Vũ Hữu Định - Khúc hát người lỡ vận

12.08.2021
Huỳnh Văn Hoa

Vũ Hữu Định - Khúc hát người lỡ vận

Nhà thơ Vũ Hữu Định tên thật Lê Quang Trung, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên - Huế trong một gia đình nghèo. Sống qua nhiều nơi ở Tây Nguyên, Sài Gòn, lập gia đình và định cư tại Đà Nẵng.

Vũ Hữu Định làm thơ và đăng báo từ khoảng giữa thập niên 1960, với bút danh Hàn Phong Lệ. Về sau, đổi thành Vũ Hữu Định. Vũ Hữu Định có thơ in ở các tạp chí Bách Khoa, Văn, Ý thức, bắt đầu nổi tiếng từ khi bài thơ Còn chút gì để nhớ, đăng trên tuần báo Khởi hành, được Phạm Duy phổ nhạc.

Một cuộc đời ngắn ngủi, dằng dặc những chia ly

Cuộc đời Vũ Hữu Định ngắn ngủi, lắm gian nan, nhiều mộng ước không thành. Một đời người luôn lo toan cơm áo, sống chân thật và trách nhiệm với vợ con và bạn bè. Những khao khát vươn lên song cái nghèo, cái khổ cứ đè nặng, vì thế, dễ hiểu vì sao Vũ Hữu Định tìm đến với chén rượu. Và, cũng chính chén rượu, làm nên những bài thơ hay của thi sĩ này. Đời Vũ Hữu Định là “những ngày trú quán”, “cõng mộng lang thang”, rày đây mai đó, vô định. Thơ để lại cho đời không nhiều, song, nhiều người yêu thích, tìm đọc. Vũ Hữu Định có phần giống Tản Đà, đó là “quê hương thời có, cửa nhà thì không”, “bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly” (Thú ăn chơi). Bao năm, với Vũ Hữu Định:

- Ta đi, có những ngày khô héo

chẳng nhớ quê xa, chẳng muốn về

mẹ, chị, đàn em như bóng khói

nương với đời ta quay quát trong mê

(Chẳng hay)

- Trưa ngủ đậu, chiều đi, đêm đợi

Mai lang thang, mốt biết về đâu?

Ngày với tháng cứ đùn như mối

Tháng với ngày qua như một bãi mù

(Những ngày long đong)

 

- Gần Tết, bỗng dừng sầu níu rượu

Anh em không hẹn gặp nhau hoài

Xa lắc thời em khoe áo mới

Tết này em chú đã hai mươi

 

Em ta: Mới đó hai mươi tuổi

Đời mọc râu mọc tóc ngang tàn

Ta ba mươi vẫn một đầu tóc bạc

Vẫn một đời cõng mộng lang thang

(Bữa rượu cuối năm)

 

- Sáng nay quê người lạnh

Gió nổi thốc trong lòng

Ngậm ngùi bao nhiêu rượu

Cũng không quên mùa đông

(Cảm ân người vợ khổ)

Không thể tách thơ ra khỏi con người nghệ sĩ Vũ Hữu Định. Thơ Vũ Hữu Định như bản lý lịch sơ lược về đời mình. Các chặng đường đời, đường thơ, những nỗi đau, niềm vui với bạn bè, gia đình, quê hương, đều chiếu rọi qua thơ. Có thể nhìn ra, cuộc đời hắt bóng trên nhiều trang viết của Vũ Hữu Định. Nhiều hình ảnh như cửa ngõ, mở ra một Vũ Hữu Định ngay thật với chính mình. Chiến tranh. Biến động. Xê dịch. Dấu vết gập ghềnh, không bình an giữa thơ ca và cuộc đời, giữa thực tế cay xè và mộng mơ sáng tạo, giữa sống và viết, giữa muốn giữ yên ắng cho tâm hồn và ba động dữ dội của thời cuộc... làm cho thơ Vũ Hữu Định có những thăng hoa bất tuyệt. Đặc điểm này tạo nên thế giới nghệ thuật độc đáo, riêng một cõi nơi Vũ Hữu Định. Còn chút gì để nhớ, Sáo đã sang sông, Khúc hát người lỡ vận, Những ngày long đong, Ở một nơi nào để nhớ một nơi, Chẳng hay, Cảm ân người vợ khổ, Cũng có khi nào... là những bài thơ như thế.

