Lớp người tiên phong

04.10.2024
Phan Đức Nhạn

Lớp người tiên phong

Câu chuyện lớp người tiên phong ở Bình Dương vẫn còn lưu truyền mãi, thời ấy nhân dân sống cảnh lầm than, thân một cổ hai xiềng nô lệ, đi đâu làm việc chi cũng phải dè chừng những tên mật thám chỉ điểm huống chi lớp người cộng sản đầu tiên tổ chức hoạt động bí mật. Cha tôi kể rằng muốn liên lạc, trao đổi phải tìm những nơi xa vắng, ít người qua lại… Cây sợp bến miếu cao to mấy người ôm không xuể, tuổi đời cao niên có từ thời Huyền Trân công chúa. Bên cạnh có gò chùa dân lập bàn thờ để cúng bái, các bác còn dựng thêm nhiều tình tiết ly kỳ linh thiêng ở đây cũng chính là tạo nên vỏ bọc để thuận lợi gặp mặt bàn chuyện xây dựng cơ sở Cách mạng. Truyền bá tư tưởng cộng sản phải bắt đầu từ trong nhà mới ra người ngoài, từ bạn bè thân hữu mới mở rộng ra cộng đồng… Và những người tiên phong ở Bình Dương cũng bắt đầu như thế. Năm 1944, Chi bộ Lạc Câu ra đời, ông Ngô Tấn Tâm (Ngô Thanh Dũng) làm Bí thư, ông Võ Truyền, ông Phan Đấu là chi ủy viên. Lớp đảng viên đầu tiên ấy là hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng. Năm 1945, Bình Dương cùng cả nước khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Những hạt mầm lần lượt trở thành lớp đảng viên mới: Phan Toại (Phan Thanh Ba), Phan Hoàng, Phạm Hoành, Phan Văn Tiến, Nguyễn Văn Thái, Phạm Bính, Phạm Nghiêm, Trịnh Thiệt, Phan Tế, Phan Chu… Thời ấy, làm cách mạng là sẵn sàng lên rừng, xuống biển, chấp nhận: Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa…

* * *

Ông Ngô Tấn Tâm

Ông Ngô Tấn Tâm, người con Bình Dương được giác ngộ cách mạng rất sớm. Ông là đảng viên tiên phong ở xã. Năm 1962 ông được bầu làm Bí thư Huyện ủy Thăng Bình. Thời ác liệt nhất ở Bình Dương ông được tỉnh bố trí tăng cường về tham gia chỉ đạo chiến đấu. Câu chuyện đưa thương binh Ngô Tấn Tâm rời Căn cứ lõm Bàu Bính, vượt sông Trường Giang, phải bố trí số người cáng ông nhiều bằng hai lần ca thương khác vì ông cao to hơn người. Sau Hiệp định Paris, ông trở lại Bình Dương tổ chức và phân công lực lượng cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng để phân định vùng giải phóng của ta với vùng địch tạm chiếm. Ông là người dựng ngọn cờ cách mạng, cũng là người gắn bó, sống chết với mảnh đất quê hương. Những người bạn chiến đấu cùng thời đều nhìn nhận ông là một người gần gũi, lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Người con gái của ông - Chị Ngô Thị Thanh Hương, phấn đấu trưởng thành, kế tục sự nghiệp vinh quang của người cha, chị trở thành Chủ tịch rồi Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, tham gia cấp ủy Quảng Nam và Đà Nẵng.

