Hoa trên đá

12.08.2021
Nguyễn Đỗ Văn Quốc

Hoa trên đá

Nguyễn Đỗ Văn Quốc sinh năm 1995, hiện ở tại số 14 đường Nguyễn Khoái, thành phố Đà Nẵng. Năm 2017, Nguyễn Đỗ Văn Quốc cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tay “Màu vẽ cuộc sống”, NXB Hội Nhà văn đánh một giai đoạn đam mê văn học, đam mê sáng tác của em.

 

 

Lặng lẽ ngồi thu mình trên chiếc ghế bé tẹo chỉ dành cho các bé ở độ tuổi tiểu học, tôi bần thần đưa mắt nhìn ra phía sân trường. Suốt mấy ngày hôm nay, trời cứ mưa rả rích không ngớt đem lại khung cảnh xung quanh là một màu sắc xám xịt, buồn ảm đạm. Tôi cũng quên dần tiếng hót líu lo của những chú chim đậu trên cành cây bằng lăng trước nhà và ánh sáng lung linh của tia nắng sớm mai. Bây giờ, trong đầu tôi chỉ toàn những âm thanh lộp độp của tiếng mưa trên mái tôn, tiếng lào xào của những cơn gió lung lay bông hoa hồng trước khung cửa sổ với những cánh hoa đã bị dập nát bởi cơn mưa ngày hôm trước.

Đã ba ngày rồi! Ba ngày dài lê thê đã trôi qua kể từ khi cơn ác mộng đổ ập xuống để bắt đầu một chuỗi ký ức đau buồn trong tôi. Cơn ác mộng ấy thoạt hệt như một cái trở bàn tay của ông trời, liên tục giáng xuống cuộc đời tôi hàng loạt những biến cố kinh hoàng mà ắt hẳn tôi sẽ chẳng bao giờ quên được sự khủng khiếp ấy. Càng nghĩ về những ngày vừa qua, tôi càng cảm thấy rùng mình đến sởn cả gai óc, lạnh sống lưng.

Minh họa Hồ Đình Nam Kha

Hôm ấy, những cơn mưa nặng hạt đầu tiên đã kết thúc chuỗi ngày nắng gắt dài đằng đẳng vừa qua. Tôi đang mơ hồ thả mình vào thiên nhiên để lấy cảm xúc viết bản thảo cuốn tiểu thuyết mà tôi dự định xuất bản sắp đến thì âm thanh tiếng cửa sổ mà ai đó quên đóng chốt bị gió xô đẩy, đập ầm ầm vào tường đã ngắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Tôi vội vàng chạy nhanh đến đóng cửa. Nhưng lúc này, tôi phát hiện nước mưa đã tạt vào nhà tôi và đọng trên nền nhà gạch men thành một vũng nước lớn từ bao giờ.

Đang lụi cụi lau nhà thì mẹ tôi chạy ào vào phòng tôi và nói vội với giọng hớt hãi:

- Má bị dương tính rồi! Tầm 30 phút nữa là người ta đến đón má đi!

Dường như lúc này, mẹ tôi cũng chưa biết rõ ràng sẽ được đưa đi chữa trị tại bệnh viện nào hay ở đâu mà chỉ nghe thông báo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ đến đưa đi nên nói lại cho tôi biết.

Nói xong, không đợi tôi trả lời hay hỏi thêm bất cứ điều gì. Mẹ tôi vội vàng chạy đi lấy vài bộ đồ bộ và một số đồ dùng cần thiết, xếp gọn vào trong túi xách để chuẩn bị. Tầm vỏn vẹn 5 phút, sau tiếng còi hú đến inh tai của xe cấp cứu, hai cán bộ y tế mặc đồ bảo hộ kín mít đến nhà, đưa mẹ tôi đi. Tất cả diễn ra một cách chóng vánh mà tôi còn chưa kịp định hình sự việc gì đang xảy ra.

