Phan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất Quảng

04.10.2024
Nguyễn Thị Thu Thủy

Phan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất Quảng

Là người con xứ Quảng, không ai trong chúng ta không nhớ đến câu hát ngọt ngào: “Đất Quảng Nam chưa mưa mà đã thấm - Chứ rượu Hồng Đào chưa nhấm mà đã say” trong ca khúc Quảng Nam yêu thương của Phan Huỳnh Điểu. Nhắc đến ông, là nhắc đến một một tâm hồn khiêm nhường, bình dị, niềm lạc quan tha thiết chảy cùng bầu nhiệt huyết không hề vơi cạn với cuộc đời, với âm nhạc cho “dù bom đạn man rợ thét gào, dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích” (Cuộc đời vẫn đẹp sao).

Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11/11/1924 ở Quảng Nam và mất ngày 29/6/2015 tại thành phố Hồ Chí Minh, ông là một trong những tên tuổi lớn trong làng nhạc Việt Nam. Từ năm 21 tuổi, ông đã có sáng tác đầu tay Trầu Cau, viết năm 1945. Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, nhạc sĩ công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, ông là một trong những nhạc sĩ sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được cử vào Ban Chấp hành và là Ủy viên Thường vụ, công tác tại Hà Nội. Sau ngày đất nước thống nhất 1975, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh. Ông được mệnh danh là “con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” và được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.

Những khúc tình ca

Hơn 50 năm qua trong dòng chảy của thời gian, người nhạc sĩ tài hoa đất Quảng đã khắc ghi vào tâm trí
khán thính giả những ấn tượng khó quên về những bản tình ca đi cùng năm tháng. Ca khúc của ông có giai điệu trau chuốt, trữ tình ngay cả trong thể loại hành khúc như Hành khúc Ngày và Đêm, phổ thơ Bùi Công Minh; Cuộc đời vẫn đẹp sao phổ thơ Dương Hương Ly. Nhạc Phan Huỳnh Điểu chạm đến trái tim người nghe bởi ông đã gửi cả tâm hồn mình vào đó, một tâm hồn đôn hậu, hiền hòa, chân thành, gần gũi. Ở bất cứ đề tài nào, ông cũng lồng vào câu chuyện tình yêu mà giai điệu về tình yêu muôn đời vẫn lay động lòng người. Phan Huỳnh Điểu sáng tác hơn 100 ca khúc, quá nửa trong đó là ca khúc phổ từ thơ. Chia sẻ về điều này, nhạc sĩ đã nhận định: “Thơ và nhạc như chị em song sinh. Thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên”. Thật vậy, thơ và nhạc có mối lương duyên tuyệt vời, thơ là tình ý, nhạc là giai điệu, cả hai hòa quyện làm nên những sáng tác âm nhạc để đời cho Phan Huỳnh Điểu. Những bản tình ca của ông được khá nhiều ca sĩ thành danh thể hiện: Vũ Dậu, Thanh Hoa, Quốc Hương, Thu Hiền, Trung Đức, Anh Thơ, Trọng Tấn, Tuấn Phong… Nhắc đến ca khúc tình yêu của nhạc sĩ gạo cội này, người nghe sẽ không bao giờ quên nhạc phẩm Thuyền và biển phổ từ thơ Xuân Quỳnh, mặc dù bên cạnh Phan Huỳnh Điểu còn có Hữu Xuân; nếu bản phổ của Hữu Xuân ở giọng trưởng, thể hiện sự khỏe khoắn, trong sáng thì Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc ở giọng thứ, giai điệu trữ tình, vừa giàu tính tự sự vừa chất chứa tính nữ dẫu nhạc sĩ chỉ lấy 12 câu cuối bài thơ Xuân Quỳnh. Cái tha thiết, nồng nàn của một tâm hồn thơ giàu nữ tính được âm nhạc chắp cánh, khiến mỗi lần nghe lại ca khúc vẫn lắng đọng lòng người: “Nếu từ giã thuyền rồi/ Biển chỉ còn sóng gió/ Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố”.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và ca sĩ Ánh Tuyết

