Kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương: Cảm hứng phản kháng mãnh liệt trong thơ Hồ Xuân Hương

29.08.2022
Chế Diễm Trâm

Kỷ niệm 250 năm ngày sinh  và 200 năm ngày mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương:  Cảm hứng phản kháng mãnh liệt trong thơ Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương (Tranh sơn dầu của Đặng Quý Khoa)

Năm 2022, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa thuộc Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh hai tác gia Việt Nam là Danh nhân Văn hóa thế giới. Đó là Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu.

Tại kỳ họp Đại Hội đồng lần thứ 41 của UNESCO diễn ra trong tháng 11/2021 tại Thủ đô Paris, hồ sơ kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được thông qua. Vậy là từ đây, sách Ngữ văn dùng trong nhà trường đã có thể bổ sung tiểu sử Hồ Xuân Hương (sách Ngữ văn 11 tập một hiện lưu hành đã ghi trong phần Tiểu dẫn như sau: “Hồ Xuân Hương (chưa rõ năm sinh, năm mất) quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An”). Và như thế cũng đã xác định Hồ Xuân Hương là một nhà thơ lớn, bằng xương bằng thịt, chứ không phải là một hiện tượng tập thể dân gian như trước đây có người đã cho như thế.

Hồ Xuân Hương là một trường hợp rất độc đáo khi đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến và thi pháp văn học trung đại. Đời tư nữ sĩ lận đận, bất như ý - cả hai lần lấy chồng đều làm lẽ và chồng chết sớm; cá tính mạnh mẽ, cứng cỏi, tự do, phóng khoáng, đi đây đi đó nhiều nơi; giao thiệp thi phú phong lưu với các văn nhân nổi tiếng cùng thời như Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du, Phạm Thái, Phạm Quý Thích,… tại một ngôi nhà ven Hồ Tây được đặt tên là “Cổ Nguyệt đường”.

Văn nghiệp Hồ Xuân Hương có thơ chữ Hán lẫn chữ Nôm. Theo Từ điển mở (Wikipedia), văn bản cổ nhất có chép thơ Hồ Xuân Hương là Quốc văn tùng ký do Nguyễn Văn San biên soạn vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1834) nhưng chỉ có vài bài. Cuốn Xuân Hương thi tập khoảng 60 bài do Phúc Văn Đường tàng bản ấn hành năm 1930 là sách được sử dụng nhiều nhất, mặc dù vẫn có một số bài bị xem không phải là của Hồ Xuân Hương. Tập thơ Lưu hương ký do
Trần Thanh Mại phát hiện vào năm 1964 gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ bằng chữ Nôm, ghi là của Xuân Hương người Nghệ An sáng tác tại Cổ Nguyệt đường. Tuy nhiên, giáo trình của Đại học Cần Thơ cho rằng: “Thơ chữ Nôm trong Lưu hương ký có rất nhiều từ Hán-Việt, giọng thơ lại hiền lành chứ không góc cạnh, gân guốc như ở Xuân Hương thi tập. Vì vậy, để đảm bảo tính khoa học, các nhà nghiên cứu chủ yếu chỉ dừng lại ở tập thơ Nôm, còn Lưu hương ký được coi là một tập thơ để tham khảo.”

Thành tựu của thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu là thơ Nôm. Nhà văn Lê Tâm - tác giả cuốn Thân thế và thi ca Hồ Xuân Hương (Nxb Cây thông, Hà Nội, 1950)- rồi sau đó là nhà thơ Xuân Diệu, khi định danh Hồ Xuân Hương là “Bà chúa thơ Nôm”, đã chỉ ra đích đáng thành công, phong cách và đóng góp của thơ Hồ Xuân Hương.