Tôi đang đứng ngây người như trời trồng thì ngay sau đó ít phút, tầm 10 người gồm cả cán bộ phường, công an phường đi xe máy đến nhà tôi. Một số người mặc đồ bảo hộ y tế màu xanh, trắng còn một số thì mặc sơ vin đứng phía trước nhà thảo luận, bàn bạc xôn xao với nhau. Lực lượng công an tiến hành giăng dây ngăn cách xung quanh nhà tôi. Sau đó, cán bộ y tế lấy mẫu dịch tễ của gia đình tôi và yêu cầu chúng tôi khai báo lịch trình di chuyển trong suốt 14 ngày vừa qua. Lúc này, cái cảm giác lo lắng và suy nghĩ về những việc xảy ra cứ mơ hồ, quẩn quanh trong tâm trí khiến tôi không còn cảm thấy đau khi que lấy mẫu ngoáy sâu vào lỗ mũi như mọi người hay truyền tai nhau mà chỉ nghe tiếng xoàn xoạt đến khi cán bộ y tế  báo “xong rồi!”.

Chừng 2 tiếng sau đó, xe cấp cứu đưa chúng tôi đến khu cách ly. Ngồi trên xe, tiếng còi hú cứ vang lên từng hồi inh ỏi khiến đầu óc tôi như muốn nổ tung và những ô cửa kính đều được dán decan đen ngòm khiến tôi không biết mình được đưa đi đâu cho đến khi xe dừng bánh. Lảo đảo bước xuống xe, trước mắt tôi, khu cách ly nhưng thực chất chính là một trường tiểu học nhỏ nằm trên địa bàn quận. Theo chân người phụ trách khu vực cách ly, gia đình tôi được đưa đến ở chung một phòng cách ly nằm ở cuối hành lang. Những chiếc ghế nhỏ cùng vài tấm ván gỗ đã được kê thành những chiếc giường tạm bợ phục vụ cho việc cách ly, phòng chống Covid-19. Mỗi phòng gồm 2 dãy giường, mỗi dãy có 4 giường được xếp cách nhau 2 mét. Tuy mang tính tạm bợ, nhưng tất cả đều được bố trí một cách rất gọn gàng. Tôi chọn bừa một giường nằm phía trong cùng và trải tấm chiếu mới được cán bộ phụ trách cấp phát, mắc màn rồi ngã người nằm dài trên tấm ván mỏng.

Tối hôm ấy, tôi cứ trằn trọc mãi mà vẫn không tài nào nhắm mắt được. Những suy nghĩ mơ hồ về ngày mai sẽ ra sao? Gia đình tôi sẽ như thế nào? Vợ tôi đang đi cách ly một thân một mình ở khu cách ly khác sẽ ra sao?... Tôi cứ nằm im lìm, đưa ánh mắt mơ hồ nhìn lên trần nhà được sơn trắng xóa. Mà lúc này, dường như cái trần nhà ấy trong màn đêm cũng trở nên đen tối, mù mịt đến mơ hồ. Thời gian cứ tích tắc trôi qua, cơ thể tôi cũng dần trở nên rã rời, tôi đưa mắt nhìn qua phía ba tôi và dường như, ông cũng không tài nào chợp mắt được giống như tôi.

Bỗng, ngoài sân trường vang vọng lại tiếng còi hú của xe cấp cứu. Tôi chậm rãi đi ra xem xét. Dưới ánh đèn hiu hắt của màn đêm, tôi cố dụi mắt và nhìn thấy có 4 người mới được đưa đến khu cách ly hệt như gia đình tôi. Từ trên xe, bước xuống trước là một người thanh niên, một người phụ nữ dắt theo đứa bé tầm 5 tuổi và cuối cùng là một bà cụ độ khoản 70 tuổi. Những người này không phải chung một gia đình vì tôi nhìn thấy rõ ràng giữa họ đều không có mối liên hệ nào với nhau. Khác hẳn với những người còn lại, bà lão cứ đứng run lẩy bẩy giữa sân trường trong khi mọi người đã đến nhận chiếu, gối... Thấy vậy, tôi nói lớn lên về phía nhân viên y tế đang đứng cấp phát vật dụng:

- Có ai ra dắt bà lão vào chứ bà không đi nổi kìa!

