Trong “Nắng trên đồi” có “Tiếng chim xanh biếc” lung linh một khoảng trời thơ

01.11.2023
Nguyễn Kim Huy

Trong “Nắng trên đồi” có “Tiếng chim xanh biếc”  lung linh một khoảng trời thơ

(Đọc tập thơ “Tiếng chim xanh biếc” của Nguyễn Nho Khiêm,  NXB Hội Nhà văn - 2023)

“Tiếng chim xanh biếc”, tập thơ thứ 6 của Nguyễn Nho Khiêm ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 10 năm 2023 sau một quãng đời thơ trải qua bốn mươi năm hơn với 5 tập thơ mang đậm nét hồn quê dung dị đằm thắm anh đã xuất bản: Khói tỏa về trời (NXB Đà Nẵng, 1994), Bên ngoài cánh đồng (NXB Đà Nẵng, 2003), Nắng trên đồi (NXB Đà Nẵng, 2011), Bên cửa sổ (NXB Hội Nhà văn, 2021), Biến thể (NXB Hội Nhà văn, 2021).

Với gần 100 bài thơ mới, rất mới được tập hợp lại trong khoảng một năm qua mải mê sáng tác rồi trải lòng ra trên 160 trang sách, được phân ra làm bốn mục với các tiêu đề mang hàm ý rõ ràng: Đêm Hội An, Khúc xuân phố biển, Biển xanh bóng núi, Chữ tri âm, có cảm giác “Tiếng chim xanh biếc” dường như đã làm bừng nở lên xanh biếc và mênh mang hơn, mới mẻ hơn khoảng trời thơ vốn luôn êm đềm, gần gũi mà tinh nhạy cảm xúc, lan tỏa nhẹ mà thấm của riêng Nguyễn Nho Khiêm, khoảng trời thơ anh đã tạo lập nên cho mình từ một hôm nhìn ra “Khói tỏa về trời” từ “Bên ngoài cánh đồng” những năm còn rất trẻ, rất hồn nhiên mê đắm mọi điều ngọt lành những năm cuối thế kỷ XX.

  1. Khoảng trời thơ êm đềm tựa hồn quê mà đầy sự rung cảm chân thật ấy của Nguyễn Nho Khiêm, tôi đã có cái duyên bắt gặp và cảm nhận từ gần ba mươi năm trước,  - năm 1994, khi anh đến Nhà xuất bản Đà Nẵng đưa in tập thơ dầu tay Khói tỏa về trời. Dường như những điều tương đồng, gần gũi của những người trẻ tuổi cùng thế hệ, cùng bước chân từ quê nghèo ra phố học hành rồi làm việc, rồi ở lại mãi với phố trong những nỗi niềm thương nhớ quê kiểng đã kéo chúng tôi lại gần nhau nhanh chóng, hiểu được tâm hồn nhau, đọc và cảm nhận những câu thơ của nhau thật sâu, thật lắng. Ba mươi năm qua, tôi vẫn còn nhớ những câu thơ của anh lúc ấy. Nhất là những câu thơ viết về người cha lam lũ của mình với một tình cảm không thể nào lắng sâu hơn:

Màu da cha đen, chén cơm thì trắng

Con nghẹn ngào nhớ nắng, nhớ mưa

Tám mươi tuổi chưa có thời gian giỡn đùa với cháu

Tóc le que không dám bạc sợi nào...

Hình ảnh người cha của anh cứ đọng lại trong tôi, nhức nhối:

Con cá chuồn cha chỉ ăn một nửa

Một nửa dành cho nữa hôm sau...

(Cha tôi)

Ngay từ những tập thơ đầu tiên, Nguyễn Nho Khiêm đã viết về nhiều đề tài, đa dạng và nhiều sắc màu, mà có lẽ nổi lên, đậm nét nhất vẫn là những bài thơ về tình yêu đất và người quê hương với những con người, địa danh cụ thể, gợi nhớ gợi thương, gợi nhiều cảm xúc và suy nghĩ. Anh cũng dành nhiều bài thơ viết về các danh nhân, thi nhân lớn - Văn Cao, Phan Khôi, Trinh Đường... mà có lẽ qua cuộc đời và sự nghiệp văn thơ họ, anh muốn gởi gắm những điều anh tâm đắc, và sau này anh gọi là “Chữ tri âm”. Như khi anh viết về khát vọng thơ như là lẽ sống đến phút cuối đời của nhà thơ Trinh Đường: “Tim ngừng đập tay còn cầm bút/ trang giấy trắng bay trống một khoảng trời/ sống khát vọng lóe lên tia chớp/ phút dừng chân thơ trả lại cho đời.” (Nhà thơ Trinh Đường). Và có lẽ trong khoảng trời thơ đa dạng của riêng mình ấy, anh cũng đã có rất nhiều trăn trở, suy tư, chiêm nghiệm, có những giấc mơ đầy tự vấn, nghi hoặc:

