Mắc kẹt giữa mùa Covid
Lệ Hằng tên khai sinh là Lê Thị Lệ Hằng, sinh ngày 01/05/1988, hiện ở tại số nhà K44/41/3 đường Đà Sơn, xã Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng (Điện thoại: 0905018728, Email: lethilehang@yahoo.com).
Lệ Hằng là giáo viên dạy tiếng Anh. Tuy công việc bận rộn nhưng Lệ Hằng đam mê sáng tác và đến với văn học như một nhu cầu tự thân. Lệ Hằng sáng tác cả thơ, trường ca, truyện ngắn và viết tiểu luận phê bình. Thể loại nào Hằng cũng có điểm nhìn mới và lạ.
Trong những năm qua, Lệ Hằng đã xuất bản 3 tác phẩm:
- “Khu vườn ươm ánh sáng” (trường ca), NXB Thuận Hóa, 2019;
- “Nguyễn Hoàng Đức và những dấu chân khai phá trên con đường thi ca” (tiểu luận), NXB Thuận Hóa, 2019;
- The Nursery Of Light (English Edition), NXB Independently Published, 2020.
Truyện ngắn “Mắc kẹt giữa mùa Covid”, Lệ Hằng vừa viết xong, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thành phố Đà Nẵng lại có lệnh giãn cách xã hội. Ở quê rần rần tin tạm thời không đón tiếp người đang ở vùng có dịch trở về. Tóm lại ai ở đâu cứ ở yên đó. Thế là tôi mắc kẹt ở thành phố này chưa biết ngày nào mới được về.
Hoàng hôn rớt xuống đáy sông Hàn. Hoàng hôn của một ngày nắng nóng chảy mỡ ráng cam ráng đỏ đẹp lênh lang. Đà Nẵng này thênh thang quá. Tôi phải tìm cho mình một Đà Nẵng bé nhỏ và chật chội hơn.
Tôi về nhà nghỉ nhanh chóng trả phòng rồi đón xe lên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng nhỏ nhắn và bình dân của tôi. Cô chủ trọ đón tôi, cô hơi ngỡ ngàng vì tôi đeo khẩu trang nhưng khi tôi khai tên và khai một cơ số chuyện nữa thì cô nhớ ra tôi ngay. Hiếm có thằng nào ở lì bảy năm trong một căn phòng như tôi, quên sao được. Và hiếm có thằng nào ngược đời như tôi, cả một dãy trọ mười phòng hết bảy, tám phòng trống vì sinh viên đang nghỉ hè và nghỉ dịch vậy mà nhất quyết cắm đầu vào căn phòng xập xệ nhất. Đó là phòng trọ cũ của tôi.
Gần nửa đêm tôi phải bấm nút gọi cô chủ để cầu cứu. Cầu dao điện trong phòng bỗng dưng hỏng, không điện không quạt, không tài nào đặt lưng được xuống giường. Cô chủ làu bàu tắt máy.
Phòng mới của tôi nằm trên khoảng đất trống bên cạnh dãy trọ mà lúc trước chúng tôi thường ra phơi phóng. Khu đất này nhỏ thôi, hồi trước hình như vì giấy tờ chưa chính chủ nên cô chú chưa xây phòng trọ. Trường Đại học Bách Khoa và Khu Công nghiệp Hòa Khánh rất gần nhau, ba phòng lớn nằm tách biệt này là nhắm đến những cặp vợ chồng trẻ làm công nhân cho khu công nghiệp. Y như tôi đoán, sát bên phòng tôi là phòng của một cặp đôi công nhân mới cưới, họ về quê rồi gặp dịch nên chưa vào lại. Đối diện là phòng của một chị thợ may và thằng cu con năm nay vào lớp Một.
- Cô nói từ chiều rồi mà mày không chịu nghe, thêm có năm trăm ngàn ở cho sướng cái thân. Đi làm rồi mà keo dữ...
- Ơ, đi làm rồi mới phải tiếc phải keo chứ cô. Hồi xưa là tiền “học bổng” nhà trồng mà cô.
- Cô về thong thả ngủ ngon nhé.
