Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vui

04.10.2024
Phan Thu Loan

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vui

Đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm về cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn còn mãi trong ký ức của tôi, tưởng chừng như vừa diễn ra gần đây. Khi ấy tôi mới về làm việc ở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (Đài DVTV, bây giờ là VTV8) được hơn một năm. Thời gian thực hiện những thước phim, giới thiệu các ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là quãng thời gian đặc biệt thật khó quên. Dù đó là chương trình ca nhạc hay văn học, nghệ thuật thì ekip Văn nghệ của Đài vẫn luôn cảm thấy hào hứng, vui vẻ khi được gặp gỡ và rong ruổi trên đường làm phim cùng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bởi ông rất vui vẻ, hiền hậu và rất nghệ sĩ.

Ngày ấy, ông Phạm Đình Hải, Giám đốc Trung tâm Truyền hình gọi tôi lên giao nhiệm vụ thực hiện một chương trình văn học, nghệ thuật giới thiệu nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu để phát trên sóng quốc gia. Vì hồi ấy tôi còn là lính mới, lúc nhận nhiệm vụ tôi cảm thấy có chút lo lắng. Dù nhiều bài hát của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tôi đã thuộc từ thời sinh viên như: Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơ nia, Hành khúc ngày và đêm, Sợi nhớ sợi thương, Anh ở đầu sông em cuối sông… nhưng tôi vẫn chưa được gặp ông lần nào. Tôi lo ngại mình lực bất tòng tâm, hay cư xử có điều gì sơ suất với một nhạc sĩ lớn thì hỏng chuyện. Nhưng ngay từ lần đầu gặp mặt nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thì mọi ngần ngại trong tôi đều tiêu tan. Ông luôn mỉm cười với phong độ dễ mến và hết sức nhiệt tình trong công việc dù lúc bấy giờ ông đã ở độ tuổi 70 xưa nay hiếm.  

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã cùng ê kíp chúng tôi đi ghi hình ở vịnh biển Nam Ô, đèo Hải Vân (hồi ấy còn chưa có đường hầm, phong cảnh hoang sơ nhưng tươi đẹp vô cùng). Chúng tôi vào Hội An thì gặp NSND Tường Vy, lúc đó nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã cùng chị ôn lại kỷ niệm về bài hát Bóng cây Kơ nia. Có lần, tôi ôm máy quay thời sự cùng với nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng và ông Nguyễn A, Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên cùng một cán bộ Sở Văn hóa Thông tin địa phương đi thuyền máy lên thượng nguồn sông Thu Bồn đến tận Hòn Kẽm Đá Dừng để ghi hình nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những cảnh đẹp của quê hương Quảng Nam. Những chuyến đi khá vất vả và cũng không mấy đủ đầy trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước nhưng luôn tràn ngập niềm vui.

Kết quả của những chuyến đi ấy là bộ phim tài liệu nghệ thuật Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, cánh chim vàng trên bầu trời ca nhạc đã hoàn thành, được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng toàn quốc, nhận được nhiều lời động viên khen ngợi của khán giả và đồng nghiệp.

Với thành công ban đầu, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tiếp tục cùng chúng tôi thực hiện tiếp chương trình ca nhạc từ các ca khúc nổi tiếng của ông. Phim ca nhạc có cốt truyện Ở hai đầu nỗi nhớ, một thể loại ca nhạc mới mẻ lúc bấy giờ được thực hiện bởi giọng hát của ca sĩ Phạm Quang Trung và Thanh Xuân, nữ ca sĩ Hội An, họ đã thể hiện rất ngọt ngào các ca khúc vang bóng một thời của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu như: Những ánh sao đêm, Tình trong lá thiếp, Hành khúc ngày và đêm, Đêm nay anh ở đâu, Ở hai đầu nỗi nhớ, Thuyền và biển… Tuy lần đầu diễn xuất trước ống kính truyền hình, nhưng Phạm Quang Trung và Thanh Xuân đã nhập vai các nhân vật khá nhuần nhuyễn, tạo cảm xúc sâu đậm cho khán giả màn ảnh nhỏ. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã về Hội An cùng với đoàn làm phim suốt thời gian ghi hình phim ca nhạc này. Ông được các ca sĩ, diễn viên và ekip truyền hình rất yêu quý. Tôi còn nhớ ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thị xã Hội An lúc bấy giờ đã sẵn lòng giúp đỡ đoàn chúng tôi trong những ngày ghi hình nóng nực tại thôn Cẩm An, hay mưa dầm gió bấc tại rừng dừa Cẩm Thanh. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không ngại tuổi già sức yếu, ông có mặt tại địa điểm quay trong hầu hết các ngày làm việc. Điều đó đã làm mọi người rất cảm động và phấn khởi. Phim ca nhạc Ở hai đầu nỗi nhớ vinh dự đoạt huy chương Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 1993 tổ chức tại Cần Thơ.