Ngày đầu năm 1960 chú Tâm dẫn anh Ngô Thanh Phượng tới thăm cha tôi ở khu tập thể Kim Liên Hà Nội. Trước khi ra về ông nói như thì thầm chỉ để hai người đủ nghe: “Tuần sau tôi rời Hà Nội để về miền Nam công tác”. Tình hình chiến tranh, Nam Bắc xa xôi cách trở, những diễn biến không lường hết được. Ông bịn rịn dặn dò anh Phượng từ nay con thường xuyên về thăm bác Hoàng, có việc chi cần con cứ mạnh dạn tỉ tê để nghe lời khuyên của bác. Hai người bạn, hai người đồng chí ôm nhau thắm thiết để chia tay. Từ đó hằng tuần, anh Phượng về nhà cha tôi như được về với cha mình. Ngày hòa bình anh Phượng đã là kỹ sư cơ khí, lập gia đình và làm tới chức giám đốc Công ty thiết bị phụ tùng Hà Nội. Người con út chú Tâm cùng tuổi với tôi, hai đứa cùng đội thiếu sinh quân Bình Dương. Cảnh ngộ gia đình tương đồng làm chúng tôi thêm gắn bó. Thời mới tới trại an dưỡng T64 Hà Nội, Tuấn chạy vào phân đội 11 báo tin cha tôi tới tìm, tôi được gặp cha mình lần đầu tiên sau 15 năm cha con xa cách. Khi về trường Học sinh miền Nam Đông Triều tôi và Tuấn học chung một khối lớp, chơi với nhau như anh em ruột thịt.

Hòa bình, những người còn sống lần lượt trở lại quê hương, cha dẫn tôi tới thăm chú Tâm ở Hà Lam, đôi bạn già gặp lại sau bao năm xa cách, nhắc chuyện xưa hai người bạn là những Đảng viên kỳ cựu của chi bộ Lạc Câu… Nắm tay tôi, chú Tâm nghẹn ngào báo tin đứa con út Ngô Thanh Tuấn - bạn tôi vừa mới chết.

Hơn nửa thế kỷ đi qua những câu chuyện về ông vẫn sống trong lòng người Bình Dương, hình ảnh người Cộng sản Ngô Tấn Tâm vẫn hiển hiện xuyên qua các giai đoạn lịch sử, ông là một trường hợp kỳ lạ, hiếm có. Lớp con cháu chúng tôi xin thắp nén hương tri ân, ghi lòng tạc dạ và ngưỡng mộ một người con đã góp trí tuệ, tài năng, xương máu làm rạng rỡ cho quê hương.

Ông Võ Truyền

Ông Võ Truyền, người đảng viên lớp đầu tiên của xã, là chi ủy viên chi bộ Lạc Câu được thành lập năm 1943. Lớp người tiên phong ấy dẫn dắt phong trào nông dân cùng cả nước vùng lên, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng tháng 8 thành công, ông trở thành người lãnh đạo cấp xã. Sau 5 năm phấn đấu trưởng thành, năm 1950 ông được bầu giữ chức danh Bí thư Huyện ủy Thăng Bình. Năm 1951 ông được tham dự lớp học bồi dưỡng cán bộ tổ chức ở chiến khu Việt Bắc, được điều động lên làm Nông hội tỉnh.