Tôi xởi lởi tiễn cô về. Hồi xưa, nhiều lần đến ngày mười hai là tôi tránh mặt cô, một là sang phòng bạn ở nhờ, hai là ở lì trong phòng nhưng nhờ đứa khác khóa cửa bên ngoài. Ngày mười hai là ngày cô chủ thu tiền phòng. Một cảm giác thân thuộc trỗi dậy và chiếm ngự tôi. Có lẽ tôi vẫn còn là thằng sinh viên năm ấy. Tôi ngủ thiếp đi trong tiếng máy may phát ra đều đặn từ phòng đối diện.
Tôi thức dậy cũng trong âm thanh đều đặn ấy. Tôi mở cửa trông sang, chị thợ may nghiêng đầu chăm chú nhìn vào đường chỉ, chị cột tóc cao gọn gàng, chị không xinh theo cái nhìn thông thường nhưng có gì đó dường như đặc biệt khiến tôi nhìn chị khá lâu. Và khi nhìn kĩ, trông chị chẳng có vẻ gì là nhiều tuổi hơn tôi.
- Chị có thể cho tôi mượn cái ấm đun nước một lúc được không? Tôi cần pha mỳ tôm nhưng tôi chỉ ở tạm nên...
- Anh chờ cho một lát.
Chị vào trong lấy ấm đun nước mang ra cho tôi. Thằng cu con nhíu mày nhìn tôi vẻ khó chịu. Tôi mỉm cười, cố làm ra vẻ thân thiện nhất có thể, chào nó.
- Cháu tên gì thế?
Nó cau mày không đáp.
- Bin, trả lời chú đi con.
Thằng nhóc ngó lơ sang chỗ khác.
- Thì mẹ vừa trả lời rồi còn gì.
Thằng nhóc lém lỉnh thật. Tôi bắt đầu thấy khoái nó. Hình như nụ cười thân thiện giả tạo lúc nãy của tôi đã bị nó phát hiện và khiến nó khó chịu thêm.
- Bin! - Chị cao giọng.
- Ô, chị đừng trách cu Bin. Cu Bin lém lỉnh đáng yêu quá nhỉ.
Câu này là tôi nói thật lòng. Không biết thằng bé có nhận ra không.
- Anh cần gì thì cứ hỏi nha. Nghe nói anh vì dịch mà mắc kẹt lại ở đây, chắc chán lắm nhỉ.
- À, chị sinh năm bao nhiêu nhỉ?
- Hả?
Tôi thốt lên thích thú với câu trả lời của chị. Chúng tôi sinh cùng năm nhưng Hân luôn gọi tôi là anh.
Rốt cuộc tôi vẫn thấy Đà Nẵng thênh thang quá. Tôi đã cố tìm về nơi chật chội nhưng căn phòng này quá rộng. Dãy trọ này cũng thế. Chẳng có ai để chen chúc để bực bội vì làm phiền nhau. Cũng chẳng có tiếng hú hét í ới của lũ sinh viên hay tiếng la mắng càm ràm của cô chú chủ nhà. Tiếng xe đạp lọc cọc, tiếng xe máy lạch bạch vào ra xóm trọ cũng không. Chỉ có tiếng máy may từ phòng đối diện đều đặn, đều đặn...
Tự nhiên lòng tôi trống trải. Một nỗi buồn như thác đổ về. Tôi đứng dậy khóa cửa phòng đi ra ngoài. Tôi chưa từng hình dung đến một ngày nơi đây vắng vẻ đến thế. Vắng hơn cả những ngày giáp Tết sinh viên lũ lượt về quê. Vẫn có vài quán bán thức ăn mang về nhưng tôi lướt qua nhiều quán rồi mà chưa nghe ra âm thanh nào có vẻ ồn ào một chút. Mọi người lướt qua nhau lặng lẽ và mọi thứ trôi đi lặng lẽ. Ngày của tôi cũng thế. Tôi đang ngồi trên chiếc ghế đá trong sân trường nơi tôi và em thường ngồi. Ngày tôi tốt nghiệp, ngày em tốt nghiệp chúng tôi đều ngồi ở đây.
Em là người cùng quê với tôi, hai nhà cách nhau đúng bảy phút đi xe máy. Em có chút họ hàng bên ngoại với tôi nhưng là kiểu họ hàng bắn đại bác mới tới. Mẹ em và mẹ tôi cùng làm một cơ quan. Mối thâm giao của hai gia đình trên cả quan hệ họ hàng, làng xã hay quan hệ đồng nghiệp vì hai bà mẹ này hợp nhau đến lạ lùng. Em vào đại học sau tôi hai năm. Ngày em có giấy báo nhập học, mẹ em nhờ tôi tìm phòng trọ cho em, bác tin tưởng gửi gắm cậy nhờ tôi đủ thứ. Vì sự tôn trọng và tin tưởng quá lớn mà gia đình em dành cho tôi, tôi đã thuê phòng trọ cho em cách phòng tôi ba bước. Mẹ tôi vui mừng ra mặt vì từ nay đã có người giám sát tôi.
