Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau

12.08.2021
Long Vân

Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau

Hàng hóa hỗ trợ từ Đà Nẵng gửi vào TP.Hồ Chí Minh được phát tận tay người lao động nghèo

Với tinh thần tương thân, tương ái, những ngày này, người dân miền Trung đang “hòa cùng nhịp đập” hướng về Thành phố Hồ Chí Minh để sẻ chia khó khăn với những người lao động nghèo đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19. Những suất quà, gồm tiền mặt, lương thực, thực phẩm được gom góp gửi theo xe vào Nam, trao đến tận tay các gia đình đang trong cơn khốn khó, hoạn nạn. Cùng với đó, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố đã đưa ra quyết định rất nhân văn, đó là đón người dân ly hương mưu sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh trở về nhà. Việc làm có ý nghĩa thiết thực này góp phần hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc “chiến đấu” khống chế và đẩy lùi đại dịch...

Mặc dù Đảng bộ, chính quyền cùng các lực lượng chức năng đang “căng mình” truy vết để kịp thời khống chế dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng, song vào ngày 15/7/2021, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã có thư gửi đến Hội đồng hương Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị phối hợp với Thành phố Đà Nẵng lập phương án đưa người dân có nhu cầu trở về. Bức thư có đoạn viết: “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người dân thành phố đều được trở về nhà. Chúng tôi tin tưởng với tinh thần đoàn kết, đùm bọc chia sẻ, cộng đồng người Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng với người dân địa phương sẽ sớm vượt qua khó khăn này và Hội đồng hương Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là chỗ dựa và là cầu nối của những người con xa quê với quê hương Đà Nẵng”. Thư ngắn, tình dài. Và, ngay sau đó, Hội đồng hương Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng kết nối cùng các Hội đồng hương quận, huyện ở Đà Nẵng bàn bạc phương án, thống nhất kế hoạch đưa người Đà Nẵng ở Thành phố Hồ Chí Minh trở về, đảm bảo với quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Người dân Đà Nẵng đóng góp lương thực, thực phẩm gửi hỗ trợ bà con ở TP. Hồ Chí Minh

Theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, sau khi đón công dân từ Thành phố Hồ Chí Minh về đến Đà Nẵng, thì người dân ở quận, huyện nào sẽ về địa phương đó cách ly. Mỗi quận, huyện chuẩn bị khu cách ly với đầy đủ các phương tiện, đồ dùng sinh hoạt đảm bảo cho khoảng 1.000 người. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Đà Nẵng sẽ là đầu mối tiếp nhận công dân. Dự kiến, trong đợt đầu tiên đưa khoảng 300 người về Đà Nẵng, đặc biệt ưu tiên cho người già yếu, neo đơn, bệnh tật, trẻ nhỏ... Hội đồng hương Đà Nẵng bố trí xe chở miễn phí và tặng mỗi người trở về 500 nghìn đồng, trích từ nguồn tiền hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Đà Nẵng. Đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, còn được tặng tiền ăn khi cách ly tập trung; hỗ trợ thêm chi phí trong quá trình cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19.

Nhiều hàng hóa nông sản, lương thực được người dân và tiểu thương gửi đến điểm tiếp nhận trước chợ Cẩm Lệ

Đáng trân trọng, ngay sau khi Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng có thư gửi đến Hội đồng hương Đà Nẵng đề nghị phối hợp đưa người dân Đà Nẵng sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh trở về, lãnh đạo Tập đoàn Vicoland Group cũng có thư gửi UBND Thành phố Đà Nẵng chia sẻ, mong muốn được đón bà con Quảng Nam - Đà Nẵng ở Thành phố Hồ Chí Minh trở về đến ở miễn phí tại khách sạn 5 sao trên đường Nguyễn Văn Thoại, trong thời gian cách ly...

 