Anh nhân viên y tế là sinh viên trường y dược được trưng dụng để phụ trách khu vực cách ly nhanh chóng chạy đến dìu cụ bà từng bước chậm chạp vào trong khu vực cấp phát đồ dùng cá nhân rồi quay lại nói với tôi:

- Bà ấy có chồng vừa mới mất mà qua xét nghiệm thì phát hiện bị nhiễm Covid. Bà vừa tuổi cao kèm với tinh thần hoảng loạn nên bước xuống xe cứ đứng im, run lẩy bẩy mà không nhấc chân lên được.

Nghe nhân viên y tế nói, kèm theo những thông tin mà tôi theo dõi về dịch bệnh Covid-19. Đến khi thực tế con virus oái ăm đó lọt vào gia đình tôi, tôi thực sự lo sợ về sự khủng khiếp của dịch bệnh. Trong khi đó, mẹ tôi vì chăm ông nằm ở bệnh viện mới mắc virus thì tôi cũng là người thường xuyên đến bệnh viện phụ mẹ, tỷ lệ tôi dương tính với virus càng cao hơn những người khác trong gia đình. Sự lo sợ ấy cứ như một cây kim nhọn cắm sâu vào não bộ của tôi khiến thần kinh tôi tê liệt. Mẹ tôi bị mắc virus thì ra sao? Sẽ thế nào nếu tôi mắc bệnh? Những người thân mà tôi thường tiếp xúc sẽ ra sao?... Hàng vạn câu hỏi như đang chơi trò rượt đuổi trong tâm trí tôi. Tôi vừa đảo bước đi một vòng qua khu phòng ở của những người mới đến, lướt nhìn vào bên trong rồi thầm nghĩ: “Đến bây giờ, cách tốt nhất là phải tự mình giữ khoảng cách an toàn với mọi người trong gia đình và giữ an toàn cho bản thân mình”.  

Đang trầm ngâm suy nghĩ thì tiếng ồn ào từ người mẹ quát mắng đứa bé khiến tôi giật nảy người.

- Này! Con phải tự mắc màn, tự đi đánh răng đi chứ. Con đã 5 tuổi rồi đấy! Đừng có việc gì cũng gọi mẹ nữa!

Tôi quay ngoắt người lại nhìn và lời nói của người mẹ ấy đã để lại trong tôi ác cảm lạ thường. Theo tôi, cách dạy con của người phụ nữ ấy là hoàn toàn phi lý khi bắt một đứa trẻ tự thân làm hết mọi việc còn nếu không tuân theo thì phải chịu những lời la mắng nặng nề. Tôi vốn có lòng thương với trẻ con nên đối với tôi, khi chứng kiến những hình ảnh ấy, người phụ nữ kia chẳng khác nào phát-xít. Đặc biệt, trong hoàn cảnh, đứa bé này còn quá nhỏ để phải trải nghiệm, nếm trải mùi vị cảm giác tiêu cực khi bị đưa cách ly. Thấy vậy, Tôi lên tiếng:

- Chị ơi! Sao lại la mắng bé thế kia! Bé còn nhỏ quá thì làm sao mà biết hết được chị ơi!...

Người phụ nữ nhìn chằm chằm vào mắt tôi rồi nói:

- Khu vực này là khu cách ly dịch bệnh mà anh đi lung tung làm gì vậy? Anh về phòng đi... Việc dạy con như thế nào là của tôi. Sao lại quan tâm đến chuyện gia đình tôi vậy?

Nghe vậy, tôi đành quay về phòng nhưng trong lòng vẫn thấy quá quắt về cách cư xử với trẻ em của một người mẹ như chị ta. Lẽ ra, đứa trẻ trong hoàn cảnh này rất cần sự bảo bọc của người mẹ thì chị ta lại mang đến cho đứa bé những lời mắng nhiếc thậm tệ. “Đang lo lắng về chuyện gia đình thì lại gặp phải một cô ả vớ vẩn”, tôi vừa vắt tay lên trán vừa lầm bầm.

