KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHẠC SĨ VĂN CAO (15/11/1923 - 15/11/2023): Từ buồn tàn thu đến mùa xuân đầu tiên

01.11.2023
Phạm Đình Thành

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHẠC SĨ VĂN CAO (15/11/1923 - 15/11/2023): Từ buồn tàn thu đến mùa xuân đầu tiên

Nhạc sĩ Văn Cao

Vào những năm đầu của nền Tân nhạc Việt Nam mang đậm ảnh hưởng của nhạc phương Tây người yêu nhạc lại nghe một lời thì thầm tâm sự bằng âm điệu nhẹ nhàng mang nặng u hoài của người chinh phụ phương Đông qua ca khúc “Buồn tàn thu”. Thu trong nghệ thuật vốn đã buồn rồi, thế mà đây lại là buổi thu tàn nên còn não nề hơn. Vẻ đẹp của tác phẩm có thể đã khiến người đương thời say mê vì nét nhạc mới lạ và hôm nay ta lại lắng đọng trong ca từ khi tiết trời se lạnh cùng gió heo may về. Người ơi còn biết em nhớ mang, tình xưa còn đó xa xôi lòng. Nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên. Chim với gió bay về, chàng quên hết lời thề. Áo đan hết rồi, cố quên dáng người. Chàng ngày nao tìm đến còn nhớ đêm xưa kề má say xưa. Nhưng năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần. Thôi tình em đấy như mùa thu chết rơi theo lá vàng...

Mùa thu chết rơi theo lá vàng nhưng chính những chiếc lá mang nỗi buồn li biệt kia đã báo hiệu một thiên tài cho nền Tân nhạc Việt Nam. Nhờ bóng chim uyên, nhờ gió đưa duyên, chim với gió bay về, bài hát đã được một ca sỹ, nhạc sỹ nổi tiếng đương thời làm mọi người say mê. Chính vì thế mà sau này tác giả đã tri ân người bạn của mình khi ghi thêm lời đề từ: Tương tiến Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn. Đề cập về con người này trong hồi ký nhạc sỹ Phạm Duy khẳng định: “Phải đợi cho tới khi tân nhạc ra đời vào những năm cuối 30 và đầu 40 thì chúng ta mới có được một loại nhạc tình lãng mạn do các người tình tiền phong của thời đại như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Lê Thương, Văn Chung, Dzoãn Mẫn… tung ra (…). Tuy nhiên, loại nhạc tình lãng mạn đó chỉ có thể được gọi là đạt tới độ hoàn mỹ khi nó được xuất phát ra từ một con người tài hoa bậc nhất của thế giới nghệ sỹ trẻ lúc bấy giờ. Người đó là Văn Cao.”

Người nhạc sỹ ấy tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923, tại Hải Phòng trong một gia đình viên chức. Ta thực sự bất ngờ tác phẩm được viết vào năm 1939 khi tác giả lại là một chàng trai mới mười sáu tuổi. Điều gì đã giúp con người ấy viết nên những lời ca mang nặng nỗi niềm như thế? Có lần ông đã tâm sự: “Không hiểu tại sao thơ mà tôi chịu ảnh hưởng thì đều là những bài thơ vào mùa thu. Và với bản thân tôi thì mùa thu nó có cái ấm, có cái se lạnh vào cuối mùa, cũng là những ngày có nhiều tưởng tượng nhất”. Và bây giờ tác giả đã tưởng tượng rồi đưa tâm hồn mình trở về nỗi lòng của người chinh phụ. Một ca khúc tuy ngắn gọn nhưng đã thực sự quyến rủ người đọc không chỉ ở giai điệu, những nét nhạc du dương, hài hòa mà với nhiều nhạc cảnh như một câu chuyện dài. Có lẽ nhờ thế mà khi dựng phim cho bài hát này đạo diễn Đinh Anh Dũng đã thuận lợi phối cảnh khiến người xem xúc động.   