Tôi nhớ mãi hôm bế mạc Liên hoan, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã lặn lội từ Thành phố Hồ Chí Minh xuống Cần Thơ để tham dự buổi lễ trao giải cùng ekip chúng tôi. Ông ngồi chung với các nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và các đạo diễn Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh HTV. Họ chúc mừng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nói rằng ông thật hạnh phúc khi có hẳn hai chương trình ca nhạc thực hiện riêng về ông và các tác phẩm của ông. Ít ai có được niềm vui đó, kể cả các nhạc sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nghe vậy thì rất vui vẻ, trông ông trẻ lại nhiều so với tuổi thật của mình. Ngày hôm sau chúng tôi lại lên xe tiễn nhạc sĩ về Thành phố Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có hứa sẽ thu xếp ra Đà Nẵng để làm thêm chương trình khi thời gian và sức khỏe cho phép.

Vài năm sau đó tôi lại viết kịch bản, biên tập và đạo diễn phim ca nhạc Thơ tình cuối mùa thu với các ca khúc mới viết lúc bấy giờ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu như: Hoa cúc dại, Thơ tình cuối mùa thu, Tương tư chiều… qua giọng hát và diễn xuất của các ca sĩ Thanh Trà, Ngọc Đức cùng diễn viên Hoàng Hải… Điều làm tôi bất ngờ là lần này nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đưa cho tôi bài hát mới nhất của ông và nói: “Chú viết tặng cháu bài hát này, từ những ngày làm việc cùng nhau, cháu đã tạo nguồn cảm hứng để chú viết một ca khúc mới, có tựa đề Tia nắng. Cháu nhớ đưa vào chương trình nhé!”. Tôi đem bản nhạc đó về Đài, trước khi bấm nốt giai điệu trên đàn Guitar, tôi đọc những dòng ca từ lãng mạn, tươi trẻ, không ngờ lại được viết bởi một nhạc sĩ tuổi đời đã hơn 70: “Em là tia nắng hồng, rực sáng lên trên dòng sông. Thoáng có lại thoáng không, như là cơn gió trên cánh đồng. Ôi, em từ đâu tới, với làn sóng cuốn xô đời anh? Cho tâm hồn xao xuyến mãi, đêm ngày day dứt trong lòng anh…”. Thú thực khi đọc những dòng này, tôi hơi bất ngờ vì nhớ lại những lời ông nói lúc nãy. Rồi lại nghĩ rằng các thi sĩ, nhạc sĩ hay thi vị hóa cuộc đời và con người để viết nên tác phẩm chứ có phải lời ca này dành cho mình đâu. Nhưng “gay cấn” nhất là hai dòng cuối bài: “Từng nụ hôn ngày ấy như giấc mơ qua nhanh. Còn lại đây tia nắng sưởi ấm tâm hồn anh”. Bình thường câu thơ ấy rất hay, không có vấn đề gì, nhưng nhạc sĩ lại bảo đây là những cảm hứng âm nhạc ông viết về mình. Trong tôi, nỗi băn khoăn thức dậy. Nhưng rồi tôi chợt nhớ ra nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có một thói quen rất Tây (ông đã từng đi an dưỡng ở Hungari một thời gian), là khi lên tặng hoa cho các bạn nữ trong các sự kiện văn nghệ, lớn nhỏ gì ông cũng tay đưa hoa, miệng hôn nhẹ lên má, lên tóc người được nhận hoa. Mọi người hẳn đều nhớ những nụ hôn trìu mến của nhạc sĩ trước mọi người và đều cười vui trước tính cách dễ mến của ông.