Xét về mặt nội dung, thơ Nôm Hồ Xuân Hương thuộc trào lưu nhân đạo chủ nghĩa nửa cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX nhưng tiếng nói nhân đạo trong thơ bà rất khó nhầm lẫn. Đó là tiếng lòng của một người phụ nữ cô đơn, sầu tủi do thân phận làm lẽ, góa bụa, hứng chịu nhiều bất công, ngang trái:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

(Tự tình, II)

Thơ Hồ Xuân Hương có ba tiếng nói - ba nguồn cảm hứng chính: tiếng nói cảm thương, đồng cảm; tiếng nói tự ý thức, tự khẳng định của cá nhân đầy bản lĩnh và tiếng nói chế giễu, đả kích. Nỗi buồn tủi của người phụ nữ lẻ loi, thiệt thòi là một nội dung được đề cập nhiều trong thơ bà:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non.

(Bánh trôi nước)

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.

Năm thì mười họa chăng hay chớ

Một tháng đôi lần có cũng không.

Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,

Cầm bằng làm mướn, mướn không công.

(Lấy chồng chung)

Tuy vậy, dù chịu thân phận bất hạnh, hẩm hiu nhưng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương vẫn không yếu đuối, không đầu hàng số phận mà vẫn ngang bướng, cứng cỏi, không bao giờ mặc cảm, trái lại, rất tự tin:

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

(Bánh trôi nước)

Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi

Này của Xuân Hương mới quệt rồi

Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

(Mời trầu)

Hơn thế, Hồ Xuân Hương còn dám thách thức lễ giáo phong kiến, công khai bênh vực những người phụ nữ không chồng mà lỡ làng hoặc dám hy sinh cho tình yêu:

Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa

Mảnh tình một khối thiếp xin mang

Quản bao miệng thế lời chênh lệch

Không có, nhưng mà có, mới ngoan!

(Không chồng mà chửa)

Song, có lẽ, nội dung giễu cợt, chế giễu nam giới là nội dung phản phong sâu sắc, mãnh liệt nhất của thơ Hồ Xuân Hương. Đầu tiên, có thể kể đến đối tượng là những công tử gia thế nhưng dốt nát, hợm hĩnh khoe chữ, tấp tễnh làm thơ, định múa rìu qua mắt thợ. Thế là “chị” Xuân Hương gọi lại, “dạy” rồi răn đe:

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ?

Lại đây chị dạy cho làm thơ

Ong non ngứa nọc châm hoa rữa

Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.

(Mắng học trò dốt, I)

Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền,

Cũng đòi học nói, nói không nên.

Ai về nhắn bảo phường lòi tói

Muốn sống đem vôi quét trả đền.

(Mắng học trò dốt, II)

Ngoài bọn công tử dốt, đối tượng đả phá nữa của ngòi bút Xuân Hương là những kẻ đạo đức giả, bề ngoài làm ra vẻ khuôn vàng thước ngọc nhưng kỳ thực là bọn giả dối, dâm dục. Khác với các nhà thơ nhân đạo đương thời thường bất bình tầng lớp phong kiến ở thói tham lam, bạo ngược, ỷ thế cậy quyền để áp bức bóc lột dân đen, Hồ Xuân Hương nhân danh quyền sống nhân bản của người phụ nữ để lột mặt nạ của bọn ngụy “hiền nhân quân tử”. Nhìn chàng “quân tử” đi thì tiếc, ở lại thì e ngại trước cảnh cô thiếu nữ ngủ ngày “yếm đào trễ xuống dưới nương long”, bà chỉ ra cái bản chất vừa giả vừa tham của tư thế “dùng dằng”:

Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt

Đi thì cũng dở, ở không xong.

Trước “đèo Ba Dội”, bà đọc được sự thèm muốn của các “đấng”, “bậc”:

Hiền nhân quân tử ai mà chẳng

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.

Hoặc với “cái quạt”, Hồ Xuân Hương khái quát lên bản chất của vua chúa cũng chỉ “yêu một cái này”:

Hồng hồng má phấn duyên vì cậy

Chúa dấu vua yêu một cái này.

Chưa hết, tiếng thơ phê phán của Hồ Xuân Hương còn hướng tới bọn “sư hổ mang”, bề ngoài làm ra vẻ cao đạo nhưng bản chất giả dối, bỉ ổi:

Chẳng phải Ngô, chẳng phải ta

Đầu thì trọc lốc, áo không tà,

Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm

Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà.