Hòa trong dòng chảy của nền Tân nhạc tiền chiến những cung bậc cảm xúc của tác giả thật đa dạng ông cũng đã rời gót trần gian “thoát lên tiên cùng Thế Lữ” theo Lưu - Nguyễn lên tận Thiên Thai (1941), đưa mình về với những hoài niệm để rồi tưởng tiếc thả hồn theo Cung đàn xưa (1942), nhớ thương một Trương Chi (1943) hoặc mơ mộng trong hiện tại với Bến xuân (1942), Thu cô liêu (1942), Suối mơ

Văn Cao mơ mộng là thế, lãng mạn là thế nhưng lại ẩn trong mình có một trái tim chan chứa tình yêu đất nước. Tình yêu ấy đã bật ra bằng một nhạc điệu hào hùng và những hình ảnh tươi sáng thôi thúc mọi người “Tiến mau ra sa trường” trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Là người Việt Nam, ai cũng thuộc và tự hào khi hát hoặc nghe Quốc ca Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng biết đây là sáng tác của Văn Cao và về hoàn cảnh ra đời có thể khiến ta bất ngờ.

Bài hát được viết vào những ngày mùa đông năm 1944 tại căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant - nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội - đây là nhiệm vụ đầu tiên của Văn Cao với quân đội cách mạng theo đề nghị của ông Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh. Nghĩa là lúc này tác giả chưa phải là chiến sĩ cách mạng và càng không phải là người Cộng Sản. Cách mạng Tháng Tám thành công, bài hát đã vang lên đầy khí thế giữa quảng trường Ba Đình. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Quốc hội khóa I đã chính thức quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca Việt Nam và điều này được ghi trong hiến pháp ngày 9/11/1946. “Tiến quân ca” đã được người Việt Nam cất lên giữa núi rừng Việt Bắc hoang vu và theo nhịp chân người lính Trường Sơn “giải phóng miền Nam”.

Đến khi đất nước đã thống nhất, lịch sử dân tộc bước vào một giai đoạn mới. Lúc này, Quốc hội đã đưa ra một đề xuất cần có một bài Quốc ca mới. Thế là, từ khi phát động 19/5 đến 19/12/1981, Ban vận động Cuộc thi Quốc ca mới đã nhận được 1.420 tác phẩm của 1.181 tác giả, trong số có 173 người là nhạc sỹ chuyên nghiệp. Nhờ làm việc rất thận trọng, kĩ lưỡng, công tâm nên dù qua nhiều vòng tuyển chọn vô cùng công phu nhưng đến chung khảo thì cuộc thi đã đi vào quên lãng mà không chọn được bài nào thay thế biểu tượng sức sống của dân tộc và cốt cách của con người Việt Nam với giai điệu hùng tráng “Tiến lên cùng tiến lên” để mãi mãi “nước non Việt Nam ta vững bền”.