Tình ca của Phan Huỳnh Điểu giàu sức quyến dụ, sâu lắng, mượt mà; đó là tình yêu trong xa cách với những nhớ nhung, đợi chờ nhưng luôn thủy chung bền chặt: “Trường Sơn Đông/ Trường Sơn Tây/ Bên nắng đốt/ Bên mưa quay/ Em dang tay/ Em xòe tay/ Chẳng thế nào/ mà xua tan mây/ Chẳng thể nào mà che anh được…” (ca khúc Sợi nhớ sợi thương). Giọng điệu của nhạc tình yêu Phan Huỳnh Điểu da diết nhưng không ủy mị mà luôn ánh lên một niềm tin: “Nhìn ngôi sao lấp lánh suốt canh thâu/ Như mắt ai nhấp nháy đang tìm nhau/ Làn gió mát thoang thoảng hương đêm/ Mang cành hoa trước thềm/ Như bàn tay anh vuốt nhẹ tóc em/… Dù bao năm tháng/ Dù nắng mưa em vẫn chờ” (ca khúc Đêm nay anh ở đâu?). Mỗi bản tình ca của Phan Huỳnh Điểu đều là một giai khúc đẹp, đẹp không chỉ ở ngôn từ mà còn ở câu coda: “Ở hai đầu nỗi nhớ/ Yêu và thương sâu hơn/ Ở hai đầu nỗi nhớ/ Nghĩa tình đằm thắm hơn” (ca khúc Ở hai đầu nỗi nhớ); “Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại” (ca khúc Thơ tình cuối mùa thu)… Có lẽ vì vậy, Nguyễn Đình San trong bài tưởng niệm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã nhận xét: “Dẫu có viết về bất cứ đề tài nào, ông cũng viết dưới dạng những bản tình ca và đều có đời sống bền vững trong trái tim nhiều thế hệ công chúng… Phan Huỳnh Điểu là một trong những nhạc sĩ đã làm cho nhạc đỏ trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn bất cứ thứ nhạc nào khác” (Báo Công an nhân dân, 29/7/2021).

Đất Quảng trong âm nhạc Phan Huỳnh Điểu

Trong mảng ca khúc viết về quê hương mình, Phan Huỳnh Điểu đã dùng những ca từ mộc mạc như tâm hồn chân chất, khoáng đạt của con người Quảng Nam. Mỗi bài ca của ông tuy mang một nội dung riêng biệt nhưng rung ngân lòng người bởi có âm điệu hò khoan, hát bả trạo của người dân xứ Quảng. Trong gần một trăm nhạc phẩm của mình, nhạc sĩ đã dành không ít bài ca viết cho Quảng Nam - Đà Nẵng; ngay từ những bài hát ra đời ở giai đoạn sáng tác đầu tiên tuy nhạc sĩ không trực tiếp gọi tên địa danh quê mình như: Đoàn vệ quốc quân, Mùa đông binh sĩ, Những người đã chết, Ra tiền tuyến…, nhưng người nghe vẫn nhận ra hình bóng quê hương qua những giai điệu thúc giục, hào hùng đó. Ở mảng ca khúc ra đời sau này, đất Quảng xuất hiện đậm đặc ngay từ trên nhan đề: Quảng Nam yêu thương, Đà Nẵng là nỗi nhớ, Tiếng hát từ Đà Nẵng, Có ai về Quảng Nam, Đà Nẵng ơi chúng con đã về, Hát về thành phố quê hương, Về với sông Hàn… Điều này cho thấy, nơi chôn nhau cắt rốn trăm quý ngàn thương luôn có mặt trong từng tiếng hát, lời ca của người nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu.

Lắng nghe những bài hát của Phan Huỳnh Điểu viết tặng quê hương mình, lòng chúng ta rưng rưng xúc động. Có yêu thương, gắn bó sâu sắc với mảnh đất sinh ra mình, người nghệ sĩ mới có những giai điệu da diết đến thế. Vậy mà, trong lần cuối gặp gỡ với văn nghệ sĩ đất Quảng, anh tỏ ra nuối tiếc vì chưa có những bài hát hay về quê hương mình. Ta còn gặp ở Phan Huỳnh Điểu một nhiệt huyết không hề vơi cạn với cuộc đời, với âm nhạc; một niềm lạc quan tha thiết chảy, một tâm hồn khiêm nhường, bình dị. Quê hương bao giờ cũng là khoảng lặng trong tim mỗi người và với nhạc sĩ xa quê đây mãi mãi là nỗi niềm đau đáu: “Người ra đi ở bốn phương trời dù rằng cách xa vẫn vọng về quê nhà” (ca khúc Có ai về Quảng Nam) hay: “Đất Quảng Nam chưa đi mà đã nhớ” (ca khúc Quảng Nam yêu thương). Miền Trung - xứ sở của những cơn mưa “thối trời thối đất” ở tháng 9, tháng 10, luôn hiện về trong nỗi nhớ của người con xa xứ: “Mà anh có về miền Trung mùa mưa/ Hạt thương rơi nặng bàn tay ấm/ Chứ hạt nhớ xa vời theo gió đưa/ Anh có về miền Trung mùa mưa?” (ca khúc Mưa miền Trung).

