Vườn Mẹ
“Tôi chưa được đến Bình Dương. Tôi sẽ phải đến. Nhưng tôi băn khoăn tự hỏi: Nếu đến Bình Dương tôi sẽ bước đi như thế nào? Lương tâm tôi, bàn chân tôi có đủ sạch để đặt lên mảnh đất kỳ vĩ, thiêng liêng, anh hùng và bi thương ấy không?
…với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tôi nói chúng ta xây dựng tượng đài Bình Dương không chỉ bằng lòng mang ơn, sự kính phục mà bằng cả sự sám hối. Bởi lúc nào đó, ở đâu đó trong những ngày hòa bình, chúng ta đã phản bội lại nhân dân mình, những người đã hi sinh tất cả cho mảnh đất này”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Đêm qua tôi mơ thấy mẹ về. Giật mình tỉnh giấc nằm chờ trời sáng. Lòng dạ bời bời nhớ về một thời xưa cũ, anh em cùng nhau quây quần bên mẹ, no đói vơi đầy sớm tối ở Lạc Câu. Trời mờ sáng, tôi lên xe chạy một mạch tới Hội An, rảo tắt qua chợ ra đường Bạch Đằng... Đây rồi, bến đò xưa trên sông Hoài. Bóng nắng buổi sáng đổ dài theo hướng tây. Hội An vẫn trầm lắng theo nhịp sống chậm. Gần 60 năm trôi qua, dòng sông vẫn chảy nhưng kỷ niệm lần đầu tôi lon ton theo mẹ và anh Ba tới bến sông này vẫn còn đó. Lời rao “ai mua bánh mì không” của anh bán bánh dạo làm tôi tò mò. Từng tốp nữ sinh áo dài trắng, nón lá, guốc mộc cặp sách, rảo bước trên phố thật duyên dáng... Ngồi một mình ở góc phố, nhìn về phía bên kia sông, những dãy phố mới san sát thay cho cảnh quan bãi bồi thoáng rộng mướt xanh một thời. Mẹ! Ngày ấy, mẹ gánh khoai lang trên vai nặng trĩu bước lên bến sông này. Vào chợ bán vội gánh khoai, rồi mẹ dẫn con lên hiệu Huỳnh Sỏ chụp ảnh để gửi ra Hà Nội cho cha. Hiệu ảnh chỉ có áo dài và đôi guốc mộc cho mẹ, tìm mãi không có đôi dép cho vừa chân con, thế là con đành chân trần đứng cạnh mẹ chụp một kiểu ảnh để đời. Ra về, mẹ tìm mua cho con đôi dép Nhựt, dép đẹp quá, con chỉ để dành không dám mang, mà con quanh quẩn ở trong làng, có đi đâu để phải mang dép! Hình bóng mẹ và ký ức xưa cứ hiện về mồn một. Trời đứng bóng, chuẩn bị xuống ghe, mẹ hỏi:
- Con có đói bụng không?
Chuyến đi phố lần đầu quá lạ lẫm, thích thú nên tôi quên đi cái đói, nhưng nhìn chiếc xe đẩy bánh mì đi qua, tôi buột miệng:
- Mẹ ơi, con ưng ăn bánh mì cho biết…
Mùa hè, trời trong xanh, không một gợn mây, không một làn gió. Hàng cây tĩnh lặng dưới nắng gắt. Mắt tôi hoa lên, cảm giác cay cay rồi nhòa trong mắt kính của người con nhớ mẹ. Tôi ra xe chạy về phía cầu Cửa Đại. Đứng tựa lan can nhìn về phía biển. Làng Trung Phường, nơi mấy tòa nhà cao to của một dự án 500 triệu đô la đã thay cho làng chài nghèo khó ngày xưa. Người dân được sắp xếp vào khu ở mới cách biển chừng hai cây số, nghĩa là nghề chài lưới biển bãi ngang của bao đời đã được khuyến khích chuyển đổi qua nghề khác. Nhìn xa dần về phía nam, nhô lên một cụm công trình bề thế, chồm ra phía biển một khách sạn hạng sang, sân golf, vườn rau sạch, khu vui chơi giải trí... của một thương hiệu Việt - Vincom. Lần theo trí nhớ, thời chiến tranh ở vùng đệm sát biển những loài dương liễu, lông chông, cỏ cụm, xương rồng, trơ mình phủ cát, chắn gió đã ăn sâu vào tiềm thức người dân xứ này. Làng quê với những cảnh vật lũy tre, cây đa, giếng nước, đình làng, bến cá, chợ quê mãi neo đậu trong ký ức tuổi thơ.
