Truyện hai người thầy giáo

01.11.2023
Thanh Quế

Truyện hai người thầy giáo

Minh họa: Hồ Đình Nam Kha

THẦY BÊ

Vào năm 1956, tôi đang học lớp 5 tại trường Học sinh miền Nam số 24, đóng tại khu Mácty, Hải Phòng. Tôi thuộc loại học sinh nhỏ tuổi nhất lớp, người gầy gò, mặt buồn hiu, lúc nào cũng cầm một quyển sách mượn ở thư viện nhà trường, trong khi các bạn hết giờ học là xông vào đá bóng hay tập xà đơn, xà kép. Các thầy vừa thương tôi vừa ái ngại cho cái dáng vẻ gầy gò của tôi, nhất là thầy Bê, thầy dạy môn lịch sử.

Vào mùa đông năm ấy trời rất rét. Bọn học sinh miền Nam chúng tôi được phát áo bông, chăn bông nhưng chưa quen khí hậu miền Bắc nên rất khó chịu. Đêm đến, chúng tôi phải nằm chung hai đứa, một chăn trải, một chăn đắp mà vẫn thấy rét, rất khó ngủ. Lúc ấy thầy Bê đang ở phòng riêng trên lầu Mácty. Một hôm thầy rủ tôi lên ngủ với thầy cho vui và cho ấm, vì ở đó có lò sưởi. Từ đó cứ tối đến là tôi lên chỗ thầy. Bên giường thầy có một cái bàn viết, thầy đặt giáo án, bút, mực để soạn bài. Thỉnh thoảng thầy cho chúng tôi làm bài tập rồi cũng đem về đặt trên bàn để chấm dần.

Một lần, khi kiểm tra, tôi viết câu trả lời không đủ ý. Tối ấy, khi lên ngủ, lợi dụng lúc thầy đi lấy nước ở tầng dưới, tôi vội vàng cầm bút chấm mực của thầy viết thêm vào bài của mình rồi vùi bài đó vào xấp bài kiểm tra. Khi thầy trả bài, tôi rất hồi hộp, vì chợt nhớ ra là bài mình viết mực xanh trong khi mực của thầy là mực đen. Khi chữa bài, tôi không chú ý, giờ đâm lo thầy phát hiện ra là lợi dụng sự quý mến của thầy để làm điều sai trái. Nhưng thầy không nói gì cả, vẫn cho tôi đúng 3 điểm (tính điểm theo Liên Xô là 5 bậc, 3 là trung bình) như bài tôi vốn có. Từ đấy, thầy không bao giờ rủ tôi lên phòng thầy nữa. Tôi biết thầy đã nhận ra hành động xấu xa của tôi nhưng không nói ra…

Năm sau, tôi lên lớp 6, chuyển về trường Học sinh miền Nam số 23 ở Hà Đông. Tôi không còn dịp gặp thầy Bê nữa. Nhiều năm, tôi rất ân hận về hành động của mình, chỉ mong gặp thầy một lần để nói ra sự thật và xin lỗi thầy. Nhưng dịp ấy vẫn chưa đến. Tôi nghe ai đó nói hình như thầy đã tình nguyện về Nam chiến đấu…

Năm 1969, sau khi học xong Tổng hợp Sử ở Hà Nội, tôi cũng xin về Nam và được công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng Khu V.

Tháng 5 năm 1978, sau giải phóng, tôi đưa đứa em gái vào trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, tình cờ ngay cổng trường tôi gặp thầy Hường, thầy chủ nhiệm của tôi hồi lớp 7. Thầy đang đi với một người thấy quen quen mà tôi chưa nhớ ra…

- Thưa thầy. Tôi chào thầy Hường.

- Thanh à, thầy đáp, may mắn gặp lại em, thầy nghe bạn bè em nói em đi Nam, giờ tiến bộ lắm, đã thành một nhà văn có tiếng…

Tôi ấp úng:

- Dạ…

- Cậu là nhà văn à, cậu viết để giáo dục mọi người à, giỏi thế! Người kia chen vào.

Tôi trố mắt nhìn ông:

- Thưa thầy, thầy có phải là thầy Bê không ạ? Em ngờ ngợ, lâu quá không gặp thầy nên không dám chào…

- Tôi không phải thầy Bê nhưng tôi quen thầy Bê. Cậu cũng quen ông Bê à?

- Dạ, đó là thầy dạy em hồi lớp 5…

- Thế à …

- Bây giờ em muốn gặp lại thầy Bê để xin lỗi thầy…

- Lỗi gì vậy?

