Trăng thượng huyền
Diệu Phúc tên khai sinh là Trần Thị Diệu Phúc, sinh ngày 03/11/1988, hiện ở tại số 1 đường Đông Hải 4, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Diệu Phúc nung nấu tình yêu văn học từ những ngày còn học phổ thông, nhưng đến khi ra trường dạy học và bị chấn động trước bờ sinh tử của căn bệnh nan y, Diệu Phúc mới bật ra những truyện ngắn với niềm khát khao cháy bỏng sự sống của phận người. Năm 2016, Diệu Phúc bất ngờ bị bệnh nhiễm trùng máu trong lúc mới sinh con tròn 5 tháng tuổi. Em đã chìm vào cơn hôn mê hơn 1 tháng và em đã chạm vào một thế giới khác lạ, tận cùng sợ hãi và đơn độc.
Sau cơn đau đó, Diệu phúc đã tìm đến văn chương để ẩn mình trong những trang văn, để sống trong “thế giới ảo” mà em vừa chạm phải. Truyện ngắn Diệu Phúc đã mở ra một thế giới khác mà chính tác giả sống trong đó, sau khi hằng ngày phải uống những viên thuốc chống nhiễm trùng máu trong cuộc đời thực.
Tập truyện ngắn đầu tay gồm 11 truyện với nhan đề “Thiên Hồ hay là chuyện bản thảo hồi sinh” của Diệu Phúc đang in chuẩn bị ra mắt bạn đọc trong nay mai. Chúc mừng tác giả trẻ Diệu Phúc và xin giới thiệu một truyện ngắn của em vừa gửi đến Tạp chí Non Nước.
Mơ được bố mình dẫn đến nhà thầy giáo cũ. Cô thấy hơi ngài ngại nhưng bố cô cứ kéo tay vào. Thầy Nhất chỉnh lại gọng kính, nhìn đăm đăm ra cánh cổng màu xanh. Nhìn thấy người quen, thầy niềm nở:
- Bác và em đến chơi ạ?
Mơ cúi đầu lễ phép chào thầy, vẫn cung cách như cô bé tuổi mười lăm ngày nào. Cô ngước nhìn gian nhà gỗ đơn sơ, mọi thứ vẫn thân thuộc như lần đầu cô đến thăm nhà thầy. Bên cạnh chiếc đi văng thầy hay nằm nghỉ trưa, sách trên kệ đã nhiều lên đáng kể. Nhìn chán trong nhà, Mơ lại nhìn ra vườn. Cô đột nhiên hỏi:
- Cây mận ở đằng kia đâu rồi ạ?
- À! Sâu nhiều quá, nhà lại lắm trẻ con, thầy đốn hạ lâu rồi.
- Thầy có còn nhớ, mỗi lần em cùng các bạn đến chơi, thầy mặc quần xà lỏn cho khỏi vướng, trèo lên cây hái quả thả xuống. Chúng em mỗi đứa một góc, giăng lưới cho thật rộng để hứng. Quả của nó vừa ngọt vừa giòn, đốn đi, cũng tiếc thầy nhỉ.
Nghe Mơ kể, ông bố già mường tượng đến hình ảnh thầy mặc xà lỏn trèo lên cây, phía dưới là cả đám con gái tuổi mới lớn lao nhao, ông cố bấm bụng nhưng không nén được, cười khùng khục. Thầy Nhất có chút ngượng ngùng, giấu nụ cười xấu hổ.
- Thầy vẫn hay chơi đàn chứ ạ?
- Chẳng mấy khi em ạ. Cuộc sống lắm thứ phải lo toan, tâm hồn cũng dần khô cằn, già cỗi.
Mơ không hiểu hết ý tứ trong câu nói của thầy, cứ nghĩ là thầy thấy mình đã già, cô buông một câu như lời an ủi:
- Trông thầy còn trẻ chán.
Rồi cô lại tiếp:
- Thầy có biết, sau lần thầy ôm đàn hát “Bèo dạt mây trôi”, Mỹ Châu nói nó yêu thầy đấy!
Thầy Nhất vừa nhấp ngụm trà đã bị sặc, ho một tràng, đỏ mặt tía tai. Thầy nhìn sang ông bố. Ông mỉm cười đôn hậu, kiểu như vừa thông cảm, vừa mong thầy hiểu cho. Thầy vẫn biết Mơ là cô học trò ngoan, nhưng có chút đặc biệt. Nói thẳng ra là cô có lúc dở dở ngây ngây. Cũng vì thế mà Mơ chẳng thể theo học đến nơi đến chốn.