Nhà ngoại tôi gần chợ Bàu Bính. Một không gian xưa cũ, nhà rường 5 gian, nhà trù, nhà ngang, sân gạch, vườn hoa, ruộng thổ bậc cao, bậc thấp. Hai hàng cau thẳng tắp từ sân ra ngõ. Con đường làng quanh co, lũy tre tươi xanh, mặt đường trải hoa bóng nắng. Cậu tôi - ông Giáo Thế, tham gia tổ chức Việt Minh rất sớm, nhà cậu là cơ sở nuôi nhiều cán bộ cách mạng thời kỳ bí mật... Nhớ Tết Mậu Thân, nhà ngoại trở thành điểm trực của ban chỉ huy chiến dịch. Mẹ và tôi cùng nhân dân Bình Dương tập trung tại nhà ngoại để chuẩn bị tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An. Mỗi thành viên mang theo vũ khí thô sơ như cây gậy, cuộn dây, mõ tre, gói cơm vắt. Không khí đi khởi nghĩa mà đông vui, nườm nượp như đi lễ hội. Sáu giờ chiều, một người phụ nữ cụt nửa cánh tay, vai mang xắc cốt, đến phổ biến chủ trương chuẩn bị lên đường để kịp tới Hội An vào giờ G đêm giao thừa.
Hôm nay, tôi trở về nhà ngoại, không còn mẹ dẫn lối, nhưng đi đâu, về đâu tôi cũng cảm nhận như đi theo dấu chân của mẹ. Nồi Rang chợ mai, Bàu Bính chợ chiều ngày xưa là nơi mua bán sầm uất, nay kinh doanh nhỏ lẻ, thưa thớt, sống dựa vào mua bán phục vụ bà con trong làng. Bàu Bính trở thành căn cứ lõm 1970-1972. Bàu Bính là nỗi khiếp sợ của quân thù. Bàu Bính là nơi đã rèn đúc nên khí chất kiên cường, bất khuất góp phần để Bình Dương trở thành đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang lần thứ hai trong sự nghiệp chống Mỹ.
Khi còn nhỏ, tôi nghe mẹ kể vườn tổ quê mình ngày xưa rộng lớn, một phần đất công, một phần phân chia dần cho lớp lớp con cháu để mỗi gia đình nhỏ có mảnh vườn và nhà ở riêng. Vườn đã có trong tâm thức một ranh giới linh hoạt, co giãn. Vườn trong buổi đầu tham gia vào quá trình hình thành làng thôn xã tắc. Trở lại vườn xưa nhà nội, dấu tích cảnh quan chỉ còn lại bụi tre ở góc vườn, con đường làng nay thành đất thổ. Đường giao thông chính xuyên suốt xã được dịch chuyển và mở rộng, mặt đường được trải bê-tông cho các loại xe chạy thông suốt. Máy móc nông nghiệp hiện đại, lực lượng lao động được đào tạo, trình độ được nâng lên. Qua rồi mùa nắng hạn đôi gàu trên vai tưới tiêu nuôi dưỡng cây rau cây màu. Qua rồi thời gàu sòng dợi nước, gàu giai đứng cặp đôi, cặp ba, để cấp nước cấy trồng và chống hạn khi lúa lên đòng. Cánh trẻ có cách làm nông nghiệp khác xa thời trước. Sự vất vả quanh năm để làm ra hạt lúa như thời cha ông nay chỉ còn trong câu chuyện cũ. Như sợ thời gian làm mờ đi những câu chuyện cũ, người mẹ của thế hệ vàng thời chiến tranh nhắc lại quá khứ hào hùng là những dấu son lịch sử trân quý và tự hào để lại trong lòng cháu con, trong ý thức sâu thẳm nhằm hướng tới tương lai phát triển vững bền.
