Bàn về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình dân gian trong công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng

01.11.2023
Bùi Văn Tiếng

Bàn về việc bảo tồn và phát huy  giá trị di sản nghệ thuật tạo hình  dân gian trong công trình kiến trúc  và điêu khắc xứ Quảng

Không gian trưng bày một số tác phẩm điêu khắc dân gian Cơ Tu tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Khi bàn về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn nghệ dân gian, thường giới nghiên cứu folklore chủ yếu chỉ tiếp cận các di sản về ngữ văn dân gian, sân khấu dân gian và về âm nhạc dân gian. Cũng có một số nhà folklore học quan tâm đến nghệ thuật tạo hình dân gian nhưng chủ yếu ở lĩnh vực hội họa như tranh Đông Hồ của Bắc Ninh, tranh Hàng Trống của Hà Nội hay tranh làng Sình của Huế… Tại sinh hoạt học thuật lần này, Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng đang hướng việc tiếp cận giá trị di sản văn nghệ dân gian vào một số lĩnh vực khác của nghệ thuật tạo hình dân gian như kiến trúc và điêu khắc. Tham luận này đi sâu bàn về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng - bao gồm kiến trúc và điêu khắc của các tộc người trên vùng đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm.

*

Nói kiến trúc và điêu khắc của “các tộc người” nhưng trong khuôn khổ tham luận và sinh hoạt học thuật này, thực chất và chủ yếu cũng chỉ có thể nói về kiến trúc và điêu khắc của hai tộc người Kinh và Cơ Tu đất Quảng. Trước hết xin bàn về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc của tộc người Cơ Tu đất Quảng. Có thể nói công đầu ở đây là các bảo tàng và các nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Trên Trang thông tin điện tử Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, tác giả Nguyễn Thị Trinh - là Phó Giám đốc Bảo tàng - đã có bài Nét đẹp điêu khắc dân gian Cơ Tu, khẳng định “nghệ thuật điêu khắc dân gian Cơ Tu có từ lâu đời và gắn bó hết sức mật thiết với người Cơ Tu nơi đại ngàn Trường Sơn (…) xuất hiện khá phổ biến ở các không gian sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt gia đình, lễ hội, không gian tâm linh. Với cái đẹp dân dã, gần gũi, mộc mạc, chất phác, hồn nhiên mà đầy sinh lực, giàu biểu cảm và đậm đà hồn cốt của tộc người mình”.

Trên thực tế, kể từ khi thành lập vào tháng 7 năm 2014 đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã có ý thức sưu tập và trưng bày một số tác phẩm điêu khắc dân gian Cơ Tu như tranh phù điêu của nghệ nhân Pơloong Ablô, như tượng cô gái Cơ Tu múa điệu tâng tung - ya yá, như mặt nạ Cơ Tu… Trên Trang thông tin điện tử Bảo tàng Đà Nẵng còn có bài viết Khám phá điêu khắc gỗ của người Cơ Tu qua các hiện vật bảo tàng của tác giả Trương Thế Liên - Phó Trưởng phòng Sưu tầm Trưng bày và Bảo quản của Bảo tàng - với câu kết mang tính khái quát cao: “Các tác phẩm điêu khắc gỗ của người Cơ Tu đã tạo nên một dấu ấn riêng, một bản sắc riêng trong trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng. Loại hình nghệ thuật này của người Cơ Tu đã khẳng định mạnh mẽ rằng, văn hóa - nghệ thuật Cơ Tu rất phong phú, đa dạng và không kém phần sắc sảo”.

Đặc biệt trên Trang thông tin điện tử Bảo tàng Quảng Nam, trong bài viết Nghệ thuật điêu khắc Cơ Tu và khuynh hướng biến đổi trong quá trình hội nhập và tiếp biến văn hóa, tác giả Trần Văn Đức cho rằng có “nhiều nguyên nhân tác động làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật điêu khắc Cơ Tu, trong đó khuynh hướng biến đổi văn hóa được xem là nguyên nhân trực tiếp”, đồng thời chỉ rõ “nếu trước đây chỉ sử dụng rìu trong điêu khắc, người nghệ nhân cho ra các tác phẩm mang dấu ấn bản địa sơ khai thì ngày nay với đục, bào và tiếp cận với sản phẩm mỹ nghệ từ miền xuôi nên người Cơ Tu tạo nên hệ thống những tượng, phù điêu với mặt bề ngoài trơn nhẵn và đề tài thể hiện không ăn nhập gì với văn hóa bản địa nên sức biểu cảm giảm đi rất nhiều (…) phương án trùng tu chuyển hẳn sang vật liệu khác - bằng bê tông, mái tôn nên sự hiện diện của điêu khắc ở một số công trình gần như không còn”.