Vậy là tôi phát điên với cảm giác mở mắt ra đã có thể bắt gặp cặp mắt dò xét của tên thám tử phòng bên. Nếu tôi đàng hoàng con ngoan trò giỏi thì chẳng sao. Hai năm sinh viên tôi theo mấy anh lớn đã tập tành nhậu nhẹt, hút thuốc, cày game, chơi tỉ số... Tôi biết giấu sao cho khỏi mắt em.
Một hôm đang mê man ngủ thì nghe tiếng đập cửa đùng đùng và có tiếng ai đó đang gọi tên tôi. Tôi ú ớ ra mở cửa, áo cũng chẳng kịp mặc vào. Là em. Tôi bực dọc, quát.
- Để tao yên coi. Mày làm gì như cháy nhà thế hả?
- Anh Hào lại cày game nữa hả.
- Liên quan gì tới mày. Mày thích thì cứ gọi ra báo cho mẹ tao liền đi.
“Rầm”
Tôi đóng sầm cửa.
Lát sau, em lại gõ, tiếng gõ chậm và nhẹ hơn. Lúc này tôi đã bình tĩnh, tôi thấy mình hơi quá đáng. Nếu tôi thuyết phục được em làm đồng minh với tôi thì có phải tốt hơn không. Biết vậy nhưng lòng tự tôn của tôi không cho phép. Trước giờ tôi đã quen với việc ra mặt đàn anh kể cả với em, một phần vì tôi lớn hơn em một phần vì tôi giỏi hơn nổi tiếng hơn. Tôi thi vào trường cũng xém là thủ khoa của ngành. Em coi tôi như idol, tôi biết. Nhưng kể từ khi em vào đây học thì có lẽ hình tượng của tôi trong em đã sụp đổ hoàn toàn. Càng ngày tôi càng khó chịu với em hơn.
Thoáng chút ân hận, tôi mở cửa nhẹ nhàng hơn. Mắt em đỏ hoe nhưng giọng em vẫn bình tĩnh.
- Anh Hào tắt điện thoại từ tối qua đến giờ, bác gọi mãi không được nên gọi cho em. Em sợ anh Hào bị đau hay sao đó nên em xin thầy chạy về đây coi thử.
Em chìa điện thoại ra đưa cho tôi.
- Đây, anh Hào gọi lại cho bác để bác yên tâm, rồi em lên trường học tiếp.
Giờ tôi mới thấy đứa bạn thân của em đang chờ em ngoài cổng. Xấu hổ, nghẹn ngào tôi gọi điện về cho mẹ. Tôi đã ngủ li bì suốt hơn mười tám tiếng đồng hồ. Tôi trả điện thoại cho em, lòng muốn xin lỗi nhưng miệng không thể nói được. Em vội vàng quay đi mấy bước rồi bỗng dừng lại, em nói mà không quay lại nhìn tôi.
- Anh Hào yên tâm. Kỳ sau em sẽ chuyển trọ.
Những ngày sau đó, chẳng hiểu em tránh mặt tôi hay chỉ là ngẫu nhiên mà tôi dường như chẳng chạm mặt em lần nào. Sáng em lên giảng đường, chiều em vào thư viện hoặc ngược lại. Khi ở nhà em thường đóng cửa học bài hoặc nấu ăn, giặt giũ trong phòng mà tôi chẳng thể gặp được em nếu tôi không gõ cửa phòng. Dĩ nhiên tôi không gõ vì tôi đâu biết nói gì với em. Chẳng lẽ lại sang hỏi em sao bữa nay em không còn mang canh chua sang mời tôi nữa?
Một hôm, thằng bạn tôi ghé phòng. Tôi thấy rõ hôm nay nó rất khác. Nó ngập ngừng chìa cuốn sách lạ hoắc ra cho tôi nhờ tôi gửi cho em. Chiêu này quá cũ. Tôi nhận giúp nó vì tôi đang cần một lí do để gõ cửa phòng em.