Trong ký sự của mình nhà văn Hồ Duy Lệ viết về tấm gương “người kết nối đường dây” của tổ chức Đảng vào thời kỳ khó khăn, ác liệt sau Hiệp định Genève. Người đảng viên kỳ cựu Phan Thị Truy đã kết nối những người cộng sản, những cơ sở Cách mạng trong lòng địch, bất chấp gian nan hiểm nguy, vượt qua sự theo dõi của bọn mật thám giữ vững đường dây liên lạc từ cơ sở tới lãnh đạo cấp trên, phấn đấu trở thành Hội trưởng Phụ nữ tỉnh Quảng Nam trong thời chống Mỹ. Lần nào gặp cô cũng chuyện trò niềm nở, dẫu còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng cô luôn thư thái với tuổi già và hết lòng với thế hệ trẻ. Chị Hai Nhiên (Nguyễn Thị Nhiên) người con gái trung hậu của Lạc Câu gửi hai đứa con thơ dại cho hai bên nội ngoại để thoát ly cùng chồng làm cách mạng. Nhớ con, người mẹ trẻ lần về nhà ngoại thăm con, bọn ác ôn đánh hơi đã truy lùng bắt chị. Chúng buộc chị đầu hàng, khai báo để được sống bên con nhỏ nhưng người chiến sĩ Cộng sản kiên cường ấy đã bình thản đòi quân giặc mở trói, tháo băng bịt mắt để chị ôm vào lòng đứa con gái bé bỏng mới lên năm và vỗ về an ủi con rồi chị sẵn sàng hiên ngang chọn cái chết quyết không đầu hàng. Bọn tà gian lên đạn, chị thách thức hô vang: Đả đảo đế quốc Mỹ. Hồ Chí Minh muôn năm… loạt tiểu liên của chúng quét vào người chị, chị ngã nhào, máu phun ướt đứa con thơ đang ôm lấy mẹ, mọi người bàng hoàng thương xót. Em bé mất mẹ, hoảng sợ khóc thét “mẹ ơi”…
Mùa đông năm Giáp Thìn, hơn chục ngày bầu trời phủ kín mây đen, mưa tầm tã, ruộng đồng, làng quê chìm dần trong nước. Dòng nước bạc dâng lên những con cá dìa đỏ mắt lờ đờ trôi nổi, chúng tôi đua nhau bắt cá. Mặt nước dập dềnh, những gia đình ở khu vực địa hình thấp bắt đầu kê kích, cố gắng di dời những thứ quan trọng lên ghế, lên bàn tránh ngập. Trời tối om, nước dâng lên rất nhanh. Bỏ mặc tài sản ngâm trong nước anh Ba kê cái thúng chai sát giường, giục chị Năm và tôi bước lên thúng chai, anh đẩy hai chị em nhanh chóng rời nhà lên chân nổng Ông Bút để thoát nạn “bà thủy” tràn qua. Mưa đầu nguồn rất to, nước tràn về, vùng hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn tan tành theo thác lũ, nhà cửa, cây cối heo gà trâu bò trôi lềnh phềnh theo dòng nước. Hơn ngàn người các làng ven sông trôi ra sông ra biển. Những nhân chứng sống cao niên nhìn nhận đây là năm bão lụt lớn trăm năm chưa có. Các cụ già còn gắn mác năm Giáp Thìn bão bay cối đá, lụt cá ăn sao! Một đại hoạ thiên nhiên tàn khốc. Phải chăng những cuộc đấu tranh sinh tồn ấy đã góp thêm sức sống cho câu chuyện thần thoại Sơn Tinh Thủy Tinh mà bao lớp người kể cho nhau nghe.