Như vậy điều đáng suy ngẫm trên tiến trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc của tộc người Cơ Tu đất Quảng là đang xuất hiện nguy cơ Kinh hóa, từ mẫu mã cho đến vật dụng làm nghề… Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cũng từng cảnh báo nguy cơ này trong bài viết Kiến trúc - nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu: Xưa và nay: “Do được tiếp xúc với các công cụ mới hiện đại từ miền xuôi mang lên như các loại đục gỗ, bào, cưa và nhất là các máy chạy bằng điện, pin như máy cưa, máy bào, máy khoan… cũng như vật liệu để tô vẽ (các phẩm màu, hóa chất) đã tạo nên một gươl khác trong thị giác. Có thể thấy những thay đổi như cột giữa không nhất thiết phải là loại gỗ x’riếng và cột kê trên đá hoặc đế xi măng không cần phải chôn. Sử dụng nhiều kỹ thuật mộng của người miền xuôi như ăn mộng xuyên qua và có chốt nêm để khóa. Tỷ lệ mái tranh với chiều cao nhà (do sàn nâng quá cao) đã làm giảm vẻ đẹp của gươl. Cột đến các cấu kiện gỗ khác được sử dụng cưa, bào, khoan bằng máy. Và cả nhuộm gỗ bằng vec-ni. Vài gươl lợp vật liệu mới như tôn. Thợ dùng bào đục, giấy nhám… tạo nên các bề mặt đã chạm khắc nên thường láng, nhẵn. Ngoài ra còn sử dụng nhiều màu để tô vẽ trên các tác phẩm đã điêu khắc trang trí trong và ngoài nhà. Do đó, rốt cuộc tạo ra nhiều hình ảnh biểu tượng xa lạ với đồng bào như phỏng theo lối trang trí ở miền xuôi (ví dụ hình quả tim với con chim bồ câu, hình con dơi...)”. 

Nhà báo Hoàng Sơn trong bài viết Xót xa nhà Gươl Cơ Tu đăng Báo Thanh Niên điện tử còn dẫn lời người trong cuộc - nghệ nhân Cơ Tu bản địa Bhriu Pố quê thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang - khẳng định: “Điều đáng lo hơn không phải ở chất liệu làm nên nhà gươl (…) Lo nhất là sự biến dạng, tiếp nhận những nét văn hóa ngoại lai làm cho gươl làng mất đi tính truyền thống, tôn nghiêm (…) Sai lầm phổ biến nhất là cách điêu khắc, trang trí ở các nhà gươl mới. Tôi rất đau lòng khi thấy có nhà gươl người ta điêu khắc trên nóc hình ảnh con rồng. Nóc gươl chỉ có hình ảnh của một trong hai con vật, đó là con gà trống hoặc con chim Triing (…) Bốn tấm ván thưng của gươl cũng rất quan trọng. Đó là nơi ghi lại những hoạt động của con dân mỗi bản làng, là hình ảnh của những con vật linh thiêng đối với cộng đồng người Cơ Tu. Việc chọn hình con vật để điêu khắc phải phù hợp. Thế mà, có nhà gươl người ta khắc hình con cá sấu, con tê giác… Núi rừng người Cơ Tu sinh sống làm gì có những con vật này…”.

