Tang thương từ Lào Cai

04.10.2024
Tống Ngọc Hân

Tang thương từ Lào Cai

      Khoảng 13h40 phút chiều 10.9, tại thôn Nậm Tông xã Nậm Lúc lại xảy ra vụ sạt núi vùi lấp 8 căn nhà khiến 7 người chết, 11 người mất tích và 11 người bị thương nặng.

Kể từ khi về quê, mỗi mùa mưa bão, cứ thấp thỏm nhìn ngược Lào Cai. Năm nay, bão YAGI đã tàn phá Lào Cai nặng nề. Không riêng vụ sạt lở xóa sổ thôn Làng Lủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên hôm qua, nhiều địa phương khác của Lào Cai vẫn đang oằn lưng chống đỡ sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên. Lũ ống, lũ quét, sạt lở, ngập lụt... là những hiểm họa dù được báo trước thì con người cũng không thể kháng cự. Xương thịt làm sao mà đấu lại với đất đá với sức nước vỡ bờ.

Buổi sáng 9.9 lúc 9h sáng, ở thôn Hấu Dào, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà Lào Cai xảy ra vụ lở vùi lấp một ngôi nhà của gia đình người Mông khiến 5 người chết, một người bị thương.

Cũng sáng 10.9, tại xã Nậm Lúc huyện Bắc Hà, nhà điều hành thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc sập xuống, trong số 5 người mất tích có cả giám đốc nhà máy. Theo thông tin từ Báo Lào Cai, vụ việc chỉ được phát hiện khi tình cờ trên đường công vụ, một cán bộ công an xã Bản Cái (huyện Bắc Hà, Lào Cai) phát hiện một số người bị thương đang dìu nhau đi ra từ điểm sạt lở. Lúc ấy là khoảng 11h trưa. Ở đó không có sóng điện thoại. Sau khi nắm tình hình vụ việc xuất phát từ Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc, cán bộ này đã tìm cách báo cáo vụ việc lên chỉ huy đơn vị. Sau đó lực lượng cứu hộ tới, người bị thương được chuyển đến bệnh viện. Còn những người khác mất tích.

Khoảng 13h40 phút chiều 10.9, tại thôn Nậm Tông xã Nậm Lúc lại xảy ra vụ sạt núi vùi lấp 8 căn nhà khiến 7 người chết, 11 người mất tích và 11 người bị thương nặng.

Sau Bảo Yên, Bắc Hà cũng là huyện gánh chịu tổn thất mất mát nhiều nhất tỉnh Lào Cai. Liên quan đến những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại huyện Bắc Hà, đến hiện tại đã khiến 13 người chết, 21 người mất tích và 20 người bị thương. Mưa lũ cũng khiến 48ha lúa màu bị thiệt hại, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, cô lập. Hệ thống viễn thông nhiều xã chưa có sóng, 9 xã chưa có điện.

Ngày 10.9 là ngày đại hạn của vùng đất Bảo Yên nơi tôi từng sống 6 năm. Sáu năm, bàn chân đi khắp các bản làng để mua bán đổi chác với đồng bào, nên nói tới chỗ nào biết chỗ đó. Khoảng 6h sáng ngày 10.9, một trận sạt lở kinh hoàng đã vùi lấp toàn bộ thôn Làng Lủ (Làng Nủ) xã Phúc Khánh với 35 hộ dân và 128 nhân khẩu. Đến cuối ngày 11.9, đội cứu hộ đã cứu sống được hơn 30 người, tìm thấy 16 thi thể, hiện vẫn còn hơn 70 người mất tích trong khối bùn nhão khổng lồ. Khi đội cứu hộ đang làm việc thì tại vị trí đó lại xảy ra một vụ sạt lở khác rất nguy hiểm nên đội cứu hộ phải chạy khỏi hiện trường và tạm dừng công tác tìm kiếm. Xã Phúc Khánh là xã cửa ngõ của huyện Bảo Yên, nơi giáp với huyện Lục Yên của tỉnh Yên Bái. Huyện Bảo Yên lại là huyện cửa ngõ của tỉnh Lào Cai. Nhưng công tác cứu hộ lại gặp rất nhiều khó khăn khi diễn biến sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra.

Ngoài vụ Làng Lủ, tại Bảo Yên, cụ thể là tại xã Yên Sơn ngày 10.9 còn xảy ra hai vụ sạt lở khiến 1 người chết 5 người mất tích tại thôn Làng Bát và Thôn Múi 3. Xã Yên Sơn nằm trải trên quốc lộ 279, đoạn giữa thị trấn Phố Ràng và xã Bảo Hà. Những tên làng bản ở Yên Sơn mình thuộc và nhớ như in vì đã từng đi khắp. Nào là Bát, Chon, Lự, Tổng Gia, Mạ 1, Mạ 2, Mạ 3, Múi 1, Múi 2, Múi 3. Yên Sơn là địa bàn của các đồng bào dân tộc Tày, Giáy, Dao và Mông. Huyện Bảo Yên là địa phương có diện tích rừng tái sinh rất lớn vì dân Bảo Yên có nghề trồng rừng. Không hiểu sao năm nay Bảo Yên lại liên tục xảy ra sạt lở như thế.

Tại xã Sán Chải huyện Si Ma Cai, sáng ngày 10.9, cũng xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng làm 7 người thương vong.

Cũng ngày 10.9, tại thôn Lâm Tiến xã Mường Vi huyện Bát Xát sảy ra vụ sạt lở khiến 3 người tử vong.

Xưa ở Sa Pa, cứ mưa bão là thế nào cung đường 4D từ thành phố Lào Cai lên thị trấn Sa Pa (nay là thị xã) cũng có sạt lở, thường là ở Tòng Sành (Bát Xát) hoặc Trung Chải (Sa Pa). Hoặc lũ quét ở Mường Hoa, Bản Khoang... Chiều 8.9, do mưa lớn hoàn lưu sau bão, tại thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa xảy ra vụ lở sạt một vạt đồi khiến 6 người chết, 9 người bị thương.

T.N.H

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiDành cả cuộc đời để viết tình caPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyGiông bão đi qua tình người ở lạiChuyện từ cơn bão YagiBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcBình minh trên sông HànNối nhịp đôi bờĐà Nẵng hôm nayHiện hữu