Những dòng sông kể chuyện

04.10.2024
Diệp Dân Hùng

Những dòng sông kể chuyện

 

Đà Nẵng không phải là địa phương có nhiều sông, nhưng có một con sông mang tính đại diện, biểu tượng cho thành phố, đi vào thi ca nhạc họa và hấp dẫn du khách gần xa, đó là con sông Hàn, con sông bao đời nay gắn với Đà Thành, qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, “dải lụa xanh” vẫn hiền hòa vắt ngang thành phố. Thế nhưng không chỉ có sông Hàn, Đà Nẵng còn những con sông gắn với quá trình phát triển của thành phố qua những năm tháng đạn bom, gian khó, đến ngày hòa bình, dựng xây hôm nay. Để thế hệ trẻ và bạn bè gần xa biết và hiểu hơn về Đà Nẵng, ngoài sông Hàn cũng nên biết thêm về những con sông với những cái tên nên thơ như sông Yên hay mộc mạc chân chất như sông Cu Đê, Cổ Cò.

Trước hết là sông Yên, con sông mang cái tên hiền hòa này tách ra khỏi sông Vu Gia, chảy qua các huyện Đại Lộc và Điện Bàn (Quảng Nam) vào Đà Nẵng từ ranh giới giữa xã Hòa Khương, Hòa Tiến và Hòa Phong (huyện Hòa Vang), cuối cùng, hợp lưu với sông Túy Loan thành sông Cẩm Lệ rồi hòa vào dòng nước sông Hàn đổ ra biển. Nói đến sông Yên không thể không nhắc đập thủy lợi An Trạch (công trình thủy lợi có từ thời Pháp thuộc) và đặc sản “cá mòi sông Yên”. Bắt đầu từ tháng giêng, cá mòi từ cửa biển sông Hàn ngược sông Cẩm Lệ rồi chạy vào sông Yên đến đập An Trạch, do dòng sông bị chặn lại, nước trên đập đổ xuống, cá mòi đến đây cũng bị chặn lại nên vùng vẫy, tung tăng trong dòng nước mát của sông Yên chờ ngày đẻ trứng rồi lại quay về biển. Và cứ thế tháng một năm sau cá mòi lại quay lại sông. Theo các bậc lão làng kể lại, cá mòi là hóa kiếp của chim ngói, trong bụng cá mòi có mề cá rất giống mề chim ngói. Hàng năm, khi tiết trời bắt đầu sang thu, trời dịu mát, từng đàn chim ngói bắt đầu bay về biển, chao mình giữa biển rồi biến thành cá mòi. Đến mùa xuân năm sau, cá mòi lại từ biển bơi ngược về sông Yên, cũng là thời điểm người dân xã Hòa Tiến và Hòa Khương đánh bắt được nhiều cá mòi nhất.

Nhìn từ góc độ “du lịch sông nước” thì sông Yên còn khá nhiều tiềm năng cần được quan tâm, khai thác. Nếu hình thành tuyến du lịch đường thủy này, du khách sẽ có cơ hội được ghé thăm làng nghề chiếu Cẩm Nê và làng nón La Bông; thăm những nơi còn mang đậm nét mộc mạc như: bến nước, đình làng, hàng cau, hàng rào chè tàu, ô rô, dâm bụt...  Và cũng là nơi để làm những homestay, farmstay cho du khách đến lưu trú, trải nghiệm ăn ở, trồng rau, nuôi cá, làm bánh tráng, mỳ Quảng, cùng nông dân...