Ngày ấy, thầy Nhất học khoa văn, nhưng ra trường, giáo viên thiếu, thầy đảm nhận cả việc dạy âm nhạc, cũng có lúc kiêm luôn lịch sử, địa lý. Đồng lương bèo bọt, không nuôi nổi thân, không ít ông giáo bỏ ngang nghề. Người chuyển sang làm thợ chụp ảnh, lại có người chuyển sang nghề chở lợn cho các lò mổ. Thầy Nhất may mắn hơn, lấy cô vợ bán hàng tạp hóa, có đồng vào đồng ra, nên thầy cũng bám trụ được với nghề.
Thầy và ông bố học trò cũ chuyện trò vài câu vu vơ. Đến lúc thấy Mơ xuống nhà dưới chơi với mấy đứa trẻ, ông mới lộ vẻ suy tư. Ông im lặng, nhìn thầy hồi lâu, rồi lại day trán. Sau cùng, ông cúi nghiêng đầu, nhưng mắt vẫn ngước nhìn người thầy cũ của con gái mình, ông nói:
- Thầy Nhất ạ! Tôi già cả rồi, lại bệnh tật trong người, ngày tôi về với mẹ nó chẳng còn xa. Con Mơ lại lúc tỉnh lúc ngây, chẳng ai chăm lo, quả thật, mỗi lần nghĩ đến mà tôi muốn chảy nước mắt. Thầy học cao hiểu rộng, lại sống có tình nghĩa. Chỉ có thầy, tôi mới đủ tin tưởng gửi gắm con gái. Tôi biết nó không xứng với thầy, nhưng mong thầy nghĩ đến tấm lòng của người cha già này mà thương lấy nó.
Thầy Nhất giật nảy mình, sững sờ không tin được những điều vừa nghe là thật. Thầy bối rối:
- Bác ạ! Mơ là học trò của tôi, tôi cũng thương em. Nhưng tôi còn có gia đình, bây giờ đã có cháu nội cháu ngoại rồi. Mong bác đừng làm khó.
Ông bố vẫn chân thành:
- Tôi không muốn làm khó thầy. Tôi biết thầy cũng chẳng nạp thê nạp thiếp được. Cái thời ấy quá vãng rồi. Tôi chỉ mong khi mình khuất núi, còn có người thay tôi chăm lo cho nó. Nếu không, tôi chết cũng chẳng được an lòng.
Thầy Nhất chưa kịp nghĩ được gì thì ông cụ đã nói tiếp:
- Thầy không cần vội trả lời. Thầy cứ từ từ suy nghĩ. Nếu khó ở chỗ vợ thầy, tôi có thể ra mặt, nói với bà giáo vài câu. Bà giáo là người phúc hậu, lại hiểu chuyện, chắc sẽ không trách cứ già này.
Minh họa Hồ Đình Nam Kha
Một thoáng thay đổi trên khuôn mặt thầy Nhất. Thầy nhìn ra xa, vẻ đăm chiêu:
- Chuyện đó, bác cứ từ từ, để tôi suy nghĩ thêm đã ạ.
Hai cha con Mơ về đã lâu mà thầy Nhất vẫn như người lạc trong cõi mê. Cũng may bà giáo đi chợ chưa về, nếu không, thật khó lòng ăn nói.
Thầy ra vườn, đi tới đi lui đến mấy vòng mà lòng vẫn chưa hết bấn loạn. Thầy nghĩ, nếu thầy bao bọc Mơ, cũng xem như hoàn thành tâm nguyện cho ông cụ, để ông ra đi lòng nhẹ nhàng thanh thản, bản thân thầy cũng giữ trọn đạo nghĩa thầy trò với Mơ. Nhưng mọi việc có dễ dàng như vậy không? Vợ con thầy sẽ nghĩ gì? Bà con lối xóm người ta sẽ nghĩ gì? Thầy chỉ muốn sống an nhàn những ngày hưu trí, thầy sợ phải nghe những lời thị phi.
Vài hôm sau, ông cụ lại dẫn con gái đến, mang theo một túi ngô luộc, bảo cho mấy đứa cháu. “Uầy, vẫn biết là tôi mấy cháu rồi mà bác còn có cái ý định gàn dở ấy”. Thầy Nhất thầm kêu khổ trong lòng. Lần này, bà giáo cũng ở nhà. Nhưng nghe những câu chuyện không đầu không cuối của hai người, bà chẳng mảy may suy nghĩ gì. Mơ lại chạy xuống nhà dưới chơi với cháu ngoại của thầy:
- Này, bé con, bà đến thăm cháu đây. Cho con cây kẹo này, kẹo của Mỹ đấy.
