Đuổi bắt chuồn chuồn; Nhớ góc chợ xưa

12.08.2021
Trần Nguyên Hạnh

Đuổi bắt chuồn chuồn; Nhớ góc chợ xưa

Trần Nguyên Hạnh sinh năm 1992 tại Quảng Nam, hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng.

Hạnh bắt đầu nhận ra niềm yêu thích với văn chương ở tuổi 15, từ thế giới truyện cổ của Andersen. Đến với văn chương, Trần Nguyên Hạnh nhận ra có một thế giới nội tâm vô cùng nhạy cảm, mềm mại, sâu thẳm và dễ tan vỡ ở bên trong mình. Hạnh đã khám phá thế giới ấy, nuôi dưỡng nó, gìn giữ nó, bảo vệ nó bằng những ngọn lửa cảm xúc dịu dàng nhất.

Những khám phá ở “thế giới nội tâm” đó được Hạnh giãi bày qua những tản văn thật bình yên và êm dịu. Đến nay Trần Nguyên Hạnh đã xuất bản 3 tập tản văn: “Những mùa đông yêu dấu” (NXB Kim Đồng, 2018), “Những ô cửa sắc màu” (NXB Phụ Nữ, 2020), “Quà tặng cho con” (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2020).

Tâm sự về công việc viết văn của mình, Trần Nguyên Hạnh chia sẻ: “Thế giới văn chương của tôi giống như một cánh đồng mà ở đó có những khoảng trời trong xanh bình yên và tươi đẹp, những hạt sương tinh khiết lấp lánh dưới vòm cỏ non xanh. Những con dốc thoai thoải, những chiều vàng bình yên, những triền đê, dòng sông, đồng ruộng rộn rã tiếng cười đùa. Tôi và bạn, chúng ta đều có thể tìm thấy mình ở đâu đó trong bức tranh này. Tôi muốn bằng câu chữ của mình, vẽ cho người khác một bức tranh phong cảnh đẹp, thổi vào đó một chút âm thanh vui nhộn của cuộc sống, khiến người khác nhớ lại một ký ức tươi vui, nhắc cho họ những kỷ niệm đã lãng quên, giúp họ trân quý cuộc sống này và nuôi dưỡng những giấc mơ đẹp”.

 

ĐUỔI BẮT CÁNH CHUỒN CHUỒN...

 

Không biết đã bao lần tôi ngồi thơ thẩn ngắm cánh chuồn chuồn chao liệng giữa không trung, lòng ao ước được như đôi cánh chuồn chuồn kia sống một cuộc đời rong chơi ngày ngày tháng tháng. Có biết bao điều trong thế giới ngoài kia mà tôi luôn khao khát. Nên mỗi cánh chuồn chuồn thôi cũng gợi nên biết bao ước muốn bâng quơ thời con trẻ.

“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng/ Bay vừa thì râm”. Khúc hát ấy đã trở thành khúc hát ấu thơ mà đứa trẻ thôn quê nào cũng thuộc nằm lòng. Đó là những kinh nghiệm dân gian để dự đoán thời tiết mà ông bà ta đúc kết qua nhiều thế hệ. Ở một cánh đồng khô hạn nào đó, có lẽ bao người nông dân đang cần một cơn mưa rào thấm đẫm đất đai cho mầm xanh tươi tốt. Ở một miền quê mục đất vì những trận mưa dầm, có lẽ người người đang trông đợi một ngày trời xanh hửng nắng. Cùng với việc mang đến những dự báo về thời tiết cho người nông dân có sự chuẩn bị trước kế hoạch sản xuất. Cánh chuồn chuồn còn mang theo những ước vọng rằng, rồi cơn mưa hiếm hoi sẽ về giữa nắng hè oi bức. Ngày nắng tươi sẽ đến sau những cơn mưa dài...

Với những đứa trẻ, con vật có cánh và bay cao bao giờ cũng khiến chúng nuôi lòng ham muốn. Trẻ nhỏ đứa nào cũng thích đuổi bắt chuồn chuồn. Chúng tìm đủ cách để bắt được những con chuồn chuồn đẹp nhất. Chuồn chuồn thì có nhiều loại, nào là chuồn kim, chuồn ớt, chuồn ngô,... và đa dạng màu sắc như vàng, xanh, đỏ, tím. Trong đó, những con chuồn ớt có màu đỏ chót là những con chuồn chuồn đẹp nhất và thường bị đám trẻ con đuổi bắt nhiều nhất. Mỗi lần nhìn thấy một con chuồn ớt bay qua đám trẻ không giấu nổi sự hào hứng. Chúng vừa đuổi bắt, vừa râm ran hát: “Chuồn chuồn có cánh thì bay/ Có thằng cu Tý thò tay bắt mày”. Với những cậu con trai, luôn có sẵn đồ nghề để chúng bắt chuồn chuồn. Đó là một cành tre ngọn trúc đã tẩm sẵn nhựa mít. Chúng hăm hở vác cây sào ấy đi khắp nơi vợt chuồn chuồn quên cả trưa hè nắng nóng. Có những ngày tháng ấu thơ sôi động như thế - khi mùa chuồn chuồn từ đâu bay về chấp chới khắp hàng rào, bờ dậu.