Sau Hiệp định Genève, chính quyền Ngô Đình Diệm trở mặt, tổ chức lùng sục vây bắt, đàn áp tàn bạo những người yêu nước ở Chợ Được, Vĩnh Trinh, Chiên Đàn, cây Cốc, hầm Heo… Chúng không từ một thủ đoạn xảo quyệt nào hòng tấn công, ly gián, cô lập, tách lực lượng kháng chiến cũ ra khỏi nhân dân để thực hiện mưu đồ chia cắt đất nước ta lâu dài. Trước tình hình đen tối đó, tỉnh Quảng Nam điều động ông Võ Truyền về làm Bí thư Thăng Bình lần thứ hai cho tới khi ông và người con trai cả Võ Nhân tập kết ra Bắc. Vợ và ba người con gái ở lại quê hương tham gia kháng chiến. Theo tiếng gọi của quê hương anh Võ Nhân gấp sách, tạm biệt thầy cô, bầu bạn, khoác ba lô cầm súng ra chiến trường. Anh Nhân, một thanh niên có tinh thần mạnh hơn thân hình mảnh khảnh, ý chí rèn luyện không mệt mỏi, mỗi ngày đi bộ nhiều hơn mấy trăm bước, mang ba lô tăng dần trọng lượng, để chân cứng đá mềm, rèn luyện sức khỏe dẻo dai, vượt Trường Sơn nghìn trùng trở về quê hương chiến đấu. Năm 1964 theo cha anh đăng ký vào Nam. Cha ở Nông hội Khu V. Anh về Tỉnh đội Quảng Nam. Năm năm vào sinh ra tử, lăn lộn trên khắp chiến trường, anh được giao nhiệm vụ Chính trị viên Tiểu đoàn 70. Trong trận tấn công đồn địch, anh hy sinh khi tuổi đời còn trẻ. Nhận được hung tin cả gia đình quặn thắt nỗi đau, để thế chỗ thiếu của người anh để lại, cô tôi, người mẹ tiễn đứa con gái út lên đường tham gia quân Giải phóng, người Bình Dương hay làm vậy, một nghĩa cử biết mấy tự hào… Mùa hè năm 1971 dượng Truyền từ miền Nam ra an dưỡng ở K15 Bắc Ninh. Tôi từ Đông Triều về thăm dượng, ông đã tổ chức cho tôi thăm cảng Hải Phòng, về thăm đất tám vua chín chúa, tới di tích chùa Hương Tích nổi tiếng, nơi có hang động lớn,  được đánh dấu hiện trạng bằng 2 câu thơ:

Thăm thẳm hang sâu đệ nhất động

Hạt nước hữu tình rơi thánh thót, cùng nhiều câu chuyện huyền thoại. Năm 1975 đất nước thống nhất dượng tôi về công tác ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam. Năm 1975 ông ốm nặng rồi từ trần, xã hội mất đi người cán bộ gương mẫu, gia đình mất đi người đàn ông duy nhất trong nhà. Các con góp sức dựng lại ngôi nhà trên nền cũ để người mẹ liệt sĩ trú ngụ và thờ phụng chồng con. Bốn năm sau cô tôi tạ thế vì tuổi già, ba người con gái chia nhau bát hương thờ cha mẹ và người anh liệt sĩ đem về bên nhà chồng để thờ vọng. Anh Hai tôi cũng xin ông bà để cô được theo cha mẹ về bên kia thế giới, để con cháu chúng tôi được thắp nén hương kính lễ ngày giỗ hội của gia đình.

