Những kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

04.10.2024
Bùi Công Minh

Những kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Nhà thơ Bùi Công Minh và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm báo QĐND ra số đầu tiên.

Những ngày cuối năm 2024, cũng tròn 100 năm Ngày sinh của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1924 - 2024), những ký ức về người nhạc sĩ tài hoa lại xuất hiện trong tôi. Dù xa cách thời gian, cách biệt âm dương, nhưng tôi vẫn cảm thấy ông rất gần gũi, như đang ngồi ngay trước mặt tôi, tâm sự nhỏ nhẹ với đứa cháu đồng hương về gia đình, về công việc, cả về việc giữ gìn sức khỏe ở tuổi trung niên khi tôi còn đương công tác. Ông như người cha, người chú nơi quê hương làng Nại Hiên Tây của tôi.

 Nhìn ông rất giống những người thuộc thế hệ thanh niên Đà Nẵng những năm 30, 40 của thế kỷ trước, từ giọng nói, đến phong thái, như cha và chú tôi, những người cùng một thời “Đà Nẵng mến yêu năm nào ta ra đi”, cùng bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Ngày ấy Đà Nẵng còn rất hẹp, có cảm giác như những thanh niên cùng chí hướng, cùng sở thích, đều quen biết nhau cả. Từ nhỏ tôi đã quen với những tên gọi như chú Lang đen (Nguyễn Văn Lang, cầu thủ bóng đá rất được mến mộ, sau tham gia kháng chiến), chú Bổng (Nguyễn Văn Bổng), chú Hoan (Chế Lan Viên) - cô Giáo, các chú Phan Quang Định, Phan Huỳnh Điểu, Lưu Quang Thuận, Lưu Trùng Dương... những người mà bà Ngoại tôi và mẹ tôi vẫn thường nhắc đến như nói về những người thân quen. Sau này khi ra Bắc, chú Bổng, chú Điểu thường vẫn đến thăm gia đình tôi, ngay cả khi cha tôi đang ở chiến trường. Nhớ có lần chú Bổng ở chiến trường Nam Bộ ra, xuất hiện ở nhà tôi với chiếc mũ phớt và đôi kính râm như tài tử điện ảnh, tặng gia đình tôi cuốn Rừng U Minh dày cộm, và chú rất vui khi biết tôi cũng học khoa Văn trường Đại học Sư phạm. Còn chú Điểu, có lần từ chiến trường khu V ra Bắc để qua Hung-ga-ri dưỡng bệnh, có ghé thăm em trai tôi đang học bên đó, mang cả thư và quà về.

Chỉ riêng chừng ấy thôi cũng đủ gắn bó tôi với người chú đồng hương, một nhạc sĩ tài hoa, một tài năng lớn đáng
tự hào của xứ Quảng và cả nước như Phan Huỳnh Điểu.

Nhưng lại còn một cái “duyên” khác, thật thú vị, khiến tôi vinh dự được gần gũi hơn với tên tuổi của ông khi được ông phổ nhạc một bài thơ của tôi. Ấy là vào một ngày cuối tháng 12 năm 1974 ở Hà Nội. Tôi đang lang thang qua mấy quầy báo quen, bỗng bất ngờ thấy trên 1 trang của tờ Tuần báo Thống nhất[1], trọn bài thơ Ngày và Đêm của tôi nằm gọn ghẽ dưới những dòng nhạc của ca khúc có tựa đề Hành khúc Ngày và Đêm của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Trong bản gốc ấy, ông có đề tên tác giả lời thơ rất cẩn thận. Thời chiến, báo chí hiếm hoi, được đăng 1 bài đã sướng rân, lại được nhạc sĩ nổi tiếng chọn phổ nhạc nữa, thật vui không gì bằng. Bài thơ của tôi viết năm 1968, được đăng báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam số ra ngày 20.11.1969. Hồi ấy đang chiến tranh ác liệt, nhạc sĩ chưa biết tôi là ai, ở đâu, làm gì, chỉ thấy bài thơ đã đăng báo, hợp ý hợp tình, hợp cảnh ngộ thì đem phổ nhạc. Sau ngày đất nước thống nhất, chú cháu có dịp gặp nhau tại Đà Nẵng, ông có nói với tôi điều ấy. Riêng tôi cảm thấy rất may mắn được giai điệu hành khúc trữ tình của ông chắp cánh cho bài thơ của mình.