Con sông thứ hai với cái tên nghe mộc mạc là Cu Đê (còn có tên gọi khác là sông Trường Định), tọa lạc ở phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng. Nước Cu Đê quanh năm trong xanh, được hợp thành từ hai nguồn nước sông Nam và sông Bắc chảy từ núi Trường Sơn hùng vĩ. Hai chi lưu chính đó hợp lưu lại tạo thành dòng sông Cu Đê ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang và hạ nguồn là cửa biển Nam Ô, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Có thể nói, Cu Đê là một con sông đẹp, nối liền “phố với núi”, “quận với huyện” của Đà Nẵng với phong cảnh hữu tình, cùng với cảnh vật thiên nhiên mang đậm sắc thái của miền quê thanh bình, những đặc điểm gây được sự quan tâm, thích thú của không ít du khách gần xa, đặc biệt là du khách nước ngoài. Đối với tuyến sông này, những người có “thâm niên” trong ngành du lịch đánh giá là một trong những tuyến sông đẹp gắn với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, “điểm nhấn” độc đáo song hành cùng con sông mang cái tên mộc mạc, dân dã. Đi đường bộ ven sông lên Hòa Bắc khung cảnh đã hữu tình nhưng trải nghiệm bằng cách ngắm hai bên bờ từ những con thuyền ngược xuôi sông Cu Đê sẽ có những điều thú vị riêng của nó. Du khách có thể được trải nghiệm những hoạt động độc đáo ngay trên sông như nghề lưới và rớ. Nôm na là có thể thấy được cả chim, trâu, rớ cá, lúa, núi non và những điểm đến đẹp và độc đáo mà du khách khó mà làm ngơ. Về tuyến sông này, chị Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc cho biết: “Tổng Giám đốc Mikazuki Đà Nẵng trong một lần lên Hòa Bắc, chứng kiến phong cảnh hữu tình của nơi đây đã tỏ ý muốn tổ chức những chuyến tàu đưa khách của mình lên Hòa Bắc thưởng trà vào buổi chiều vì cảnh vật rất phù hợp với trà đạo truyền thống của người Nhật…”.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến con sông nối từ Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đến biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) mang cái tên rất “quê” là Cổ Cò, con sông đến nay tuy chưa được khai thông hết ở đoạn Quảng Nam nhưng nó có bề dày lịch sử gắn liền với sự phát triển của xứ Quảng từ thế kỷ 17. Cổ Cò còn có tên xưa là Lộ Cảnh Giang, là con sông nổi tiếng trong lịch sử thương mại xứ Quảng trước đây, từng giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An trong lịch sử. Nhiều tư liệu lịch sử đã miêu tả rất rõ về con sông này, nó từng là tuyến đường giao thương buôn bán, vận chuyển hàng hóa, hành khách tấp nập thời xưa giữa Hội An và Đà Nẵng. Một khi thông thương Đà Nẵng - Hội An qua con sông này, cũng là cơ hội để kết hợp làm du lịch văn hóa - lịch sử, ôn lại câu chuyện dài từ những năm cuối thế kỷ 17 đến thế kỷ 21, như là một dòng chảy kết nối quá khứ và hiện tại. Sau khi thông thương, sẽ có tour “kể chuyện lịch sử” sông Cổ Cò cùng với việc hình thành một số điểm đến tái hiện bối cảnh xưa hai bên sông. Ngồi trên thuyền nghe hướng dẫn viên kể chuyện về “lai lịch” của con sông sau khi được hồi sinh, đồng thời có thể ghé thăm những điểm đến như danh thắng Ngũ Hành Sơn, lễ hội Quán Thế Âm nổi tiếng, Di tích căn cứ cách mạng K20, làng đá mỹ nghệ Non Nước hoặc xuôi về Cửa Đại, ghé thăm phố cổ Hội An... Hiện nay, sông Cổ Cò bên ranh giới Đà Nẵng cơ bản đã được nạo vét và khơi thông, chỉ còn vướng ở địa phận Quảng Nam. Đây là vấn đề cả Quảng Nam và Đà Nẵng quan tâm để hướng tới khai thông tuyến đường sông từ Hội An đi Đà Nẵng và ngược lại để phát triển du lịch và phát triển vận tải đường sông.

Đánh thức tiềm năng, lợi thế của những con sông ở Đà Nẵng vì mục đích du lịch đường sông kết hợp du lịch văn hóa - lịch sử là một vấn đề cần được quan tâm và sớm triển khai. Ngoài con sông Hàn đã khẳng định được giá trị về nhiều mặt trong việc làm tôn thêm về đẹp của thành phố thì cũng không nên bỏ qua những con sông gắn liền với nhiều câu chuyện, sự tích có ý nghĩa về lịch sử phát triển của Quảng Nam - Đà Nẵng. Bên cạnh đó, một khi khai thác được tiềm năng của những con sông để phục vụ cho du lịch, Đà Nẵng sẽ có sức hấp dẫn du khách hơn. Hy vọng rồi đây, khi có ai hỏi về Đà Nẵng có gì hấp dẫn, thì người Đà Nẵng có thể tự hào nói rằng: Ngoài “biển quyến rũ” thì thành phố này còn có những tour du lịch trên sông, giúp du khách khám phá được nhiều điều mới lạ, những câu chuyện thú vị về những dòng sông vừa độc đáo, vừa mang nét hiện đại của phố phường vừa mang nét mộc mạc của thiên nhiên làng quê, để từ đó, lưu giữ lại trong lòng du khách gần xa ấn tượng khó phai về “thành phố đầu biển cuối sông” này.

D.D.H

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiDành cả cuộc đời để viết tình caPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyGiông bão đi qua tình người ở lạiChuyện từ cơn bão YagiBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcBình minh trên sông HànNối nhịp đôi bờĐà Nẵng hôm nayHiện hữu