Ông Phan Đấu

Những ngày chộn rộn sau Hiệp định Genève, các tổ chức phản động thường xuyên lùng sục, truy tìm cán bộ, đảng viên. Trong đêm tối, bọn mật thám chỉ điểm nhà bà Xã Nghị có Cộng sản nằm vùng, chúng ập tới lục soát. Bà Nghị đã nhanh trí kê cái ghế để ông Nghị và mấy cán bộ leo lên nấp trên máng xối, thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù trong gang tấc. Ông Nghị đi tập kết ở quê bà trở thành người chủ xướng, chủ công trong gia đình nhà nội. Những người con của bà luôn xứng vai nòng cốt trong mọi phong trào cách mạng. Những người con lớn thoát ly đi kháng chiến. Chị Phan Thị Phiện nhận vai Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Bình Dương ngày đầu giải phóng (1964). Ở tuổi đôi mươi, người con gái ấy lăn lộn, nhiệt huyết với phong trào từ xã tới huyện, tiếp bước truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương. Người con cả - ông Hai Nghị không đi tập kết, ở lại hoạt động trên chiến trường Khu V. Nhằm bảo vệ bí mật nguồn gốc để khỏi liên quan tới gia đình trong vùng tạm chiếm người cộng sản hay dùng tên bí danh. Ông Mười Khôi - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam chọn cho Hai Nghị bí danh mới, ông nói: Mình là Mười Quyết, cậu là “Năm Đấu”, chúng ta quyết đấu… Thời ấy lực lượng cách mạng miền Nam chưa có mảnh đất cắm dùi. Ban đầu hoạt động ẩn dật trong rừng sâu, núi cao, người Cộng sản trải qua bao gian nan cực khổ nếm mật nằm gai để xây dựng cơ sở cách mạng chuẩn bị lực lượng thực hiện sứ mệnh giải phóng miền Nam. Trung tướng Nguyễn Đôn  - Bí thư Khu ủy V giao Năm Đấu nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy, phối hợp cùng anh Sáu Suyễn - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị địch bắt giam ở Sơn Hòa bên bờ sông Đà Rằng tỉnh Phú Yên. Được biết hai lần giải cứu luật sư Nguyễn Hữu Thọ không thành công, Phan Đấu thận trọng cân nhắc lập phương án, đưa người trực tiếp bàn bạc với anh Thọ. Chiều 30 tháng 10 năm 1961 anh Thọ đạp xe ra thăm mộ bà Dũ Ký cách thị xã chừng 4km. Đơn vị đặc công ta bố trí sẵn, đón anh, hộ tống về cơ quan tỉnh ủy. Cuộc giải thoát thành công, ông Phan Đấu kể lại cảm xúc vỡ òa sung sướng… Tháng 2 năm 1962 luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tình hình miền Nam bước vào giai đoạn mới, Mỹ lập kế hoạch kiểm soát toàn miền Nam 18 tháng bằng kế hoạch  Staley - Taylo. Anh Nguyễn Xuân Hữu chủ trì Hội nghị bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang, giải phóng nông thôn, tiến công và nổi dậy trong đô thị phá tan kế hoạch Staley - Taylo. Dự họp có lãnh đạo các tỉnh miền Trung Tây Nguyên, các ngành của Khu ủy, Tham mưu của quân Khu. Phan Đấu được phân công nhiệm vụ tổng hợp chuẩn bị nội dung ra Hà Nội báo cáo Trung ương. Cùng đi với Phan Đấu có anh Sinh cán bộ Ban Tổ chức Trung ương và 2 chuyên viên từ chiến trường Quảng Nam. Tổng Bí thư Trung ương Đảng Lê Duẩn đã dành thời gian nghe anh Phan Đấu báo cáo tình hình chiến trường miền Nam và những kiến nghị của khu ủy Khu 5. Tổng Bí Thư Lê Duẩn chăm chú lắng nghe rồi nói “Hôm nay gặp đồng chí và hiểu thêm một số tình hình”, tôi đồng tình với nhận định từ chiến trường ở miền Nam, khen ngợi tinh thần chủ động sáng tạo và kế hoạch cụ thể của quân và dân Khu 5 quyết tâm đánh Mỹ. Rồi ông nhắc anh Đống Ngạc bố trí thời gian để đồng chí Phan Đấu dưỡng sức, tham gia khóa học tại trường Nguyễn Ái Quốc trước khi trở lại chiến trường. Ngày 8 tháng 2 năm 1965 anh Phan Đấu lên đường vào Khu ủy 5. Lãnh đạo A15 (mật danh của Khu ủy 5) phân công chức danh Phó Văn phòng Khu ủy, phụ trách phòng nghiên cứu tổng hợp, trực tiếp làm thư ký riêng cho đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy Khu 5.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trải qua nhiều giai đoạn từ: Cuộc chiến tranh một phía, Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh của địch đến khi quân và dân ta tổ chức Tổng tấn công mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ông Phan Đấu luôn ở tuyến đầu nóng bỏng, tham gia xuyên suốt và trở thành nhân chứng lịch sử của Cách mạng miền Nam. Đồng chí Võ Chí Công người lãnh đạo trực tiếp đã có nhận xét về anh Phan Đấu: “Là một đồng chí liên tục hoạt động cách mạng, được rèn luyện trong hoàn cảnh khó khắn, ác liệt, chịu đựng gian khổ, hăng hái cách mạng. Tiếp thu đường lối của Đảng tốt, có trình độ, năng lực nghiên cứu tổng hợp, tham mưu nhiều ý kiến tốt cho thường vụ Khu ủy 5, cần cù, giản dị, hòa mình trong quần chúng, đoàn kết nội bộ tốt.” Khi chuyện trò với anh em ông Phan đấu mãi ghi nhớ 3 lần được vinh dự gặp Bác Hồ. Lần đầu tại R5 nơi tiếp nhận cán bộ miền Nam ra miền Bắc; lần thứ hai khi Bác Hồ đến thăm trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương Đảng khi ấy anh là học viên của trường; lần thứ ba năm 1966 anh đi cùng đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy 5 ra Bắc làm việc với Trung ương Đảng và Bác Hồ. 

