Chuông vẫn nguyện hồn ai

12.08.2021
Phạm Xuân Hùng

Chuông vẫn nguyện hồn ai

Ernest Hemingway sinh ngày 21.7.1899, mất ngày 2.7.1961. Ông đạt giải Nobel Văn chương năm 1954 và để lại những tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ và thế giới. Sinh ra ở một vùng ngoại ô Chicago (Mỹ) nhưng cuộc đời ông lại hằn in dấu chân ở nhiều nơi, các quốc gia và châu lục, trong thời gian trước khi xảy ra Thế chiến thứ Nhất kéo dài đến sau Thế chiến thứ Hai. Ông thực sự là một người thích phiêu lưu, mạo hiểm, trong đời sống, trong ái tình, trong các mối quan hệ xã hội và cả trong văn chương. Di sản văn chương Hemingway để lại, trong rất nhiều tác phẩm là nỗi ám ảnh về cái chết, dù cái chết được báo trước hay cái chết đến bất ngờ.

Đam mê thể thao và viết lách, Hemingway không chọn cho mình một lối đi bình an ngay từ trẻ. 18 tuổi, thay vì bước vào cổng trường đại học ông đã trở thành nhà báo của tờ The Kansas City Star, tiếp đến gia nhập Quân đội Mỹ, ra thẳng chiến trường trong Thế Chiến Nhất. Sau chiến tranh ông làm việc ở tòa báo Toronto Star, giữ nhiều vai trò phóng viên tự do, thông tin viên nước ngoài và cả chủ bút. Những năm sau, Hemingway đi nhiều nơi, trở lại Mỹ vào năm 1931 (bang Florida) nhưng rồi đôi chân xê dịch của ông lại tiếp tục lang thang, mạo hiểm cả ở những vùng hẻo lánh, xa xôi tận Châu Phi hoặc theo những dòng sông miên man trong rừng thẳm ở vùng Caribe... rồi lại trở thành ký giả tham gia và viết về cuộc Nội chiến Tây Ban Nha (viết cho tờ North American Newspaper Alliance - Liên minh Báo chí Bắc Mỹ). Nhưng, bước chân vô định của Hemingway vẫn chưa dứt. Khi Thế chiến Hai nổ ra, ông lại tham gia lực lượng Hải quân Mỹ, kết thúc chiến tranh ông đến Cu Ba để rồi sau đó vì nhiều lý do trong đó có bệnh tật ông trở về Ketchum Idaho và kết thúc đời mình bằng khẩu súng săn tại nhà riêng.

Trong di sản văn chương để lại, Hemingway thường trực nỗi ám ảnh về cái chết. Từ những truyện ngắn đầu tiên đến những tiểu thuyết dày dặn, nhân vật của ông thường suy tư về cái chết, về định mệnh và những bất trắc khiến họ phải chia tay đời sống. Truyện ngắn Những câu chuyện của Nick Adam (Nick Adams Story), nhân vật Nick đã trăn trở về cái chết khi còn rất trẻ. Đây là đoạn trích thoại giữa Nick và bố: “Chết khó không hả bố?”/ “Không, bố nghĩ, nó khá là dễ, Nick ạ. Tùy thuộc”. Hay như trong thiên truyện Ông già và biển cả (The Old Man and The Sea), ông lão Santiago (đối nghịch với Nick trẻ tuổi) đối mặt với cái chết, thường xuyên tự vấn về cái chết. Trích đoạn: “Mi giết ta, cá ạ, ông già nghĩ. Nhưng mi có quyền làm việc đó... Hãy cứ đến đây mà giết ta”. Cái chết ám ảnh rõ nhất phải kể đến câu chuyện được kể lại trong cuốn tiểu thuyết lừng danh Giã từ vũ khí (A farewell to arms). Nội dung cuốn tiểu thuyết được xem như bán tự truyện gắn với Thế chiến thứ Nhất, quanh chuyện tình giữa Frederic Henry-người Mỹ tình nguyện lái xe cho quân đội Ý và cô y tá Catherine Barkley. Họ đi qua nhiều biến cố chia lìa, cuối cùng được ở bên nhau và chờ đợi đứa con đầu lòng. Tuy nhiên kết thúc câu chuyện cả 2 mẹ con Catherine Barkley đã chết trong quá trình sinh nở. Lúc còn sống, Hemingway từng nói rằng ông đã viết 39 lần các kiểu kết thúc mới chọn được một kết thúc ưng ý. Tuy nhiên, sau này, khi tìm trong di cảo, người cháu nội của Hemingway đã tìm thấy tổng cộng 47 bản thảo về cách kết thúc câu chuyện. Vấn đề không phải là 39 hay 47 cách kết thúc (ngoài việc nói ra sự lao động nghiệt ngã của nghề văn) mà vấn đề là hầu hết các cách kết thúc mà ông nghĩ ra đều liên quan đến cái chết. Chẳng hạn như hai mẫu kết thúc mà ông đã từng nghĩ ra và đặt tên, cách kết thúc mang tên “Kết về sự sống của đứa trẻ”: “Không có điểm cuối ngoài cái chết và một đứa trẻ sinh ra là sự khởi đầu duy nhất”; cách kết thúc mang tên “Cái kết Nada” lại là: “Tất cả câu chuyện là đây. Catherine đã chết, bạn sẽ chết và tôi cũng phải chết và đó là tất cả những gì tôi có thể hứa với bạn”.