Quá mệt mỏi vì những chuyện vừa xảy ra, tôi dần chìm vào giấc ngủ từ bao giờ không hay. Đang thiu thiu ngủ thì chất giọng chua ngoa của người phụ nữ kia lại vang lên văng vẳng bên tai tôi. Tôi cứ ngỡ người đàn bà ấy đã chui vào bộ não, ám ảnh đến cả giấc mơ của tôi nhưng khi tỉnh giấc thì mới nhận ra đúng là chẳng trật vào đâu cái âm thanh từ giọng nói của ả ta. Bên cạnh âm thanh chua chát của người phụ nữ là tiếng “chít! chít!” đặc trưng của đôi dép trẻ con thường mang. Tôi hướng mắt dõi tìm kiếm và phát hiện âm thanh ấy đang phát ra từ phía ngoài hành lan hướng đi về nhà vệ sinh, sát nơi tôi nằm.

Nhỏm người dậy, nhìn về phía hành lan tối om, đứa trẻ đang đi trước vừa đi vừa khóc thút thít còn người phụ nữ cứ đảo bước theo sau và không ngớt những câu nói đầy khó chịu. “Này! Con đi từ từ chứ tối om sao đi nhanh vậy!... Đừng bật đèn lên kẻo người ta thức giấc lại đánh cho... Có biết đánh răng không vậy? Ngay cả những việc vệ sinh thường ngày sao lại để mẹ phải nhắc đi nhắc lại phiền phức quá vậy!...”, ả ta liên tục quát mắng đứa bé. Thấy tình hình, tôi leo xuống giường định ra nói chuyện cho ra nhẽ nhưng nghĩ lại lời cô ta nói với tôi vừa rồi nên dù trong lòng cảm thấy rất khó chịu nhưng tôi đành để đèn nhà ai người nấy sáng. Cứ như vậy, ngày hay đêm, bất kỳ giờ phút nào, mỗi lúc tôi đi ngang qua phòng ở của mẹ con cô ta thì tôi đều nghe thấy tiếng cô ả mắng nhiếc đứa bé một cách không thương tiếc. Vài ngày trôi qua, có thêm nhiều người đến ở. Mọi người đều như tôi, tất cả đều cảm thấy rất khó chịu về cách dạy dỗ con cái kỳ cục của cô ta. Nhiều người góp ý nhưng người đàn bà ấy cứ bỏ ngoài tai, mặc kệ những lời bàn tán của mọi người và vẫn duy trì cách dạy dỗ bằng lời la mắng ấy.

Thế là ba ngày đã trôi qua, tôi đang đắng chìm vào sự u uất của cơn mưa ngoài khung cửa sổ thì bỗng nhiên, cán bộ y tế đến thông báo về kết quả xét nghiệm gia đình chúng tôi. Tất cả thành viên trong gia đình đều âm tính. Lúc này, dù ngoài trời đầy những mảng mây đen to lớn nhưng trong tâm trí tôi chất chứa nhiều màu sắc vui tươi. Những bữa ăn đạm bạc mỗi ngày do cán bộ trực khu cách ly mang đến bỗng trở nên ngon đến lạ. Trên khuôn mặt mỗi thành viên trong gia đình tôi, ai nấy đều nở nụ cười vui vẻ.

 Tuy nhiên, cũng chính hôm ấy, tôi sực phát hiện ra một điều kỳ lạ. Tôi không còn nghe thấy giọng nói chua chát của người phụ nữ nọ nữa. Thấy vậy, tôi liền tò mò đi ngang qua phòng ở của mẹ con nhà nọ để thăm dò. Trên chiếc giường bằng tấm ván gỗ ọp ẹp, trái ngược với những hình ảnh dày vò tâm trí tôi mọi khi. Lần này, tôi chỉ nhìn thấy đứa bé đang chơi đùa một mình và hình ảnh của người mẹ quá quắt kia dường như đã tan biến vào không gian. Tôi gạ hỏi đứa bé:

- Này con! Mẹ con đi đâu rồi à?

Đứa bé tíu tít đáp lời:

- Dạ! Mẹ cháu bị dương tính nên các bác sĩ đưa đi chữa trị rồi! Mẹ cháu dặn cháu ở đây một mình phải ngoan ngoãn.