Tháng 3 năm 2000, sau đợt mưa, trời hửng nắng, Hồ Trung Tú, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Miên cùng hai người con
Bình Dương về thăm quê cát thực hiện phim “Giở lại Nhật ký chiến tranh”. Chị Trần Thị Cúc nghỉ phiên chợ, không quên gói theo hai chục trứng vịt lộn chọn từ sạp hàng của mình để mang đi mời mấy anh em. Một ngày trở lại Bình Dương hăng say và rộn rã, chúng tôi lặn lội từng xóm làng, đi theo từng nhân vật, từng con người đã hiện rõ trong Nhật ký chiến tranh. Con đường ngoằn ngoèo khi đi xe, khi cuốc bộ. Gặp người phụ nữ bưng cái rổ đi từ phía rừng dương bước ra, anh Lệ hỏi thăm; người mẹ kể một mớ chuyện thời chiến tranh: “…ở đây ác liệt lắm, chỉ có cát, không một cây xanh, không một túp lều chứ nói chi tới nhà cửa. Vợ chồng tôi là du kích ở vùng này…”, rồi mẹ đưa tay chỉ đường cặn kẽ. Chúng tôi dừng lại trước căn nhà tuềnh toàng trong vườn toàn cát. Mẹ Nhạn ngồi một mình trên chiếc chõng tre lau chùi mấy chiếc huy chương như săm se chăm chút tài sản quý nhất mẹ có trong nhà. Mẹ say sưa kể chuyện chiến tranh và sự vượt ngàn gian khó để xứng là người Bình Dương với cách mạng. Mẹ sống một mình nhưng trồng rất nhiều khoai lang, mẹ nói làm như vậy cũng để có khoai nuôi du kích và nuôi chính mình. Ghé thăm nhà mẹ Chiến, người mẹ tóc bạc da nhăn nheo móm mém nhai trầu, ngồi một mình ở hiên nhà. Chị Cúc ngồi bệt xuống hiên ôm lấy mẹ: Con là Sáu Cúc Xã đội trưởng thời chiến tranh đây!. Mẹ nheo mắt nhìn thật kỹ, nhận ra người bạn chiến đấu của con mình. Mẹ òa khóc, nước mắt, nụ cười hai người phụ nữ làm chúng tôi vô cùng xúc động. Biết bao người em, người chị, người mẹ Bình Dương tràn vào trang Nhật ký chiến tranh.
Hồ Duy Lệ nói theo dấu chân nhà văn Chu Cẩm Phong, hôm nay mình về ở nhà chị Lạng thôn đầu mút của xã, chị em đang làm tuần 21 ngày cho mẹ. Mình nghe bà con làng xóm thương tiếc nhà ấy mới là nhà cách mạng toàn gia, bà không có ai bì, đấu tranh sản xuất chi cũng hì. Đọc trang nhật ký mà tưởng Chu Cẩm Phong đang đối thoại với ông già Phan Cứ tay lấm chân bùn bộc trực đến khó tin: Bây chừ dân Bình Dương không biết làm chi ngoài làm cách mạng (Nhật ký chiến tranh). Người Bình Dương đã nói và họ đã làm với quyết tâm không thể lay chuyển, với ý chí cao ngút trời "dân ta chỉ một lời này, thề cùng giặc Mỹ có mày không tao. Tay cầm chắc súng dao, thề cùng giặc Mỹ có tao không mày". Thời chiến tranh đã có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo về sống ở Bình Dương, được nhân dân che chở đùm bọc thương yêu, cũng từ đây nhiều tác phẩm văn học ra đời: Mặt biển - Mặt trận, Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám của Chu Cẩm Phong, Gương mặt thách thức của Dương Thị Xuân Quý, Người đi dép một chân của Bùi Minh Quốc…
Đất nước hòa bình, nhiều nhà văn nhà thơ, nhà báo về lại Bình Dương, họ viết tiếp về đất và người Bình Dương: Cát cháy của Nguyên Ngọc, Hoa lông chông trên cát của Gia Vi, Quê hương của Thái Bá Lợi, Trồng cây của Xuân Diệu, Bài ca Bình Dương của Lý Hoài Xuân, Miền gió cát của Thái Miên… Nhưng tôi nghĩ bao nhiêu bài, bao nhiêu quyển sách viết về nơi ấy, cũng chưa đủ. Bởi tổn thất ấy thật là nặng nề, không thể bù đắp.