Lan nhìn chiếc kẹo chanh trong tay con trai, ngỡ ngàng không biết nói gì. Sao người đàn bà này trông còn rất trẻ, mà lại tự xưng là bà. Mơ lại nói:
- Lan phải gọi cô là dì đấy nhé. Ông bảo như thế. Ông bảo chúng ta có họ hàng. Bà nội của cô là anh em cậu cô với bà cố ngoại con đấy.
Nói chuyện với bà giáo, Mơ cứ một điều xưng em, hai điều xưng em. Xế trưa, bà giáo mời cơm, Mơ vui lắm nhưng bố cô lại bảo để hôm khác.
Sau vài bận hai cha con Mơ đến nhà, Lan tò mò hỏi bố:
- Sao ông cụ và cô Mơ ấy hay đến nhà mình chơi vậy? Mỗi lần đến, đều ngồi lại rất lâu. Con cảm thấy không bình thường lắm.
- Thì họ vốn không bình thường mà con.
- Bố biết là họ không bình thường, mà cũng chịu khó ngồi trò chuyện chiều lòng họ. Con phục bố sát đất đấy!
Thầy Nhất thở dài:
- Nói ra, hai mẹ con đừng cười. Ông cụ hôm nào cũng đưa con gái đến, là muốn gửi gắm cho bố. Ông sợ mình chết rồi không có người lo cho con.
Lan đùa:
- Ôi thế thì hay quá. Cô Mơ ấy, tuy hơi dở tí nhưng hiền lành, dễ chịu, lại quý trẻ con. Có người chăm bẵm cháu nội, cháu ngoại, mẹ cũng đỡ vất vả, mẹ nhỉ?
- Chẳng biết có chăm cháu cho được không, hay lại bắt tôi chăm thêm cháu. Tôi là tôi không chịu thế đâu.
Bẵng đi một thời gian không thấy hai cha con ông già đến chơi. Một hôm, bà giáo đi chợ, thì nghe tiếng người ta xì xào bàn tán: “Con Mơ ấy, chẳng biết chửa với ai mà bụng lùm lùm rồi đấy”. Bà giáo lặng nghe từng lời, cảm thấy như có kiến bò khắp người. Một luồng điện chạy dọc cơ thể bà, nổi hết cả da gà da vịt. Chẳng còn tâm trí nghĩ đến chuyện mua rau mua cá, bà rảo bước về nhà thật nhanh.
Còn Mơ thì đang mơ tưởng những lúc được gần gũi bên người thầy của mình. Mơ nhớ về buổi chiều hai người hẹn nhau ở cái chòi trông vườn ngoài bờ sông. Vừa gặp, chẳng ai bảo ai, cả hai đã vồ vập, quấn lấy nhau. Đột nhiên, Mơ đẩy thầy ra và hỏi:
- Thầy thích em thật à?
Thầy Nhất không nói gì, lại kéo Mơ vào lòng, hôn lên mái tóc cô. Hơi thở của thầy phả vào tai, vào gáy khiến Mơ thấy nhồn nhột, vai cô rung rung. Mơ lại nói:
- Em biết nó thế nào rồi. Em đã trông thấy con bò làm chuyện ấy rồi.
Thầy bật cười với suy nghĩ ngây thơ của Mơ:
- Em ngốc quá! Thầy không phải là bò.
Nói rồi, thầy ôm xiết lấy Mơ, không rời ra nữa. Mơ như thấy mình lạc vào một thế giới khác, lạ lẫm, hoang sơ. Cái cảm giác khi lần đầu tiên có người đàn ông chạm vào, nó khiến cô mê mẩn. Cô không biết phải làm sao nữa, cứ để mặc cho thầy khám phá, đi đến tận cùng. Nhớ lại những lúc đó, Mơ đỏ mặt ngượng ngùng, nhưng trong lòng lại cảm thấy rất thích.
Cũng từ sau lần đó, thầy Nhất lại thấy như vừa được đánh thức một cái gì đấy trong con người già cỗi, đạo mạo của thầy. Những cảm xúc tưởng chừng như đã ngủ quên từ lâu, nay bừng dậy, mới mẻ. Thầy thấy mình vẫn yêu đời, vẫn lãng mạn, vẫn rạo rực, vẫn trẻ trung. Thầy đang miên man với niềm hạnh phúc khi nghĩ về Mơ thì bà giáo bước đến trước mặt. Bà buông một tiếng thở dài. Rồi bà nhìn thầy, nói từng chữ, rành mạch:
- Con Mơ có bầu rồi đấy!