Đáng giễu nữa là giới sư hồi tục, tu mà không trót đường tu, Hồ Xuân Hương cũng không buông tha:

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo

Vị gì một chút tẻo tèo teo.

Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc

Trái gió cho nên phải lộn lèo.

(Kiếp tu hành)

Là một người khao khát sự sống, Xuân Hương cũng không tha cho bọn “quan thị” - những kẻ lợi dụng việc thiếu “cái xuân tình” để được làm quan, để trục lợi:

Mười hai bà mụ ghét chi nhau

Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu

Rúc rích thây cha con chuột nhắt

Vo ve mặc mẹ cái ong bầu.

Thiết nghĩ, trong vòng cương tỏa của xã hội phong kiến, một điệu thơ như thế thì làm sao không bị quy kết là “thi trung hữu quỷ” cho được! Đó là chưa nói đến nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương. Về nghệ thuật ngôn từ, mấy trăm năm nay, hậu thế đều công nhận tài thơ Nôm vừa dân gian vừa dân tộc của nữ sĩ. Điều đáng nói là thơ bà có hiện tượng vừa có tính tư tưởng vừa thể hiện tài năng, lại vừa định hình một phong cách phá vỡ thi pháp thời đại. Đó là hình tượng thơ Hồ Xuân Hương thường đa nghĩa: nghĩa nổi và nghĩa ngầm, nghĩa thanh và nghĩa tục, tức là nghĩa ngầm có ý tục. Phải là người giỏi chữ nghĩa và thông minh, sắc sảo mới có thể làm theo truyền thống dân gian (đố thanh giảng tục hoặc đố tục giảng thanh) nhuần nhuyễn như thế.

Cách làm thơ hai mặt nghĩa của Hồ Xuân Hương thường tồn tại dưới các dạng thức sau: trước hết là dùng công thức “thân em” của ca dao để dễ liên tưởng, như những bài Bánh trôi nước, Quả mít,…:

Thân em như quả mít trên cây

Da nó xù xì múi nó dày

Quân tử có yêu thì đóng cọc

Đừng mân mó nữa nhựa ra tay.

(Quả mít)

 Thứ hai, Xuân Hương thường sử dụng những hình tượng dễ liên tưởng đến phần cơ thể kín đáo (Vịnh cái quạt, Giếng nước, Quả mít, Ốc nhồi, Hang Cắc Cớ,…), đến hoạt động chăn gối (Đánh đu, Đèo Ba Dội,…). Chẳng hạn:

Chành ra ba góc da còn thiếu

Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa

(Cái quạt)

Trai co gối hạc khom khom cật

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.

Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới

Hai hàng chân ngọc duỗi song song.

Chơi xuân đã biết xuân chăng tá

Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không!

(Đánh đu)

Tiếp nữa là nữ sĩ dùng phép nói lái rất tục, rất tài:

Quán Sứ sao mà cảnh vắng teo

Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?

(Chùa Quán Sứ)

Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc

Trái gió cho nên phải lộn lèo.

(Kiếp tu hành)

Có người nói, Xuân Hương là nhà thơ hai lần độc đáo. Tiếng thơ phản kháng dựa trên khát vọng nhân bản của người phụ nữ mạnh mẽ, giàu khát khao mà phải chịu cảnh lẽ mọn, góa bụa xuất phát từ chính cuộc đời, tâm sự tác giả. Vì vậy, thi cảm trước tác Hồ Xuân Hương không dừng lại ở niềm thương cảm mà chính là sự đồng cảm. Hồ Xuân Hương là một nữ sĩ viết về người phụ nữ bằng tâm thức phản kháng, muốn nổi loạn; giọng điệu táo tợn, phá phách; ngôn từ giàu có đến hiếm có, chữ “hóc xương” (từ dùng của Tế Hanh).

Chúng ta thử hình dung thái độ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến khi hạ bút bình thơ của tài nữ Hồ Xuân Hương:

Thơ thánh thơ tiên đời vẫn có

Tung hoành thơ quỷ hiếm hoi thay.

Đọc hai câu thơ trên, dường như cảm nhận được nụ cười mỉm tâm đắc.  

C.D.T