Đây chính là lần đầu tiên tôi có cơ hội nói chuyện với đứa bé, cảm nhận của tôi về em chính là một đứa bé cực kỳ ngoan ngoãn, được giáo dục kỹ lưỡng. Tôi tiếp tục hỏi:

- Ủa? Vậy bây giờ con ở đây một mình à? Thế mẹ con với con tiếp xúc với ai mà lại phải đi cách li vậy?

Đứa bé vừa đẩy tới đẩy lui chiếc xe đồ chơi nhỏ xíu, vừa đáp:

- Mẹ con dắt con đi mua bánh có tiếp xúc gần với chỗ tạp hóa có người dương tính với virus Covid-19 nên phải đi cách ly. Bây giờ, mẹ con bị dương tính rồi nên phải đi chữa bệnh. Chỉ còn một mình con ở đây thôi! Mẹ con có để lại điện thoại cho con mỗi khi cần thì gọi mẹ.

Tôi lấy làm lạ:

- Thế ba con đâu?

Nhắc đến ba của nó, đứa bé liền ngừng tập trung vào chiếc xe đồ chơi và trả lời tôi bằng chất giọng rất tự hào, ánh mắt của nó sáng rực lên:

- Ba con làm công an ở biên giới đó chú! Đáng lẽ ra bây giờ là ba con đã chuyển công tác về thành phố ở với mẹ con con rồi mà dịch bệnh nên bây giờ ba con vẫn phải đi trực chống dịch Covid đến khi ngớt dịch mới chuyển về được. Ba con giỏi lắm, khỏe mạnh cơ bắp vậy nè!

Vừa nói, đứa bé vừa đưa tay gồng gồng như một lực sĩ thực thụ. Thấy vậy, tôi mỉm cười nói:

- Chú cũng là công an đấy!

Đứa bé trầm trồ:

- Vậy là chú cũng khỏe lắm đó! Covid không bao giờ xâm nhập người khỏe như chú đâu! Ba con nói con chỉ cần ăn nhiều, giữ sức khỏe với mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác là con có thể chống được Covid rồi.

Tôi dặn dò đứa bé:

- Nhưng con phải thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách với người khác nữa!

Đứa bé tỏ vẻ am hiểu đáp lời:

- Cái này con biết rồi! Cái này là mẹ con bày con hết rồi!...

Nhắc đến cô ả đáng ghét kia, tôi vờ hỏi:

- Mẹ con la con nhiều như vậy... Con có ghét mẹ con không?

Đứa bé lập tức trả lời không do dự:

- Dạ không!

Sau đó, đứa bé mới tiếp tục từ tốn bộc bạch:

- Mẹ con thương con nhiều lắm! Lúc nãy, trước khi mẹ đi chữa bệnh mẹ đã nói cho con hiểu rồi! Dạo gần đây, mẹ vừa tiếp xúc với người bị Covid sau đó về nhà thì cảm, ho không ngừng. Mẹ sợ mẹ bị Covid thì không ai có thể chăm sóc cho con khi ba con vẫn còn đang thực hiện công tác ở biên giới. Do đó, mẹ rèn cho con tự chăm sóc bản thân nên đôi lúc quát mắng con cũng không có sao đâu chú... Nhờ mẹ mà hôm nay, sau khi mẹ đi... Một mình con có thể tự làm mọi việc rồi! Con không bao giờ cảm thấy ghét mẹ đâu!... Con cảm thấy thương mẹ, nhớ mẹ nhiều lắm.

Sau khi nghe đứa bé kể, tôi mới dần hiểu rõ được mọi việc. Thì ra, người phụ nữ mà tôi cho là quá quắt, ác độc mọi khi lại mà một người mẹ yêu thương con vô bờ. Cô ấy đã mặc kệ những lời bàn tán xôn xao của mọi người xung quanh và tập trung rèn luyện, dạy dỗ con mình có thể tự thân vững vàng ở nơi khu cách ly hoàn toàn xa lạ. Nghe từng lời tâm sự của đứa trẻ, tôi cảm thấy mình thật tệ khi đã vội vàng đánh giá sai một người tốt. Tất cả những điều xấu xa khi tôi nghĩ về người phụ nữ ấy lúc trước, nay đã đổ sập xuống bản thân tôi. Tôi thấy xấu hổ với bản thân và thậm chí là xấu hổ với đứa bé. Tôi đáp lời đứa bé với giọng đầy ái ngại:

- À... À... Thì ra... là vậy!

