Những khúc nhạc lòng
(Đọc Phạm Duy và lời ca lắng đọng của Phan Trang Hy)
Tôi đang cầm trên tay tập tiểu luận, phê bình và tạp bút Phạm Duy và lời ca lắng đọng (NXB Hội Nhà văn, 2021) của nhà văn Phan Trang Hy, Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng còn thơm mùi mực. Sau Nỗi niềm riêng (thơ, 1989), Người thầy dạy búp bê (tập truyện, NXB Văn nghệ 2009), Người hay là những cơn mơ mạo danh (tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn 2015), Phóng sinh chữ nghĩa (tập truyện, NXB Hội Nhà văn 2018), đây là tác phẩm thứ năm của anh ra mắt độc giả. Cuốn sách đẹp, trang bìa in hình Phạm Duy - người nhạc sĩ tài hoa, mà những ca khúc của ông không thể thiếu trong cuốn sổ tay chép nhạc của sinh viên, thanh niên một thời. Gần 300 trang sách của Phan Trang Hy giúp người đọc hình dung về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác đồ sộ của một nhạc sĩ một đời rong chơi cùng mưa nắng, từng được xưng tụng là “phù thủy âm nhạc”. Tập sách ra đời nhằm kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Phạm Duy (05.10.1921- 05.10.2021), chứng tỏ niềm ngưỡng mộ cùng sự dày công nghiên cứu, sưu tầm, đánh giá “kho tàng nhạc” Phạm Duy của nhà văn Phan Trang Hy.
Có một Phạm Duy như thế
Tôi muốn lấy nhan đề của một bài viết trong phần một của cuốn sách Phạm Duy và lời ca lắng đọng để đồng điệu với nhà văn Phan Trang Hy khi anh đã không ngần ngại bỏ khá nhiều công sức tìm hiểu, nhìn nhận về một phong cách âm nhạc một thời chịu nhiều sóng gió.
Với 24 bài tiểu luận, phê bình, phần đầu tập sách là những cảm nhận của nhà văn về những chương khúc trong nhạc Phạm Duy theo từng chủ đề. Trong những chương khúc ấy, có khúc ca do nhạc sĩ tự viết lời và phổ nhạc; song cũng có những chương khúc Phạm Duy phổ dựa trên thơ của các thi sĩ mà tên tuổi của họ không chỉ “vang bóng một thời” mà còn lưu lại đến mai sau: Hoàng Cầm, Bích Khê, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Phùng Quán… Đặc biệt, ở bài viết mở đầu của tập sách, Phan Trang Hy đã nhận chân được “cái tôi - Bản ngã trong lời nhạc Phạm Duy” trước tiên đó là một cái tôi yêu nước; đâu phải một mình Phạm Duy mới thể hiện tình yêu quê hương, đất nước trong âm nhạc, nhưng đáng chú ý là ở ca từ của ông “mang đậm hồn nước vừa dân dã, vừa trang trọng, vừa gần gũi, thiêng liêng” (trang 23); “đó chính là sự sáng tạo nghiêm túc, đầy trách nhiệm với nền âm nhạc Việt Nam cũng như Tổ quốc Việt Nam” (trang 24). Cũng ở bài viết này, Phan Trang Hy cũng nhận ra được cái tôi thiết tha yêu đời, yêu người; khát vọng tự do; ước mơ chấm dứt chiến tranh đem hòa bình trở về trên đất mẹ Việt Nam; ngoài ra nhà văn cũng phát hiện được một cái tôi đa tình nồng cháy của một cuộc đời “có đầy đủ vinh quang và tủi nhục, hạnh phúc và khổ đau”(trang 38).
Qua những trang viết của mình cùng niềm đồng cảm sâu sắc với nhạc sĩ Phạm Duy, Phan Trang Hy đã đúc kết: “Từ những ca khúc ông tự viết đến những lời thơ được ông phổ nhạc đều làm cho tiếng Việt thăng hoa”. Đây là một niềm hạnh ngộ lớn cho nhạc sĩ, đồng thời là lời ghi nhận những đóng góp không nhỏ của Phạm Duy cho nền tân nhạc Việt Nam.
