Chuyện làng gốm Bàu Trúc
Tác phẩm đất nung của họa sĩ Đàng Năng Thọ.
Mùa Ramưwan 2023, tôi vào thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Từ làng thuốc truyền thống Phước Nhơn, không điện báo trước, tôi và Kiều Maily đến nhà họa sĩ Đàng Năng Thọ ở làng An Nhơn, tên Chăm Pamblap.
Vẫn như lần trước, họa sĩ Đàng Năng Thọ với mái tóc dài lưa thưa điểm bạc, dáng gầy, quần sọt áo thun, đang ngồi trên nền nhà cắm cúi bên bức tranh sơn dầu, anh ngạc nhiên vì đột ngột tôi trở lại. Nhưng tôi càng ngạc nhiên hơn, tưởng bức tranh ấy đã hoàn thành khi tôi đến cách đây một năm. Anh bảo, tuổi của tranh dài hơn tuổi mình. Anh là vậy. Ăn ngủ cũng thao thức với từng đường nét sắc màu, sửa, thêm bớt, nên chưa có ngày khai sinh cho tranh vào đời. Bức tranh về người phụ nữ Chăm làng nghề cổ truyền bàng bạc gam màu của gốm, của gạch đền tháp cổ quê hương trên nền sáng thánh thiện thần linh của lửa.
Là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1987 đến năm 1992, sau khi ra trường anh công tác trong ngành văn hóa, là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận từ năm 2004 cho đến khi nghỉ hưu năm 2014. Năm 2005, anh về quê người vợ sau ở An Nhơn sinh sống. Tại đây, từ năm 2014 cho đến nay, anh dành toàn tâm toàn ý cho sáng tác, hầu như chẳng mấy khi rời khỏi làng. Nhưng hôm ấy, anh cùng chúng tôi sang làng Phước Nhơn, chỉ cách nhà anh một cánh đồng ruộng nhỏ. Bên chén rượu gia truyền cay dịu thoang thoảng thơm mùi cây lá thuốc, từ trưa cho đến cuối chiều, mạch nguồn về văn hóa, về chuyện làng gốm quê hương trong người nghệ sĩ vốn kiệm lời và không thích phô trương lại hào sảng hiếm thấy tuôn chảy bất tận.
Thấm đẫm văn hóa dân tộc mình cả trong hội họa, điêu khắc và gốm mỹ nghệ, anh là họa sĩ Chăm thực thụ. Đối với gốm, từ nguyên liệu của gốm dân sinh cổ truyền qua đôi tay tài hoa của anh thành những tác phẩm điêu khắc đất nung giàu bản sắc mà hiện đại, góp phần làm nên tên tuổi của anh. Tháng năm lặn lội với nguồn nguyên liệu bồi đắp từ dòng sông Quao, phát hiện trong cát phù sa ánh bột vàng non li ti, anh chắc lọc điểm cho tác phẩm nét lung linh huyền bí độc lạ của riêng mình.
Các tác phẩm đất nung của họa sĩ Đàng Năng Thọ:
Họa sĩ Đàng Năng Thọ
Họa sĩ Đàng Năng Thọ sinh ra, sống và thành danh từ làng gốm, vì thế anh trăn trở về những biến đổi chưa bắt rễ từ nguồn cội bản sắc. Năm 1983, khi anh đang công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin, anh đã khảo sát các di tích tại làng gốm quê mình. Lúc ấy, làng có một ngôi đền thờ hai bộ Linga-Yoni lớn nhỏ và tượng một bò thần Nandin còn khá nguyên vẹn. Theo các vị cao niên trong làng, các tượng trên nguyên từ phế tích Glai Lamaow, phía tây của làng, lúc đầu đem về để tạm bên ngoài làng, ở ngã ba con mương, gần cổng sau của làng. Trước khi chuyển đến nơi khác, trong lúc cúng tẩy uế, vị Muk Pajuw lên đồng và tự xưng là Po Klaong Can, bạn của vua Po Klong Girai trong những chuyến buôn xa. Từ đó, Linga-Yoni lớn trở thành tượng thờ Po Klaong Can, Linga-Yoni nhỏ thờ vợ ngài - Nai Lilăng Tabanmưh. Theo lời anh, Can là âm Chăm chỉ ngã ba con mương để chặn nước, nhưng đã biến thành tên vị Po Klaong Can và huy động đóng góp xây dựng đền thờ mới. Và sau này, bỗng nhiên truyền nhau rằng Po Klaong Can chính là vị tổ nghề của làng gốm Bàu Trúc, mặc dù trước đó chuyện ông tổ nghề xa lạ với dân làng.