trong giấc mơ tôi hiểu mà không biết nói

trong giấc mơ tôi nói mà không ai hiểu

nhưng sau cuối vẫn là một sự tin yêu chắc nịch, niềm hy vọng tươi rói trong sáng đẹp đẽ ngay từ trong suy nghĩ:

sau làn khói cánh đồng tháng ba

tôi đã gieo xuống đấy

ý nghĩ của tôi, tình yêu của tôi

cánh đồng mọc lên

giọt sương nắng mai

cánh đồng mọc lên

tiếng dế cỏ non.

(Bên ngoài cánh đồng)

Nhưng cũng chính trong giai đoạn bất hoặc của đời người, ở vị thế tĩnh tại điềm nhiên ngắm nhìn và ca ngợi những vẻ đẹp của “Nắng trên đồi” ấy, một tiếng sét đau đớn ác nghiệt của số phận đã bất ngờ giáng xuống cuộc đời người thi sĩ, và đã để lại một vết cát cháy xé đứt ruột trong đời và thơ anh. Đó là giữa lúc anh vừa nhận ra hạnh phúc thật ra rất giản dị và lớn lao là: “Được bận rộn vì con, được gian khổ vì con/  Không là cây sậy, không là hạt cát/ Vầng trăng không đơn côi, sa mạc không bỏng khát/ Những vì sao thật gần khi cha nhìn qua ánh mắt con.” trong những giờ đón con, chờ con ở cổng trường thì một mất mát đau đớn đã ập đến gia đình anh:

Chợt một đêm đất dưới chân rung chuyển

Ngọn gió chướng vô hình thổi tắt ngọn nến trái tim cha

Chiều chiều cha lại đến cổng trường đứng đợi

Ríu rít bước chân gần, thảng thốt bước chân xa.

 

Ngày mỗi ngày khoảng trống rộng dần ra

Đêm sâu hoắm đen ngòm đáy vực

Hạnh phúc trong tầm tay hạnh phúc vù bay mất

Biết con vĩnh viễn không về sao cha cứ mở cửa chờ mong!

 (Chờ con)

Nỗi đau quá lớn ấy, có lẽ đến tuổi tri thiên mệnh mới tạm nguôi trong lòng anh, khi anh lại ngỡ ngàng nhận ra:

Ô, ta tuổi năm mươi rồi ư, sống ở thành phố 20 năm mà đám mây trên cánh đồng nụ cười mẹ cứ bay về quấn quýt thịt da

Sao lồng ngực như ống sáo dưới cánh diều ngân vang trong hơi thở của em, trên hơi sương bình minh triền dâu, bãi bắp ven sông.

để “trong bức tranh chiều anh tìm lại mùi thơm mái tóc em và khói đồng ngây ngây hoa dại.” (Trước bức tranh đồng chiều) để lại nôn nao bày tỏ nỗi niềm thơ trước thiên nhiên, trước con người khi ngồi “Bên cửa sổ” mà nghiệm ra những điều anh đã một lần tặng tôi bài thơ viết ở một quán cà phê yên tĩnh:                                

“Đời cộng cho ta ngày mưa tháng nắng

Thời gian trừ tất bật, trở về không

Thân tàn mục đốt thành tro khói

Thơ còn chăng? - Gió thoảng phiêu bồng.”

(Cộng)

Và lại một lòng ngồi đợi chữ gọi thơ: "Bên cửa sổ ly cà-phê mỗi sáng/ một tôi ngồi đợi chữ gọi thơ/ và em nữa bên dòng sông tưởng tượng/ mái trời yêu rất thật giữa ngày mơ" (Bên của sổ) dù biết rõ rằng: “Trong hoang vắng trái tim tôi thức dậy… Còn lại tình yêu là gương mặt cuối cùng” (Chân dung) vẫn chong con mắt phiêu bồng trong đêm để nhận chân ra bóng mình và chắc là cả tâm hồn mình: “Đêm chong mắt nhớ rong chơi/ Từ trong huyệt bạch chân trời hiện ra…/ Phiêu bồng con mắt rất xa/ Nhìn tôi và thấy như là bóng tôi.” (Con mắt phiêu bồng).