Nhưng niềm vui độc lập của nhân dân Việt Nam (1945) đã chẳng trọn vẹn. Thực dân Pháp đã quay lại khiến đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng (Chính Hữu). Tháng 10 năm 1947, Văn Cao được cử lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Quân Pháp đã gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân ta, chúng thất bại trong kế hoạch vận chuyển bằng đường thủy thì cũng là lúc Văn Cao vừa đến sông Lô, ông tận mắt nhìn dòng sông trôi đan xen những câu chuyện về mưu trí đánh giặc. Sự hoà điệu giữa cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng với những chiến công của nhân dân và tấm lòng yêu nước mà bản trường ca đẹp như một bức tranh đã ra đời. Có thể nói, Văn Cao đã ghi lại hiện thực ấy một cách chân thật nhất bằng tâm hồn của người nghệ sỹ, Trường ca sông Lô đã hòa trong hồn thiêng sông núi. Tôi thích bài hát nhưng phải đợi đến lần ngồi bên “Tượng đài Chiến thắng Sông Lô” được nghe giới thiệu về những năm tháng hào hùng, được thả mình theo giọng hát của ca sỹ Ánh Tuyết trong ánh nắng chiều Việt Bắc mới thấy được sự tài hoa của nhạc sỹ và tự hào về đất nước, con người Việt Nam trước giặc ngoại xâm: Sông mênh mông như bát ngát hát: thây giặc trôi trở về ngập bờ, sông ầm vang tiếng súng trái phá, bao rừng thu như bát ngát người; được tận mắt thấy gió lá vi vu hiền hòa dìu dặt để yêu vẻ đẹp của quê hương mình: Dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô trôi, mùa xuân tới nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh ươm bóng tre, dòng sông Lô lướt trôi. Làm sao lòng không khỏi rộn ràng theo nhịp nhanh với nụ cười chiến thắng của nhân dân được tác giả thổi vào ca khúc: Vui hát ca hòa vui hát ca dân vui nắng như chim xuân thấy mùa và đài hoa lưu luyến xanh rừng đầy lá búp non… Dân hân hoan nghe sóng réo vi vu xa xa, đường ngập người vang gió lá vi vu hiền hòa.

Hiệu quả thẩm mỹ nghệ thuật của bản trường ca là sự hội tụ nét tinh tế của nhiều bộ môn nghệ thuật hòa quyện trong ông. Nếu ở giai đoạn tiền chiến Văn Cao dùng cái “tôi” trữ tình riêng lẻ của một cá nhân thì trong những ca khúc kháng chiến lại là cái “ta” của nhân dân, dân tộc nhưng không đánh mất đi cái phong cách sáng tác đậm chất lãng mạn của mình. Đây chính là nét đẹp trữ tình của Trường ca sông Lô, cùng với Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, tác phẩm là lời thách thức đối với các ca sỹ khi thể hiện các cung bậc cảm xúc mà tác giả đã gởi gắm. Bây giờ cứ mỗi lần nghe giai điệu ấy dù ở đâu thì hình ảnh dòng sông oai hùng của dân tộc cùng nét thơ mộng của nó vẫn hiện về trong tâm hồn. Sự quyến rũ ấy không chỉ là giai điệu của nhạc sỹ mà còn ở ca từ trong tâm hồn của nhà thơ Văn Cao. Quá nhiều cung bậc cảm xúc của một bản trường ca. Đề cập đến tác phẩm này nhạc sỹ Phạm Duy đã khẳng định: “Về hình thức, chẳng thua gì bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây Phương. Nét nhạc của trường ca rất mạnh khỏe, rất tươi sáng. Nhịp điệu vô cùng phong phú với những chuyển đoạn rất tài tình…Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung".

Chiến khu Việt Bắc với muôn vàn khó khăn, cực khổ nhưng tất cả điều đó, chẳng thể ngăn nổi sự lạc quan và ước mơ một ngày “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao. Và ngày ấy đã đến: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi reo vui, lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố!...”. Rất tiếc, niềm vui chẳng được bao lâu, tiếng dương cầm trên phố Yết Kiêu đã phải câm nín sau biến cố “Nhân Văn - Giai Phẩm”. Tưởng rằng tất cả sẽ chìm hẳn vào lãng quên, có chăng chỉ là kỉ niệm, là quá khứ của những ngày buồn bên cảng Hải Phòng, hay những con đường đầy lá vàng của Hà Nội khi vào thu; một chiến khu hào hùng chỉ còn là kí ức tươi đẹp chôn chặt trong tim của tác giả. Người dân Việt Nam vẫn nghe, vẫn hát “Tiến quân ca”, còn tất cả các ca khúc của ông cũng như các tác giả tiền chiến khác đã làm nên diện mạo của nền Tân nhạc Việt Nam đã lùi vào dĩ vãng của lãng quên.  