Vậy là tôi hết băn khoăn và biên tập ca khúc này vào phim ca nhạc Thơ tình cuối mùa thu. Tia nắng đã được ca sĩ Tuấn Phong, giảng viên thanh nhạc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn trên sóng truyền hình và có thể tìm nghe trên internet. Trong một chương trình phỏng vấn nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu của VTV3, nhạc sĩ đã nhắc lại kỷ niệm về quá trình sáng tác bài hát này. Tia nắng cùng các bài hát mới của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã làm nền cho những thước phim có cốt truyện lãng mạn về một đôi nam nữ phải vượt qua bao ngăn trở để đến với tình yêu. Các ca sĩ Thanh Trà, Ngọc Đức và diễn viên Hoàng Hải (sau này anh khá nổi tiếng ở thể loại điện ảnh và phim truyện truyền hình) đã khắc họa thành công các nhân vật trẻ tuổi, tạo nhiều trường đoạn hấp dẫn cho chương trình.

Thơ tình cuối mùa thu đoạt huy chương Bạc trong tổng số 9 chương trình âm nhạc được tặng huy chương Vàng và Bạc tại các Liên hoan Truyền hình toàn quốc ở lĩnh vực âm nhạc truyền hình do ekip chúng tôi thực hiện. 

Có được kết quả này, một phần rất lớn là nhờ vào công sức và các ca khúc để đời của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đáng kính. Ông đã động viên tôi cũng như toàn ekip vượt qua bao khó khăn vất vả trong những ngày đầu chập chững vào nghề. Đến nay, vinh dự được đứng trong đội ngũ nhạc sĩ hậu sinh của ông, được nếm trải nỗi đam mê và niềm vui của những người viết nên giai điệu và ca từ để vinh danh Tổ quốc, quê hương, tình yêu và cái đẹp trong cuộc sống, tôi càng thấy biết ơn người nhạc sĩ tài hoa Phan Huỳnh Điểu. Cuộc đời sáng tạo không ngừng nghỉ và những bài ca đi cùng năm tháng của ông mãi mãi là niềm tự hào của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng và của cả đất nước Việt Nam.

P.T.T.L

Bài viết khác cùng số

Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mớiDành cả cuộc đời để viết tình caPhan Huỳnh Điểu, người nhạc sĩ tài hoa đất QuảngTôi luôn cảm nhận được sự ấm áp từ nhạc sĩ Phan Hùynh ĐiểuChuyện tình khó quên của nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững mẫu chuyện về nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNét đẹp ngôn ngữ trong ca khúc "Quảng Nam yêu thương"Phan Huỳnh Điểu - Người nhạc sĩ tài hoa của tình yêu và đất nướcPhan Huỳnh Điểu - Tác giả của những ca khúc hào hùng và lãng mạnCó một đàn chim100 năm Ngày sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhững kỷ niệm với nhạc sĩ Phan Huỳnh ĐiểuNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và những kỷ niệm vuiTang thương từ Lào CaiTừ cơn bão YagiLớp người tiên phongHy vọng xanhNhững dòng sông kể chuyệnTôn trọng mẹ thiên nhiên để tránh những thảm họaNhớ trận lụt năm ThìnCơn bão và tấm chân tìnhPhải có một cuốn sách về Yagi, con cháu chúng ta phải được học về cơn bão nàyGiông bão đi qua tình người ở lạiChuyện từ cơn bão YagiBóng cây Kơ-niaBài thơ tình yêuNgày và đêmỞ hai đầu nỗi nhớGửi miền hạSợi nhớ sợi thươngThuyền và biểnNhà văn, tác phẩm và bạn đọcBình minh trên sông HànNối nhịp đôi bờĐà Nẵng hôm nayHiện hữu