Người dân Quảng Nam và Đà Nẵng ở TP Hồ Chí Minh được đón về lại quê nhà

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến hết sức phức tạp, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng nhanh chóng lên kế hoạch hỗ trợ, đón người Quảng Nam từ vùng dịch có nguyện vọng trở về quê. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đối với bà con Quảng Nam ly hương mưu sinh đang gặp nhiều khó khăn trong vùng dịch. Cũng theo ông Lê Trí Thanh, tỉnh Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng dự kiến sẽ đón hơn 10 nghìn người xa xứ làm ăn trở về quê, nên nhắn nhủ bà con hãy bình tĩnh, không hoang mang, dao động và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Nếu ai chưa về được, mà ở quê nhà gia đình khó khăn, có cha mẹ già neo đơn thì cứ điện thoại về để tỉnh có hướng chỉ đạo chính quyền địa phương, cùng các hội, đoàn thể hỗ trợ giúp đỡ, chăm lo trong thời điểm này. Qua thông tin của nhà báo Mai Phúc - Báo Công luận tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là thành viên chủ chốt Hội đồng hương Quảng Nam, thì sau khi Hội đồng hương được tỉnh Quảng Nam đề nghị phối hợp trong việc khảo sát, lập danh sách số lượng người đăng ký về quê, anh đã nhận rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn của bà con. Có lúc điện thoại nóng như muốn bỏng cả tay, dường như sắp nổ tung, nhưng anh không thể đành lòng cắt cuộc gọi. Bởi vì, hiện có rất nhiều người Quảng xa quê vào Thành phố Hồ Chí Minh mưu sinh, do dịch bệnh mà từ nhiều tháng qua bà con không có chỗ ở, không có việc làm; có nhiều gia đình thiếu thốn lương thực, thực phẩm, bệnh tật, con nhỏ thơ dại... Mỗi hoàn cảnh là một cảnh đời đầy nước mắt của những người con xa quê hương trên dặm đường mưu sinh không may rơi vào thời điểm đại dịch đang hoành hành khắp nơi. “Chúng tôi đã ghi nhận và cố gắng làm mọi cách có thể, để giúp đỡ bà con trở về quê nhà. Mong mọi người bình tĩnh và chấp hành tốt các quy định của công tác phòng, chống dịch bệnh”, nhà báo Mai Phúc trao đổi.

Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, các đơn vị liên quan đã hoàn thành chu tất phương án đón người dân trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh. Các chuyến xe đưa người trở về sẽ lăn bánh rời Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 16/7. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về kế hoạch hỗ trợ kịp thời cho bà con khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước... hiện chưa về được, động viên bà con an tâm, chung tay cùng Thành phố Hồ Chí Minh khống chế và đẩy lùi dịch bệnh...

 

Nhưng không chỉ lãnh đạo chính quyền Thành phố Đà Nẵng, hay tỉnh Quảng Nam quyết liệt đón người về từ “điểm nóng” dịch bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Với tinh thần tương thân, tương ái “một miếng khi đói bằng gói khi no”; tri ân nghĩa tình sâu nặng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh từng chia sẻ khó khăn, hoạn nạn với đồng bào miền Trung và Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng qua bao trận thiên tai, lũ lụt; những ngày này người dân miền Trung đã gom góp tiền mặt, hàng hóa, nông sản, lương thực, thực phẩm... để chuyển vào hỗ trợ bà con các tỉnh phía Nam đang bị dịch bệnh hoành hành, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi may mắn quen biết với các thành viên Nhóm Thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn, khi cùng đi cứu trợ người dân các vùng thấp lụt, bị sạt lở núi vùi lấp nhà cửa ở một số tỉnh miền Trung vào năm ngoái. Giờ đây, vào trang Facebook cá nhân của những thành viên chủ chốt, tích cực của Nhóm này, như Nguyễn Hữu Quốc Bảo, Lương Thị Thu Trang, mỗi ngày đều thấy status “tràn ngập” danh sách người hưởng ứng kêu gọi, vận động của Nhóm Thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn, đóng góp tiền, quà chung tay hỗ trợ bà con lao động nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh do bị giãn cách xã hội bởi dịch COVID-19. Trò chuyện với tôi, Thu Trang cho biết, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Bắc, nhất là Bắc Ninh và Bắc Giang, cũng như đợt dịch thứ tư bùng phát ở Đà Nẵng, Nhóm đã vận động tiền mặt gần 600 triệu đồng mua hàng hóa và đồ dùng thiết yếu tặng bà con có hoàn cảnh khó khăn tại các điểm cách ly trên địa bàn thành phố; thuê xe vận chuyển lương thực, thực phẩm ra hỗ trợ người dân bị phong tỏa ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Lần này, dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, chỉ trong vòng 5 ngày, từ ngày 10-7 đến 15-7, Nhóm đã quyên góp, vận động gần 1,1 tỷ đồng mua 5000 bộ đồ bảo hộ và khẩu trang y tế; kính chặn bọt; 20 tấn gạo; cùng hàng chục tấn nhu yếu phẩm, rau củ quả... để gửi theo những chuyến xe thiện nguyện 0 đồng vào kết nối với nhóm thiện nguyện ở Thành phố Hồ Chí Minh trao đến tận tay các hộ gia đình khó khăn, người lao động nghèo tại các khu trọ bị cách ly phòng, chống dịch. Thu Trang bày tỏ rằng, anh chị em trong Nhóm Thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn làm công việc thiện nguyện với tất cả tấm lòng. Khi miền Trung xảy ra thiên tai lũ lụt, họ đã vận động quyên góp rồi thuê xe chở quà, gửi hàng đến tận những vùng đang còn bị ngập lũ; hoặc đi vào những bản làng đồng bào các dân tộc thiểu số xa xôi trong dãy đại ngàn Trường Sơn vừa bị sạt lở núi vùi lấp nhà cửa người dân để kịp thời giúp đỡ bà con trong cơn hoạn nạn. Những đợt dịch COVID-19 cũng vậy, các thành viên trong Nhóm không nề hà khó khăn, vất vả; vừa vận động quyên góp tiền, vừa lo chạy mua hàng hóa, lương thực, đồ dùng thiết yếu... rồi phân công nhau chuyển đến các điểm cách ly để phân phát cho bà con. Để bảo vệ bản thân mình không bị lây nhiễm bệnh, ai cũng mặc kín đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, kính chống bắn nước bọt, rửa tay sát khuẩn... nhưng thực tế nguy cơ lây nhiễm dịch thì khó lường trước được điều gì. Mặc dù vậy, các thành viên trong Nhóm Thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn không một ai nản lòng; đã vậy, số lượng người tham gia Nhóm để làm việc thiện mỗi ngày một đông hơn...