  1. Nhìn mình, rồi nhìn người, nhìn đời với con mắt phiêu bồng ấy, bất chợt một hôm Nguyễn Nho Khiêm nhận ra tiếng chim xanh biếc. Tiếng chim có màu, màu xanh, mà lại là xanh biếc. Lạ và có thể nhiều bạn đọc nghi ngờ điều anh thi vị hóa, sắc màu hóa ấy. Nhưng có sao, khi con mắt phiêu bồng lấn át thính giác để phủ màu cho tiếng chim. Bậc tiền nhân Đất Quảng Khương Hữu Dụng chẳng đã từng nghe “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng”(Từ đêm mười chín, 1947), nhà thơ Thanh Quế chẳng đã từng “Hái tiếng chim”(thơ thiếu nhi, 1991) từ rất lâu rồi đó sao? Thi sĩ mà!

Và, với con mắt thi nhân ấy, ở khoảng trời mới có tiếng chim xanh biếc này, Nguyễn Nho Khiêm nhìn đâu cũng thấy thơ, đến đâu cũng có thơ. Mà rung cảm thật sự, tiếp nhận thật tình, chiêm nghiệm suy tư ra rất nhiều lẽ đời thấu đáo hợp lý hữu tình! Đến phố cổ Hội An là có ngay chùm “Đêm phố Hội An” ngót 18 bài thơ dài ngắn, mà bài nào cũng tràn đầy u hoài mơ mộng như phố cổ, dẫu phố có tràn nắng ban mai đi nữa:

Ban mai Hội An, ban mai em

Nụ cười hiền phía trong mắt cửa

Tôi thấy một ban mai ai vừa để lại

Trên mái tóc xuân bờ vai mỏng phập phồng...

(Ban mai Hội An)

Dù có khi cũng rất phũ phàng khi thác lời em dặn làm cái cớ trốn chạy mà bảo rằng “trôi đi” rất ư dâu bể:

anh cứ trôi đi cùng dâu bể

hãy để mình em

ngồi lại với sông Hoài.

(Chiều, bên sông Hoài)

Trốn đi, là để rồi ngồi lại say và mơ cùng phố cổ, khẳng định rất thật dù có hơi phóng đại thời gian: “Về Hội An hôm nay trời nắng dịu/ Rượu ủ từ mây gió, anh say/ Trăm năm trước và trăm năm sau nữa/ Anh vẫn ngồi mơ dọc phố sông này.” (Say ở Hội An).

Mà hình như đến nơi đâu Khiêm cũng say và mơ như vậy, trách gì em và đêm phố cổ trầm mặc mơ màng! Tiếp nối mạch thơ đã định hình từ “Khói tỏa về trời”,  “Nắng trên đồi”,  “Bên cửa sổ”, với Nguyễn Nho Khiêm hình như đi là làm thơ, đến là làm thơ, đứng ngồi ngắm nhìn cũng là suy nghĩ những câu thơ, dù đó là ở đâu, chốn nào, cũng gợi được cảm xúc thơ.  

Và tất cả đều được thể hiện bởi cảm xúc có chọn lựa mà như bất giác ngập tràn, một ngôn từ nghệ thuật có chọn lọc mà như tự nhiên hình thành, kết cấu tứ thơ có suy nghĩ, chuẩn bị  mà như hồn nhiên xuất hiện. Trên những câu thơ, là những rung cảm chân thật có thể tin được, chia sẻ được, không gợn một chút làm dáng cố tình thể hiện bằng những lối nói khoa trương hay áp đặt. Từ cảnh nói tình, từ tình nói về lẽ sống, kín đáo bày tỏ nỗi lòng, tâm sự, để chia sẻ những quan niệm về tình yêu, nhân sinh và nghệ thuật của riêng mình. Đọc và cảm những bài thơ mà hầu hết đều mang tên các địa danh, không gian, thời điểm, đối tượng chia sẻ trong “Tiếng chim xanh biếc”, những điều đó hiển hiện trong mỗi chữ mỗi dòng, khẳng định ngay từ cách đặt tên bài thơ: Ban mai Hội An, Chiều, bên sông Hoài, Bài thơ Tây Giang, Bên cầu Tràng Tiền, Đêm huyện Giằng, Thơ tình Quy Nhơn, Khúc xuân Hòa Bắc, Bài thơ Tiên Phước, Động Huyền Không, Non Nước, Qua Hải Vân, Ghi chép ở chợ, Dạo chơi phía sau hoàng cung Huế, Đến với Trường Sa, Đôi dòng tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma, Thơ tình viết ở Đồng Văn, Viết lúc uống trà vỉa hè Hà Nội, Mũi Cà Mau và em, Tình cờ gặp nhiếp ảnh gia Thái Phiên, nghĩ về nude...

Và viết ở đâu cảnh cũng nặng tình. Viết về gì cũng nặng một tấm lòng.

ở biển:

Từ trong trời đất tinh anh

Dâng lên đỉnh nhớ tan thành thi ca

Đêm buông  biển rót về xa

Sóng xanh còn vọng thiên hà nhớ nhau.