Suy tư về cái chết như một phản đề để Hemingway nghiệm sinh về sự sống. Ông từng nói: “Cuộc sống của mỗi người đàn ông đều kết thúc theo cùng một cách. Họ chỉ khác nhau về việc sống và chết như thế nào” hay “Để viết về cuộc sống trước hết bạn phải sống”. Cũng như cuộc đời ông, nhân vật ông tạo ra trong các tác phẩm luôn đối diện cái chết, không tránh được số phận nhưng cũng luôn cháy bỏng tình yêu cuộc sống như cách nói của nhà văn Jack London. Dù có thể có những cách tiếp cận khác nhau nhưng như  thiên truyện Ông già và biển cả chẳng hạn, vẫn toát lên cốt lõi bài ca về khát vọng, sự mạnh mẽ của con người trong cuộc sống. Trong tiểu thuyết Giã từ vũ khí, nhân vật nữ Catherine Barkley nếu không vì tình yêu cuộc sống làm sao đủ tình cảm và ý chí để quan hệ tình dục với người tình dù biết rõ nguy cơ mang thai và chấp nhận đau đớn trên con đường đi đến cái chết. Cũng trong tiểu thuyết này, nhân vật Rinaldi-một y sĩ tham gia chiến tranh, với phong cách hết mình đã luôn tràn đầy nhiệt huyết vui sống.

Cuộc sống và cái chết như cặp mệnh đề xuyên suốt di sản văn học của Ernest Hemingway với hơn trăm truyện ngắn, gần chục tiểu thuyết để lại với nhiều tác phẩm xuất sắc, ngoài những cuốn đã dẫn ở trên còn có Mặt trời vẫn mọc (The Sun Also Rises), Có và Không có (To Have and have Not), Vườn địa đàng (The Garden of Eden), Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro (The Snows of Kilimanjaro), Chuông nguyện hồn ai (For whom the bell tolls)... Sau cái chết của Ernest Hemingway, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giả thiết, cho rằng đó là kết quả từ di truyền dòng họ, do ẩn ức sinh lý hoặc xung đột cuộc sống. Nhưng dựa vào đời sống và tác phẩm ông để lại, có thể thấy Ernest Hemingway có một cuộc đời khác thường, nói theo toán học, là một cuộc đời được lập trình theo Hệ Nhị phân (Sống/Chết).

Với con người, cái chết luôn là nỗi ám ảnh vì biết chắc rằng nó sẽ/phải xảy ra. Cuộc sống cũng là một ám ảnh khi biết rằng từng khoảnh khắc trôi đi hiện dần lên hình hài của cái chết chậm rãi. Những tài năng văn chương lớn luôn muốn vượt thoát những ám ảnh này bằng cách bước qua giới hạn, hoặc trong tác phẩm, hoặc trong đời tư. Ernest Hemingway với tư cách Nhà văn và cả Con người dường như làm được cả hai. Bằng tác phẩm để lại, ông không hề chết. Ông cũng không chết trong lòng độc giả. Chỉ là ông đã đi đến tận cùng cuộc sống và điềm tĩnh bước qua giới hạn.

Sau ngày Ernest Hemingway đi xa, người ta đã khắc trên bia mộ của ông những dòng thơ lúc sinh thời ông viết cho người bạn: “Best of all he loved the fall/ The leaves yellow on the cottonwoods/ Leaves floating on the trout streams/ And above the hills/ The high blue windless skiesNow he will be a part of them forever”(Dịch nghĩa: “Trong tất cả các mùa, anh thích nhất mùa thu/ Với những chiếc lá vàng trên cây bông/ Và trên những ngọn đồi/ Bầu trời cao xanh không có gió/ Bây giờ, anh sẽ là một phần mãi mãi của chúng”).

Ernest Hemingway giờ đây, đã là một phần mãi mãi của bầu trời văn chương nhân loại. Quanh chỗ nhà văn yên nghỉ, trên những ngọn đồi, nơi có bầu trời cao xanh lặng gió, trong xao xuyến những chiếc lá vàng mùa thu đầy chất suy tư, vẫn vọng mãi đâu đó tiếng chuông nguyện hồn, cho ông. Và cho cả những ai đã và sẽ mãi yêu mến cuộc sống này ngay cả khi buộc phải lìa xa trần thế.

P.X.H