- Bữa nay nhiều fan quá ha.
- Lần sau anh Hào đừng nhận giúp người ta nữa nha.
- Biết chảnh rồi ha.
- Em biết anh Hào ghét em nhưng đừng nói kiểu đó với em.
Lòng tôi chùng xuống.
- Chuyện hôm đó...
Tôi ngập ngừng thực sự, tôi chẳng biết phải nói tiếp thế nào. Xưng “tao” với em bây giờ kì cục quá mà tôi lại không tìm được từ nào khác hơn.
- Em không để bụng đâu.
Em cúi mặt, đầu hơi nghiêng.
- Em chưa từng kể gì với bác. Anh Hào tin hay không thì tùy. Nhưng em rất mong anh như hồi trước...
Bất chợt em ngước lên nhìn tôi. Tôi chưa từng thấy đôi mắt nào long lanh đến thế.
- Kỳ sau em sẽ vào kí túc xá ở.
Tôi phát điên mà em không biết.
...
Một học kỳ trôi qua vùn vụt. Chúng tôi sửa soạn ôn thi và sửa soạn cho ngày Noel đang đến. Chiều hôm ấy tôi bất ngờ thấy thằng bạn đã nhờ tôi gửi sách cho em ngồi nói chuyện với em trong căng tin trường. Tôi bỏ bữa ăn tối, đứng ngồi không yên. Khoảng chín giờ tôi xách xe chạy sang phòng nó, nó đang tỉ mỉ gói quà. Món quà này chắc chắn là dành cho em rồi đây. Tôi hỏi dò nhưng nó không khai chỉ biết tối mai nó có hẹn, chính xác là một buổi hẹn hò.
Chiều hôm sau, tôi lên trường ngồi ở ghế đá mà hiện tại tôi đang ngồi suốt buổi chiều để chờ em tan học. Dĩ nhiên tôi đón được em. Em ngồi như bất động phải hơn ba mươi phút cho đến khi trường vắng hoe mà tôi vẫn im lặng. Thêm mười phút, mười phút, rồi lại mười phút nữa. Tôi vẫn im lặng. Trời bắt đầu tối. Em cầm ba lô đứng dậy.
- Em, em có thể đừng hẹn hò với nó được không?
- Gì chứ? Tại sao anh Hào nói vậy?
- Tại anh thấy rất khó chịu. Anh không thích. Anh... Anh... Rất ghen luôn đó.
Tôi nắm lấy tay em.
- Em không được chuyển vào kí túc xá đâu nhé.
Giữa bóng tối tờ mờ tôi thấy mắt em long lanh có nước. Mắt tôi cũng thế...
Dường như tôi không chỉ mắc kẹt ở Đà Nẵng vì COVID mà còn vì kỷ niệm với em.
Đã quá chiều rồi, tôi vội đứng dậy đi về để còn kịp kiếm thứ gì cho vào bụng. Về gần tới xóm trọ, tôi thấy một nhóm trẻ con đang chơi với nhau. “Tinh thần phòng dịch cao nhỉ?”, tôi chợt cười vì thấy đứa nào cũng đeo khẩu trang. “Ô, là cu Bin kìa”. Tôi nhận ra thằng bé ngay vì đã dành cả buổi ngồi nhìn mẹ con Hân. Tôi lại gần hơn nhưng vẫn giữ khoảng cách vừa đủ để đám nhóc không nhận thấy tôi đang tò mò dõi theo chúng. Vì lớp khẩu trang, vì giọng Quảng, vì đôi phần ngọng nghịu của trẻ con nên tôi chẳng nghe ra được chúng nói gì với nhau. Mặt cu Bin có vẻ căng thẳng. Tôi vẫn nhớ nét mặt khó chịu của cu Bin lúc sáng. Lúc này đây cu Bin cũng cau mày, hai mắt đỏ kè. Nhưng không phải là khó chịu, nét mặt này là đang tức giận. Cu Bin đánh bạn. Mấy đứa kia xông vào đánh trả. Tôi lao tới. Không phải là lần đầu tôi thấy trẻ con đánh nhau nhưng lần này tôi dường như cũng căng thẳng theo chúng. Sự xuất hiện của người lớn dĩ nhiên khiến chúng cun cút như con mèo ngoan. Cu Bin khóc. Tôi hỏi lý do, chẳng đứa nào trả lời. Chúng lờ đi rồi chạy ra chỗ khác, chỉ còn tôi và cu Bin đứng đó. Cu Bin hai mắt đỏ kè, thằng bé đứng như trời trồng. Tôi bế xốc thằng bé lên vai, vừa đi vừa dỗ vừa gặng hỏi cho ra chuyện.
