Đọc sách Miền tháp cổ của Vũ Hùng

12.08.2021
Võ Văn Thắng

Đọc sách Miền tháp cổ của Vũ Hùng

Miền tháp cổ của Vũ Hùng sau khi phát hành thu hút được sự quan tâm của bạn đọc. Sức hút của Miền tháp cổ không phải vì đó là một nghiên cứu chuyên sâu về kết cấu đền tháp Champa, về những hiện vật khảo cổ sâu dưới lòng đất, cũng không phải là một tiểu thuyết lãng mạn hay một tùy bút câu chữ mượt mà, mà là vì những dấu tích thân quen trong cuộc sống đương đại được kể một cách dung dị, nhưng lại gợi lên những cảm xúc bất ngờ. Bằng lối viết kết hợp ký và khảo cứu, tác giả dẫn dắt người đọc đi qua những sự vật hiện hữu sống động, bất chợt lách mình vào một ngõ ngách sâu thẳm của thời gian, đi tìm nguồn mạch gốc rễ của các mối quan hệ trên bề mặt đời sống văn hóa hôm nay.  

Mở đầu tập sách là bài khái quát về tình hình vùng đất Quảng Nam thế kỷ 14 -15, cung cấp cho người đọc những thông tin về vùng đất 160 năm “sổ sách chỉ ghi tên suông” như nhắc rằng hơn một thế kỷ rưỡi sau khi Huyền Trân về Chiêm quốc vùng đất này vẫn chưa thuộc hẳn về Đại Việt; đây cũng là khoảng thời gian đệm đủ để sinh ra một lớp sương mờ phủ lên những câu chuyện về nguồn gốc dòng tộc, về địa danh và các tập tục trong đời sống người dân xứ Quảng.

Đi trong lớp sương mờ ấy, tác giả đã lần tìm câu trả lời cho nguồn gốc của những địa danh Câu Đê, Cu Đê, Thanh Chiêm, Câu Chiêm, Trà Na, Trà Kiệu... và thấy ở đó bóng dáng của một xứ Chiêm Thành, Champa xa xưa. Không những ở tên gọi một xứ đất, mà ở tên gọi các dòng tộc cũng in đậm dấu vết kế thừa của một truyền thống xưng hô, có thể đã bắt đầu từ thời kỳ tiếp xúc giữa các nhóm ngôn ngữ Nam Á và Nam Đảo ở dải đất ven biển miền Trung. Từ các tên dòng họ lớn như Phạm, Phan cho đến những danh xưng bình dân như xứ đất Bà Thân ở bờ đông sông Hàn, Đà Nẵng, đều có thể là những sự phái sinh, chuyển đổi cách đọc của một từ cổ, vốn là từ xưng hô dành cho người tôn kính trong văn hóa Champa. Không lý luận hàn lâm, tác giả tổng hợp khá nhiều các ví dụ thực tế đủ để tạo tính thuyết phục cho giả thuyết của mình(1).

Miền tháp cổ không phải là kiến thức góp nhặt trong thư phòng mà là câu chuyện điền dã. Tác giả dẫn dắt người đọc từ những ghi chép trong địa bạ về các “man sách” lần tìm về những làng quê hẻo lánh; đến đó nói chuyện với những người già, xem những lòng giếng cổ và nhận ra dòng chảy liên tục của một họ Chế, họ Ma, họ Trà vốn đã từng có những nhân vật lẫy lừng trong lịch sử. Những ghi chép công phu của tác giả về các gia phả, nhà thờ tộc, mộ chí của các gia tộc Chế ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi phản ánh sự cộng cư lâu đời của cư dân Chiêm Thành và Đại Việt; đồng thời lưu dấu những hồi ức trân trọng đối với những nhân vật lịch sử như Chế Mân, Chế Bồng Nga. Một liên kết lý thú được tác giả nêu ra về khả năng một con đường ngoằn ngoèo của những vị tổ tiên tộc Ông từ đất Chiêm Thành đi ra đồng bằng Bắc Bộ rồi lại trở về khai canh, khai cư tại một xứ đất ở đầu nguồn sông Hàn, xóm Phong Tây của làng cổ Phong Lệ, nơi hiện nay đã phát hiện dấu vết nền móng đền tháp Champa thế kỷ X-XII. Những chi tiết đã mòn mờ bởi thời gian, như trường hợp chữ Cố Việt hay Việt Cố được diễn giải thành Đại Cồ Việt trên một bia mộ trùng tu. Cách nối kết chuyện xưa, chuyện nay, giữa truyền khẩu và tư liệu lịch sử trong gia phả, thần tích, bài vị tại các nhà thờ tộc họ khá bất ngờ, cho thấy những khúc xạ thú vị giữa văn chương bác học và bình dân.

