Hy vọng xanh

04.10.2024
Phùng Thụy Bảo Hân

Hy vọng xanh

Phùng Thụy Bảo Hân Lớp 7/2 - Trường THCS Nguyễn Văn Linh, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Phía đằng Đông xa xăm, mặt trời đã thức dậy sau một đêm tắm mình dưới cơn mưa đầu hạ. Lúc bấy giờ, các cửa hàng cũng đã sáng đèn và bắt đầu cho một ngày mới nhộn nhịp. Bầu trời thay màu áo mới, xe cộ ban đầu còn lưa thưa, chốc lát lại tấp nập, đông vui. Sáng sớm, các tiệm cà phê đã mở và những vị khách hàng đầu tiên không ai khác chính là các cô chú lớn tuổi thân quen. Tiếng chuyện trò, phương tiện giao thông... cứ đan xen vào nhau tạo nên một thứ thanh âm rất đỗi kỳ lạ.

Đúng sáu giờ ba mươi phút, đồng hồ báo thức kêu ren…ren…ren đánh thức tôi thức dậy. Tôi mở mắt, vươn vai rồi rời khỏi “chiếc tổ” của mình. Nhanh chóng vệ sinh cá nhân rồi mở cửa sổ ra, từng vạt nắng ấm của mùa hạ chiếu thẳng vào mặt tôi. Tia nắng sớm nhẹ nhàng vuốt ve khuôn mặt và mái tóc khiến tôi cảm thấy dễ chịu vô cùng. Vừa ngắm cảnh sớm mai, vừa được nghe thứ thanh âm quen thuộc làm tôi phấn khởi bắt đầu một ngày mới. Hôm nay là thứ bảy, tôi không phải đi học mà sẽ đến câu lạc bộ bơi. Tôi soạn đồ nhanh chóng, dắt chiếc xe đạp thân yêu của mình ra rồi đạp đến đó. Đến nơi, tôi vội vào thay đồ, khởi động rồi xuống bể. Tôi đã gắn bó với bơi lội được hơn bảy năm. Từ năm tôi học lớp ba, bố tôi đã đưa tôi đến với môn bơi lội vì mục đích đơn giản chỉ là cho tôi có thêm kỹ năng sống nhưng dần dần nó đã trở thành đam mê bất diệt của tôi. Và tôi đã theo đuổi nó đến tận bây giờ - năm tôi lớp mười. Tôi chẳng bao giờ có ý định từ bỏ bơi lội cả.

 Sau khi hoàn thành xong mọi thủ tục tôi không xuống bơi ngay mà đứng yên một lúc ngắm nhìn xung quanh rồi lặn xuống đáy bể. Tôi thường xuyên lặn như thế vì lúc lặn tôi có cảm giác lạ lắm, và nó cuốn hút, thôi thúc tôi phải chinh phục làn nước mát lạnh, trong veo. Khi lặn xuống đáy hồ, tôi không bị làm phiền, cũng không có tiếng ồn ào nào, cảm giác yên bình đến lạ và khi lặn tôi lại có một tầm nhìn vô cùng mới lạ và đầy thú vị. Tôi thích men theo từng dòng nước rồi đến cuối hồ, đến khi nào đầu bị đụng một cái thật đau tức là đã đến. Tôi mới bắt đầu bơi sải, bơi ếch và cả bơi ngửa nhưng tôi thường thích bơi ếch hơi vì với tôi nó tiết kiệm năng lượng hơn. Tôi bơi sải khi thi đấu và chỉ bơi ngửa khi quá đuối sức.