 Thường thì trong các chương trình ca nhạc, người ta ít khi giới thiệu tác giả phần lời, nhưng tôi không mấy băn khoăn, vì sự thực, khi đã thành lời hát, bài thơ tôi đã đến được với nhiều người, có thêm nhiều bè bạn hơn. Hồi ở bộ đội, trong các buổi sinh hoạt đơn vị, tôi thường đồng ca với mọi người bài hát ấy, mặc dầu có khi “nhịp với phách xem chừng sai cả”, còn lời ca thì hễ gặp chữ nào khó hát là đồng đội dễ dàng phiên phiến “cho qua” luôn, thay vào đó một từ khác cho dễ hát. Cũng có người thắc mắc khi gặp từ khó, tôi tự nhận mình có thuộc lời bài này và chép dùm vào sổ tay cho họ. Chép xong, bạn bè ngạc nhiên: Ô hay, hóa ra nó là bài thơ! Có người thắc mắc chân thành: sao cậu nói cái chết của người cộng sản mà lại cúi gục đầu? Tôi giải thích: Trong tổng thể bài thơ, có 2 hình ảnh đối lập: Cái chết tượng trưng cho kẻ thù, người chiến sĩ ghìm đầu cái chết, nâng mầm cho Sự Sống và Tình Yêu. Tôi muốn thể hiện 2 hình ảnh đẹp trong cuộc chiến đấu của chúng ta, đó là người lính chiến đấu trực tiếp đối mặt với kẻ thù ngoài chiến trường và cô giáo đang ngày ngày ươm mầm tương lai ở hậu phương. Chính cái “tứ” này mà sau khi về sống và làm việc ở quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, có thời kỳ tôi làm công tác quản lý ngành giáo dục của tỉnh, khi biết tôi là tác giả lời của bài hát rất quen thuộc, gắn với ngành nghề và mang đậm dấu ấn kỷ niệm một thời - kể cả kỷ niệm riêng của những người đã hát bài hát ấy - thì đồng nghiệp cũng dễ thông cảm với mình hơn, thân tình hơn, có thể đi thẳng vào công việc mà bớt đi sự rào đón.

Từ khi tôi được phân công phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (nay là Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng) một thời gian, chú cháu lại càng có điều kiện gần gũi nhau hơn. Tôi nhớ dịp kỷ niệm sinh nhật ông 86 tuổi, đêm nhạc “Thơ tình cuối mùa Thu” được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào đúng tối 11 tháng 11 năm 2010, ông gọi điện bảo vợ chồng tôi vào cùng dự. Chưa kịp suy nghĩ xem bố trí công việc thế nào để vào chia vui với ông, thì đầu giây bên kia đã vui vẻ: “Cháu cứ yên trí, có người lo vé rồi, chỉ lo thu xếp công việc thôi”. Tôi tỏ ra áy náy và nói để mình tự lo, thì ông hạ giọng, như thì thầm: “Có mạnh thường quân, nhưng họ yêu cầu giấu tên, lo toàn bộ đêm nhạc cho chú, kể cả vé cho cháu nữa”. Thế là vui vẻ lên đường. Đêm nhạc được tổ chức tại sân vườn một khách sạn lớn, rộng rãi, thoáng đãng, nhưng cũng rất ấm cúng. Có đủ mặt các ca sĩ quen thuộc: Măng Thị Hội, Tuấn Phong, Quang Lý, Quỳnh Liên, Thanh Thúy, Vân Khánh... Họ đến đây như những người nhà, mừng thọ và góp vui cùng người nhạc sĩ mà họ quý mến. “Thơ tình cuối mùa Thu” nhưng vẫn có hành khúc. Nghệ sĩ ưu tú Quỳnh Liên hát Hành khúc Ngày và Đêm. Ca sĩ hát rất “bốc”, đến gần cuối, cô kéo luôn cả tác giả nhạc và tác giả lời cùng lên “tam ca”. Không khí thật sôi động, vui vẻ, ấm áp, rất ấn tượng. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh ghé tai tôi: “Anh Bảy (cách gọi thân mật nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu) viết nhiều thể loại, nhưng rất thành công ở những bài về tình yêu, kể cả hành khúc trữ tình”. Tôi cũng nghĩ, có lẽ tâm hồn ông luôn tươi trẻ, hóm hỉnh, bởi ông rất gắn bó với đề tài tình yêu - yêu đời, yêu người, ở tất cả các sắc thái, cung bậc của nó. Thật đúng khi có người đã gọi ông là “nhạc sĩ của Tình Yêu”. Chính ông cũng có lần tâm sự: “Nếu tôi lấy sự đau khổ, phiền muộn của mình ra để sáng tác thì nhạc của tôi không sống được đến bây giờ”. Cũng ngay trong đêm giao lưu đó, một người bạn già lên đọc mấy câu lục bát vui chúc mừng: Anh nay Tám Sáu tuổi rồi/ Nhưng chưa đến nỗi da mồi tóc sương/ Hon-da lả lướt trên đường/ Tâm hồn nghệ sĩ còn vương vấn nhiều/ Mặc dầu tuổi đã về chiều/ Trông anh tươi trẻ hơn nhiều đồng song/ Tuổi già sống thật thong dong/ Gia đình, bè bạn hết lòng mến thương.../ Chúc anh sống quá trăm năm/ Để gieo tiếng nhạc vào trong lòng người/ Để anh mang đến nụ cười/ Cho tuổi trẻ lại, cho đời thêm vui... Đáp lại tấm lòng người bạn, vẫn phong cách hóm hỉnh... rất nghệ sĩ và cũng rất... Quảng, nhạc sĩ bước lên ứng khẩu: Tám mươi sáu tuổi vẫn chưa già/ Tim còn nhấp nhỏm bóng hồng qua/ Còn nhiều câu hát nghe bay bướm/ Ắt sống còn lâu mới đi xa/ Cuộc đời vẫn đẹp Ô la la!... Cử tọa vỗ tay hân hoan tán thưởng. Bỗng chốc tôi nhớ lại lần mừng thọ ông 70 tuổi tại thành phố Đà Nẵng năm 1994, sau những lời lẽ chúc tụng và những ca khúc quen thuộc do ông sáng tác, trong lời cám ơn đáp lễ của mình, người nhạc sĩ vốn hóm hỉnh và ưa đùa tếu đọc mấy câu thơ tự bạch, khiến cho hàng ngàn khán giả không nhịn được cười: Năm nay thất thập cổ lai hy/ Vật chất tinh thần chẳng thiếu chi/ Chỉ tóc trên đầu nhiều sợi bạc/ Còn thì mọi thứ vẫn y nguy. Lúc ấy anh Mai Thúc Lân - Bí thư Tỉnh ủy và anh Phạm Phát - Trưởng ban Tuyên giáo - hai vị lãnh đạo có “máu” văn nghệ cùng dự, nhìn nhau cười thú vị: Các địa phương khác họ thường nói “y nguyên”, chớ cái từ “y nguy” này thì đặc Quảng Nam, đúng là “chất Quảng” của Phan Huỳnh Điểu!