Vậy cần phải làm gì để khắc phục thực trạng đáng buồn nêu trên? Tác giả Trần Văn Đức của Bảo tàng Quảng Nam đề xuất phải “đẩy mạnh hơn nữa công tác điền dã, khảo sát và có phương án sưu tầm những tác phẩm đẹp để tiến đến hình thành bộ sưu tập mà các nhà sưu tập tư nhân và Bảo tàng Quảng Nam đã làm để trưng bày, phục vụ công chúng tham quan cũng như nghiên cứu (...) tổ chức thêm các trại sáng tác điêu khắc dành cho các nghệ nhân Cơ Tu nhằm tạo điều kiện để các nghệ nhân có dịp giao lưu, học hỏi góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa”. Trên thực tế thì gần đây một số địa phương cũng đã tổ chức trại sáng tác điêu khắc dành cho nghệ nhân Cơ Tu, chẳng hạn như Ủy ban nhân dân huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) đã tổ chức Trại sáng tác điêu khắc truyền thống dân tộc Cơ Tu huyện Nam Đông lần thứ I năm 2023 vào hạ tuần tháng 7 vừa qua tại thị trấn Khe Tre, quy tụ được 36 nghệ nhân điêu khắc Cơ Tu, trong đó có 19 nghệ nhân bản địa, 7 nghệ nhân đến từ Khoa Điêu khắc của Trường Đại học Nghệ thuật Huế, 7 nghệ nhân đến từ huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) và 3 nghệ nhân đến từ huyện Tây Giang (Quảng Nam). Một số nghệ nhân Cơ Tu cũng từng có điều kiện thể hiện tài năng điêu khắc gỗ dân gian của người Cơ Tu tại một số “sân chơi nghệ thuật” của đồng bào các dân tộc thiểu số, chẳng hạn năm 2007, nghệ nhân Bhriu Pố tham gia trại sáng tác điêu khắc tại huyện Buôn Đôn trên Đăk Lăk và đã sáng tác hai bức tượng Rắn thần Già làng - được trưng bày tại Vườn tượng Buôn Đôn cùng tác phẩm điêu khắc của các nghệ nhân Tây Nguyên. Năm 2016 nghệ nhân Bhriu Pố tiếp tục được mời tham gia giao lưu văn hóa tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội vào năm 2016, đặc biệt trong Festival Cà phê Buôn Ma Thuột vào năm 2017, tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân Bhriu Pố đã được trao giải khuyến khích, được trưng bày tại Bảo tàng Đăk Lăk và tại Vườn tượng khu du lịch sinh thái buôn Kô Tam thành phố Buôn Ma Thuột… Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang cũng đã phối hợp với Khu du lịch sinh thái Suối Hoa (thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) lần đầu tiên tổ chức trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ Tu, thu hút nhiều nghệ nhân Cơ Tu từ các huyện Tây Giang, Đông Giang và Nam Giang và một số nghệ nhân tiêu biểu ở huyện Hòa Vang - nghệ nhân Bhriu Pố đạt giải nhất với tác phẩm Mẹ rừng.

Có thể nói điêu khắc gỗ dân gian Cơ Tu thường gắn liền với các công trình kiến trúc truyền thống như nhà Gươl - tiếng Cơ Tu có nghĩa là công cộng/cộng đồng - hay nhà mồ theo hướng ở đâu có chi tiết kiến trúc là ở đó có tác phẩm mỹ thuật. Tuy nhiên cũng cần thấy loại hình phù điêu rời - tức là phù điêu không gắn với công trình kiến trúc truyền thống - ngày càng được nhiều nghệ nhân Cơ Tu yêu thích, bởi qua đó họ không chỉ nhằm góp phần bảo tồn mà còn nhằm góp phần phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình dân gian của dân tộc khi tự mình được mở rộng về đề tài và cảm hứng sáng tác. Đồng thời, chính điều này đã tạo điều kiện để các nghệ nhân điêu khắc gỗ dân gian Cơ Tu dễ dàng mở lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ trong làng nghề điêu khắc gỗ dân gian - từ cách cầm dao, cầm đục, cầm rìu, cho đến cách chọn gỗ hay cách phối màu… như nghệ nhân Bhriu Pố từng chia sẻ: “Người Cơ Tu rất hay sử dụng hai màu chủ đạo, để tô lên những bức tranh hoặc những tượng điêu khắc là màu chàm đen - tượng trưng cho màu của đất và màu đỏ - là màu của mặt trời; và để có được màu đỏ, người Cơ Tu sử dụng củ nâu, màu chàm lấy từ cây tà râm, màu nâu từ củ ma rớt, để trang trí lên tượng gỗ và các bức phù điêu”. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, vào cuối năm 2019 và trong năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang đã triển khai Chương trình quà tặng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huỳnh Đức Thơ cho đồng bào dân tộc Cơ Tu và được xem là một trong những giải pháp bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này - đó chính là khóa đào tạo, truyền nghề điêu khắc gỗ truyền thống của người Cơ Tu với kinh phí khoảng 200 triệu đồng.