Tuần tới, tôi có một cuộc thi bơi và tôi đang chuẩn bị cho nó. Ở câu lạc bộ, tôi thường được mọi người ưu ái gọi với danh xưng “thủy thần” vì khả năng bơi lội của mình và tôi luôn về nhất trong tất cả các cuộc thi. Tôi thấy danh xưng đó khá oai và tự hào về nó. Với cuộc thi lần này, tôi rất tự tin với khả năng của mình. Tôi tiếp tục bơi về phía bên kia bờ, từng cái quạt tay lên xuống, chạm vào mặt nước cũng khiến tôi run lên vì hạnh phúc. Tôi thích bơi lội chắc có lẽ một phần là do tôi thích nước, thích sự mát lạnh, sảng khoái mà nó đem lại. Tôi bơi mấy vòng liền mà không nghỉ chút nào. Cái cảm giác lâng lâng làm tôi bơi “quên lối về”. Nếu hoạ sĩ hạnh phúc khi được vẽ, nhà thám hiểm hạnh phúc khi được khám phá thì tôi lại hạnh phúc khi được bơi. Khi vẫn đang đắm chìm trong hạnh phúc của riêng mình, chợt một giọng nói quen thuộc cất lên:

- Này Chi, tớ đến rồi đây! - Đó là Châu bạn thân ở câu lạc bộ của tôi. Chúng tôi gặp nhau lần đầu cũng tại câu lạc bộ và dần trở nên thân hơn.

- Ờ, cậu mau xuống đi

- Mà này, sắp tới hình như có cuộc thi bơi “Hy vọng xanh” cậu có tham gia không?

- Có chứ. Thế còn cậu?

- Ừm! Cậu mà thi chắc sẽ giành giải nhất cho xem!

- Không đâu, cậu quá lời là giỏi. - Nói xong, tôi quay lại với việc luyện tập của mình.                                                        

Trước ngày thi đấu một ngày, bố tôi hỏi:

- Này, con đã chuẩn bị gì cho cuộc thi chưa đấy?

- Vâng bố! Xong cả rồi ạ!

- Lần này vẫn sẽ đạt hạng nhất chứ?

- Vâng, đương nhiên rồi bố. - Tôi cười tít mắt giọng tràn đầy tự tin.

- Bố tin tưởng ở con.

- Vâng ạ, con sẽ không phụ sự chờ mong của bố.

***

Sáng hôm ấy, tôi đã dậy từ rất sớm, tầm khoảng năm giờ rưỡi sáng để chuẩn bị cho cuộc thi. Bố tôi đèo tôi đến nơi tổ chức rồi căn dặn tôi rất kỹ:

- Chi, con nhớ phải thật cẩn thận đấy, không được chủ quan nhé!

- Vâng ạ!

Lúc ấy, tôi chỉ trả lời cho có lệ thôi bởi lần nào đi thi, bố cũng đều nói thế làm tôi chán ngấy lắm rồi. Tôi nhanh chóng vào khu vực hồ bơi, sắp xếp lại mọi thứ. Bảy giờ đúng cuộc thi đã chính thức bắt đầu.

- 1…2…3 bắt đầu!

Vừa nghe hiệu lệnh, tôi phóng nhanh như một tên lửa lao về phía trước. Trong lòng tôi lúc ấy hừng hực lên ngọn lửa quyết tâm giành hạng nhất. Ngọn lửa ấy lan tỏa đến nỗi từng sải tay của tôi cũng mạnh mẽ, quyết không để thua. Nhưng có lẽ ngọn lửa tâm huyết ấy đã bị sự mát lạnh của dòng nước dưới bể làm nguội lạnh. Tôi bơi được nửa đường, ngoảnh đầu lại thấy mình đã bỏ xa đối thủ cả đoạn. Thế là lúc ấy, trong đầu tôi hiện lên một suy nghĩ điên rồ:

- Hay là mình chờ đối thủ đến gần rồi bơi tiếp cho kịch tính nhỉ?

Nghĩ là làm, tôi đứng lại, chờ mọi người đến gần rồi mới bơi tiếp. Khi thấy các đối thủ đã gần sát nút thì tôi mới tiếp tục hoàn thành chặng bơi của mình. Tôi vẫn cứ thế, cứ bơi, bơi và dẫn đầu. Đột nhiên, có một người bứt phá lao lên phía trước, nhanh như một tên lửa làm tôi sững người. Lúc ấy, trong lòng tôi hoảng lắm, nỗi lo sợ bao trùm lấy tôi một cách vồ vập. Tôi hoàn hồn, gấp rút, vội vã bơi về phía trước. Tiếng tuýt còi vang lên, cả người tôi lúc ấy như rã rời, đã có người về nhất. Không cần nói cũng biết đó chính là “tuyển thủ tên lửa” kia còn tôi chỉ về nhì, tuyển thủ về đích trước tôi hai giây. Lúc trọng tài hô khẩu hiệu kết thúc, tôi như hoá đá. Cảm giác tức giận, xấu hổ rồi đến thất vọng lần lượt “ghé thăm” tôi. Tôi cứ ngây người ra nhìn khoảng không vô định với mớ suy nghĩ hỗn độn trong đầu. Tôi chẳng biết tôi vừa làm gì, tôi chẳng biết mình vừa thua thế nào…

- Này Chi!

