Nhớ trận lụt năm Thìn

04.10.2024
Trần Văn Thọ

Nhớ trận lụt năm Thìn

Đường Lê Lợi ở Phố cổ Hội An trong trận lụt Giáp Thìn, 1964. Trận lũ lụt năm đó gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung từ Huế đến Bình Định, trong đó địa phương thiệt hại lớn nhất là Quảng Nam.

Trong ký ức của mẹ tôi, trận lụt năm Giáp Thìn 1964 thật kinh hoàng. Theo lời mẹ tôi kể lại vào cuối thập niên 50 của thế kỷ 20, cha mẹ tôi từ Huế vào định cư tại Đà Nẵng. Ban đầu, ba tôi thuê nhà cho cả gia đình gồm bốn người ở trên đường Hoàng Diệu, đoạn gần ngã ba Hoàng Diệu, Chu Văn An.

Ba tôi là hạ sĩ quan, cấp bậc Trung sĩ nhất, thuộc đơn vị 81 yểm trợ quân cụ; đơn vị đóng cuối tại đường Trưng Nữ Vương, gần sân bay Đà Nẵng. Năm 1963, ba tôi mua được mảnh đất, vốn là một thửa ruộng. Mảnh đất ruộng này nằm trên đường Võ Tánh (nay là đường Núi Thành) nối dài, cách trụ sở Quân đoàn 1 (nay là doanh trại quân đội Quân khu 5) khoảng hơn một cây số. Đám ruộng sâu, nằm cách đường đất đỏ hơn một trăm mét. Dù là đoạn nối dài của đường Võ Tánh, qua “ngã tư Quân đoàn”, nhưng con đường này vẫn còn là đường đắp đất đỏ trộn với đá dăm, dẫn về Đò Xu. Chính vì vậy, khu vực này người ta gọi là “ngoại ô Đà Nẵng”.

Ba tôi thuê xe chở xà bần và đất để lấp đầy đám ruộng. Sau khi san lấp, thửa ruộng sâu đã trở thành một mảnh đất đẹp để xây dựng nhà cửa. Ba tôi cất lên mảnh đất mới một ngôi nhà gỗ, mái lợp tôn kẽm; móng nhà cao gần một mét, được tráng xi măng. Vì vùng này hay bị lũ lụt nên ba xây móng nhà cao để đối phó. Có nhà mới, ba mẹ tôi dọn nhà về đây ở, chấm dứt cảnh ở nhà thuê.

Các nhà xung quanh đều cách nhau một đám ruộng hoặc một đám đất trồng hoa màu. Do lấy đất để đắp nền nhà nên bên hông nhà tôi hình thành một cái ao hình chữ nhật đầy nước. Ba tôi thả vài ngó sen xuống ao, vài tháng sau đã có sen nở rải rác trong hồ. Trông rất vui mắt.

Khác với nhiều nhà xung quanh quay mặt ra con đường đất đỏ, ba tôi làm nhà quay mặt về hướng Đông; lưng quay ra đường đất đỏ. Phía trước mặt nhà là cánh đồng ruộng rộng bao la; tít tắp phía xa thấp thoáng màu nước trong xanh của dòng sông từ Đò Xu đổ ra.

Thân thiết gần gũi với ba mẹ tôi là gia đình bác Minh ở bên cạnh, phía bên kia ao sen của gia đình tôi. Mẹ tôi bảo bác Minh là bà con trong họ, cũng từ làng Niêm Phò - quê mẹ tôi, vào Đà Nẵng lập nghiệp. Nhà bác Minh là nhà có tường xây gạch, lợp ngói, trông khá vững chải.

Ba tôi hàng ngày đạp xe vào nội ô Đà Nẵng làm việc. Mẹ tôi ở nhà trông chị và anh trai tôi. Cuộc sống ở miền ngoại ô yên ả cho đến ngày 4 tháng 10 Âm lịch (Giáp Thìn), đầu tháng 11 năm 1964, mẹ tôi đang chuẩn bị mâm cơm sáng để giỗ cụ cố. Ba tôi đi trực đơn vị từ đêm hôm trước. Trời mưa to liên tục mấy ngày trước đó, gió mỗi lúc mỗi mạnh, rít lên từng hồi. Cánh đồng trước mặt nhà ba mẹ tôi nước ngập lênh láng, trắng xóa một màu. Mấy cây chuối trồng sát hè nhà, chỗ cái ảng nước bị quật ngã. Cũng vừa lúc đó, một tấm tôn lợp mái nhà ba mẹ tôi bị gió cuốn, lật tung, bay vèo ra xa. Mẹ tôi hét lên, vội kéo hai đứa con chạy băng vườn qua nhà bác Minh mặc cho lúc đó đang bão lớn. Vừa lúc đó ba tôi lái chiếc xe Dodge của quân đội về nhà, đổ trên đường, trước mặt nhà bác Minh.