Hòa bình, ông Phan Đấu làm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy sau đó làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi nhắc tới ông Phan Đấu là nhắc tới một tấm gương trong sáng của người Cộng sản lớp đầu tiên ở Bình Dương, là nhắc tới một gia đình cách mạng tiêu biểu, có năm người mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Ông Phan Toại

Trong tập sách Vườn Mẹ, anh Phan Kế Vân kể câu chuyện gia đình: Cha anh, ông Phan Thanh Ba (3 Toại) đi tập kết, để lại ba đứa con nheo nhóc lớn lên trong vòng tay mẹ. Đứa lớn mới 5 tuổi, thằng em trai liền kề lên 3 còn chập chững, em gái út mới chào đời 7 ngày chưa kịp đặt tên. Xa chồng, người vợ trẻ biểu hiện ra bên ngoài bằng cách cắt tóc cạo đầu để thực hiện lời thề một lòng chung thủy với người chồng cộng sản đâu sá kể thời gian cách xa. Những người rời nhà đi tập kết đều hứa với người thân sau 2 năm sẽ trở về… ông 3 Toại cũng nói với vợ con mình như vậy. Nhưng rồi hơn ba ngàn sáu trăm lần xao động ngày Bắc đêm Nam vò võ mong chờ trông đợi… Không chịu nỗi khoảng cách, ông xung phong vượt Trường Sơn về chiến trường khu 5 chiến đấu. Từ trên chiến khu nhìn về Bình Dương tuy không xa nhưng chưa thể về nhà, lại đau đáu mong tin… Ngày 5 tháng 9 năm 1965 quân ta giải phóng vùng Đông, ông Ba Toại về Bình Dương gặp vợ con. Cả nhà mừng vui, người mẹ lại để ông dẫn đi đứa con lớn theo cha lên chiến khu để nuôi mầm cộng sản. Ở nhà Phan Kế Thanh chiến đấu hy sinh thành liệt sĩ. Đau đớn thay, cuộc hội ngộ gia đình chỉ ba ngày sau mười năm xa cách, rồi người mẹ liệt sĩ cũng hy sinh trở thành Mẹ Việt Nam anh hùng. Bà con thương tiếc kể chuyện người mẹ hiền kiên trung không chỉ đảm việc nhà mà còn giỏi việc nước. Với cách mạng, mẹ là người luôn trung thành, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Năm 1962, gia đình đang sống yên ổn ở vườn cũ, bỗng nhiên mẹ quyết định chuyển nhà xuống một nơi hoang vắng sau nổng Ông Cà, xung quanh có nhiều mồ mả. Tôi hỏi: Sao mẹ chuyển nhà xuống bãi tha ma này? Mẹ nói: Để các con đi học cho gần. Tại nhà mới, nhiều đêm tôi thấy anh Hai Thị (Vĩnh), anh Năm Minh, chú Hai Thận hay tới trao đổi việc gì đó rất nhanh với mẹ. Khi quê hương giải phóng, tôi mới biết đó là những người cách mạng tới bàn việc xây dựng cơ sở bí mật để chuẩn bị giải phóng quê hương và lý do dời nhà của mẹ bấy giờ mới được sáng tỏ.