Gần hai mươi năm, Văn Cao sống với lời nguyền: sẽ không sáng tác nữa. Nhưng, niềm vui đất nước thống nhất, trái tim của người nhạc sỹ lại thôi thúc ông và tiếng dương cầm đã trở mình để cất tiếng ngợi ca vẻ đẹp của quê hương và tình người say đắm: Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên/ Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm. Và ông bảo đó là “Mùa xuân đầu tiên” (1976). Điệp ngữ “đầu tiên” được sử dụng với một tần suất cao và ngay cả trong nhan đề đã khẳng định niềm vui sau hàng trăm năm đợi chờ. Nhưng, lại một lần nữa, Văn Cao lỗi hẹn với người yêu nhạc, điệu valse với nhịp 3/4 đầy quyến rủ, lãng mạn của ông đã lạc lõng bên những ca khúc hào hùng, rộn rã ngày chiến thắng, dù đã chọn hình ảnh mở đầu đậm chất trữ tình dặt dìu mùa xuân theo én về nhưng đó chỉ là “một cánh chim thu lạc cuối ngàn”. Có thể nói, gần hai mươi năm thai nghén (1958-1976) Văn Cao mới sinh được đứa con muộn màng nhưng thân phận cũng lắm đau thương như chính cuộc đời ông; thêm gần hai mươi năm nữa thì bài hát mới đến được với mọi người.

Tôi không tin vào số mệnh, nhưng những thăng trầm của tác giả đã khiến tôi phải có một suy nghĩ khác. Nàng Kiều viết “một thiên Bạc mệnh” rồi chịu cảnh mười lăm năm lưu lạc! Có khi nào, số phận đã sắp đặt để ông cất lên một điệu buồn khi còn ở tuổi thư sinh. Mùa thu với những chiếc lá vàng rơi đã trở thành chất liệu nghệ thuật trong sáng tác đầu tay đã gợi nỗi buồn chia ly. Ở đây, ông lại chọn buổi thu tàn, cho nên dù sau này “mùa xuân” kia có là đối tượng trữ tình và kèm theo định ngữ “đầu tiên” để tìm sự tươi vui cũng chẳng thể nào cứu nổi sự chao đảo của một đời người.

Trong bộ phim “Buổi sáng có trong sự thật” (Hãng phim Trẻ và hãng phim Giải Phóng-1995) ông đã tâm sự: Muốn chìm lấp sự cô đơn chỉ có làm việc là chính, hiện nay tôi chỉ ngồi một mình lắng đọng lại thì thấy thiếu mọi người, thiếu ngay cả bản thân mình, xung quanh mình đều vắng lặng, bù đắp sự vắng lặng ấy chỉ có nghệ thuật không có cách nào khác. Nghĩ là vậy, mong ước là thế nhưng cuộc đời lại khác, ta chẳng đón nhận được thêm tác phẩm nào của ông. Có thể cái nhìn của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, người đã có vài trăm tấm ảnh về ông, giúp ta lí giải điều này: “Đời tôi chưa thấy ai buồn như Văn Cao”.

Người đời biết nhiều đến ông là một nhạc sĩ nhưng tác giả còn là một nhà thơ, một họa sỹ đa tài, ở lĩnh vực nào ông cũng thành công. Riêng về âm nhạc ta hãy lắng nghe nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đánh giá: “Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi đi la đà giữa cõi người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong thân phận riêng tư... ”.

Một trăm năm đã đi qua, Văn Cao đã trọn một đời người nhưng sẽ còn ở mãi cùng chúng ta và đất nước. Tôi tự hào trong nhịp phách khi nhìn thấy “sao vàng phấp phới”, thích lắng hồn tưởng tiếc một buổi thu tàn và mê say nghe tiếng gà đang gáy trưa bên sông khi mùa xuân về. Tôi yêu một Văn Cao, người nghệ sỹ tài hoa của nền âm nhạc Việt Nam.

P.Đ.T