Người nhạc sĩ hay vui nhộn, hóm hỉnh như vậy, nhưng cũng là người viết nên những giai điệu trữ tình thật sâu lắng, làm nao lòng người nghe. Những bài như Thuyền và Biển, Thơ tình cuối mùa thu (đều phổ thơ Xuân Quỳnh), có những câu thơ nhờ giai điệu của ông thổi hồn vào, cứ làm cho mọi trái tim dù đang yêu hay đã yêu, đã thành chồng thành vợ, kể cả khi luống tuổi, giữa “mùa Đông” của đời người, cũng cứ bị thổn thức: Kìa bao người yêu mới/ Đi qua cùng heo may... Chỉ còn anh và em/ Là của mùa thu cũ... Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại…

 Hóm hỉnh, ưa đùa tếu nhưng ông cũng là người giàu xúc động. Tôi muốn kể thêm một kỷ niệm này. Đó là vào năm 2010, báo Quân đội nhân dân kỷ niệm 60 năm ra số đầu tiên, có mời một số văn nghệ sĩ có bài đăng trên báo qua các thời kỳ về dự. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là nhạc sĩ nổi tiếng, dĩ nhiên là được mời. Tôi không nghĩ mình có dịp may như vậy, nhưng bỗng bất ngờ cũng được Ban tổ chức gửi giấy mời kèm cả vé máy bay. Vừa đến Trạm 66 Phan Đình Phùng là nhà khách của quân đội, một người của Ban tổ chức đến gặp tôi, thông báo là trong chương trình giao lưu ngày hôm sau, có cảnh gặp gỡ giữa nhạc sĩ sáng tác nhạc và tác giả lời bài Hành khúc Ngày và Đêm. Nhưng anh ấy dặn là phải bí mật, không cho nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu biết là tôi đang có mặt tại Hà Nội. Đến buổi giao lưu, đạo diễn chương trình xếp tôi ngồi sau nhạc sĩ mấy hàng ghế, ở một góc khuất. Tôi thấy nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được mời lên sân khấu cùng với nhà báo Phạm Phú Bằng và 1 vị tướng quân đội. Khi đến lượt nhạc sĩ phát biểu về bài Hành khúc Ngày và Đêm, câu đầu tiên của ông có vẻ như là một lời phê bình nhẹ: “Tôi nghĩ lẽ ra ban tổ chức phải mời tác giả bài thơ đến dự cuộc giao lưu hôm nay, vì không có thơ thì không thể có bài hát”. Sau đó ông nói về lý do sáng tác ca khúc này, về tình cảm mà ông gửi gắm vào đó. Đoạn, ông rút từ trong chiếc cặp nhỏ bản thảo chép tay bài hát khi bắt đầu khởi thảo, gởi tặng cho ban tổ chức buổi giao lưu. Người dẫn chương trình trân trọng đón nhận bản nhạc và vui vẻ nói: Nhân dịp này, ban tổ chức chương trình cũng có món quà tặng lại nhạc sĩ. Lúc ấy, đạo diễn chương trình cho người đến mời tôi lên sân khấu. Hóa ra, cái “món quà” ấy, chính lại là tôi, người được may mắn có bài thơ được ông phổ nhạc. Lúc tiến lại gần ông, dưới ánh đèn sân khấu, tôi thấy ông xúc động thực sự. Tôi nói vài câu ngắn cám ơn ông, người chắp cánh cho bài thơ, cám ơn các thế hệ khán giả đã hơn 40 năm gắn bó với bài hát, trong lòng cũng cảm thấy rất xúc động trước sự hưởng ứng của khán giả, của những người cùng ngồi trên sân khấu lúc ấy, và nhất là của người nhạc sĩ già đã chăm chút cho bài thơ tôi trên nền giai điệu hành khúc trữ tình của ông...