- Tụi nó nói Bin là đồ không cha. Nhưng mà Bin có...
Cu Bin òa khóc trên vai tôi. Dường như tôi đã chạm đến nỗi đau lớn nhất của thằng bé, tôi biết mình không nên hỏi thêm gì nữa.
Về đến gần cổng trọ, cu Bin nín hẳn và bảo tôi thả thằng bé xuống.
- Chú Hào đừng kể chuyện này với mẹ Bin nhé.
Đúng là thằng nhóc lém lỉnh.
- Sợ mẹ đánh hả? Chú biết rồi. Bí mật của hai người đàn ông nhỉ?
Tôi cười đưa ngón tay út ra, hai chú cháu móc tay tuyên hứa.
- Mẹ biết là mẹ khóc cho coi, Bin hay thấy mẹ khóc lắm.
Thằng bé khiến tôi thấy bất ngờ, tò mò và cả ấm áp nữa.
Những ngày mắc kẹt vì COVID của tôi nhờ cu Bin mà bớt dài bớt chán đi
rất nhiều. Thằng bé thường xuyên sang phòng tôi. Lúc thì rủ tôi chơi đập thẻ, lúc thì nhờ tôi chấm điểm vào vở tập viết, lúc thì nhờ tôi chỉnh lại yên xe đạp... Thỉnh thoảng thằng bé mang sang cho tôi một chiếc khẩu trang mới. Hân nhận may thêm khẩu trang, món này đúng là hàng “hot” trong thời điểm nhạy cảm này. Cu Bin cũng có những chiếc khẩu trang mới. Chúng tôi mang nó rồi chấm điểm, cho nhận xét để Hân có thể may những chiếc khẩu trang tiện lợi và êm ái hơn cho khách hàng.
- Giãn cách vì COVID cũng không đến nỗi tệ lắm, cu Bin nhỉ?
Thằng bé cười, không biết nó có hiểu tôi đang nói gì không.
“Cạch”
Điện tắt. Tôi nhìn sang phòng đối diện kiểm tra xem có phải cầu dao phòng mình lại hỏng như hôm đầu tôi về đây. Lần này là cúp điện thật. “Hòa Khánh city” của tôi bữa giờ đã tĩnh lặng nay còn tĩnh lặng hơn. Căn phòng hầm hập, muỗi vo ve. Tôi ra ngoài đi tới đi lui cho bớt nóng. Trăng đầu tháng bàng bạc phủ lên xóm trọ nhỏ.
Hân kéo chiếc giường xếp ra ngoài hiên cho cu Bin nằm rồi cầm quạt phe phẩy đuổi muỗi. Thấy tôi đứng tới đứng lui, Hân mang ra chiếc ghế đưa cho tôi.
- Chú Hào, chú Hào tới đây. Kể Bin nghe chuyện ma ở quê chú đi.
Kể chưa quá ba chuyện cu Bin đã ngáy, nước miếng tràn ra cả mép. Điện cúp ác thật, mười giờ đêm mà chưa có. Hân vẫn kiên trì quạt cho cu Bin.
- Hân nè, tôi hỏi một chuyện được không?
- Về ba cu Bin?
Tôi giật cả mình.
- Sao Hân…
- Sao Hân biết phải không?
Cảm giác tự nhiên có người đọc được suy nghĩ của mình đáng sợ thật.
- Cu Bin đã kể hết rồi. Chuyện bí mật của hai người đàn ông...
- Ồ, vậy mà thằng bé bắt tôi hứa là không nói với Hân.
- Tại Hân thấy có vết bầm nên thằng bé không giấu được.
Năm phút trôi qua. Hân vẫn im lặng. Tôi nghĩ nếu Hân không kể thì tôi cũng không nên hỏi làm gì.
- Hân ly hôn. Ba cu Bin đi xuất khẩu lao động, diện kỹ sư cầu nối rồi sống với người khác bên đó...
- Cu Bin biết ba mình chứ?
- Cu Bin được ở với ba một tháng, năm đó thằng bé hơn hai tuổi một chút. Còn lại là biết qua ảnh thôi.