Giọng nói quen thuộc của Châu kéo tôi về với thực tại.

- Cậu có sao không? Sao lúc nãy cậu lạ thế? Sao lại dừng lại? Sao lại để thua cơ chứ? Này! Này!

Các câu hỏi của Châu cứ vồ vập, làm đầu tôi bỗng đau kinh khủng, xung quanh chợt bao phủ bởi màu đen và
rồi…                                                       

***

Tôi mở mắt ra, một khung cảnh quen thuộc, đây là nhà tôi, nhưng sao tôi lại ở nhà thế này? Tôi ngơ ngác, mắt láo liên nhìn xung quanh thì thấy bố, mẹ, em trai và có cả Châu. Trong lúc tôi chưa hiểu chuyện gì thì bố mẹ đã sốt vó hỏi tôi có sao không.

- Con vẫn ổn. Có chuyện gì thế ạ?

- Ôi, may mà con vẫn ổn. Khi nãy bỗng dưng con ngất đi làm bố mẹ lo quá đi mất. Giờ thì không sao rồi.

À, hóa ra khi nãy tôi đã ngất đi. Nói tới đây đột nhiên lại làm tôi nhớ đến cuộc thi bơi. Tim tôi trùng xuống một nhịp, chẳng còn vui vẻ nữa, trầm ngâm một lúc thì mẹ tôi hỏi:

- Con sao thế?

- Mẹ ơi con sai rồi, con đã quá tự cao, con đã coi thường đối thủ của mình và chính điều đó đã đánh gục con. Mẹ ơi, con làm bố mẹ và mọi người thất vọng rồi. - Tôi bật khóc nức nở, lúc này tôi chỉ mong mọi thứ chỉ là một giấc mơ.

- Đây sẽ là một bài học lớn dành cho con. Con phải tự mình mạnh mẽ và vượt qua nó. Con vất vả rồi, nghỉ ngơi đi nhé!

Mẹ nói với giọng nói trìu mến và nhẹ nhàng xoa đầu tôi. Nhưng mẹ càng bao dung tôi lại càng thấy khó chịu, day dứt trong lòng.

Tối hôm đó, tôi chẳng tài nào chợp mắt được, kết quả cuộc thi cứ ám ảnh tôi mãi. Tôi sợ mình thua cuộc. Sợ phải đối diện với sự kỳ vọng của mọi người. Sợ làm cho mọi người thất vọng. Tôi sợ mình không xứng dáng với sự mong đợi của mọi người. Nào là Châu, bố tôi, mẹ tôi, tôi biết làm thế nào đây chứ? Tôi vô cùng hối hận vì mình đã dừng lại, hối hận vì không tiến lên phía trước, và cả hối hận về suy nghĩ ngu ngốc của mình. Giá như cuộc thi chưa từng diễn ra, giá như chưa ai biết về kết quả này, giá như lúc ấy tôi chịu tiến về phía trước, giá như… Ôi, dù có cầu nguyện hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn lần thì mọi chuyện cũng chẳng sẽ thay đổi và đó chỉ là lời cầu cứu trong vô vọng của tôi. Có lẽ, thành tích trước giờ đã đưa tôi lên tận các tầng mây để rồi bây giờ tôi ngã đau thế này. Một con người luôn chiến thắng sao có thể chấp nhận thua cuộc cơ chứ? Cho dù chỉ là hai giây nhưng bạn không biết khoảng cách giữa nhất với nhì nó xa thế nào đâu. Tâm trạng của tôi như một cục đá, lăn từ trên đỉnh núi xuống tận thung lũng. Trong lúc tuyệt vọng, tôi muốn từ bỏ bơi lội, từ bỏ giấc mơ đã nung nấu bấy lâu. Tôi không còn tìm được sự hứng thú với nó. Tôi không còn biết bơi để làm gì và với mục đích gì? Tôi không tìm được đích đến của nó, và…tôi muốn từ bỏ. Những giọt nước mắt đã lăng dài trên má lúc nào mà tôi chẳng hay. Đêm đó, tôi mang theo những giọt nước mắt, những suy nghĩ bộn bề rồi lăn vào giấc ngủ.

