Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nước

04.10.2024
Nguyễn Ngọc Hạnh

Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nước

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chụp ảnh kỷ niệm cùng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Nhạc sĩ Phan Hồng Hà, con trai của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vừa báo tin cho tôi biết “Đà Nẵng đang chuẩn bị đêm nhạc kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu”. Thật đáng vui mừng bởi ông là một trong những nhân vật tiêu biểu của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Tên tuổi của nhạc sĩ gắn liền với những ca khúc quen thuộc mà công chúng yêu âm nhạc nhiều thế hệ yêu mến. Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tôi may mắn được gặp nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rất sớm, từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ngoài những lần cùng ông giao lưu thơ nhạc ở các trường đại học tại Đà Nẵng, tôi còn được đôi lần trò chuyện với ông về thơ ca và âm nhạc. Mỗi lần Phan Huỳnh Điểu xuất hiện trước công chúng, dường như ai cũng rất vui và thích những câu chuyện về tình yêu trong âm nhạc suốt cả một thời trai trẻ của ông bằng những cuộc chuyện trò dung dị, chân chất mộc mạc, chân quê mang đậm hơi thở đất đai của người con xứ Quảng. Trong cuộc đời, ông là con người chân thành, nhẹ nhàng và hóm hỉnh thì trong âm nhạc, ông là con người lãng mạn, dịu dàng và nồng hậu, đầy cảm xúc lắng sâu. Những ca khúc để đời của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đều bắt nguồn từ cảm xúc tình yêu - một tình yêu rộng mở, bao trùm cả tình đất, tình người hòa quyện…

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, buồn vui với mọi thăng trầm trong công cuộc dựng xây đất nước, gần 80 năm gắn đời mình với sự nghiệp âm nhạc cách mạng, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã có một gia tài tác phẩm đồ sộ đáng tự hào. Phần thưởng quý giá nhất cho dành cho ông là lòng mến mộ của công chúng yêu âm nhạc. Nguồn cảm hứng trẻ trung là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cho đến những năm tháng cuối đời. Thời gian chẳng làm phai đi vẻ duyên dáng, hóm hỉnh, yêu đời ở ông và chẳng thể nào cản trở ông viết tiếp bản tình ca bất tận của đời mình.

Khi trò chuyện với nhạc sĩ Phan Hồng Hà, anh khơi gợi nhiều góc khuất trong tâm hồn của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu từ trong ký ức xa xưa. Trong đó phải kể đến câu chuyện ông phổ thơ thành ca khúc. Bên cạnh những Bóng cây Kơ Nia phổ thơ Ngọc Anh vào tháng 8.1971, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu còn gửi gắm tâm hồn mình vào thơ của Hoài Vũ, Xuân Quỳnh, Thúy Bắc, Trần Hoài Thu, Bùi Công Minh... và cũng từ đó mà ông có được nhiều ca khúc làm rung động trái tim công chúng như Thơ tình cuối mùa thu, Ở hai đầu nỗi nhớ, Hành khúc ngày và đêm, Anh ở đầu sông, em cuối sông hoặc Sợi nhớ, sợi thương… Và trong số đó, tôi là người may mắn được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc bài thơ Làng mà lúc sinh thời ông đã thuộc lòng bài thơ này mỗi bận nhớ quê nhà. Đó là một câu chuyện hết sức cảm động. Hôm ấy là ngày 2.9.2000 sau một đêm thức trắng, ông đã ngồi sáng tác ca khúc này. Đặc biệt là khi vừa phổ xong bài hát thì trời vừa rạng sáng, mưa tầm tã, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã bỏ bài Làng vào một bì thư, dán tem và gửi theo đường bưu điện từ Sài Gòn về Đà Nẵng để tặng cho tôi. Đây là một kỷ niệm đặc biệt không thể nào quên trong hơn một trăm bài thơ của tôi được các nhạc sĩ trong và ngoài nước phổ thành ca khúc trong tuyển tập Khúc ru trầm do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2021.

Bản thảo NS Phan Huỳnh Điểu phổ bài thơ “Làng” của Nguyễn Ngọc Hạnh.

