Chuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

04.10.2024
Tuy Hòa

Chuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1924-2015).

Chuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu luôn thôi thúc sự quan tâm từ giới mộ điệu, bởi ông là tác giả rất nhiều ca khúc dành cho đôi lứa yêu nhau như Ở hai đầu nỗi nhớ, Thơ tình cuối mùa thu hoặc Thuyền và biển. Không ít người đoán non đoán già về những bóng hồng từng đi qua cuộc đời nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhưng sự thật thì ông chỉ có một “chuyện tình khó quên” với người vợ nhỏ hơn 8 tuổi.

Vốn là học trò của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ở trường trung học Lê Khiết, Quảng Ngãi thời kháng chiến, bà Phạm Thị Vân đã trở thành chỗ dựa cho ông trong suốt hành trình sáng tạo. Họ kết hôn vào tháng 9/1949 tại thị trấn Sông Vệ và ân nghĩa tào khang trọn vẹn 66 năm.

Nhạc sĩ Phan Hồng Hà, một trong bốn người con của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, chia sẻ: “Hôn nhân của ba má tôi có 6 năm thử thách, từ 1964 đến 1970. Đó là khi ba tôi vào chiến trường Khu 5 còn má tôi một mình ở lại Hà Nội
làm lụng nuôi nấng các con. Cứ mỗi tuần má tôi lại nhận được mấy lá thư do ba tôi gửi ra từ chiến trường. Hầu như ngày nào ba tôi cũng viết thư cho má tôi, rồi chuyển về Hà Nội qua đường giao liên. Ba tôi không viết riêng cho má tôi một ca khúc nào, nhưng hầu hết các bản tình ca của ba tôi đều thấp thoáng bóng dáng của má tôi. Tình cảm giữa ba tôi và má tôi rất cao đẹp và thiêng liêng”.

Chính nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong nhật ký Vào Nam cũng dành nhiều dòng thương nhớ cho người vợ Phạm Thị Vân. Ngày 24/12/1964, ông viết: “Đêm Noel, xuất phát. Khoảng 4 giờ đến cầu Long Biên, lòng bâng khuâng nhớ nhiều kỷ niệm. Hôm nay, chắc Vân được nghỉ, ở nhà làm bánh cho các con. Qua vườn hoa Bảy Mẫu, nhìn lần cuối, đẹp, mơ mộng, có nhiều đổi thay. Dậy sớm, bị mất ngủ nên nhức đầu. Khoảng 5 giờ chiều tàu đến ga Văn Trai. Nhớ hôm đi nghỉ hè với Vân ở Bạch Lạng, đùa nghịch kéo chân Vân và vui đùa cùng các con. Hoàng hôn, sương hơi mờ nhưng phía đông vẫn sáng. Đẹp, nhưng buồn, vì nhớ Vân và các con, nhớ Hà Nội”.

Đầu năm 1971, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu quay ra Hà Nội. Bà Phạm Thị Vân mừng mừng tủi tủi gặp lại người chồng đã gầy đi rất nhiều vì gian lao bom đạn. Những ngày điều dưỡng, nhìn người vợ tất bật chăm sóc mình, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu dùng một đoạn trong Bài thơ tình yêu của Dương Hương Ly để viết thành ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao an ủi hiền thê: “Một tiếng chim ngân, một làn gió biển/ Một sớm mai xuân trước hầm dã chiến, thấy trời xanh xao xuyến ở trên đầu, ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau”.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2000. Ông được xem như một trong những nhân vật tiêu biểu của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, với nhiều ca khúc vượt thời gian như Đoàn vệ quốc quân, Những ánh sao đêm, Sợi nhớ sợi thương, Hành khúc Ngày và Đêm...

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11/11/1924 trong một gia đình tiểu thương tại Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông tham gia hướng đạo sinh. Ca khúc đầu tay Trầu cau được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu công bố năm 1945.

Đặc biệt, sự nghiệp của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nổi bật với những ca khúc phổ thơ. Giới âm nhạc và giới văn chương đều thừa nhận khả năng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu về đọc thơ và thẩm thơ. Ông đã phổ thơ của các tác giả Hoài Vũ, Ngọc Anh, Thúy Bắc, Bùi Công Minh, Trần Hoài Thu… thành những ca khúc quen thuộc với công chúng nhiều thế hệ.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu quan niệm: “Tôi cho rằng thơ phổ nhạc đạt đến mức độ cộng hưởng tâm hồn của nhạc sĩ và thi sĩ. Tìm thấy một bài thơ phù hợp, nhạc sĩ phổ nhạc và gửi gắm tâm trạng mình. Xét đến cùng, chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thuần túy không thể bằng được chất thơ trong ca từ vốn là bài thơ của một nhà thơ. Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn. Bởi vậy, tôi hết sức thích phổ nhạc cho thơ. Thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh, thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên”.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tài hoa, trong sáng và dí dỏm nên rất được mọi người yêu mến. Ngôi nhà của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trên đường Thất Sơn, quận 10, TP. Hồ Chí Minh luôn rộn rã tiếng nói, tiếng cười. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thường nửa đùa nửa thật với bạn bè: “Ban đầu viết ca khúc, tôi không biết gì về luật âm nhạc. Tôi viết theo luật trái tim, lấy giai điệu từ trái tim mình kết nối trái tim người khác. Khi đã trau dồi thành thạo kỹ thuật âm nhạc, thì tôi lấy sự cảm nhận của vợ tôi để đo lường hiệu quả sáng tác. Ca khúc nào viết xong, tôi đều hát cho vợ tôi nghe trước tiên. Ca khúc được vợ tôi khen hay, thì chắc chắn sẽ phổ biến rộng rãi”.

Ngày 29/6/2015, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 91. Tròn 100 ngày sau khi ông mất, bà Phạm Thị Vân cũng rời khỏi dương gian ở tuổi 83. Thế nhưng, “chuyện tình khó quên” của họ vẫn ở lại cùng những ca khúc được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu dâng tặng cuộc đời.

T.H

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiDành cả cuộc đời để viết tình caPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyGiông bão đi qua tình người ở lạiChuyện từ cơn bão YagiBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcBình minh trên sông HànNối nhịp đôi bờĐà Nẵng hôm nayHiện hữu