Lại nhớ, đúng vào ngày sinh nhật ông cách đây 10 năm, ngày 11 tháng 11 năm 2014, thành phố Đà Nẵng tổ chức đêm nhạc đặc biệt kỷ niệm người nhạc sĩ của quê hương tròn 90 tuổi. Trước đó, tôi có gọi điện vào thành phố Hồ Chí Minh hỏi thăm sức khỏe ông. Thật vui khi nghe giọng nói của ông vẫn trong và khỏe, không như mấy tháng trước, khi ông còn nằm điều trị ở bệnh viện. Ông nói đúng dịp đó chắc chắn ông sẽ về Đà Nẵng để đáp lại tình cảm của bà con. Ông nói, hầu như năm nào đúng dịp này cũng có người đứng ra tổ chức cho ông một đêm nhạc, khi thì ở TP. Hồ Chí Minh, khi thì ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, hoặc một nơi nào đó. Lần này, ông muốn dành cho Đà Nẵng đêm nhạc đúng ngày sinh của ông. Những lúc vui, ông thường tỏ ra thích thú với sự trùng hợp giữa ngày và tháng sinh, đều là con số 11. Đêm nhạc mang tên “Còn mãi tình yêu” diễn ra thật ấm cúng, chân tình, như tình cảm máu thịt của quê hương chôn nhau cắt rốn với người con yêu quý của mình. Ông tỏ ra thật mãn nguyện khi được trở lại với quê hương như đã nhiều lần trở về, để gặp lại bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Chỉ tiếc lần đó người vợ yêu quý vẫn đồng hành với ông, bà Phạm Thị Vân, vì lý do sức khỏe không về cùng ông như mọi lần... Chúng tôi cùng chúc ông còn nhiều dịp về quê để gặp mặt bà con, gặp mặt đồng nghiệp các thế hệ và những người hâm mộ. Ông cũng hóm hỉnh hứa với mọi người sống thêm mươi năm để tròn trăm tuổi...

Nhưng rồi định mệnh đã lấy đi của chúng ta người nhạc sĩ tài hoa, người nghệ sĩ lớn, một tâm hồn luôn trẻ trung, yêu đời, yêu người, yêu quê hương da diết, khi ông ra đi ở tuổi 91. Nhưng trong đau buồn, tiếc nuối, mỗi chúng ta vẫn cảm thấy có một niềm tin, niềm tự hào, rằng những giai điệu bay bổng từ trái tim ông sẽ còn mãi, còn mãi với bao tâm hồn, bên những gia đình lửa ấm tình yêu, bên những hàng cây xanh trên phố phường, bên những con đường, bên những làng quê, nơi đồng xanh lúa khoai bốn mùa tươi màu đất lành của quê hương mà ông hằng tha thiết nhớ mong2.

B.C.M

[1] Tờ báo chuyên về đấu tranh thống nhất Bắc Nam, ra số đầu ngày 2.6.1957, đến 19.5.1975 ngừng hoạt động.

 

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiDành cả cuộc đời để viết tình caPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyGiông bão đi qua tình người ở lạiChuyện từ cơn bão YagiBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcBình minh trên sông HànNối nhịp đôi bờĐà Nẵng hôm nayHiện hữu