Chúng tôi về Bình Dương ghé thăm Phòng truyền thống, một không gian ấm cúng nổi bật ba tấm trướng ghi nhận xã Bình Dương đơn vị hai lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang, một lần Anh hùng Lao động.
Anh Nguyễn Thành Đạt phó Chủ tịch Ủy ban xã đưa chúng tôi tới thăm cô Trịnh Thị Huyền. Căn nhà cấp bốn được xây dựng trên nổng cát khô khốc, không một bóng cây, cảnh vật im lìm trong cái se lạnh của mùa đông đang tới. Gọi một lúc không nghe tiếng trả lời, anh đẩy cổng đi vòng ra phía sau nhà tìm cô, nghe có khách cô chậm rãi từng bước ra đón chúng tôi. Một cụ bà 76 tuổi, không chồng, không con, không người thân ruột thịt, sống đơn côi trong căn nhà do báo Lao Động xây tặng bằng nguồn góp của bạn đọc. Cô chào hỏi, chuyện trò với từng “đồng chí”, chúng tôi hiểu được người con vùng đất Bình Dương từng xông pha lửa đạn thời chiến tranh khi mới 26 tuổi. Một nữ Huyện ủy viên Trịnh Thị Huyền gan dạ, nhiệt huyết, sẵn sàng nhận nhiệm vụ về làm Bí thư Bình Dương ở thời điểm cam go, ác liệt nhất… Năm mươi năm trôi qua, hôm nay nắm bàn tay cô, tôi rưng rưng nước mắt nghĩ tới thế hệ những người hôm qua vì đất nước mà gác lại chuyện chồng con, nay một mình chống chọi với áp lực của tuổi tác, với những vết thương và bệnh tật.
Nói về những Mẹ Việt Nam anh hùng ở Bình Dương mỗi gia đình một hoàn cảnh: Mẹ Việt Nam anh hùng Vương Thị Cận gia đình 4 liệt sĩ, 3 chị em ruột là mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Huấn gia đình có 4 liệt sĩ có 5 chị em là mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Bãi gia đình có 5 liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Siêm gia đình có 5 liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Cảnh gia đình có 6 liệt sĩ, hai con là mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Diệm gia đình có 6 liệt sĩ. Con gái mẹ Diệm cũng là người có công với nước đã bước qua tuổi 80, bà là người thờ cúng mẹ và các liệt sĩ. Chúng tôi đứng bên mẹ, nhìn những tấm bằng Tổ quốc ghi công trên bàn thờ mà nỗi đau quặn thắt, sự hi sinh của các mẹ quá lớn. Những người mẹ đã làm rạng danh Bình Dương, xứng đáng với truyền thống của một vùng đất anh hùng. Những nổng cát gắn với tên người, tên xóm, tên làng, những sự tích, chiến tích trong đánh giặc… Thời đánh Mỹ, những nổng cát trở thành nơi ẩn náu, nơi tránh pháo, tránh bom, trở thành cao điểm chốt giữ của nhân dân, du kích, bộ đội khi lính Mỹ, Nam Hàn, ngụy quân càn quét… Lực lượng của ta dựa vào đó mà chiến đấu giữ yên làng xóm của vùng giải phóng. Phía trước Ủy ban xã là Nghĩa trang Liệt sĩ Bình Dương. Nhiều người tới đây thắp hương trong những dịp lễ tết đều nhận thấy công tác chăm sóc nghĩa trang được địa phương rất chú trọng. Chúng ta hiểu rằng, các liệt sĩ đã anh dũng hi sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang khi Tổ quốc cần mà chưa và không bao giờ đòi hỏi ở Tổ quốc sự đền đáp vinh danh, những người con ấy khi còn sống luôn nghĩ về người mẹ của mình nhiều nhất. Chúng ta không khỏi nặng lòng và bao lần tự hỏi: Vì sao người dân Bình Dương vẫn