Điều mà nhiều người đều nhận ra là âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu có giai điệu trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong thể loại hành khúc, như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm. Ông còn có nhiều ca khúc về đề tài tình yêu luôn đọng lại trong lòng công chúng như Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tình ca Đămbri, Tia nắng... Phần nhiều những bài thơ mà ông đã phổ nhạc thường có giai điệu mượt mà, chan chứa yêu thương...

Tôi còn nhớ, một lần về thăm Đà Nẵng, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ngồi cà phê bên bờ sông Hàn cùng với nhà văn Thái Bá Lợi và Nguyễn Thụy Kha, ông đã nhắc lại câu chuyện phổ bài thơ Làng của Nguyễn Ngọc Hạnh và ông tâm sự: “Thơ phổ nhạc phải đạt đến mức độ cộng hưởng tâm hồn của nhà thơ và nhạc sĩ. Một bài thơ phù hợp, cùng tâm trạng, người nhạc sĩ mới giao hòa và gửi gắm tâm trạng mình của mình trong tác phẩm. Mình xa quê hương đã lâu, khi bắt gặp bài thơ Làng của Nguyễn Ngọc Hạnh đăng trên báo Văn nghệ năm 1984, lòng nhớ quê da diết. Muốn ôm đàn phổ ngay, nhưng phải chờ đến 6 năm sau, trong một đêm mưa Sài Gòn, nằm nhớ quê không ngủ được, cảm xúc dâng trào khi đọc lại bài thơ Làng của Hạnh. Vậy là thức dậy viết xong ngay ca khúc trong đêm… Chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thường không thể bằng chất thơ trong ca từ vốn là bài thơ của một nhà thơ. Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc để cho ra một tác phẩm toàn vẹn, hoàn hảo. Bởi vậy, tôi hết sức thích phổ nhạc cho thơ. Thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh vậy”.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không chỉ thổi hồn nhạc vào câu chuyện tình Thuyền và biển của Xuân Quỳnh mà tình yêu cao đẹp ấy được gắn kết trong hình ảnh của sóng và bờ, của thuyền và bến. Em là thuyền, là bến bờ nằm nghe biển hát, là hải âu đầy sức sống, để anh là biển rộng sóng xôn xao, là sóng biếc ngày đêm lang thang khắp đại dương rộng lớn. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã lồng tình yêu thủy chung vào hình bóng cây Kơnia khiêm nhường mà mãnh liệt sức sống, vào giọt mưa giăng đầy tình thương, giọt sương long lanh nỗi nhớ, tia nắng sưởi ấm tâm hồn… Những người mến mộ âm nhạc ai chẳng thuộc những bài hát như Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ Hoài Vũ) tràn đầy âm hưởng Nam Bộ của Phan Huỳnh Điểu qua giọng nữ cao siêu đẳng Lê Dung, Sợi nhớ, sợi thương (thơ Thúy Bắc)....

Tôi đã từng nghe ông phát biểu trong các chương trình trên sóng truyền hình hoặc trong các buổi giao lưu với công chúng, nhạc sĩ rất quý trọng các nhà thơ đã sẵn lòng “rút ruột nhả tơ”, chắt chiu từng câu chữ… Chẳng hạn khi nói về nỗi nhớ là một trong những biểu hiện của tình yêu. Ông cho rằng, chỉ một ngày chưa gặp mặt đã nhớ mênh mông, huống hồ nhiều ngày nhiều đêm xa nhau trong khoảng cách không gian của hai ngả đường chiến dịch trong thơ Trần Hoài Thu. Chẳng lấy gì đo được chiều dài của nỗi nhớ và chiều sâu của tình yêu ấy. Có nhớ mới biết yêu nhường nào, có “ở hai đầu nỗi nhớ” mới biết “yêu và thương sâu hơn”. Chính vì sự trân trọng với bài thơ của Trần Hoài Thu mà sau khi đọc bài thơ này, Phan Huỳnh Điểu phải chờ đến 3 năm sau, năm 1987, ông mới viết xong ca khúc.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu luôn rung cảm cùng tình yêu của người lính trong chiến tranh, hòa mình vào tình yêu đất nước. Ông được mệnh danh là con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam, đã để lại hơn 100 tác phẩm và trong đó rất nhiều là những ca khúc nổi tiếng để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Những bài hát của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đi cùng năm tháng quan trọng nhất của đất nước khi trải dài từ thời kỳ đầu của nền tân nhạc cho đến những bản tình ca ra đời trong khói lửa chiến tranh và cả những năm tháng hòa bình.