Ba tôi bảo gia đình bác Minh cùng gia đình tôi vào “khu gia binh” đơn vị của ông để lánh nạn. Nhưng gia đình bác Minh không đi. Ba tôi đưa cả gia đình vào đơn vị để tránh bão. Chỉ huy đơn vị bố trí cho gia đình tôi một phòng nhỏ trong “khu gia binh” để tạm trú.

Mẹ tôi nhớ lại: Sau khi rời nhà đi lánh bão lụt, mẹ nghe tin lụt rất to. Khắp tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín, Huế ngập nặng. Nhiều nơi ngập cao tới nóc nhà. Người dân vùng lũ chỉ còn biết ngồi trên nóc nhà kêu cứu. Nhà ba mẹ nước ngập đến gần tới nóc nhà, nếu ngày ấy không kịp đi tránh lũ lụt, có lẽ đã không còn sống đến bây giờ.

Sau mấy ngày lũ dữ, nước đã rút. Một cảnh tượng kinh hoàng phơi bày khắp vùng “ngoại ô” Đà Nẵng. Nhà cửa đổ nát, cây cối xác xơ. Ba mẹ tôi trở về dọn dẹp nhà sau lũ. Nhìn cảnh tượng tan hoang sau bão lũ, mẹ tôi khóc nức nở. Mái tôn nhà bay gần hết, trơ bộ sườn gỗ. Dấu vết ngấn nước lũ vàng ố vạch ngang tường gỗ, gần tới mái nhà. Bùn non vàng đục phủ một lớp dày trên nền nhà, ngoài sân. Hầu hết những nhà trong vùng bị tốc mái, cây cối ngã rạp. Một cảnh tượng vô cùng tang thương!

Một số bạn bè của ba tôi ở đơn vị đến giúp “dọn lụt”, lợp lại mái nhà, sửa sang lại những chỗ hư hỏng. Lũ lụt cuốn trôi tất cả! Không có xoong nồi để nấu nướng, không có thóc gạo để ăn. Lúc bấy giờ, Chính phủ cứu đói cho dân. Mỗi gia đình nhận được vài cái nồi, một ít gạo và một tạ bắp Mỹ. Lần đầu tiên người dân vùng lũ nhìn thấy hạt bắp Mỹ. Người ta gọi là “bắp Mỹ” vì do chính phủ Hoa Kỳ viện trợ. Hạt bắp màu vàng sậm, hơi ngả sang màu đỏ, to bằng đầu lóng ngón tay người lớn; không như hạt bắp của ta, nhỏ và màu vàng nhạt. Mẹ tôi phải ngâm vài lon bắp (đong bằng vỏ lon sữa Ông Thọ thời ấy) với một ít vôi bột từ đêm hôm trước cho mềm. Sáng hôm sau, mẹ dậy sớm, vo lại vài lần nước sạch rồi bỏ vào nồi “hầm”. Gọi là “hầm” vì phải nấu vài ba tiếng thì bắp mới nhừ. Sáng nào ba mẹ và anh chị tôi cũng ăn bắp hầm chín này với muối mè hoặc nước mắm.

Trận lụt năm Thìn ấy đã cướp đi gần một vạn người ở các tỉnh miền Trung, nhiều nhất là ở Quảng Nam. Hàng ngàn ngôi nhà bị lũ cuốn trôi. Gần một năm sau trận lụt kinh hoàng ấy, ba tôi bán ngôi nhà mà ông đã dành bao tâm huyết xây dựng vì ông sợ vợ con sẽ phải sống trong cảnh lũ lụt khi sống ở đây. Ba tôi thuê nhà ở kiệt 1, đường Phan Chu Trinh trong “nội ô Đà Nẵng” và đưa cả gia đình vào đó sống. Có lẽ ba mẹ tôi rất buồn vì phải quay trở lại kiếp ở nhà thuê. Sau này, mỗi lần có lũ lụt, ba mẹ tôi lại nhắc đến trận “lụt năm Thìn” như một ký ức đau thương nhưng không thể phai mờ.

Kể từ trận lụt năm Giáp Thìn 1964 ấy đến nay vừa tròn 60 năm. Qua lời kể của mẹ, tôi viết bài này thay một nén nhang tưởng nhớ gần một vạn sinh linh đã tử nạn trong trận “lụt năm Thìn”. Và cũng để tưởng nhớ ba mẹ tôi, những người đã từng vượt qua bão lũ cuộc đời để nuôi dạy anh em chúng tôi nên người, biết yêu thương và quý trọng cuộc sống hôm nay.

T.V.T

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiDành cả cuộc đời để viết tình caPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyGiông bão đi qua tình người ở lạiChuyện từ cơn bão YagiBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcBình minh trên sông HànNối nhịp đôi bờĐà Nẵng hôm nayHiện hữu