Có lẽ tác giả đã lướt qua những chi tiết khô khan để đi vào những chủ đề giàu cảm xúc như câu chuyện mẫu hệ và hình bóng những người phụ nữ Champa, có thể đã là những người bà, người mẹ của không ít người dân xứ Quảng. Đó là những cảm xúc làm nên Miền tháp cổ. “Bây giờ, mỗi lần về thăm mẹ ngang qua Cụp Chiêm Sơn hắt hiu bờ cỏ dại ven đường, như cái gạch nối giữa quê cha với quê mẹ, giữa quê nội với quê ngoại, giữa quá khứ và hiện tại, nhìn lên đỉnh núi Chiêm trống trơ, bao ký ức tuổi thơ len về, miên man dậy lên trong tâm hồn. Mỗi bước đi trên mảnh đất linh này như đều giẫm lên vết chân còn hơi ấm của tiền nhân.”

Tác giả dành những trang cuối tập sách để viết về quê ngoại của mình, làng Đông Yên, nay thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, một ngôi làng được giới học thuật thế giới biết đến nhiều với tấm bia “Đông Yên Châu”, một tấm bia sớm nhất ghi tiếng Chăm cổ tại Đông Nam Á, có thể thế kỷ 4(2). Tác giả ghi lại những chuyện kể của người bà, người cậu về ngôi tháp Dương Bi trong làng nay đã biến mất, về những nải chuối nhặt được dưới lòng đất gọi là vàng Hời; về những ngôi chùa, nhà thờ, công trình hợp tác xã bên cạnh những viên gạch Chàm đổ nát, thấp thoáng bóng dáng người xưa. ”Ngôi nhà tranh tre của cậu Ba ở giữa cánh đồng, cạnh một ngôi tháp Chàm cổ rêu phong, gọi là tháp Dương Bi, xóm ở đó cũng gọi là xóm Dương Bi. Ban đêm nhìn sang âm u, ma quái. Tôi còn nhớ nhiều người ở đây có màu da ngăm đen, mắt sâu, sống mũi dài, tóc gợn sóng.”

Trước đây, người xứ Quảng truyền nhau câu chuyện thi xây tháp với người Chàm rồi lấn lấy đất. Trong văn chương hò vè thường đọc các câu: “Quảng Nam vốn đất Chiêm Thành, Trần Lê thuở trước đánh giành đã lâu”. Và gia phả các tộc họ hầu hết mở đầu bằng một câu có tính công thức, “Ngã thủy tổ tòng vương, phạt Chiêm Thành chi địch” (Thủy tổ tộc ta theo vua, đánh giặc Chiêm Thành). Những cách nhìn ấy xuất phát từ chỗ đứng của những triều đại xem một đất nước chỉ thuộc về một dân tộc chủ thể, trường hợp Đại Việt là dân tộc “Việt”, dù hơi mơ hồ, nhưng khác với dân tộc “Chàm”, một khái niệm cũng mơ hồ không kém. Cách nhìn này đã tạo ra những tình cảm tiêu cực của việc thắng, bại và sự hòa hợp gượng ép. Một số người xứ Quảng không thích nghĩ mình có nguồn gốc Chiêm Thành, vì cảm giác như là “người thua cuộc” đang sống trong cộng đồng cuả nhiều “người thắng cuộc”.

