Tôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họa

04.10.2024
Thái Hạo

Tôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họa

Lũ lụt là một thảm họa, nhưng sạt lở đất có khi còn kinh hoàng hơn. Nguyên nhân thì sách vở báo chí nói nhiều rồi, tôi chỉ muốn chia sẻ quan sát của cá nhân.

Theo tôi, sạt lở (nặng hơn nữa là lũ bùn, đất chảy), nguyên nhân chính là do núi đồi bị mất chân. Đối với loại núi đất, đồi đất, thì chân của chúng là tối quan trọng. Trải qua hàng triệu năm, những núi đồi ấy đã ổn định hình dáng và cấu trúc, mưa lũ cũng không làm chúng bị lở/ vỡ ra được. Mất chân, mất đi thế đứng vững chãi, những khối đất bên trên trở thành cheo leo, có thể bị sụt và đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Việc làm đường, xây dựng nhà cửa hay các công trình khác trên các vùng địa hình rừng núi, thường sẽ chặt đứt chân núi đồi, khiến chúng từ chỗ đang thoải dáng trở thành dựng đứng. Một quả bom treo lơ lửng trên đầu.

Cây rừng tự nhiên có bộ rễ sâu hàng chục mét và đan kết chằng chịt vào nhau, có vai trò quan trọng trong việc giữ vững liên kết giữa đất và đá, giữa tầng mặt và tầng sâu..., tạo thành một khối ổn định và vững chắc. Nhưng nay rừng đã bị cạo trọc, mối liên kết ấy mất đi. Một khi mưa lớn kéo dài, đất trong núi no nước, liên kết trở nên yếu ớt. Khi đất đá đã ở trong tình trạng mềm/ nhão, kết hợp với sự mất chân của núi đồi, một vụ sạt lở sẽ xảy ra. Những vụ sạt lở lớn sẽ kéo xuống cả vạn, thậm chí là cả triệu khối đất đá, vùi lấp mọi thứ bên dưới.

Do đất đã bị nhão ra, nên theo quy luật, càng chảy sẽ càng trở nên nhuyễn hơn, thành bùn, thành cháo. Kết hợp với nước mưa và dòng nước chảy, có nguy cơ trở thành lũ bùn, quét sạch và chôn vùi mọi thứ trên đường nó đi qua.

Nếu muốn tránh những vụ sạt lở như thế, việc bảo vệ, trồng mới rừng (tất nhiên không phải rừng keo!) là điều quan trọng phải thực hiện. Tuy nhiên, cái có thể làm ngay là tránh việc chặt đứt chân của đồi núi, nhất là đồi núi đất.

Các công trình dân sinh hay công cộng phải được tính toán kỹ để tránh thứ tác động chết người này. Việc khai thác đất đá để phục vụ làm đường sá phải tránh giật gấu vá vai, không thể chỉ vì cái tiện và lợi trước mắt mà múc luôn những chân đồi có cả một ngôi làng đang sinh sống bên dưới.

Trời còn mưa, lũ còn chảy, nhiều ngôi làng vẫn đang đứng dưới những quả bom đất lơ lửng trên đầu. Người dân nên tự đánh giá tình trạng nguy hiểm của quả đồi/ quả núi nơi mình ở để chủ động tìm nơi tránh trú an toàn. Nhà nước cần căn cứ vào cấu trúc địa chất, tình trạng rừng và tình trạng chân núi (còn hay mất), để khẩn cấp di dời những ngôi làng có nguy cơ cao, tránh những thảm họa đau đớn sẽ tiếp tục xảy ra. Đừng chỉ để đến khi một ngôi làng đã bị vùi dưới bùn đất rồi mới đi thống kê số lượng người chết.

2. Tôi đọc được rằng, bão hình thành là do mặt biển bị đốt nóng, một lượng hơi nước khổng lồ bị bốc lên, lạnh đi, ngưng tụ, rồi lại bị hút xuống và mang theo hơi ẩm cùng nhiết độ bay lên. Những quá trình này tạo thành gió xoáy quanh một cái tâm, hết hợp với sự quay của trái đất, tạo thành các cơn bão. Đây cũng là lý do mà bão chỉ xuất hiện trên biển và sẽ tan đi sau đó khi nó đã đổ bộ vào đất liền không lâu. Nôm na là bị mất nhiên liệu để tiếp tục hoạt động.

Như vậy, bão (sẽ kèm theo mưa lớn) vốn là một quy luật tất yếu và còn là cách thức để tự nhiên (trái đất) tự cân bằng và “sống sót”. Nếu không có bão, tức là nước biển bị đốt nóng không được bốc hơi, thì theo thời gian chắc nó sẽ sôi ùng ục!? Cũng tức là tình trạng nắng nóng sẽ lên cao mãi mà không hạ xuống được. Tình trạng ấy sẽ đe dọa tất cả, và chắc chắn là nguy hiểm hơn là những cơn bão.

Hình dung rằng, khi cơ thể người nóng bức, nó sẽ đổ mồ hôi để làm mát. Đó là một phản ứng tự nhiên và lành mạnh. Một chiếc nồi khi sôi thì sẽ thoát hơi ra ngoài. Nếu nó không làm hoặc không làm được việc ấy trong khi cứ sôi mãi, thì nguy cơ sẽ là một vụ nổ. Tóm lại, mọi phản ứng vật lý ấy là cơ chế tự điều hòa hợp lý và kỳ diệu của tự nhiên.

Bão giúp “giải nhiệt” cho trái đất, cân bằng lại nhiệt độ và độ ẩm, rửa sạch bụi bẩn và trả lại không khí thanh sạch cho khí quyển mà chúng ta đang hít thở. Và còn nhiều tác dụng to lớn khác nữa. Nói cách khác, nếu trái đất không có bão thì chắc loài người sẽ không thể sống đến bây giờ (?).

Khi hiểu về bão và các hiện tượng thiên nhiên “cực đoan” theo hướng ấy, thì ta sẽ thấy rằng chúng không chỉ là “kẻ phá hoại” mà còn là “người hòa giải”. Giải pháp là con người cần tôn trọng thiên nhiên, nương vào thiên nhiên và chung sống hòa bình với thiên nhiên. Không can thiệp thô bạo, không phá vỡ quy luật. Chọn nơi để sống, chọn việc để làm, chọn cách để nương, chọn lối để đi, chọn rừng để giữ, chọn đất để trồng..., tất cả những điều ấy cần phải được thực hiện trên tinh thần tôn trọng mẹ thiên nhiên, để tránh những thảm họa tự chuốc lấy.

Yêu mến, tôn trọng thậm chí kính trọng thiên nhiên, tổ tiên loài người đã từng sống như thế. Và hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn giữ được “nếp sống văn minh” ấy. Việt Nam cần một chính sách và hành động ở tầm quốc gia cho việc kiến thiết nếp sống ấy, để tránh được phần lớn những thảm họa đau thương trong tương lai.

T.H

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiDành cả cuộc đời để viết tình caPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyGiông bão đi qua tình người ở lạiChuyện từ cơn bão YagiBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcBình minh trên sông HànNối nhịp đôi bờĐà Nẵng hôm nayHiện hữu