duy trì nếp quen nhang khói ở những địa điểm khó có ai nghĩ tới như cồn cát, bờ tre, góc vườn, gốc cổ thụ...? Có lẽ, chỉ người Bình Dương biết rõ trong từng hạt cát quê mình thấm đẫm những gì... Từ cảm thức ấy, chúng ta sẽ không khỏi nhói lòng suy nghĩ về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Bình Dương, mà nhiều mẹ của các liệt sĩ tới nay vẫn còn nằm lưu lạc trên bãi cát, bờ ao chưa thể tìm thấy, thậm chí có những gia đình bị tiệt diệt, không còn ai để chăm sóc mồ mả, hương khói và thờ phụng.
Từ những xót xa trăn trở ấp ủ nhiều năm, tôi nêu ý tưởng Vườn Mẹ, một không gian sinh tồn của gia đình, vùng đất, quê hương, nó có tính co giãn theo không gian và thời gian. Vườn mẹ ngày xưa vắt qua nổng cát. Bên biển, bên sông, lộng gió khơi xa. Đời mẹ nghèo quanh năm tần tảo. Giàu tình yêu, các con được chăm chút mỗi ngày. Vườn Mẹ nơi gắn bó một đời với gia đình chồng con, nơi mẹ sẵn sàng hiến dâng những đứa con yêu quý máu thịt do mình dứt ruột sinh ra, nơi người chồng đầu ấp tay gối và quên cả bản thân mình để góp phần giữ lấy mảnh đất quê hương. Vườn Mẹ là núm ruột, là hồn cốt dân tộc, là văn hoá ứng xử để lấy đó làm nền tảng tư tưởng mỗi khi nghĩ về truyền thống mỗi khi hướng tới tương lai cho lớp lớp cháu con. Vườn Mẹ chuyện của những đứa con. Bằng tâm huyết của mình, tôi nêu ý tưởng không gian Vườn Mẹ với chú Trần Anh Vũ, chú Phan Thanh Toán cùng các cô chú anh chị thế hệ từng tham gia cống hiến tuổi xuân của mình trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Sau một thời gian trăn trở, suy nghĩ và khảo sát thực địa, tôi quyết định chọn khu vực đồi cát, một thực thể có vị trí xứng đáng trong lịch sử thời chiến tranh tại Bình Dương để làm công viên nghĩa trang, nơi an yên mồ mả cho các Mẹ Việt Nam anh hùng. Nơi vinh danh người mẹ Tổ quốc từ Mẹ Âu Cơ, Mẹ Thánh Gióng, Bà Triệu, Bà Trưng, Bà Định, Bà Bình… Một bia ghi danh các liệt sĩ. Tái tạo công sự, hầm ngầm, trạm phẫu, hào giao thông, bờ làng chiến đấu, chòi cảnh giới, chốt tiền tiêu... Vườn Mẹ là không gian sinh tồn có làng nghề truyền thống, có hoa cỏ, cây cao bóng mát, có bến nước, đường làng, nhà văn hóa, lớp học... Vườn Mẹ có không gian bảo tàng các loài hoa xương rồng đa dạng phong phú đã gắn bó với vùng đất này từ ngàn xưa. Vườn Mẹ được quy hoạch giữ yên người dân đang sống tại đây để họ cùng tham gia, chỉnh trang cho làng quê có duyên, có hồn để các con cháu vui sống với nhau. Tôi mời hội đồng cố vấn, hội đồng tư vấn tham gia đóng góp ý tưởng và cách làm Vườn Mẹ. Tôi mang hồ sơ ý tưởng Vườn Mẹ trình bày với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Chủ tịch đón nhận rất vui, đồng tình, chia sẻ, động viên, khuyến khích rồi hẹn tôi tới Phủ Chủ tịch để nhận thư Chủ tịch nước gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam và đồng chí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam về ý tưởng không gian Vườn Mẹ. Tôi vui mừng, chia sẻ cảm xúc với anh Vũ Ngọc Hoàng, Hồ Thanh Hải, Thuận Hữu, Phan Thăng An... về lời lẽ rõ ràng, ấm áp, chân tình trong thư của Chủ tịch nước.