Tôi kể lại chuyện đã xảy ra cho người đó nghe rồi nói:

- Nếu thầy có gặp thầy Bê thì nói em xin lỗi thầy. Lời xin lỗi này em mang theo trong lòng suốt 20 năm nay…

Người đó bỗng nhào tới ôm tôi, khóc:

- Thầy là thầy Bê đây. Thầy nói trớ để coi em có nhớ ra thầy không. Giờ thành một nhà văn rồi mà vẫn nhớ lỗi lầm của mình hồi nhỏ, thầy rất cảm động…

Thầy vỗ vỗ vào lưng tôi rồi tiếp:

- Em biết lỗi là em đã trưởng thành, thầy rất mừng, mừng lắm…

Vừa lúc đó vang lên tiếng trống, thầy cùng thầy Hường vội vã đi vào trường. Từ đó đến nay đã nhiều năm, tôi không gặp lại thầy, không biết bây giờ thầy còn sống hay đã mất… Thầy ơi, em xin cảm ơn thầy đã tha thứ cho em…

 

THẦY BÁ 

Hồi học cấp 3 (hệ 10 năm) ở miền Bắc, tôi rất dở các môn khoa học tự nhiên, nhất là môn toán. Cuối lớp 8, thầy giáo vớt vát lắm mới cho tôi con ba trừ (3-, thang điểm cao nhất là 5) để được lên lớp 9. Ở lớp 9 tôi cũng lâm vào tình trạng như vậy. Tới lớp 10, tôi càng bí rị. Tôi nghe thầy Bá giảng về lượng giác, đạo hàm, hình học không gian mà cứ mù tịt như vịt nghe sấm. Một lần, khi thầy kêu tôi lên bảng thì tôi đứng ngẩn tò te, không làm được bài. Thầy dịu dàng hỏi:

- Em thấy toán khó quá, không học được phải không?

- Dạ, tôi lí nhí đáp.

- Nếu toán em kém thì vật lý, hóa học cũng kém, làm sao em thi tốt nghiệp phổ thông được? - Thầy dừng lại rồi nói tiếp: “Thầy biết em có năng khiếu về văn, thích vào đại học văn, nhưng thi không đậu tốt nghiệp phổ thông thì làm sao vào đại học được?”.

Tôi im lặng. Thầy quay xuống lớp hỏi:

- Em Thanh học toán khó khăn. Vậy có em nào giúp em ấy vượt qua môn toán không?

Một cánh tay giơ lên. Tôi nhìn xuống lớp, thì ra là bạn Xưng, cán sự toán lớp tôi.

- Em sẽ giúp bạn ấy, miễn bạn ấy chịu khó học toán.

Thầy Bá nói:

- Em cố giúp Thanh, thầy sẽ theo sát để góp ý.

Từ đó, Xưng kèm tôi học toán. Còn thầy Bá thì tăng cường kêu tôi lên bảng. Môn toán tôi đỡ dần. Thầy mừng lắm, có lần còn cho tôi 4 điểm (điểm khá). Tôi càng cố gắng chăm học:

- Được đấy, em cố lên. Thầy bảo.

Cuối năm ấy, Xưng nói với tôi:

- Năm nay tớ đoán sẽ có thi đạo hàm, cậu giỏi học thuộc lòng hãy học thuộc lý thuyết 6 đạo hàm đi. Còn về bài tập, tớ sẽ đưa cậu quyển Bài tập toán, cậu cứ làm hết các bài trong đó, bài nào không làm được thì đưa tớ giảng cho.

Theo lời Xưng, tôi làm hết các bài tập trong sách. Khi thi tốt nghiệp tôi gặp may: làm tốt lý thuyết một đạo hàm và làm trúng một bài toán đại (có dạng như tôi đã gặp trong sách Bài tập toán). Kết quả là tôi đã tốt nghiệp phổ thông và thi đậu vào đại học…

Nhiều năm trôi qua. Một lần, nhân cuộc họp mặt cuối năm giữa Ủy ban nhân dân thành phố với các nhà khoa học và văn nghệ sĩ tiêu biểu, tôi đã gặp lại Xưng. Tôi nói với anh chị em xung quanh:

- Nhờ có vị giáo sư Xưng này giúp đỡ tôi mới tốt nghiệp phổ thông để thi vào đại học đấy.

Xưng cười:

- Phải nói là nhờ thầy Bá chứ. Không có thầy nói cho cậu biết phải trái, để cậu chịu khó học toán và phân cho mình giúp cậu thì làm sao cậu tốt nghiệp phổ thông được, phải không?

Tôi và Xưng cùng cười. Hình ảnh thầy Bá lại hiện lên trong tôi: Hiền lành, phúc hậu và ôn tồn…

T.Q