Đến nay, sau hơn 500 năm, lịch sử đã có độ lùi đủ để thế hệ người xứ Quảng hiện nay nói riêng và miền Trung nói chung thay đổi cách nhìn. Mọi người cùng sống trên dãi đất có chung một lịch sử; trong dòng chảy đó, mỗi thời kỳ có những cuộc tranh giành quyền lực, thậm chí chém giết lẫn nhau, và mỗi bên đều có những anh hùng, liệt nữ. Hoàng hậu Mỵ Ê của Chiêm Thành trầm mình tự vẫn để giữ chung thủy với chồng, được vua Lý Thái Tông của Đại Việt truy phong là Hiệp Chính Hựu Thiện Phu Nhân, cho lập miếu thờ, ghi vào sử Việt(3). Vua nhà Trần của Đại Việt giao chiến nhiều trận với vua Chế Bồng Nga của Chiêm Thành; đến khi Chế Bồng Nga thất trận, vua nhà Trần thốt lên lời khâm phục, xem Chế Bồng Nga sánh ngang hàng với mình, như là Hạng Vũ với Hán Cao Tổ trong lịch sử Trung Hoa(4). Tất cả đều là tiền nhân của người dân Thuận - Quảng hôm nay. Và biết bao con cháu của Chiêm Thành và Đại Việt đã chen vai thích cánh trong suốt nhiều thế kỷ dù là xuất phát từ thân phận tù binh hay là người mở cõi; tất cả đều đã góp phần vào sự phát triển của đời sống và văn hóa chung. Miền tháp cổ là một kết quả xuất phát từ lòng đam mê, tìm tòi ghi chép các chứng cứ, những câu chuyện trong hàng trăm năm chung sống của những hậu duệ Chiêm Thành và Đại Việt trên vùng đất Thuận - Quảng; cũng là một đóng góp vào việc thay đổi nhận thức của cá nhân và cộng đồng, xóa bỏ mặc cảm thắng, thua để cùng chung tay xây dựng một cuộc sống tốt đẹp và nhân ái.

Miền tháp cổ tập hợp những bài viết, sắp đặt lại theo dòng suy nghĩ và cảm xúc của tác gỉả, và những khoảng trống giữa các bài viết là nơi dành cho cảm xúc của người đọc, tiếp tục có những suy nghĩ riêng của mình về những điều tác giả chưa nói hết; có thể là những bâng khuâng trước những dâu bể trong cuộc đời, về những thành trì, đền tháp một thời uy nghiêm, tráng lệ nay chỉ còn cỏ mọc, rêu phong; có thể là những suy tưởng về nguồn gốc tổ tiên, về những người anh em trải qua bao đời hòa trộn huyết thống; có thể là những băn khoăn về câu chuyện bản sắc khó lòng xác định trong một thế giới rộng mở và biến động không ngừng. Miền tháp cổ khép lại, nhưng mở ra một miền suy tưởng mênh mông, đó chính là hứng thú khi đọc Miền tháp cổ của Vũ Hùng(5).

 

(1) Từ những ví dụ này, người nghiên cứu ngôn ngữ học lịch sử có thể phân loại những biến âm có tính quy luật và những trường hợp ngẫu nhiên.

(2) Coedès, George, "La plus Ancient Inscription en langue Cham", Trong: A Volume of Eastern and Indian Studies Presented to Professor F.W. Thomas on his 72nd Birthday, 21, March 1939, tr 46-49. New Indian Antiquary, extra series 1. Bombay: Karnatak Publishing House. Griffiths, Arlo, "Early Indic Inscriptions of Southeast Asia", Trong: John Guy (ed.), Lost Kingdoms, Hindu - Buddhist Sculpture of Early Southeast Asia, New York: The Metropolitan Museum of Art, 2014.

(3) Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Hà Nội: Giáo Dục, 2007, tr 308.

(4) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1993, tr 283. Sách Việt Điện U Linh của Lý Tế Xuyên đời Trần có chép chuyện Mỵ Ê (Nxb Văn học, 2001, tr 57- 59).

(5) Tao Đàn Thư Quán liên kết với NXB Đà Nẵng, in tại FAHASA TP. Hồ Chí Minh. Hình ảnh 4 màu. Bìa: Họa sĩ Phan Ngọc Minh thiết kế.