau. Nhưng cụ biết điều quan trọng nhất bây giờ là giúp hai người họ gặp nhau.
Cụ không nghĩ nữa.
- Thân tôi ròng rã đi buôn mấy năm, quen đường quen xá. Để tôi đi hỏi dò thông tin thằng Tư cho, bà cứ yên tâm ngồi ở đây.
Cụ chốt hạ một câu như thể cụ tự nguyện gánh vác trọng trách cao cả này.
Nhưng gánh vác kiểu gì thì cụ không nói. Cụ không có điện thoại. Cụ Sáng lại càng không. Cụ tức tốc chạy đi hỏi mượn từ những vị khách quen. Cụ bảo cụ Sáng cứ yên tâm, cụ sẽ cố hết sức mình. Một phần cũng là vì cụ Mừng rành đường hơn cụ Sáng. Mọi ngóc ngách ngõ hẻm cụ đều nắm rõ trong lòng bàn tay.
Cụ chạy đôn chạy đáo khắp nơi. May thay cũng được một người đàn ông tốt bụng cho mượn. Cầm điện thoại trên tay, cụ loạng quạng nhấn dãy số được in trong tờ giấy.
- A lô, cho hỏi ai vậy ạ?
Thằng Tư nhấc máy, hằn giọng rồi lại hạ xuống khi nghe cụ Mừng nhắc đến chuyện cậu dán thông báo tìm mẹ. Chưa đầy ba phút, cụ Mừng đã xác định được vị trí của thằng Tư. Cụ hẹn sẽ đưa cụ Sáng đến gặp nó tại chân cầu phía Đông mà ở phía bên kia chính là khu phố thằng Tư sống.
Cụ Mừng hớn hở chạy về báo cho cụ Sáng, người đang trông mong cụ nhất lúc này. Và tất nhiên sau khi nghe tin, cụ cũng vui không kém.
Tối đến, cụ Sáng không ngủ được. Cụ rón rén bò sang chiếc lều tạm bợ của cụ Mừng. Cụ Mừng đã nằm bệt ra chiếu nhưng hai mắt vẫn cứ thao láo. Hai con người già tựa sát vào nhau. Họ tâm sự những điều mà trước đây họ không có dịp để nói. Hay đơn giản chỉ là vì cả hai đều biết, qua ngày mai thôi, họ sẽ không còn gặp nhau nữa, nên đã tranh thủ mượn màn đêm tĩnh lặng này để thổ lộ tâm tình với nhau.
Khoảnh khắc cụ Sáng lặng lẽ gia nhập khu ổ chuột, hay những lúc cụ Sáng chia những cái bánh cam cụ bán không hết lại cho cụ Mừng. Tuy chỉ là những thứ kỷ niệm đơn sơ nhưng bất giác trong phút chốc đã biến hai con người lúc nào cũng mạnh mẽ trở thành hai cọng rơm yếu đuối lại mỏng manh. Hai cặp mắt đã đầy lệ, chỉ đợi một cú nháy, nó sẽ lăn xuống hai gò má đỏ ửng của cụ.
Tầm khoảng buổi chiều mới đến giờ hẹn gặp thằng Tư, nên sáng hôm đó cụ Mừng vẫn bán vé số dạo và cụ Sáng vẫn bán bánh cam. Họ đã giao kèo đúng bốn giờ chiều đến đứng ở chỗ gốc bằng lăng trước ngõ rồi sẽ cùng nhau đi đến chỗ chân cầu.
Cụ Năm Sáng lộ rõ vẻ mặt lo lắng hồi hộp, không hề chú ý đến những chiếc bánh cam đã nguội ngắt, cũng không buồn mở miệng vang lên tiếng gọi khách quen thuộc hằng ngày. Cụ ngồi đờ người ra, ngắm nhìn những cánh hoa phượng đung đưa trong gió rồi đáp nhẹ xuống mặt đường. Cụ hẳn phải đã trông đợi thằng con trai của cụ lâu lắm rồi!