 

Sáng hôm sau, tôi vẫn thức dậy. Rời khỏi giường và vẫn như thường lệ, tôi mở cửa sổ đón ánh nắng ban mai. Từng vạt nắng hạ rực rỡ trên mặt tôi. Âm thanh, cảnh vật cảnh vật quen thuộc vẫn nhộn nhịp như mọi hôm nhưng hôm nay khác là tâm trạng tôi chẳng còn như trước kia nữa. Tôi chẳng cảm nhận được gì nữa, tôi thấy mọi thứ thật vô vị và tẻ nhạt. Hôm nay, tôi vẫn lên câu lạc bộ để lấy đồ để quên, bỗng nhiên bao nhiêu sự thổ thẹn, ngại ngùng lại dâng trào trong tôi. Tôi cuối gầm mặt, lấy hết can đảm đi vào trong. Mặc dù cuối gầm mặt nhưng tôi vẫn có thể thấy được ngay sau khi tôi vào, bao nhiêu ánh mắt đều đổ dồn vào tôi, họ bàn tán xì xào và chỉ trỏ tôi. Thành thật mà nói, lúc đó tôi thẹn lắm chỉ muốn nhanh chóng lấy đồ rồi về. Khi tôi đang vội vã trở ra thì vô tình đụng Châu.

- Này, Chi!

Nghe vậy, tôi cũng khựng lại.

- Chi, tớ có điều muốn nói với cậu.

Đành vậy, tôi ngồi xuống nghe Châu nói.

- Có chuyện gì vậy?

Châu ấp úng:

- Mấy nay, cậu có ổn không, cậu không sao chứ?

Nghe đến đây, bao nhiêu uất ức tôi kìm nén bấy lâu tuôn trào ra hết mọi thứ. Câu hỏi của Châu đã thực sự chạm đến trái tim tôi.

Tôi vừa khóc vừa nói:

- Không, tớ chẳng ổn tí nào cả. Tớ mệt lắm. Tớ tuyệt vọng, tớ không biết mình nên làm gì cả. Tớ muốn từ bỏ bơi lội. Tớ chẳng muốn làm gì nữa cả. Cuộc thi đó đã để lại nỗi ám ảnh quá lớn với tớ. Tớ không tiếp nhận kịp điều đó.

Châu ôm tôi vào lòng, vỗ về như một người mẹ thật sự.

- Chẳng sao nữa đâu. Cuộc thi đã kết thúc rồi sao cậu cứ giữ mãi trong lòng thế? Cậu không mệt sao? Cậu có nhớ rằng cậu đã từng đam mê với bơi lội thế nào không? Cậu chưa từng muốn từ bỏ mà sao lại chỉ vì một cuộc thi nhỏ mà sẵn sàng từ bỏ giấc mơ đã nung nấu tận bảy năm chứ? Cậu hãy cứ sống là cậu, đừng quan tâm đến mọi người nghĩ gì. Cậu theo bơi lội là vì đam mê chứ đâu phải là vì các danh hiệu kia. Hãy cứ sống thế nào cho cậu thấy thoải mái là được. Này nhìn kìa - Châu chỉ tay vào một cậu bé vẫn chỉ đang tập đứng nước: “Cậu nhìn đi, cậu bé đó tập mãi mà chẳng được trong khi cậu là một người bơi chuyên nghiệp. Cậu có thứ mà nhiều người ao ước mà, sao lại từ bỏ. Cậu từng là niềm tự hào của bố mẹ, thầy cô, các bạn ở câu lạc bộ và cả mình cơ mà. Đừng vì chút chuyện nhỏ nhặt này mà đánh mất đi đam mê nhé!”.