- Anh ấy... Có lo gì cho mẹ con Hân không?
- Hiện tại là không. Mà trước khi ly hôn cũng rất ít. Thời gian đầu mới đi thì lo làm trả nợ bên này. Sau đó cũng được một hai năm sung túc rồi anh ấy bảo anh dành dụm đầu tư này nọ... Có lẽ lúc đó ba cu Bin đã ở với người khác bên ấy rồi.
- Hân vất vả quá.
Hân lại im lặng. Lòng tôi nặng trĩu. Tôi vào khoảng không bàng bạc trước mặt rồi bất chợt hỏi.
- Nếu vẫn gửi tiền về lo nhà cửa lo cuộc sống thì có chia tay không?
- Ý anh là sao?
Hình như Hân đang khó chịu vì câu hỏi của tôi.
- À, không có gì đâu Hân. Mà sao không về quê gần gia đình có thêm chỗ dựa?
Đáp lại tôi là khoảng im lặng mênh mông. Câu chuyện của Hân cũng dừng lại ở đó.
Tôi đóng điện thoại thở dài. Cứ mở điện thoại lên là thấy tin đáng lo về COVID. Hình như mấy hôm nay Hân nhận được ít hàng nên nghỉ sớm hơn. Từ bữa tôi về đây đến giờ lần đầu tôi thấy Hân dọn dẹp sớm đến vậy. Buồn buồn, tôi bước nhìn xa xăm sang bên đó.
- Hân có muốn nghe chuyện của tôi không?
Thoáng một lúc im lặng, Hân đem ghế ra mời tôi. Tôi ngồi ngoài hiên, sát bên cửa sổ phòng Hân.
- Anh vào Đà Nẵng có việc gì mà mắc kẹt lại đây thế?
Tôi không trả lời câu hỏi của Hân mà thay vào đó tôi kể về em.
- Ô, chuyện của anh hay quá. Hân cứ tưởng anh chỉ tình cờ thuê trọ ở đây... Mà rồi anh và cô ấy có “Happy Ending” chứ?
- Thế nào là “Happy Ending” hả Hân?
Hân không trả lời.
- Chúng mình đã thành vợ chồng, ít nhất trên giấy tờ là thế. Cô ấy cũng đi nước ngoài, diện kỹ sư cầu nối. Mấy năm trước cô ấy về, chúng mình làm đám hỏi rồi đăng ký kết hôn. Với hai bên gia đình, coi như vậy là chốt...
- Đợt này mình vào Đà Nẵng để giải quyết một số vấn đề với công ty tư vấn đang làm giấy tờ cho mình. Mình làm hồ sơ, học tiếng được một thời gian rồi nhưng gặp dịch nên...
- Vậy là anh sang đoàn tụ với vợ nhỉ? Chắc anh mong hết dịch lắm.
- Mình không biết nữa, Hân ạ.
Bây giờ tôi mới kể Hân nghe phần quan trọng nhất mà tôi muốn kể. Đó là em cũng sống như vợ chồng với người đàn ông khác bên ấy. Hai chúng tôi im lặng một lúc rất lâu.
- Có phải bên ấy họ quá cô đơn không hả anh?
- Mình không biết. Điều mình không thể tưởng tượng được đó là bằng cách nào cô ấy có thể vừa gọi điện, nhắn tin với mình vừa ở trong vòng tay của một người khác.
- Và một người khác hay nhiều người khác? - Giọng Hân dường như run run.
- Nhưng mình không ly hôn. Thực ra ban đầu mình cũng nói chia tay nhưng cô ấy nhất quyết không chịu, hôm nào cũng khóc. Cô ấy nói mình mới chính là người mà cô ấy chọn làm chồng, bằng chứng là tờ giấy đăng ký kết hôn. Chỉ là cô ấy không chịu được cảnh cô đơn và cô ấy cũng cần người chăm sóc, cần người san sẻ... Dĩ nhiên cô ấy cũng nói đã chấm dứt tất cả với người đàn ông bên đó và chúng mình sẽ làm lại từ đầu khi mình sang. Dĩ nhiên mình không thể tin cô ấy nữa, Hân ạ. Thực ra, mình cũng biết cô ấy rất sợ chuyện cô ấy ở với người khác lộ ra rồi mình ly hôn thì mất mặt cho gia đình cô ấy lắm...