Khúc hát người lỡ vận, bài thơ có 7 khổ, với 9 lần nói về các cung đàn lỗi nhịp của một người lỡ vận, cuộc đời dang dở những khúc hát buồn, khúc hát cay, khúc hát chua:

Khúc hát buồn như một khúc sông con

khúc hát cay như những lần uống rượu

khúc hát chua như một đĩa củ mòn

 

khúc hát đời cha nay tới đời con

khúc hát đời mẹ già tần tảo héo hon

 

khúc hát phần cơm ba phần sắn

khúc hát mai chiều nhịn nuôi con

 

đừng để con nghe những lời gian khổ

khúc hát hai ta đã hát một đời

 

ta đã hát khúc hát đời lỡ vận

hát âm u trong đêm tối một mình

Khúc hát người lỡ vận một trong những bài thơ hay, cảm động nhất của Vũ Hữu Định. Bài thơ chứa chan tình yêu thương đối với mẹ cha, gia đình, đặc biệt đối với người vợ hiền thảo, lẳng lặng thương chồng, nuôi con. Bài thơ như chiếc đĩa hát cũ mềm, hát đi hát lại bao cảnh khổ. Trong thơ ca Việt, có một Tú Xương tả cảnh nghèo, đàn con nheo nhóc, cảnh vợ “quanh năm buôn bán ở mom sông/ nuôi đủ năm con với một chồng” và hôm nay có thêm một Vũ Hữu Định cũng hát về cuộc đời nghèo khó của mình. Bốn dòng thơ cuối cùng, nghe tê tái, xót xa và ngậm ngùi:

ta đã hát khúc hát đời lỡ vận

hát âm u trong đêm tối một mình

nghe vợ trở trăn, lòng đau đứt ruột

thương em đời vội lỡ một thời xanh

Cảm ân người vợ khổ (Tạp chí Bách khoa, Giai phẩm Xuân Quý Sửu,

1-1973), viết vào tháng 12 năm 1972, bài thơ chân tình, thêm một lần nữa cho thấy tấm lòng của Vũ Hữu Định đối với vợ con: Lần nào em sinh nở/ Ta cũng phải vắng nhà/ Tháng này em sinh nở/ Ta lại trên đường xa/ Đời bắt ta lận đận/ Sao lại níu em theo/ Bảy năm tình chồng vợ/ Bảy năm em hẩm hiu/ Ta như mây trôi dạt/ Lắng gió mây cũng dừng/ Trời làm cơn mưa lũ/ Lạnh đời em bao dung/ Mùa đông nơi quê xa/ Em một mình thui thủi/ Cơn đau sinh quằn quại/ Em biết than cùng ai/ Lần nào em sinh nở/ Ta cũng phải vắng nhà/ Đứa đầu lòng, tù tội/ Đứa thứ hai, đi xa/ Cảm ơn người vợ khổ/ Chiều nay ta khóc thầm/ Uống những giọt rượu đắng/ Ngày xa quê long đong...

Đầu xuân Tân Dậu (1981), cảm nhận được sự ngắn ngủi của đời người, Vũ Hữu Định viết Bài thơ năm bốn mươi, như một tổng kết về cuộc đời, một tiên cảm về số phận:

Nay ta mừng xuân ta bốn mươi tuổi

Bằng bài thơ kiểm điểm đời mình...

Đúng, đây là bài thơ bao quát các chặng đường gian nan của “một gã giang hồ”, “hai phần ba đời người trôi nổi”, “nợ nần chưa thoát khỏi”, “không nhớ hết nghề đã trải”, “bốn mươi tuổi khoảng dăm lần tù”,... Vũ Hữu Định trải lòng với vợ con, với mẹ, với anh em. Một giọng thơ thống thiết, để rồi, như Nguyễn Bính:

Năm mới, tháng Giêng, Mồng một tết

Còn nguyên vẹn mãi một mùa xuân...