*

Tiếp theo xin bàn về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc của tộc người Kinh đất Quảng. Nếu các nghệ nhân tộc người Cơ Tu đất Quảng đặt dấu vân tay tài hoa của mình để thổi hồn vào gỗ nhằm tạo nên di sản nghệ thuật điêu khắc gỗ thì các nghệ nhân tộc người Kinh đất Quảng không chỉ đặt dấu vân tay tài hoa của mình để thổi hồn vào gỗ nhằm tạo nên di sản nghệ thuật điêu khắc gỗ mà còn đặt dấu vân tay tài hoa của mình để thổi hồn vào đá nhằm tạo nên di sản nghệ thuật điêu khắc đá. Đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian của tộc người Kinh đất Quảng, những nghệ nhân mộc ở các làng mộc nổi tiếng như Kim Bồng (thôn Trung Hà, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An), Văn Hà (thôn Văn Hà, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh) có rất nhiều đóng góp, tạo nên được phong cách điêu khắc - kiến trúc độc đáo. Và hiện nay có một số nghệ nhân mộc Kim Bồng như Huỳnh Phương Đỏ sinh năm 1973 đã rất thành công trong việc sáng tạo nên những pho tượng không phải bằng gỗ mà bằng… gốc tre: “Tôi không theo nghề mộc như bao người khác mà theo nghề điêu khắc tượng. Tượng của tôi làm chủ yếu từ gốc tre. Ở đâu có tre già dù xa tôi vẫn tìm đến để mua, thậm chí là lên cả Tây Bắc hay những vùng rừng núi xa xôi. Từ những gốc tre được tuyển lựa đảm bảo cả chất lượng lẫn hình hài để tạo ra những hình tượng độc đáo, trong đó phổ biến nhất là các tượng Phật; trên cơ sở đó tôi đưa về làng Kim Bồng ngâm bùn 9 tháng để gốc tre mềm ra rồi lại đem phơi nắng 9 ngày, sau đó mới bắt tay vào chế tác. Các pho tượng từ gốc tre rất đẹp, bền, được nhiều du khách ưa chuộng mua về làm kỷ niệm. Mỗi ngày ngoài vợ chồng tôi thì các con tôi tuy còn nhỏ nhưng cũng đều tham gia các công đoạn chế tác tượng từ gốc tre. Tôi hy vọng, các con tôi sẽ tiếp tục yêu và giữ nghề để nghề chế tác tượng từ gốc tre, rễ tre của Kim Bồng sẽ luôn được truyền giữ muôn đời”1.

Tác phẩm Phúc - Lộc - Thọ được nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ điêu khắc tỉ mỉ, tinh tế từng chi tiết.

Làng mộc Văn Hà rất nổi tiếng không chỉ ở đất Quảng. Giai thoại dân gian kể lại rằng từng có một cuộc đấu xảo làm trụ đèn ở kinh đô Huế thời vua Thành Thái giữa phường thợ mộc Văn Hà và phường thợ mộc Kim Bồng, kết quả là nghệ nhân mộc Văn Hà đã thắng với biển vàng vì không những chạm được hình rồng chung quanh thân đèn mà còn có công chạm lộng phần bên trong. Tuy nhiên trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian của tộc người Kinh đất Quảng, không giống như nghề mộc Kim Bồng đang có nhiều triển vọng - nghề mộc Kim Bồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2016, nghề mộc Văn Hà lại đứng trước nguy cơ thất truyền, mặc dầu gần đây làng nghề này cũng đã có một vài truyền nhân được nghe tên biết tiếng như nghệ nhân mộc Trần Ngọc Tuấn với sản phẩm chiếc bàn gỗ tự xoay bí truyền học được từ nghệ nhân lão thành Đinh Thẩm…

Bên cạnh di sản nghệ thuật tạo hình điêu khắc gỗ dân gian của hai làng mộc Kim Bồng và Văn Hà, đất Quảng còn có di sản nghệ thuật tạo hình điêu khắc đá dân gian của làng nghề điêu khắc đá Non Nước (trước gọi là làng đá Quán Khái) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2014. Trong bài đăng Trang tin điện tử tổng hợp Văn nghệ Đà Nẵng, người viết tham luận này từng nhận định: “Việc bảo tồn và phát huy Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước có nhiều thuận lợi: Trước tiên là mãi 5 năm sau ngày Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cả nước cũng chỉ có Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Ninh Vân của tỉnh Ninh Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận vào năm 2019; thứ hai là Đà Nẵng có Nghệ nhân Nguyễn Long Bửu của làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước - là nghệ nhân đầu tiên của ngành điêu khắc đá Việt Nam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vào năm 2016 - đã hai lần có tác phẩm điêu khắc trưng bày tại vườn tượng nhân Tuần lễ Cấp cao APEC 2006 ở Hà Nội và nhân Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Đà Nẵng… Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước cũng đã được di dời đến địa điểm mới nhằm đảm bảo sản xuất của làng nghề không gây ô nhiễm môi trường cho các khu dân cư lân cận… Tuy nhiên khó khăn của việc bảo tồn và phát huy Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước hiện nay là tình trạng sản xuất hàng loạt những sản phẩm tượng đá mang tính thương mại hóa hoặc sản xuất kiểu công nghiệp những sản phẩm tượng bột đá - chứ không phải tượng đá - dẫn đến ngày càng ít đi những sản phẩm tượng thủ công qua đó thể hiện quá trình lao động “thổi hồn vào đá” của các nghệ nhân”. 