Đứa bé lấy trong ba lô một tờ giấy được gấp lại gọn gàng rồi chìa về hướng tôi:

-  Này! Chú xem này... Đây là bông hoa mà mẹ vẽ tặng con khi mới vào khu cách ly này đó...

Trên tờ giấy kẻ ô ly là hình ảnh một bông hoa nhỏ bé, màu vàng đang khoe sắc trên vách đá dựng đứng. Trong lúc tôi đang tập trung nhìn vào bức tranh, đứa bé tiếp tục nói:

- Mẹ con đặt tên con là Hướng Dương... Là luôn hướng về phía mặt trời. Dù khó khăn, chông gai như thế nào thì con phải kiên cường và thật hạnh phúc. Hôm nay, con có thể tự mình làm mọi việc mà không cần sự giúp đỡ của mẹ nữa rồi!... Chú thích bức tranh này không? Con tặng chú làm quà gặp mặt nhé! Vài bữa, chú thường xuyên qua chơi, nói chuyện với con nha!... Chú nhớ giữ sức khỏe để chống lại dịch bệnh Covid nha... kiên cường như con vậy đó!

Tôi vui vẻ đón nhận bức tranh, xếp lại và bỏ gọn vào trong túi áo sơ mi:

- Chú cảm ơn con nha! Chú sẽ thường xuyên qua chơi với con nha... Chú hứa đấy!

Tôi đưa tay móc ngoéo với đứa bé và trở về phòng để kịp lúc các cán bộ y tế đi đo nhiệt độ. Trên đoạn hành lan dẫn về phòng, hôm nay, tôi cảm thấy rất hạnh phúc mặc cho cơn mưa vẫn không ngớt trên bầu trời. Nhìn về phía bầu trời đen tối, ảm đạm ấy, tôi lại thấy những vệt ánh sáng le lói ẩn hiện sau đám mây xám xịt, to tướng. Tôi cũng không còn cảm giác lo lắng, bi quan, sợ hãi về dịch bệnh nữa mà trong thâm tâm tôi luôn tràn đầy một nguồn sức sống mãnh liệt. Quả thật, dù hoàn cảnh có trớ trêu, éo le, kinh khủng thì không được tuyệt vọng, bi quan mà phải kiên cường, dũng mãnh để không có thứ gì có thể xô ngã hay đẩy lùi bàn chân của tôi đang bước lên phía trước.

Cơn mưa càng lúc càng nặng hạt, ào ạt trút xuống, tạt vào hành lang khiến chiếc áo sơ mi của tôi ướt đẫm và thấm ướt cả bức tranh mà tôi đã bỏ trong túi áo. Bước về đến giường của mình, tôi vội vàng lật mở bức tranh mà đứa bé đã tặng ra phơi trước máy quạt cho khô. Đột nhiên, tôi nhìn thấy một điều vô cùng kỳ lạ, ngẫu nhiên đến trùng hợp. Bông hoa màu vàng ươm kia đã bị nước mưa làm loang ra thành một bông hoa hướng dương to tướng đang khoe sắc rực rỡ ánh hào quang.

Từ ngày hôm ấy, tâm hồn tôi cũng nhẹ nhàng hẳn. Trong tôi không còn tồn tại cảm giác buồn u uất nữa mà là một niềm vui lâng lâng đón chờ mỗi ngày mới đến. Tôi thầm nhủ rằng: “Với bất kỳ hoàn cảnh nào, phải luôn kiên cường và cố gắng hệt như những đóa hoa dù mọc trên vùng đá sỏi khô cằn vẫn luôn đưa hương khoe sắc rực rỡ”.

N.Đ.V.Q