Ảnh: Jacques Dournes, năm 1952.
Ghi chép của anh cách đây 40 năm khá trùng với nhà nghiên cứu Jaya Thiên, quê làng Mỹ Nghiệp. Jaya Thiên cho rằng, bộ linh tượng Linga-Yoni được dân làng rước từ phế tích Glai Lamaow về để tại địa điểm ngã ba mương nước, gọi là Aia can, đã biến đổi thành Po Klaong Can. Po Klaong Can là Thần Đập nước được thờ ở nhiều địa phương và là ông Thành hoàng của làng gốm, cũng như Po Riyak, thần Sóng biển, được thờ nhiều nơi, làng Mỹ Nghiệp cũng thờ làm Thành hoàng của làng mình. Po Klaong Can không phải là ông tổ nghề của làng gốm Bàu Trúc. Theo mẫu hệ Chăm, người mẹ truyền nghề cho con gái, như tổ nghề của làng dệt Caklaing (Mỹ Nghiệp) là Bà Caklaing - Muk Caklaing.
Cũng theo Jaya Thiên, địa danh Bàu Tró ở Quảng Bình có nguồn gốc Chăm là Hamu Craok. Hamu là đồng ruộng, đồng bằng, Craok là đổ (vào), là đồng bằng có dải đất nhô ra cửa biển, là làng ở cửa biển. Hamu biến âm thành Ma, Craok thành Tró, Hamu Craok thành Ma Tró, nơi nào có bàu nước trở thành Bàu Tró. Từ làng Bàu Tró, Quảng Bình, tổ tiên đã thiên di từ ngàn năm trước, cập cảng Lamngâ, ngược sông Dinh, đến vùng đất này lập làng mang theo nghề làm gốm và tên cũ Hamu Craok, tại đây có bàu nước và đã biến âm thành Bàu Trúc.
Dù có những kiến giải khác nhau về nguồn gốc làng gốm, nhưng đối với họa sĩ Đàng Năng Thọ, gốm Bàu Trúc là nối tiếp gốm Sa Huỳnh hàng ngàn năm trước. Vào cuối thế kỷ XV, chủ nhân của gốm Gò Sành - truyền nhân của gốm Sa Huỳnh, tan rã, một trong 7 làng gốm Gò Sành đã di chuyển vào vùng Panduranga. Như Po Yang, Muk Kei dẫn dắt, người làng ấy dừng lại tại vùng đất Hamu Craok, nơi có nguồn nguyên liệu từ tạo hóa ban tặng để tiếp nối nghề của tổ tiên. Làng Hamu Craok là nơi “chôn nhau đặt viên gạch”, nơi có Kut Hamu Limưn bên mẹ của Po Klan Thu, một vị Po Patao xứ Panduranga - Champa, tức vị đứng đầu trấn Thuận Thành, mang quốc tính nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Vĩnh, nên làng từng có tên là Vĩnh Thuận, ghép tên ông với tên tỉnh Ninh Thuận. Sau trận lụt lịch sử năm 1964, làng gốm Vĩnh Thuận bị ngập sâu, nên dời đến vị trí mới cao ráo hơn cho đến ngày nay và từ đó có tên là Bàu Trúc. Theo họa sĩ Đàng Năng Thọ, những tấm ảnh do nhà nhân học Jacques Dournes, người Pháp, chụp năm 1952, là về người mẹ làng gốm Vĩnh Thuận, những người mẹ Chăm đội gốm đi bán các xứ khác. Không ai khác, chính người mẹ Chăm là người truyền nghề làm gốm cho con gái, từ thế hệ này qua thế hệ khác.
V.H