Lời động viên của Châu thực sự đã làm tôi thức tỉnh. Tôi nhớ lại lần đầu tiên bố đưa tôi đến môn bơi lội. Nhớ lại những ngày đầu đã vất vả thế nào để nổi trên mặt nước cho đến khi trở thành niềm tự hào của cả câu lạc bộ. Tôi nhớ lại vì sao mình lại gắn bó với nó lâu thế này. Nhớ lại cảm giác khi bơi, nhớ lại rằng mình đã hạnh phúc thế nào khi được bơi. Nhớ lại bơi lội đã mang đến hạnh phúc cho mình thế nào. Nhớ đến bố mẹ vẫn luôn âm thầm ủng hộ mọi đam mê của mình. Cho đến tận bây giờ, tôi mới nhận ra rằng bơi lội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời của mình. Cũng là một người bạn tuy không thể trò chuyện hay bất cứ thứ gì nhưng chúng tôi luôn hiểu ý nhau. Và…tôi quyết định sẽ tiếp tục viết tiếp ước mơ còn dang dở của mình.

Chào tạm biệt Châu, tôi về nhà của mình. Tâm trạng của tôi một lần nữa thay đổi, tôi nhìn đâu cũng thấy mọi thứ trở nên tươi đẹp hơn. Đóa hoa mười giờ trước nhà trông sặc sỡ, đáng yêu làm sao. Cho dù đã gần trưa, tôi thường gay gắt với nó nhưng hôm nay, tôi thấy rất phấn khởi. Tôi cũng chẳng còn bực mình với đám thú cưng trong nhà chỉ vì chúng làm ồn. Đến tối, bố mẹ về, lúc ngồi ăn cơm, tôi nói:

- Bố mẹ à, từ mai, con sẽ tiếp tục tham gia bơi lại.

- Thật á? Con hết buồn rồi sao?

- Vâng ạ, bây giờ dù cho đứng nhất, đứng nhì hay thậm chí là đứng chót cũng chẳng còn quan trọng với con nữa.

Bố mẹ nhẹ nhàng mỉm cười rồi khen tôi.

- Tốt lắm con gái.

Bố mẹ tôi vẫn luôn như vậy, vẫn khen tôi dù tôi làm không tốt, vẫn luôn âm thầm cổ vũ cho tôi. Không có bố mẹ và Châu thì chắc chắn rằng tôi sẽ không có ngày hôm nay. Có lẽ, tôi đã quá ích kỷ khi đã đưa ra lựa chọn bốc đồng và nghĩ đó là tốt cho bản thân mà quên mất những người yêu thương tôi. Giờ đây, với tôi thắng thua chẳng còn ý nghĩa gì cả, quan trọng hơn chính là nếu bản thân đã nỗ lực hết sức dù cho có giải gì cũng chẳng bằng những công lao mình đã bỏ ra, các cuộc thi chẳng bao giờ phản ánh đúng được ai giỏi hơn, ai yếu hơn, nó không hoàn toàn nêu lên được phẩm chất ở một con người nào. Vì thế nên đừng quá đặt nặng vấn đề thành tích một cách thái quá như bản thân tôi đã từng. Hãy học cách tha thứ cho những nông nổi trong quá khứ vì chỉ khi bạn tha thứ cho bản thân thì trong lòng mới thấy nhẹ nhõm và có thể bước tiếp. Hãy luôn trân trọng những người xung quanh bạn - những người đã tiếp bước cho bạn đến ngày hôm nay và hãy theo đuổi ước mơ của bạn đến cùng nhé!

P.T.B.H

(*) Truyện ngắn Hy vọng xanh của Phùng Thụy Bảo Hân đoạt giải C tại Trại sáng tác Văn học thiếu nhi hè năm 2024  do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Đà Nẵng tổ chức.

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiDành cả cuộc đời để viết tình caPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyGiông bão đi qua tình người ở lạiChuyện từ cơn bão YagiBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcBình minh trên sông HànNối nhịp đôi bờĐà Nẵng hôm nayHiện hữu