Rời Bình Dương chúng tôi ra Hà Nội, những bạn hữu của ba miền Bắc Trung Nam tề tựu trên góc phố Trấn Vũ, bên kia là Hồ Tây, bên này là Trúc Bạch, gần năm chục con người quay lại với nhau râm ran câu chuyện ngày mai 24/3/2023 ra mắt sách ở 70 Nguyễn Du. Tại buổi ra mắt sách: Bình Dương - Vùng đất anh hùng và Vườn Mẹ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói đôi điều suy nghĩ: Đây là sự kiện đặc biệt, là nghi lễ thiêng liêng để tưởng niệm những người Bình Dương đã chết trong chiến tranh và một lần nữa dựng tượng đài Bình Dương bằng ngôn từ trong hai cuốn sách. Cho tới lúc này tôi vẫn tự hỏi như một kẻ mộng du: Có phải trên thế giới này có một vùng đất mang tên Bình Dương như thế không? Cả hội trường trăm con người ngồi lặng im, lắng nghe. Có nhiều người con Bình Dương, rất nhiều người con cả nước từng sống và chiến đấu ở đây, họ là những nhân chứng tin cậy có một Bình Dương như thế. Một xã hơn 7.000 dân, mười năm chiến tranh 4.700 người ngã xuống do bom đạn. Hơn 1.000 gia đình mà có gần 1.400 liệt sĩ, gần 400 Mẹ Việt Nam anh hùng, là xã 3 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Vùng đất ấy được nhà văn Nguyên Ngọc định danh Cát cháy. Đúng lửa đạn chiến tranh tàn khốc bỏng rát đã làm Cát cháy. Đỗ Cảnh Thìn ngồi nhớ lại chuyến về Bình Dương anh viết Hạt máu nhiều năm còn bầm trong cát. Nhà thơ Trần Đăng Khoa về Bình Dương đứng trên vùng đất thiêng ông thốt lên: Nếu như trên mỗi ngôi mộ của người thân chỉ cần thắp lên một ngọn nến, chúng ta sẽ có một dải ngân hà cháy muốt trên mặt đất ở Bình Dương. Đứng trên diễn đàn, anh Nguyễn Quang Thiều nghẹn ngào tự vấn: Tôi chưa được đến Bình Dương. Tôi sẽ phải đến. Nhưng tôi băn khoăn tự hỏi: Nếu đến Bình Dương tôi sẽ bước đi như thế nào? Lương tâm tôi, bàn chân tôi có đủ sạch để đặt lên mảnh đất kỳ vĩ, thiêng liêng, anh hùng và bi thương ấy không? Cả hội trường chùng xuống chỉ còn âm vang từng câu từng chữ như thấm vào từng chân tơ kẽ tóc. Là người Bình Dương, tôi cứ nghĩ hoài mà chưa thấu hết cái lạ thường của vùng đất và con người nơi đây. Những con người nằm lại trong cuộc chiến tàn khốc nhưng không mất dấu, họ vẫn đâu đây như những sinh linh dõi theo từng chuyển động của cuộc sống. Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết: Những gì qua lửa thành tro rồi. Những gì còn lại thành sắt thôi. Hôm nay, một lần nữa anh Nguyễn Quang Thiều: ...với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tôi nói chúng ta xây dựng tượng đài Bình Dương không chỉ bằng lòng mang ơn, sự kính phục mà bằng cả sự sám hối. Bởi lúc nào đó, ở đâu đó trong những ngày hòa bình, chúng ta đã phản bội lại nhân dân mình, những người đã hi sinh tất cả cho mảnh đất này. Cảm ơn anh Nguyễn Quang Thiều đã nói lên suy nghĩ, nguyện vọng và khát khao cháy bỏng của nhiều người. Anh đã truyền đi mệnh lệnh từ trái tim tới trái tim, làm chúng tôi mãi xúc động và thấy trách nhiệm của mình không chỉ với quá khứ vinh quang mà cả tương lai tươi sáng.