(Biển mặn)

ở núi:

Xa tít biển mây Mù Cang Chải

Gương mặt em tròn má hồng phai

Xin mây mưa rắc tràn mặt đất

Thương nhớ vùi chôn hẻm núi dài.

(Thơ tình viết ở Yên Bái)

viết về chiến tranh và hòa bình:

Chúng ta đã từng nghe

tiếng gươm rút khỏi vỏ

tiếng đạn lên nòng

xích xe tăng nghiền nát con đường

tên lửa nổ toang thành phố

 

Chúng ta đã từng nghe

tiếng rên đêm mùa đông

tiếng thét giữa biển khơi

tiếng hú dài cơm áo.

(Diệu âm)

về tình yêu đất nước, biển đảo quê hương:

Tôi cùng lính đảo hành quân

Nghe bàn chân ấm đảo gần đảo xa

Đất liền nối với Trường Sa

Trường Sa nối với bao la biển mình.

 (Thăm Trường Sa)

Có cảm giác như ở khoảng trời “Tiếng chim xanh biếc”, mạch thơ cứ thế mà xuất hiện dễ dàng, dồn dập, kiểu như nhật ký của một khách đường xa vội ghi lại những điều mình vừa trông thấy và cảm nhận. Nhưng ẩn sâu vẻ bề ngoài hiển nhiên đó, là một sự chắt lọc, tìm tòi không ít công phu của người làm thơ. Như khi anh viết những câu rất lạ ở một số bài: “Chiều hồng em đến thôi miên/ Không gian tinh thắm bóng thiền lộng mây/ Góc trời rồng lượn phượng bay/ Giấc mơ ngóng đợi ngày này bao đêm.” (Mây hồng), “Thong dong giọt nước thiền mây/ Mây thiền nắng mỏng mưa dày trong tôi.” (Thiền); “Một ngày quấn quýt giai nhân, Hồn hoa tuyệt mỹ bấy lần thôi miên.” (Tình cờ gặp nhiếp ảnh gia Thái Phiên, nghĩ về nude)…

“Tiếng chim xanh biếc” cũng mang nặng nhiều trang nỗi đời:

Vì sao chúng ta nhìn

Bằng gương mặt kẻ khác

Chiếc mặt nạ đeo lên

Đi đứng rất chững chạc.

(Xô lệch)

Nhưng tôi vẫn nghĩ, có lẽ, những câu thơ trong trẻo lung linh, đằm thắm tình yêu mới thật sự là nền tảng cơ bản, sắc thái cốt lõi xuyên suốt và kiến tạo nên sự lan tỏa thẩm mỹ trong khoảng trời thơ Nguyễn Nho Khiêm:

Em về Đà Nẵng là mưa

Tháng tư ướt lạnh lời chưa nối lời

Mùa qua ngày rụng tháng rơi

Gieo thương đồng rộng nảy chồi yêu thương.

(Đà Nẵng mưa)

  1. “Bài thơ hay chủ yếu nằm ở nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Dù tứ thơ có lạ bao nhiêu đi chăng nữa, mà nhà thơ không sáng tạo được từ mới, hình ảnh mới thì cũng giống như ta ăn cơm nguội, uống rượu nhạt vậy”, tôi vẫn tin Nguyễn Nho Khiêm là một người làm thơ nghiêm cẩn, có quan niệm nghệ thuật và ý thức cách tân thơ ca rõ ràng, như lời anh đã chia sẻ điều này trên Văn nghệ quân đội năm 2014, và tôi cũng tin như anh từng tin về thơ ca sẽ “thấu mỗi hồn người”, cuộc sống này có thơ ca sẽ dậy men, tỏa hương và sinh nở yêu thương:

Tin một ngày hồn thơ, hồn chữ

sẽ bay loang thấu mỗi hồn người

nhân gian đầy men dâng, hương tỏa

những yêu thương sinh nở thật thà.

 (Dịch thơ)

Niềm tin ấy càng chắc chắn hơn, khi tôi ngồi trong yên tĩnh đọc lại những bài thơ của anh, từ “Khói tỏa về trời” năm xưa đến “Tiếng chim xanh biếc” hôm nay, càng tin hơn về một khoảng trời thơ riêng của Nguyễn Nho Khiêm có khói tỏa, có nắng trên đồi, có “Lòng tôi tĩnh, lắng, vọng, vang” bên cửa sổ và ngập tràn tiếng chim xanh biếc sẽ càng rộng mở, thơ mộng và đẹp đẽ cuốn hút hơn nữa ở những bài thơ, tập thơ sau này của anh, dẫu vẫn biết rằng cái quý giá nhất trên cuộc đời này vẫn là một trái tim yêu mãi mãi còn lại với người: “Còn lại tình yêu là gương mặt cuối cùng”...

N.K.H