Tản mạn về những khúc ca
Phần Hai của tập “Phạm Duy và lời ca lắng đọng” là những tạp bút, tản văn ghi lại những cảm xúc của nhà văn Phan Trang Hy về ca từ trong những bài hát mà tác giả đắm say. Nếu phần đầu cuốn sách, giọng văn nghiên cứu có phần khô khan, ít lôi cuốn thì đoạn sau là những tản mạn, rung động của tác giả hòa theo những lời ca một thời không thể nào quên. Với 11 bài viết của tác giả, độc giả nhận ra hình ảnh của bốn mùa luân chuyển trong nhạc Phạm Duy. Đề tài mùa xuân xuất hiện nhiều nhất và được nhạc sĩ vẽ nên bằng thanh âm với nét tươi vui rạo rực cùng các ca khúc: Hoa xuân, Tuổi xuân, Xuân ca, Xuân thì, Xuân hành: “Xuân tôi ơi, sức xuân tôi còn khát khao/ Dù nay dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu...” (Xuân ca). Mùa hạ phảng phất tình trong nhạc Phạm Duy với những ca khúc chỉ nghe tên thôi, mọi người đã thuộc lòng lời hát: Ngày xưa Hoàng Thị, Trả lại em yêu, Thà như giọt mưa, Gió thoảng đêm hè... Mùa lá vàng rơi luôn gợi nhiều cảm hứng cho thi sĩ-nhạc sĩ; với Phạm Duy cũng vậy, khi viết về mùa thu ca từ trong nhạc của ông luôn lay động lòng người: Nước mắt mùa thu, Tình ca mùa thu, Còn gì nữa đâu, Thương ai nhớ ai... Mùa đông để lại ấn tượng không phai trong lòng khán thính giả với Bà mẹ quê, Một bàn tay, Mùa đông chiến sĩ, Ngụ ngôn mùa đông... Nhà văn Phan Trang Hy nhận xét: “dù phổ thơ hay đặt lời cho từng bài hát của mình, Phạm Duy vẫn đem đến những cung bậc khác nhau, hiến tặng mùa đông cùng nhân gian những lời ca đẹp”(tr 219).
Bên cạnh những dòng xúc cảm về thời gian với bốn mùa cùng mưa, nắng, cỏ, trăng, chiều, trang văn của Phan Trang Hy dẫn người đọc về với kỉ niệm qua bài viết “Nhớ thương nhau, hát nhạc Phạm Duy”. Với tôi, đây là những trang viết dạt dào cảm hứng nhất khi tâm hồn của nhà văn phiêu diêu cùng lời ca: “Em tan trường về/ Đường mưa nho nhỏ”, chợt nhớ lại một thời cắp sách cùng mối tình thầm lặng với cô bạn cùng lớp tên Chi...
Dẫu rằng, đi suốt tập sách “Phạm Duy và lời ca lắng đọng”, vẫn còn những trang văn chưa thật cô đọng bởi nhà văn muốn liệt kê ca từ trong nhạc Phạm Duy để minh họa cho luận điểm của mình, song cần ghi nhận công sức và niềm đam mê nghiên cứu âm nhạc Phạm Duy của nhà văn Phan Trang Hy. Hi vọng qua tập sách, độc giả sẽ đồng điệu cùng tác giả để nhận ra: “Một Phạm Duy rong ruổi, một Phạm Duy đến cuối đời vẫn muốn đem hết sức lực của mình, cống hiến cho âm nhạc. Dù tuổi xế chiều, con tim Phạm Duy vẫn còn sức nóng, đam mê như nắng rực rỡ dù là ánh nắng chiều” (Rong ca - chương khúc người tình trăm năm - trang 134).
N.T.T.T