Có thể nói đó là 2 chủ đề lớn luôn bàng bạc, là nguồn cảm hứng vô tận trong tác phẩm của ông. Tình chung trở nên thực hơn, truyền cảm hơn khi được gói trong tình riêng của người nghệ sĩ. Tình đất hòa trong tình đời, đem theo cái chân thành, đằm sâu, bền lâu của nó vào tình yêu của người nhạc sĩ. Nhạc sĩ Phan Hồng Hà, cho biết thêm về tình yêu người bố của mình: “Những năm xa cách thực sự có ý nghĩa thử thách tình yêu mà bố mẹ mình dành cho nhau. Khoảng thời gian ấy không chỉ giúp tình yêu của ông bà thêm bền chặt mà còn tạo chất xúc tác để nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu viết được nhiều ca khúc hay cho cuộc đời này”. Có lần nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhận xét về âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu, ông cho rằng giai điệu trong ca khúc của Phan Huỳnh Điểu luôn trau chuốt, trữ tình, ngay cả trong thể loại hành khúc, như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm. Phan Huỳnh Điểu còn có nhiều ca khúc về đề tài tình yêu thành công như Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Ở hai đầu nỗi nhớ, Đêm nay anh ở đâu, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu, Người ấy bây giờ đang ở đâu

Với sự thành công của nhiều khúc ca trữ tình sâu lắng, tên tuổi của Phan Huỳnh Điểu còn được nhắc đến như một người chắp cánh cho sự trường tồn của tình yêu bằng âm nhạc. Nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu mất ngày 29.6.2015. Đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, theo di chúc của ông, tro cốt người nhạc sĩ của tình yêu đã được thả xuống dòng sông Hàn quê hương đầy yêu thương của mình. Có lẽ đấy là tình yêu nồng nàn ông dành cho Đà Nẵng nặng lòng lưu luyến. Một Đà Nẵng thuở xa xưa thơ mộng trên bước đường theo kháng chiến, và một Đà Nẵng hôm nay phố phường hiện đại, uy nghi bề thế; một thành phố đáng sống mà bao người mong ước. Một Đà Nẵng mùa thu ngày Phan Huỳnh Điểu lãng mạn trẻ trung ra đi theo bước chân đoàn quân vệ quốc. Thành phố cùng con sông quê hương hiền hòa thơ mộng là nỗi nhớ khôn nguôi suốt cả cuộc đời ông: “Nhìn một cánh chim bay tôi cũng nhớ về Đà Nẵng/ Bồi hồi nghe sóng vỗ tôi lại mơ thấy sông Hàn (Hát về thành phố quê hương).

Mới đây tôi đến thăm người bạn quý, nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng, nhìn bức tượng chân dung nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ôm cây đàn mandolin ngay trong vườn tượng của nhà anh rất đẹp và sang trọng, từ đây ai cũng có thể nghe từ trong ký ức vang lên những giai điệu ngọt ngào, những bản tình ca của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ông đã dành cả một đời dâng hiến sáng tạo của mình cho dân tộc, làm rạng danh cho thành phố Đà Nẵng tươi đẹp, nơi ông sinh thành và khởi đầu sự nghiệp âm nhạc của mình trong lịch sử âm nhạc nước nhà. Trái tim và tâm hồn của người nhạc sỹ không tuổi ấy, toát lên sự gần gũi, thân thuộc và sự lạc quan, yêu đời mà hiếm nhạc sỹ nào có được. Phan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ của tình yêu và đất nước…

N.N.H

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiDành cả cuộc đời để viết tình caPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyGiông bão đi qua tình người ở lạiChuyện từ cơn bão YagiBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcBình minh trên sông HànNối nhịp đôi bờĐà Nẵng hôm nayHiện hữu