Tôi và Phan kế Vân cùng quê, bà con cùng họ. Hai gia đình, hai thế hệ cùng chung lý tưởng. Anh em gắn bó với nhau từ khi ở trường học sinh miền Nam Đông Triều. Vân vào đại học chuyên ngành luật, tốt nghiệp chuyển về trường Đảng, phụ trách khoa nhà nước và pháp luật. Tôi theo ngành xây dựng tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cầm tấm bằng trên tay, tôi muốn ra công trường để trải nghiệm, nhưng trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương III có nhu cầu tuyển dụng một kỹ sư xây dựng là Đảng viên, tôi về Ban kiến thiết, làm Bí thư chi bộ, thế là anh em cùng chung môi trường công tác. Mỗi lần cha qua trường chơi với con lại ghé thăm chú Phan Thanh Ba - Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương III. Hai ông già lại hàn huyên câu chuyện mấy mươi năm về trước khi anh em đồng hàng cùng tộc là những đảng viên đầu tiên của chi bộ Lạc Câu. Chú Ba có phong thái người thầy từ thời trai trẻ. Giọng ông ấm áp, chân tình, cách nói gãy gọn… phong thái ấy đã là nền tảng tự nhiên để suốt đời ông gắn bó với nghề thầy giáo. Thầy giáo Phan Thanh Ba vừa làm Bí thư Đảng bộ, vừa làm trách nhiệm cơm áo gạo tiền cho một cơ quan từ thời chiến tới thời bình. Người vợ ông và đứa con đầu lòng hy sinh ở Bình Dương trở thành liệt sĩ. Ông lo chu toàn để hai đứa con còn lại trưởng thành gia thất, mười mấy năm sau ông mới ghép đôi với cô giáo trường đại học để trở thành gia đình mới. Những người ông, người cha như cây cao bóng cả, hết mình lo cho gia đình, con cháu, người thân. Nhưng rồi cây cao nào cũng chốt lại sau thời gian sung sức. Mùa hè năm 2018 ông nằm xuống do căn bệnh hiểm nghèo mà con người chưa thể kiểm soát được- bệnh tiểu đường đã ở giai đoạn biến chứng. Con cháu bạn hữu tập trung về túc trực bên ông. Nhìn lại con đường cách mạng gian khó nhưng vinh quang mà ông đã lựa chọn để dấn thân, ông mãn nguyện nằm xuống thanh thản với tinh thần người cộng sản thuộc lớp đầu tiên ở Lạc Câu, Bình Dương…