Bàn tay tài hoa của các nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước/ Quán Khái không chỉ để tạc tượng mà còn để khắc văn bia, trong đó một số văn bia có niên đại rất sớm như văn bia dựng ở chùa Phổ Khánh xã Đại Hòa huyện Đại Lộc có niên đại Mậu Ngọ 1678 niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3 đời vua Lê Hy Tông, hay như Văn bia chùa Thủ Long (thời Pháp thuộc viết nhầm thành Long Thủ, tự dạng trên bia gốc vẫn là Lập Thạch Bi Thủ Long Tự - BVT) phường Bình Hiên quận Hải Châu có niên đại Quý Dậu 1693 niên hiệu Chính Hòa 14 cũng đời vua Lê Hy Tông. Và hầu hết ma nhai Ngũ Hành Sơn vừa được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trong đó có văn bia Ngũ Uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc năm Tân Mùi 1631 niên hiệu Đức Long thứ 3 đời vua Lê Thần Tông và văn bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật năm Canh Thìn 1640 niên hiệu Dương Hòa thứ 7 cũng đời vua Lê Thần Tông, cũng do các nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước/Quán Khái khắc lên vách núi… Chắc hẳn với sự vinh danh mang tính quốc tế này, ma nhai Ngũ Hành Sơn sẽ có điều kiện được bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa. Ngoài ra cũng cần tổ chức nghiên cứu toàn diện vấn đề mỹ thuật dân gian trên hệ thống văn bia cổ khắc đá ở địa bàn Đà Nẵng để có kế hoạch bảo tồn và phát huy phù hợp.

Bàn về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng - bao gồm kiến trúc và điêu khắc của các tộc người trên vùng đất Quảng Nam - không thể không đề cập di sản nghệ thuật tạo hình dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc của người Chăm. Hiện nay di sản nghệ thuật tạo hình dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc của người Chăm đang được bảo tồn khá tốt ở các bảo tàng địa phương cũng như ở các di tích Champa trên địa bàn, nhất là tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng/Musée Cham hoạt động từ năm 1915 và đang tiếp tục phát triển với dự án xây dựng cơ sở II Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tại di tích Champa Phong Lệ. Năm 2003, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã tiến hành kiểm kê, đánh số toàn bộ hiện vật tại di tích Mỹ Sơn và nhập dữ liệu vào máy tính để theo dõi. Ngày 29 tháng 6 năm 2015, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam còn phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học Nga tổ chức Hội thảo khoa học Ứng dụng công nghệ cao trong bảo tồn di tích Chăm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…

Việc tiếp tục sáng tạo những sản phẩm điêu khắc mô phỏng các tượng và phù điêu Champa xưa vẫn được diễn ra như một đề tài nghệ thuật của các nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước - phổ biến là tượng vũ nữ Apsara, hay như việc xây dựng nhà hàng mang tên Apsara trên đường Trần Phú Đà Nẵng - bên trong khuôn viên dẫn vào nhà hàng là một tháp Chăm được xây dựng bởi nghệ nhân Lê Văn Chỉnh quê thôn Phú Bình, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành rất đam mê với nền văn hóa Chăm… nhưng điều đó hoàn toàn khác với việc các nghệ nhân điêu khắc gỗ Cơ Tu sáng tác điêu khắc tượng gỗ như trình bày ở trên kia.

*

Trở lên là nội dung tham luận Bàn về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc xứ Quảng, tập trung đề cập về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc của hai tộc người Kinh và Cơ Tu đất Quảng, đồng thời đề cập ở một mức độ nhất định về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật tạo hình dân gian trong các công trình kiến trúc và điêu khắc của người Chăm trên địa bàn xứ Quảng hiện nay.

B.V.T

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bùi Văn Tiếng, 2023, "Thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể quốc gia",Trang tin điện tử tổng hợp Văn nghệ Đà Nẵng, ngày 31 tháng 7 năm 2023.
  2. Nguyễn Thượng Hỷ, 2015, "Kiến trúc - nghệ thuật tạo hình của người Cơ Tu: Xưa và Nay", Báo Quảng Nam điện tử ngày 27 tháng 12 năm 2015.
  3. Tạ Đức, 2002. Tìm hiểu văn hóa Katu, Nxb Thuận Hóa.