Thầy im lặng, không nói gì. Bà không nén được sự tức giận, hỏi thẳng:
- Có phải của ông không?
Thầy Nhất ngước nhìn vợ, cái nhìn đau đáu, sẵn sàng chịu tội. Thầy khẽ gật đầu.
Bà giáo ngồi bệt xuống đất. Cảm giác bất lực. Bà khóc. Lúc đầu là tiếng “hức, hức” chịu đựng, sau nó vỡ òa ra, bà khóc, bà gào to như một đứa trẻ. Bà nghẹn ngào trong uất ức:
- Tôi già rồi... Tôi biết ông cũng cam chịu... Giờ bỗng có con bé ấy...
Nước mắt bà cứ thế trào ra, bà cứ để mặc, thấm đẫm gương mặt đồi mồi bắt đầu rạn vết chân chim. Thầy nhẹ nhàng ôm lấy bà, gục đầu trên vai bà. Hai cái bóng hòa làm một, đổ dài theo vệt nắng cuối ngày.
Bữa cơm soạn ra. Cái không khí lặng im đến nghẹt thở. Bà không nuốt nổi cơm. Thấy vậy, thầy cũng buông đũa. Bao tức tối trong lòng bà dường như vẫn chưa tan. Bà hậm hực:
- Ông ăn đi chứ. Không ăn lấy sức đâu mà bồng con.
Thầy nhìn bà. Ánh mắt đầy sự nhẫn nhịn. Bà vẫn không thôi:
- Đã không muốn ăn thì đổ, đổ hết.
Nói rồi, bà đứng lên, trút hết toàn bộ thức ăn lẫn cơm vào thùng nước lợn. Bà lên giường nằm, khóc rấm rứt. Bao nhiêu năm qua, chưa một lần bà tỏ thái độ bất nhã với thầy. Nay bà làm vậy, thầy biết bà giận, giận lắm. Nhưng lỗi cũng do thầy. Thầy sai. Thầy chịu. Thầy không dám trách bà. Thầy nhẹ nhàng đến bên bà, dỗ dành:
- Thà rằng bà đánh tôi, mắng tôi, tôi chịu được. Nhưng bà hành hạ bản thân như thế, lòng tôi đau. Bà dậy đi. Tôi nấu cho bà bát mỳ, ăn xong rồi ngủ.
Thầy lúc nào cũng dịu dàng như thế, khiến bà muốn giận, cũng chẳng đành đoạn. Bà nói trong nước mắt:
- Đời này, tôi đã xem ông như vị thánh sống. Tôi một lòng tôn thờ ông, cung phụng ông. Sao ông nỡ...
Rồi bà lại òa lên khóc. Thầy ôm bà vào lòng, khẽ khàng:
- Tôi biết tôi sai rồi. Tôi có lỗi với bà. Nhưng dù sao thì sự đã rồi, tôi mong bà chấp nhận. Kiếp này, tôi sẽ không để bà phải bận lòng thêm điều gì nữa.
Thầy lau nước mắt cho bà, đỡ bà ra bàn ăn, rồi lặng lẽ nấu hai bát mỳ trứng.
Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Chuyện thầy Nhất tằng tịu với Mơ đã lan khắp làng trên xóm dưới. Con trai, con gái thầy đi đâu cũng nghe người ta xì xào, bàn tán, cảm thấy muối mặt, chẳng muốn bước chân ra khỏi nhà. Bao nhiêu nỗi khó chịu, bực dọc hiện rõ trên gương mặt chúng. Nhưng khi các con tỏ thái độ với thầy, thương chồng, bà giáo lại mềm mỏng, tìm lời xoa dịu các con:
- Nhà nào cũng có hũ mắm. Khéo đậy thì nó không hôi.
Từ lúc hay tin con gái mang trong mình giọt máu của thầy Nhất, ông bố Mơ cười nói suốt ngày. Một niềm vui sướng len lỏi trong tâm hồn ông. Ông cảm thấy mãn nguyện. Vậy là Mơ không còn đơn độc. Về gặp mẹ nó, ông cũng dễ bề ăn nói. Ông lớn tiếng bác bỏ những lời bàn tán và trấn an con gái mình:
- Con không biết đâu, hôm qua ra đầu xóm, bà Thắm đang nói xấu con, bố liền mắng cho một trận. Cả thằng Tuyền nữa, nó vừa hỏi xỏ lá một câu, bố trợn mắt, chửi nó không còn manh giáp. Bố còn đây, sẽ không ai bắt nạt con đâu.