Những bài hát của Phan Huỳnh Điểu luôn lấp lánh niềm tự hào về mảnh đất Quảng Nam Đà Nẵng trù phú, người dân nơi đây sống tình nghĩa, yêu lao động: “Quế Trà My thơm hương rừng man mác, chứ mía Điện Bàn thơm ngát mùi đường non. Làn sóng xô long lanh nước Thu Bồn, dâu bắp lên xanh rờn. Duy Xuyên tiếng thoi dệt…” (ca khúc Quảng Nam yêu thương). Dẫu hôm nay, tiếng thoi dệt lụa không còn lách cách nơi xứ sở tằm tang nhưng những giai điệu đắm say ấy vẫn còn lắng đọng mãi trong lòng người nghe. Tiếp xúc với Phan Huỳnh Điểu, mọi người yêu mến anh ở nụ cười hóm hỉnh, trẻ trung, luôn yêu đời, yêu người. Hòa cùng những sáng tác viết về đất Quảng của anh, ta như say sưa trong giai điệu của niềm tin, niềm lạc quan dâng trào: “Cờ bay phấp phới suốt hai bờ sông Hàn. Biết bao tâm tình đợi chờ tháng năm. Sáng nay bừng lên nụ cười hân hoan. Nhìn bước quân đi mà lòng càng tin vững vàng.” (ca khúc Đà Nẵng ơi, chúng con đã về) “Cho gió sông Hàn bay lồng lộng và non nước Tiên Sa đẹp ánh mai hồng” (ca khúc Tiếng hát từ Đà Nẵng).

Trong ca khúc Hát về thành phố quê hương, Phan Huỳnh Điểu cho chúng ta hòa vào nhịp sống sôi động trong hiện tại của một thành phố đáng sống bên bờ sông Hàn - niềm tự hào của người dân miền Trung: “Chiều chiều lặng nghe Mỹ Khê mênh mông biển hát xôn xao. Được mùa lúa reo vui trên những cánh đồng Hòa Vang. Đoàn tàu băng sóng gió ra vào neo bến sông Hàn…”. Sông Hàn xuất hiện với mức độ dày đặc trong những sáng tác viết về đất Quảng của Phan Huỳnh Điểu, bởi dòng sông mượt mà chảy giữa lòng thành phố Đà Nẵng mãi mãi là tình yêu, là nỗi nhớ và là điểm nhấn ấn tượng cho du khách gần xa: “Đêm đêm như dòng sông Hàn còn ngân tiếng hò khoan. Âm thanh ru vầng trăng vàng theo lời hát mênh mông” (ca khúc Quảng Nam yêu thương). Đặc biệt, ca khúc Về với sông Hàn (phổ thơ Nghiêm Thị Hằng) neo đậu trong lòng người không chỉ ở ca từ trong sáng, gần gũi mà còn ở giọng ca dìu dặt, đầm ấm qua phần thể hiện của ca sĩ Tố Nga: “Lời của gió qua rồi, lời trái tim còn mãi… Về với sông Hàn, về với tình yêu”.

Trong chương trình giao lưu âm nhạc đêm 19/06/2011 ở thành phố Hội An, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã từng tâm sự về con đường âm nhạc và niềm gắn bó máu thịt với mảnh đất quê hương: “Quê hương tôi Quảng Nam - Đà Nẵng rất đẹp. Đêm nằm nghe tiếng sóng vỗ, tiếng thông reo êm đềm cộng với lời ru của mẹ… đã thổi vào hồn tôi một tình yêu âm nhạc”. Sông Hàn và đất Quảng luôn tự hào về ông, người nhạc sĩ gạo cội của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Phan Huỳnh Điểu, chúng ta hãy cùng thưởng thức lại những bài hát đi cùng năm tháng của ông để nghiêng mình ngưỡng mộ một tinh hoa âm nhạc của đất nước nói chung và của miền đất Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng.

N.T.T.T

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiDành cả cuộc đời để viết tình caPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyGiông bão đi qua tình người ở lạiChuyện từ cơn bão YagiBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcBình minh trên sông HànNối nhịp đôi bờĐà Nẵng hôm nayHiện hữu