Chuồn chuồn - chúng không hề có tổ. Khác với những loại côn trùng có cánh thường hay vẩn vơ nơi nhiều cây cỏ, chỉ riêng chuồn chuồn lại thích xé rào đong đưa ven bờ ao, mương rãnh. Chúng yêu nhau tự do giữa đất trời rồi về sinh sản nơi bờ mương nước cạn, sống bám víu trên bụi cây bụi cỏ, đạp nước đẻ trứng giữa trời. Ấu trùng chuồn chuồn lại có sức sống khiến bao người ganh tị. Chúng chỉ cần có bốn tháng trên cạn để trưởng thành. Sau thời gian đó chúng biến đổi thành những chú chuồn chuồn với đủ màu sắc sặc sỡ mà bất kì đứa trẻ con nào cũng phải trầm trồ.

Có một điều làm nên sự cuốn hút của cánh chuồn chuồn trong mắt những đứa trẻ, là thế giới của chúng thật tuyệt vời với trời xanh cao rộng, những tầng mây yên ả. Ở đó gió vi vu thổi. Chúng sống những tháng ngày tự do. Một lúc nào đó, giữa năm tháng tuổi trẻ mệt nhòa vì bon chen cơm áo, ngắm nhìn một cánh chuồn chuồn thong thả bay lượn giữa trời cao có lẽ là cách mỗi người tìm lại khoảng trời ấu thơ an nhiên, tự do tự tại thưở nào. Tìm lại những ngày mà ngay cả nỗi buồn cũng trong vắt, ta ngồi ngơ ngẩn ngắm chuồn chuồn chao nghiêng...

 Nếu bạn dành thời gian cho những con chuồn chuồn bạn sẽ thấy chúng luôn tạo ra vòng tròn trên đường bay của mình. Và dù bay tới đâu, chúng luôn quay về tâm của vòng tròn trước đó, trước khi tạo thành một vòng tròn mới. Chúng ta cũng vậy, chúng ta có những ước mơ thời thơ ấu và những ước mơ ấy luôn làm chúng ta nhớ mãi. Nó làm chúng ta khao khát muốn thực hiện. Nhưng đôi khi hiện thực cuộc sống đưa ta đi xa ước mơ thuở nào mà không thể quay đầu lại. Với những người mà ước mơ thời con trẻ vì lí do nào đó không thể thực hiện được, nó trở thành một nỗi day dứt khôn nguôi. Để rồi, mỗi khi bắt gặp một hình ảnh, một chi tiết nào đó rất đỗi thân thuộc đã nằm lòng trong trí nhớ, ta lại thấy lòng xao động, hối hả tìm lại ước mơ tuổi thơ năm nào.

Mỗi lần rời thành phố trở về, chạy xe chầm chậm trên con đường làng quen thuộc, mắt tôi luôn dõi nhìn bầu trời cao xanh, ngắm hàng rào tơ hồng phủ kín, cố tìm kiếm một cánh chuồn chuồn chao lượn. Những khi mệt mỏi tôi trở về giữa ruộng đồng bao la, nằm giữa rơm rạ ngắm trời xanh, nghe gió thổi và thả hồn theo những cánh chuồn chuồn mỏng manh đang chấp chới bay lượn. Tôi nhớ mình của một thời ấu thơ rong ruổi cùng chúng bạn tìm bắt những chú chuồn kim óng ánh. Những cánh chuồn chuồn kia nhắc tôi ước muốn về tự do, về ước mơ được bay xa của một thời con trẻ. Nhắc tôi rằng ước mơ năm xưa vẫn lơ lửng đâu đó chờ tôi thực hiện.

 Đuổi bắt cánh chuồn chuồn với tôi chính là đuổi bắt tự do, là đuổi bắt những ước mơ vẫn đau đáu trong tâm thức mỗi ngày. Còn bạn, bạn thấy gì trong những cánh chuồn chuồn kia?

 

NHỚ GÓC CHỢ XƯA

Tôi dông xe về nhà vào một ngày nắng hiếm hoi của mùa đông. Ánh mặt trời rực rỡ kiêu ngạo mang những vệt nắng vàng óng soi rọi mọi ngóc ngách còn ẩm mốc của phố huyện. Những con đường đi qua ngày đông lẩn khuất trong những hàng cây tán lá âm u nay chợt bừng sáng nhờ những tia nắng ấm áp soi tỏ. Tôi cho xe chạy chậm, lặng ngắm khung cảnh xung quanh và thả lòng miên man theo từng góc phố, lòng bồi hồi nhớ về những ngày nắng còn vương vãi trong ký ức tuổi thơ hôm nào.