Còn Mơ, cô mong ngóng cái ngày trở thành mẹ của mình. Cô áp tay lên bụng, cảm nhận đứa con đang quẫy đạp. Cô thủ thỉ trò chuyện với con mỗi ngày. Cô suy nghĩ để tìm cho con một cái tên thật đẹp. Cô thăm hỏi những người đàn bà trong thôn, để chuẩn bị những thứ cần thiết cho sự ra đời của con mình.
Ngày mơ lên cơn đau đẻ, thầy Nhất đứng ngồi không yên, đi đi lại lại, lòng như lửa đốt. Bà giáo lòng còn ấm ức khi phải bất đắc dĩ mà xem Mơ như em gái, nhưng nghĩ lại: “Đàn ông vượt bể có chúng có bạn, đàn bà vượt cạn chỉ có một mình”, bà cũng thương cảm. Bà nói:
- Tôi cùng ông đến bệnh viện xem nó sinh nở thế nào.
Mơ sinh một bé gái xinh xắn. Nhìn đứa trẻ nằm trong vòng tay mẹ bú ngon lành, bà giáo chợt nghĩ đến hình ảnh cô con gái của mình ngày nhỏ: “Nó giống Lan quá!”. Bà dịu dàng nhìn hai mẹ con, bất giác nở một nụ cười. Ông bố Mơ nhìn bà giáo, ánh mắt lộ vẻ biết ơn.
Từ khi có đứa bé, thầy Nhất vắng nhà nhiều hơn. Ban đầu, bà cảm thông bởi Mơ đang thời gian ở cữ, cần có người bên cạnh. Nhưng hết ba tháng mười ngày, bà thấy thầy xem nhà như quán trọ. Thầy đã quá gắn bó với ngôi nhà bên đó. Lan nhìn thấy nỗi khổ tâm của mẹ, lại thêm phần tức tối kẻ thứ ba chen ngang phá vỡ hạnh phúc gia đình mình, cô thuyết phục mẹ tìm đến nhà người đàn bà đó, quyết nói chuyện cho rõ ràng.
Nhà Mơ nằm tận cuối làng. Sau một hồi thăm hỏi, hai mẹ con bà giáo đã đứng đầu ngõ căn nhà gỗ lụp xụp. Ngõ vắng và sâu hun hút, rợp bóng tre. Bà giáo cố trấn tĩnh, nhẹ nhàng bước vào. Tiếng đất đá lạo xạo dưới chân nghe khô khốc.
Bên trong ngôi nhà, hai bố con Mơ đang ngồi ăn tối. Mâm cơm trong chiếc chiếu sờn cũ trải trên nền nhà chỉ vẻn vẹn hai khúc cá cùng một dĩa rau xào. Phía bên cạnh là chiếc giường tre, đứa bé đang nằm say giấc. Đồ đạc trong nhà cũ kĩ, chẳng có gì đáng giá. Ông bố già vui vẻ gắp thêm cho con gái phần cá, giục con ăn nhiều vào.
Bà giáo và Lan đứng sững bên ngoài cánh cửa. Đôi chân bà nặng trĩu, không nhích thêm một bước nào nữa. Bao nhiêu lời lẽ cay độc, chát chúa bà nghĩ ra trên đường đi khiến bà xấu hổ. Chỉ một thoáng trước, bà còn cảm thấy mình là người đáng thương, bị giật chồng, bà tìm đến Mơ trong tâm thế người đi đánh ghen. Vậy mà giờ đây, khi Mơ ở trước mắt, bà lại thấy mình như kẻ phạm lỗi. Bà thấy mình thật xấu xa.
Những giọt nước mắt chẳng biết tự lúc nào đã lăn dài trên gò má. Bà nhìn sang con gái, đôi mắt Lan cũng ngân ngấn nước. Bà đưa tay ra hiệu, ý bảo con gái quay ra. Trên đường về, chẳng ai nói với ai câu nào.
Tối hôm đó, bà giáo nói với thầy Nhất:
- Ngày mai ông chở tôi sang thăm cô Mơ. Tôi đã dặn trước người ta cái giò heo, biếu em nó ăn vào cho có sữa mà cho con bú.
Lan cũng góp chuyện:
- Mẹ đợi con gom ít áo quần cũ và đồ dùng cá nhân của thằng Cún mang sang cho con bé. Trẻ con thì đồ trai gái giống nhau cả.
Thầy Nhất xúc động nhìn hai mẹ con, trong đáy mắt thầm biểu lộ vẻ hàm ơn.
Bên ngoài cửa sổ, mảnh trăng thượng huyền vẫn sáng vằng vặc, như một nét cười trong đêm tối bình yên.
D.P