- Anh đã đồng ý... Tha thứ tất cả?
Tôi không gật cũng không lắc.
- Hân... Thực sự không cao thượng được như anh, không thể chịu được cảm giác đó.
...
Cao thượng ư? Câu nói của Hân cứ xoáy vào đầu tôi. Trời đã gần sáng tôi vẫn chưa chợp mắt chút nào. Cái cảm giác mà Hân nói, nó dường như đã không đến với tôi nữa rồi. Khi biết em sống cùng người đàn ông khác, tất cả những gì ập đến chỉ là thất vọng. Sâu thẳm tôi tin em vẫn là em của năm ấy. Sâu thẳm tôi vẫn chỉ yêu người con gái đã khiến tôi ghen điên lên được năm ấy mà thôi.
Tôi đã sai ở chỗ nào mà tôi không nhận ra? Chúng tôi có một kế hoạch hoàn hảo cho tương lai. Chúng tôi cùng nhau mua một mảnh đất vàng ngay ngã ba gần khu công nghiệp. Vài năm nữa thôi, khi kiếm đủ tiền chúng tôi sẽ về tung hoành trên mảnh đất vàng ấy. Tất cả những chuyện ở quê người rồi sẽ là dĩ vãng. Em đủ khôn ngoan, tôi đủ khôn ngoan để biết mình cần quên đi những gì.
Giờ đây tôi có lẽ chưa đủ khôn ngoan nhưng đổi lại tôi đủ tỉnh táo để biết rằng mình đã tính rất nhiều nhưng không tính chỗ cho tình yêu. Tình yêu của tôi, cảm xúc của tôi, chúng nằm đâu trong mối quan hệ này?
...
“Đùng, đùng...”
Tiếng đập cửa phòng làm tôi choàng tỉnh. Đầu đau như búa bổ, tôi ra mở cửa. Nắng chói chang khiến tôi choáng váng, tôi đã ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
- Cho Hân nhờ anh một việc được không?
Hân đang rất gấp gáp.
- Chị chủ chỗ Hân hay giao hàng thành F1 rồi, Hân là F2 giờ Hân phải làm xét nghiệm. Sáng nay cu Bin bị sốt. Hân lo quá, giờ Hân phải đi, nhờ anh chăm sóc cu Bin có được không?
Tôi tỉnh hẳn người.
- Thật ngại quá... Nhưng dù sao anh cũng đã...
- Đã là một F của mẹ con Hân đúng không? - Tôi cười. - Đừng lo, COVID nó sẽ chừa Hân ra.
Tôi cố gắng tươi tỉnh để trấn an Hân phần nào.
Hân đi rồi tôi ngồi canh cu Bin, nhìn thằng bé ngủ mê man trong cơn sốt lòng tôi như lửa đốt. Nhỡ chị F1 ấy dương tính thì Hân sẽ từ F2 lên thành F1, nghĩa là phải vào khu cách ly tập trung thì biết làm sao? Tôi biết điều Hân sợ nhất không phải là con COVID mà là cách ly tập trung với một ngày tám mươi nghìn tiền ăn/ một người cùng rất nhiều khoản chi phí khác. Rồi còn cu Bin nữa chứ... Em làm tôi lo quá đó, Hân à.
Từng giờ trôi qua sao mà chậm. Chốc chốc tôi lau người hạ sốt cho cu Bin, cho thằng bé uống nước rồi nhìn ra cửa. Gần chạng vạng Hân mới về.
- Phải xét nghiệm ba lần mới chắc chắn được ạ. Mẹ con Hân rất xin lỗi anh...
- Là tôi tình nguyện làm một F của mẹ con Hân, được không? Giờ thì bỏ khẩu trang ra được rồi chứ?
Hân làm theo lời tôi. Tôi thấy rõ tất cả sự lo lắng trên gương mặt ấy.
- Tôi đói lắm rồi, Hân đừng xin lỗi hay cảm ơn nữa mà nấu gì cho tôi ăn đi. Cu Bin đã hạ sốt nhiều rồi, chắc thằng bé sẽ cần ăn đó.
Hôm đó tôi được ăn một bữa tối thịnh soạn nhất mùa dịch. Một bữa tối có tiếng lanh canh trong nhà bếp và tiếng trẻ con ríu rít bên tai. Tôi ăn thẳng ruột không câu nệ gì. Hào ơi, mày khao khát một gia đình đến thế sao?