Và không chỉ vậy, trong chuyến thăm Nhà nước Palestine Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã tặng Thủ tướng Palestine quyển Truyện Kiều được dịch và trình bày bản in đặc biệt. Đoàn tặng ngài Đại sứ Palestine tại Việt Nam quyển sách Vườn mẹ và đề nghị ngài Đại sứ dịch quyển Vườn mẹ cho người Palestine đọc. Nhân dân Palestine đang đấu tranh suốt bao nhiêu năm nay cho độc lập dân tộc của họ, đọc Vườn Mẹ để không bao giờ rời bỏ sự nghiệp của họ. Hội nhà văn sẽ tổ chức những người viết tiêu biểu vào Bình Dương đúng ngày thảm sát Trảng Trầm năm nay để thêm hiểu mảnh đất có một không hai trên thế gian này. Hội có thể trao giải thưởng văn học nhân 50 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam…
Ngày 29 tháng 4 năm 2022, ông Phan Diễn nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng về thăm Bình Dương. Được nghe, được thấy, được cập nhật thêm thông tin vùng đất và nhân dân Bình Dương anh hùng trong chiến tranh giữ nước, cần cù, sáng tạo trong lao động thời bình, đứng trên nổng cát đồi Ông Cửu Họp nơi có nhiều chiến tích quan trọng trong thời kỳ chống Mỹ, ông chia sẻ cảm xúc của mình với các anh: Vũ Ngọc Hoàng, Lê Thế Tiệm, Võ Tiến Trung nguyên Ủy viên Trung ương Đảng cùng Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Đức Tuấn, Phan Thanh Châu, Nguyễn Văn Đến, Trương Hùng Linh... Ông nhắc chị Nguyễn Thị Thúc Giám đốc Quỹ Phòng chống thiên tai góp phần đầu tư xây dựng một hạng mục trong Vườn Mẹ. Ông khen ngợi dự án Vườn Mẹ đậm chất nhân văn, biết gìn giữ truyền thống hào hùng của ông cha, biết chọn địa danh mang tính lịch sử, chọn phương pháp và mô hình phù hợp để trọng thị quá khứ, góp phần giáo dục thế hệ tương lai. Ông lưu ý dự án cần gắn kết với diện mạo nông thôn mới để lớp con cháu của các liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng có cuộc sống tươi mới trên chính vùng đất có nhiều hi sinh, mất mát nhưng anh dũng, hào hùng, để khép lại một thời gian nan vất vả, vươn lên cuộc sống mới hạnh phúc xứng với truyền thống của Đất và Người Bình Dương.
Vườn Mẹ, là công trình không của riêng ai, nó là sản phẩm tâm huyết của nhiều người, của nhân dân được Đảng và Nhà nước bảo vệ. Vườn Mẹ cần mỗi người chúng ta chung tay góp sức. Mong rằng ý tưởng tốt đẹp và nhân văn, một công trình tâm huyết, gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng sớm được chia sẻ, để Vườn Mẹ, ước mơ khát vọng cháy bỏng của bao người trở thành hiện thực trên vùng đất Bình Dương anh hùng.
P.Đ.N