Những ngày nắng trong ký ức tuổi thơ tôi mang bóng dáng của bà, của những chuyến đi chợ huyện những sớm tinh mơ, của mùi thơm từ những ổ bánh mì nóng hổi vừa mang ra lò quyện trong lớp kem thơm lừng mỗi khi ăn vẫn dính vào môi thơm ngọt. Những tháng ngày ấy thuộc về một mùa đông, không lạnh lẽo, cô quạnh mà ấm áp, chan hòa.

Tôi ngày đó là một đứa trẻ, lon ton theo bà trong những chuyến đi chợ huyện. Trong những buổi chợ bắt đầu từ sớm tinh mơ ấy, bà thường mang theo lỉnh khỉnh những loại rau quả. Những bó rau ngót tươi xanh, dăm quả cà tím, dưa chuột và ớt đỏ hái trong vườn nhà. Mặc ngày mưa hay nắng, tôi vẫn cùng bà đi qua những con đường đất bụi bặm, đi qua những hàng cây đỏ lá và dừng lại ở một cái chợ be bé nơi những người buôn gánh bán bưng tụ họp. Tôi ngồi bên bà, đợi chờ lượt khách lũ lượt đi qua và dừng chân lại. Thật lạ, những buổi chợ như thế luôn đem lại cảm giác chờ đợi và háo hức trong tôi.

Cứ thế tôi cùng bà đến đó suốt quãng đời tuổi thơ, cùng bà chứng kiến những đổi thay của chợ và cả tuổi già đang ngày ngày vắt kiệt sức bà. Những người già sống bằng nghề buôn bán trong chợ cũng vơi dần, nhường chỗ cho những người trẻ tuổi có giọng nói rổm ran tới buôn bán, những nụ cười hồn hậu, giọng nói ấm áp, thỏ thẻ thay thế bằng những câu mời gọi xôn xáo, ỉ ôi, tôi và bà vẫn đến đó. Nhưng không còn hình ảnh một người bà lanh lẹ, tháo vát, chân đi thoăn thoắt khệ nệ mang giỏ xách mà thay vào đó là tôi, đứa cháu ngày trước vẫn lon ton theo sau bà giờ đã đủ lớn để cầm giỏ xách và dắt tay bà đi trong những phiên chợ. Tôi biết sự khôn lớn của tôi chính được đổi lấy bằng tuổi già của bà.

Khi gia đình tôi khấm khá và bà đã già, bố mẹ tôi không muốn bà lặn lội đường xa đến chợ nữa nhưng bà vẫn muốn đi. Tôi biết cái chợ nhỏ này là nơi bà tìm thấy niềm vui cho tuổi già, nơi bà có thể dễ dàng chứng kiến sự đổi thay của cuộc sống. Tôi vẫn theo bà đến đó, bên bà trong những buổi chợ ồn ào, tấp nập người xe để cùng bà chia sẻ những câu chuyện về thời cuộc, giản dị hơn là những nỗi buồn thẳm sâu, ngập tràn nơi khóe mắt mỗi khi kế bên, nơi chúng tôi ngồi, những người bạn già của bà lần lượt ra đi, nhường chỗ cho những người trẻ hừng hực, xông xáo tới buôn bán. Với một vài người, chợ là không gian sinh hoạt văn hóa. Còn với tôi cái chợ quê ấy lại mang dáng dấp của bà, của một miền ký ức thân thương nào đó mà tôi luôn cố cất giữ.

Rồi một ngày, tôi và bà không còn dắt tay nhau đến đó nữa. Góc chợ ấy được xây dựng khang trang thành chợ lớn nhất phố huyện. Nó chợt trở nên xa lạ với tôi bởi không còn những người già như bà đến buôn bán. Chợ vẫn vui vẻ, người đông và nhiều hàng quán. Tôi rời xa phố huyện, bước chân đến thành phố phồn hoa đi học rồi đi làm. Những góc chợ đi qua ngày một nhiều nhưng chưa bao giờ tôi thôi nhớ góc chợ xưa.

Hôm nay trở về, bước chân lẩn thẩn đưa tôi ghé ngang chợ. Mùa đông đã tới nhưng không khác gì mùa hè. Vẫn rộn rã tiếng cười nói dưới chợ. Vẫn nắng vàng phủ trên đầu. Và vẫn có những người muốn quay lại nơi đó. Cái nơi mà biết bao nhiêu âm thanh quen thuộc ngày xưa vẫn vang lên dù cứ ngỡ sẽ không bao giờ được nghe lại. Lạ thay, chỉ một góc nhỏ xíu của phố huyện thôi cũng đủ sức kéo một tâm hồn ở lại cả buổi chiều.

Góc nhỏ còn đó. Nhưng ngoại đã xa.

T.N.H