Hân có kết quả xét nghiệm âm tính. Tình hình dịch giã bớt căng thẳng đi nhiều. Mọi thứ đang dần đi vào kiểm soát. Chúng tôi đếm từng ngày chờ đủ 21 ngày không có ca mới trong cộng đồng để thành phố nới lỏng giãn cách. Và tôi sẽ được về nhà.
Ngày thứ 10. Tôi và cu Bin cùng nhau làm ra được một bộ đồ chơi mới.
...
Ngày thứ 15. Tôi và cu Bin tìm ra được một chỗ có thể thả diều.
...
Ngày thứ 20. Tôi và cu Bin chụp hình kỷ niệm.
- Còn một ngày nữa thôi hả chú?
- Ừ. Một ngày nữa là đủ 21 ngày nhưng qua ngày thứ 22 người ta mới cho xe chạy, mà ngày thứ 23 chú mới về. Vậy là mình còn 2 ngày nữa luôn.
- Ít quá. - Thằng bé rơm rớm nước mắt.
- Vậy bao nhiêu là nhiều? - Tôi hỏi.
- Bằng bầu trời là nhiều ạ.
- Ừ, bằng bầu trời nhỉ.
Tôi choàng tay ôm cu Bin vào lòng. Bầu trời chiều nay thật đẹp. Lòng tôi sao mênh mông quá.
...
Đầu tối, cô chủ nhà sang gửi lại tiền phòng còn dư tháng này cho tôi. Tôi đã xếp mọi thứ vào ba lô, sẵn sàng trả phòng vào sáng mai. Cu Bin vào phòng đưa cho tôi một lốc khẩu trang. Tôi bảo đã có rồi nhưng thằng bé kéo ba lô nhét vào bảo: “Mẹ nói dịch này lâu hết lắm, phải đeo khẩu trang dài dài”. Thằng bé không ở lại chơi với tôi lâu mà về ngay, cũng vì mẹ dặn để chú nghỉ ngơi mai chú lên xe sớm.
Tôi ngồi đờ ra ở đầu giường. Tôi nhìn sang thấy thằng bé lên giường sửa soạn đi ngủ. Tôi muốn chạy sang ôm thằng bé vào lòng, nhưng sợ... sẽ làm thằng bé khóc mất. Sáng mai lúc tôi đi chắc thằng bé vẫn còn say ngủ.
Lại một hôm nữa Hân sửa soạn nghỉ sớm. Kể từ khi tôi đến đây, trong những hôm Hân phải nghỉ sớm thì hôm nay có lẽ là kỷ lục. Một cánh cửa đang từ từ khép lại. Cửa chính thì luôn được đóng và khóa cẩn thận mỗi khi cu Bin đi ngủ. Tôi vùng đứng lên, kịp níu cánh cửa còn lại trước khi nó khép hẳn.
- Ơ, anh còn thức sao? Lại cần ấm đun nước ăn mỳ tôm như hôm qua phải không? Đợi Hân một lát nhé.
Hân đi vào trong.
Không, Hân ơi, tôi chẳng cần ấm đun nước làm gì. Tôi chỉ muốn cho Hân biết là vì câu nói của Hân mà tôi đã nhìn lại chính mình và vì Hân mà nhìn thấy chính mình. Sau hôm ấy, tôi đã gọi điện cho em và kết thúc mọi chuyện. Lần này, lý do là từ tôi chứ không phải từ em nữa. Tôi sẽ chịu hết mọi trách nhiệm với hai bên gia đình, tôi sẽ không làm tổn hại đến danh dự của em và sẽ trả lại em những thứ thuộc về em. Mảnh đất vàng mà tôi đang đứng tên ấy và cả tình trạng độc thân cho em nữa. Tôi đã không còn mắc kẹt trong kỷ niệm nữa rồi. Và tôi đã thấy hạnh phúc thực của mình. Hân ơi, bao ngày rồi tôi vẫn chưa kể cho Hân nghe được.
Hân trở ra.
- Không phải đâu. Nhưng... Tôi vào được không?
Mặt tôi lúc này có lẽ rất căng thẳng, rất nghiêm túc. Hân có vẻ bối rối, ngập ngừng một lúc mới đứng lên tìm chìa khóa.
- Hân, ý tôi là tôi có thể bước vào cuộc đời em được không? - Tôi nói luôn.
L.H