Cùng với Nhóm thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn, một nhóm thiện nguyện khác của chị Nguyễn Thị Bích Thủy cũng đã mua gom 7 tấn cá nục tươi ngon của ngư dân vừa đánh bắt từ khơi xa về cập cảng cá Thọ Quang, rồi chuyển đến nhà máy thủy sản xử lý đóng gói, cấp đông đúng tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Xong các công đoạn, các thành viên lại chạy đôn, chạy đáo tìm xe để kịp vận chuyển số hàng này vào hỗ trợ người dân ở các khu cách ly tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chị Bích Thủy chia sẻ rằng, ngoài việc thu mua cá từ cảng Đà Nẵng, nhóm còn cử người vào tận cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành (Quảng Nam) để thu mua cá nục tươi, sau đó vận chuyển bằng xe đông lạnh ra Đà Nẵng để cấp đông gửi đi Thành phố Hồ Chí Minh...

Chung tay hỗ trợ bà con Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn do giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19, nhiều người dân ở Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng cũng rủ nhau gom góp tiền mặt, nông sản, lương thực, thực phẩm gửi vào giúp đỡ bà con. Khi tôi đặt bút viết bài này thì tại địa bàn quận Cẩm Lệ có ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng khiến Chi cục thuế và một khu chợ bị phong tỏa, hơn 300 tiểu thương phải xét nghiệm COVID-19 và truy vết hàng chục ca F1, F2. Thế nhưng, điểm tiếp nhận lương thực, thực phẩm hỗ trợ bà con khó khăn tại Thành phố Hồ Chí Minh được lập trước chợ Cẩm Lệ do Nhóm thiện nguyện Đặng Phước Thịnh và Đặng Ngọc Tiến - chủ nhiệm câu lạc bộ SOS Đà Nẵng “chủ xướng”, ngày ngày vẫn tiếp nhận hàng tạ rau củ quả, gạo... của rất nhiều người dân và tiểu thương ủng hộ. Chỉ trong vài ngày, các tiểu thương và người dân đã đóng góp hơn 10 tấn rau củ quả và hơn 50 triệu đồng. Chị Mai Thị Hồng cùng chị Bích Lan là tiểu thương chợ Cẩm Lệ, đóng góp 20kg rau củ và 1 triệu đồng bày tỏ: “Vì đang có dịch nên việc buôn bán rất khó khăn, nhưng biết tin bà con ở Thành phố Hồ Chí Minh còn khó khăn gấp trăm lần trong những khu cách ly, phong tỏa nên bà con tiểu thương ở chợ đều đóng góp. Ai cũng mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh sớm khống chế, ngăn chặn được dịch bệnh”...

Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng. Tinh thần tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” là đạo lý truyền thống của dân tộc. Làm việc thiện để giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn là không của riêng ai. Tôi nhớ mãi dáng người rắn rỏi, giọng nói nhẹ nhàng, tình cảm nhưng đầy quyết đoán của Nguyễn Hữu Quốc Bảo - Trưởng Nhóm thiện nguyện Đà Nẵng và những người bạn, trong những chuyến đi vào vùng ngập lụt của Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam... Nhớ mãi nụ cười hiền hậu cùng với chất giọng tâm sự nhẹ như gió thoảng của Thu Trang khi nói về công việc thiện nguyện. Nhớ mãi cái vóc dáng mảnh mai, đài các song rất tích cực, xông xáo của Thu Trang khi cùng các thành viên trong Nhóm Thiện nguyện đến từng khu cách ly do dịch bệnh COVID-19 ở Thành phố Đà Nẵng để hỗ trợ quà cho bà con; tặng quà các cán bộ, chiến sĩ Công an, Y tế tuyến đầu chống dịch tại các cốt kiểm soát ra, vào của ngõ Thành phố Đà Nẵng... mà càng thêm tin yêu vào cuộc sống đầy nhân ái, tình người...

L.V