Mấy chốc đã đến xế chiều. Cụ Mừng nhét nhanh mấy tờ vé số vào túi đeo bụng rồi lật đật đi vội đến đầu hẻm. Cụ mường tượng tới cảnh cụ Năm Sáng nheo hàng lông mày lại, miệng oang oang trách cụ vì cái tội chậm chạp. Nhưng thật khó tin là khi cụ Mừng đã đến mà cụ Sáng vẫn chưa thấy đâu. Khó tin là bởi trước đây cụ Sáng chưa từng trễ hẹn lần nào, và vì hôm nay cũng là ngày đặc biệt đối với cụ, cụ không lí nào lại ung dung thong thả như thế được.
Cụ Mừng đứng chờ, cụ chờ tầm hơn mười lăm phút. Càng chờ cụ càng sốt ruột, bồn chồn. Cụ hối hả chạy ra phía ngã tư chỗ cụ Sáng ngồi nhưng vẫn không thấy đâu. Mí mắt trái cụ giật liên hồi, cụ nghi có điềm chẳng lành.
Nét mặt cụ căng lại, mồ hôi đã thấm ướt chiếc lưng già của cụ. Cụ chạy quanh các con đường, đi ngang dọc khắp các vỉa hè. Cụ sốt sắng hỏi vội mấy người đi đường nhưng không ai biết cụ Sáng, cũng không ai thấy cụ đi đâu cả. Sát đến giờ gặp thằng Tư nhưng người cần gặp lại biến đâu mất. Cụ quyết định đi qua bên kia cầu để nói cho thằng Tư. Dù gì hai người thì vẫn hơn một người.
Đi được một đoạn thì chợt cụ nhìn thấy một thứ mà cụ không hề muốn thấy ngay lúc này. Cảnh một đám người đang tụm lại, vây quanh một cái gì đó mà cụ không nhìn rõ vì vòng tròn người quá dày đặc. Cụ chậm chậm từng bước tiến lại gần.
Gần thêm một chút nữa…
Trong phút chốc, cụ Mừng lặng người đi. Trước mắt cụ là hình ảnh người bạn già của mình đang nằm sõng soài cùng vũng máu lênh láng giữa mặt đường, với vài chiếc bánh cam lăn long lóc ở khắp các phía.
Tim cụ như thắt chặt lại, từng chút một… Cụ từ từ bước đến rồi ngồi thụp xuống. Cụ Sáng với ánh mắt yếu ớt, thều thào:
- Bà đây rồi... Tôi đợi bà nãy giờ mà sao giờ bà mới tới...
Cụ Mừng đã cố kìm lòng nhưng dường như hai hàng nước mắt lại không nghe lời mà cứ lăn dài, rơi lã chã xuống đôi bàn tay đang nắm chặt cụ Sáng.
- Bà… bà sao thế này… - Cụ Mừng nức nở, nói được một câu lại nấc lên một tiếng: “Bà mau tỉnh dậy đi... Thằng Tư nó còn đang đợi bà ở đằng kia mà!”.
Cụ Sáng không đáp, chỉ khẽ mỉm cười rồi từ từ nhắm mắt. Giây phút đó, cụ Mừng và cả đám người vây quanh đều biết cụ Năm Sáng - người đàn bà bán bánh cam đã chính thức từ giã cõi đời này. Cụ Mừng lúc này mới khóc òa lên, khuôn miệng cụ mếu xuống hệt một đứa trẻ lên ba. Tiếng khóc đau thương của cụ đã bao trùm lên cảnh vật nơi đây. Mọi thứ dần chìm vào biển lặng.
Cuộc đời này chính là chặng đường từ sự sống đến cái chết. Chúng ta mất cả một quãng đường dài chỉ để chuẩn bị cho một cái chết mà chúng ta không biết được là khi nào. Cụ Năm Sáng cũng vậy. Bươn chải, cần cù suốt nhiều năm để mong có thể gặp lại đứa con của mình, nhưng đến cuối cùng lại không thể. Nhưng dù sao đi chăng nữa, cụ Sáng cũng đã nhận được món quà thiêng liêng nhất - một người bạn trọn vẹn đã luôn sát bên cụ, đến những khoảnh khắc cuối cùng. Và người bạn ấy giờ đây, vẫn nằm trong chiếc lều tranh rách nát, vẫn sáng tối lang thang với xấp vé số trên tay, mọi thứ vẫn y vẹn nhưng người mà cụ trân quý nhất lại không còn nữa...
L.T.M