Ông Phan Hoàng

Mùa Noel năm 1972 vẫn còn nóng bỏng, đế quốc Mỹ dùng B52 ném bom rải thảm 12 ngày đêm xuống Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội. Ngọn lửa chiến tranh đâu chỉ ở tiền tuyến mà đã nổ vang rền ở hậu phương tại khu dân cư trung tâm thủ đô Hà Nội. Cha tôi đang ở trong mấy căn nhà còn sót lại giữa phố Khâm Thiên bị bom san phẳng, ông may mắn thoát chết. Ngày 27.1.1973 Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký kết. Chỉ còn năm ngày nữa là đến Tết âm lịch. Từ nơi sơ tán xã An Sinh, Đông Triều, tôi đi bộ hơn 30 cây số để lên chuyến tàu hoả ở ga Tiền Trung về Hà Nội vui xuân cùng gia đình. Hà Nội mùa Đông có chút mưa phùn, ngoài trời lạnh căm căm, cha con chở nhau ra mậu dịch Cửa Nam xếp hàng. Thời ấy mỗi hộ gia đình được phân phối gói hàng tết 25 đồng, có miếng bì lợn khô, gói miến dong, hộp mứt Hà Nội. Mợ Xuân đã chuẩn bị mấy lạng thịt heo, cặp bánh chưng, mấy bông hoa tươi, thế là tết. Trong căn phòng 18m2 cho một gia đình có hai người ở Hà Nội đã là sang lắm nhưng phải khéo sắp xếp mới còn chỗ xê xít mỗi khi có khách… Mâm cơm cuối năm đơn sơ, cả nhà quây quần, câu chuyện râm ran, ấm áp… Giao thừa qua lâu rồi, cha trải chiếc chiếu ra sàn, cha con nằm rủ rỉ để nếu có xảy ra trận “dư chết khác” thì tôi còn biết cuộc đời không mấy êm xuôi của cha. Mười chín tuổi mẹ chết, ba tháng sau vợ chết, đứa con đầu lòng còn đỏ hỏn trên tay, cha lóng ngóng mỗi khi con khát sữa, tình cảnh gia đình khó khăn trăm bề cha đã chống chọi vượt qua… Thời ấy đúng là Đảng viên đi trước làng nước theo sau. Cha trao gánh nặng gia đình cho người vợ trẻ đảm đang để thoát ly làm Cách mạng. Ba mươi tuổi cha được bầu Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến. Năm 1955 cha đi tập kết, ông nội già yếu tuổi ngoài 75, bầy con thơ dại, nheo nhóc, “ăn chưa no, lo chưa tới”, chưa thể đỡ đần công việc nhà nông, mẹ một mình xoay xở gồng gánh. Vì cày cấy theo thời vụ, nhà phải mượn thêm người làm mấy sào lúa ăn ở quê mà cha khai trong lý lịch thành phần gia đình trung nông, thành phần ấy không thuộc lực lượng nòng cốt của cuộc cách mạng vô sản. Tại Hà Nội, cha được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc bệnh viện đường sắt. Sau cải cách ruộng đất, người tiền nhiệm - Bác Nguyễn Hữu Khiêm nguyên Chủ tịch huyện Thăng Bình từ Hải Phòng tới thăm cha, ông lý giải câu chuyện “nhà mi mà trung nông cái gì” rồi ông ký xác nhận điều chỉnh lý lịch của cha thành phần gia đình bần nông. Từ đó cha được tổ chức quan tâm chuyển lên văn phòng Bộ Giao thông, làm Bí thư chi bộ cơ quan. Qua bao thăng trầm cha luôn lạc quan giữ vững tinh thần cách mạng, được mọi người tin yêu quý mến.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ thật khốc liệt, cuộc sống biết bao gia đình ly tán, bi thương. Để có hòa bình thống nhất phải đánh đổi bằng xương máu. Bốn năm liên tiếp người vợ và 3 đứa con yêu quý của cha hy sinh. Đau thương tột độ như bão tố vùi dập cuộc đời. Sức khỏe hao gầy cha lâm bệnh đột ngột qua đời. Cha nằm xuống, tôi như người say sóng, bập bềnh, trôi nổi, quặn đau.

***

Ngồi với nhau dịp ra mắt tập sách Bình Dương vùng đất anh hùng và Vườn mẹ, Trung tướng Nguyễn Văn Tuyên nhắc lại: Sau chiến tranh ông được đơn vị phân công về Bình Dương hướng dẫn người dân kê khai thân nhân hy sinh để xác nhận liệt sĩ, ghi danh sách người có công với nước. Ông nói chưa thấy nơi nào như ở Bình Dương, nhà nào cũng có người chết vì chiến tranh, gần như nhà nào cũng có liệt sĩ, nhiều gia đình có bốn, năm, sáu liệt sĩ, 11 thiếu nhi tuổi dưới 13 là liệt sĩ. Người Bình Dương hy sinh cho sự nghiệp cách mạng thật to lớn, đâu còn cá biệt mà trở thành phổ biến, mỗi gia đình đều chịu tổn thương, đau đớn.

Từ trong đổ nát, mất mát ấy Người Bình Dương đã nhất tề đứng lên cầm súng chiến đấu. Lớp người tiên phong nằm xuống, lớp lớp con cháu tiếp tục đứng lên, phấn đấu để Lạc câu, Bình Dương xứng danh vùng đất anh hùng…

P.Đ.N

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiDành cả cuộc đời để viết tình caPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyGiông bão đi qua tình người ở lạiChuyện từ cơn bão YagiBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcBình minh trên sông HànNối nhịp đôi bờĐà Nẵng hôm nayHiện hữu