Mùa xuân còn đó, vẫn nguyện vẹn, sau Nguyên tiêu, 16 tháng giêng Tân Hợi (1981), Vũ Hữu Định giũ bỏ trần gian cơ cực, bỏ lại mẹ già, năm đứa con thơ, người vợ khổ “lặn lội bờ xa”, bỏ các em nhỏ, bỏ quê nhà xa lắc ngoài kia, đi mãi, đi mãi... không về!

Một tâm hồn đa cảm, đa đoan

Thơ Vũ Hữu Định là thứ thơ đi ra từ cảm xúc của một trái tim chân thành. Người đọc ít hoặc không thấy dụng công nghệ thuật trong nhiều bài thơ xuất sắc của ông.

Trước Chút gì để nhớ, Vũ Hữu Định có bài thơ viết theo thể ngũ ngôn, có tên Biên trấn ca (Khởi Hành, số 93, ngày 25-02-1971), viết về những ngày ở biên trấn: Đứng lại bên đường núi/ Hồn ta đây là rừng/ Tay sông hồ vuốt tóc/ Tóc rụng hết ngày xanh/ Đồn cheo leo đón gió/ Bốn mùa phên mây che/ Đất trời đây một cõi/ Nhốt đời chưa cho về... Vì vậy, dễ hiểu là, Vũ Hữu Định đã nhìn Pleiku theo ánh nhìn “mai xa lắc trên đồn biên giới/ còn một chút gì để nhớ để quên”.

Chút gì để nhớ Vũ Hữu Định viết vào năm 1971 khi lên Pleiku, đăng trên Tuần báo Khởi Hành, số 130, ngày 11-11-1971. Bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc và các ca sĩ Thái Thanh, Sĩ Phú, Duy Quang, Elvis Phương, Ý Lan thể hiện. Bài thơ có 4 khổ, mỗi câu từ 7 hoặc 8 từ, nhiều âm bằng, tạo cho bài thơ có giai điệu nhẹ nhàng, bâng khuâng. “Anh khách lạ” Vũ Hữu Định đã quàng một vòng nguyệt quế cho “phố núi đầy sương” Pleiku. Có thể nói, từ sau khi bài hát ra đời, người ta biết và yêu thêm Pleiku, một thành phố cao nguyên, phủ lên nó một sắc trời dường như huyền ảo hơn, da diết hơn, gần gũi hơn qua các dòng thơ của Vũ Hữu Định. Ca khúc được phổ theo nhịp 3/4, điệu Boston. Lời thơ vẫn giữ nguyên:

phố núi cao phố núi đầy sương

phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

anh khách lạ đi lên đi xuống

may mà có em đời còn dễ thương

 

phố núi cao phố núi trời gần

phố xá không xa nên phố tình thân

đi dăm phút đã về chốn cũ

một buổi chiều nào lòng bỗng

bâng khuâng

 

em Pleiku má đỏ môi hồng

ở đây buổi chiều quanh năm

mùa đông

nên mắt em ướt và tóc em ướt

da em mềm như mây chiều trong

 

xin cảm ơn thành phố có em

xin cảm ơn một mái tóc mềm

mai xa lắc bên đồn biên giới

còn một chút gì để nhớ để quên  

Trên tạp chí Văn, số 199, ngày 1-4-1972, số đặc biệt hội họa, Vũ Hữu Định có một bài thơ được nhiều người yêu thích, bài Chẳng hay, tặng bạn thơ A Khuê. Bài thơ đúng chất Vũ Hữu Định, chất giang hồ, lãng tử, chất phong trần, u uẩn,... Có hai câu thơ thường được nhắc đến:

giang hồ đâu có ai phong ấn

mà nghĩ từ quan trở lại quê

Tạp chí Ý thức, số 16, ngày 1-6-1971, có bài thơ Chim sáo sang sông, 5 khổ, mượn hình tượng chim sáo sang sông trong văn học dân gian để ghi lại những hoài niệm cũ. Nhạc sĩ Nguyễn Duy Khoái đã phổ nhạc khi đọc bài thơ này (Ca khúc Nguyễn Duy Khoái, NXB Đà Nẵng, 2018). Bài thơ đẹp như khúc ca dao về mùa chiêm lúa chín, con đường tre lá lợp, gió chiều trên bến cũ, mông quạnh sông dài núi rộng và điệu hát huê tình, con sáo đã sang sông. Tình yêu ở đây trong sáng, dịu dàng, gắn với khung cảnh đồng quê:

gió thổi mát suốt chiều ta đứng đợi

mong em về biết em có về không

quê quán cũ khi về xa lạ

đêm giêng hai nghe mưa tạt

xuống lòng

 

ở xa nhớ mùa chiêm thơm lúa chín

thơm tóc tình bay buổi sáng trên đồng

ở xa nhớ con đường tre lá lợp

đưa em về chiều mọc trăng trong

 

gió thổi mát suốt chiều trên bến cũ

ngày ta về chim sáo đã sang sông

ngó mông quạnh sông dài núi rộng

đời đan song thưa mà chim vội xa lồng

Trong thơ Vũ Hữu Định, những câu thơ hay là những câu viết về rượu. Rượu bàng bạc trong thơ Vũ Hữu Định, rượu uống ngày buồn, rượu uống đêm mưa nhớ Lý Hạ, một thi sĩ đời Đường, rượu uống ngày cuối năm giáp Tết:

- Một ngày rượu uống sao không

mềm môi

Một ngày nhớ nhau gió xé mây trời

Cỏ cây cũng gục trong sầu ngất

Một ngày quạnh hiu chết chậm

trong đời”

(Ngày quạnh hiu)

 

- Lý Hạ xưa say bằng huyễn mộng

Ta nay say bằng rượu pha cồn

Cảm đau thân thế người trong sử

Rượu đắng cay mà sao thấy ngon

(Đêm mưa thiếu rượu nhớ Lý Hạ)

 

- Gần Tết, bỗng dưng sầu níu rượu

Anh em không hẹn, gặp nhau hoài

Xa lắc thời em khoe áo mới

- Tết này e chú đã hai mươi

 

Em ta: mới đó hai mươi tuổi

Đời mọc râu mọc tóc ngang tàng

Ta ba mươi một đầu tóc bạc

Vẫn một đời cõng mộng lang thang

 

- Chú vô một cốc, anh một cốc

Đời chỉ còn anh với chú thôi

Chớ nhắc quê xa thêm ái ngại

Mềm lòng khi rượu chưa mềm môi

 

- Long lanh mắt chú sao đầy rượu

Mắt có quê xa với bóng thầy

Chú ạ! Vô tình anh mới khóc

Vô tình vuốt mắt để nghe cay

(Bữa rượu cuối năm)

Một giọng thơ lạ

Điều gì tạo ra sự cuốn hút ở thơ Vũ Hữu Định? Thơ Vũ Hữu Định không vướng vào sự cách tân ngôn ngữ. Không bận bịu với những trường phái triết học hiện đại, đương thời phổ biến ở miền Nam. Tố chất đầu tiên và cuối cùng của thơ Vũ Hữu Định là sự - chân - thật - của - một - trái - tim - thơ. Cả đến bây giờ, đọc lại thơ Vũ Hữu Định vẫn thấy hay, vẫn yêu thích. Các câu thơ không bị nhạt nhòa theo năm tháng, không bị nhàm chán bởi nội dung phản ánh. Cái tôi trữ tình của nhà thơ vẫn giữ được bản chất tinh thần qua bao biến đổi, thăng trầm, hợp tan của đời sống, tạo nên sự vẹn toàn của tiếng nói thơ ca. Yếu tố nhạc tính cũng là nét riêng của thơ Vũ Hữu Định. Trong sự thụ cảm của người đọc, tác phẩm của Vũ Hữu Định là một sự thống nhất bên trong, có tính hữu cơ, mang phẩm chất của một phong cách nghệ thuật.

V.H.Đ