Nghĩ về nhà thơ Nguyễn Hoa

12.08.2021
Bùi Xuân

Nghĩ về nhà thơ Nguyễn Hoa

Lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Nguyễn Hoa là khi anh từ Hà Nội vào Đà Nẵng dự Hội nghị Văn học miền Trung. Thưở ấy anh mới tuổi trung niên, người dong dỏng cao, khuôn mặt gầy, ít nói. Thế rồi bẵng đi hơn 10 năm, tôi mới lại gặp anh, cũng tại Đà Nẵng. Lần này, tôi không nhớ anh vào Đà Nẵng làm gì. Anh tặng tôi tập thơ mới của anh: Máy bay đang bay và những bài thơ khác (NXB Hội Nhà văn, 2011). Trong tập thơ này có bài thơ Thành phố - Đêm pháo hoa, viết về đêm pháo hoa đầu tiên mừng thành phố Đà Nẵng giải phóng (đêm 15/5/1975) với lời đề tặng: Kính tặng Đà Nẵng anh hùng. Bài thơ này anh khởi viết từ ngày 17/5 đến ngày 30/5/1975 thì hoàn thành, bài thơ dài và được chia ra làm 4 đoạn: 1. Chân dung, 2. Vầng lửa trong đêm, 3. Màu cờ thành phố, 4. Đêm pháo hoa, giống như một trường ca mini về “cái ngày vui tràn nước mắt”, sau 117 năm kể từ ngày liên quân Pháp -Tây Ban Nha nổ đại bác vào cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta của chủ nghĩa thực dân, phát xít.   

Từ cảm xúc về bài thơ Thành phố - Đêm pháo hoa, tôi đã dành thời gian đọc trọn tập thơ Máy bay đang bay và những bài thơ khác, rồi ngồi vào máy tính, viết bài cảm nhận về tập thơ và gửi liền cho báo Công an Đà Nẵng. Vài hôm sau báo đăng, tôi gửi bưu điện ra Hà Nội tặng anh. Từ đó, mỗi khi có tác phẩm mới, nhà thơ Nguyễn Hoa thường hay gửi vào Đà Nẵng tặng tôi và tôi cũng đã có dịp viết một bài rất tâm đắc về tập thơ Thơ ngắn Nguyễn Hoa của anh. Bài viết đăng trên Tạp chí Non Nước và Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Cũng từ đó, mỗi lần có dịp ra Hà Nội, tôi hay ghé cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu thăm anh. Ngồi trong căn phòng không mấy rộng và ánh sáng hơi khiêm nhường của Ban Tổ chức - Hội viên Hội Nhà văn, uống với anh cốc nước trà và nói dăm ba câu ân tình. Anh bao giờ cũng nhỏ nhẹ, ôn tồn và tôn trọng người khác.  

Thật hiếm có nhà thơ Việt Nam nào cần mẫn làm thơ và in thơ đều đặn như Nguyễn Hoa. Kể từ năm 1988 đến năm 2020, 32 năm, anh đã xuất bản 21 tập thơ: Dưới mặt trời (1988), Vàng của mùa thu (1989), Ngôi sao số phận tôi (1991), Con Tổ quốc (1992), Sấm lành (1993), Sơn ca (1994), Từ một đến tám (1996), Trở về (1997), Cây trong vườn ông nội (1998), Mùa xuân không bị bỏ quên (2000), Bên con (2002), Nhận (2003), Ánh mắt tươi (2005), Lặng lẽ tôi (2007), Lửa mát (2009), Máy bay đang bay và những bài thơ khác (2011), Thắp xanh miền tôi (2013), Thơ ngắn Nguyễn Hoa (2015), Thành phố tôi đang sống (2017), Thơ ngắn Nguyễn Hoa (quyển 2, Gần gũi - 2019) và Thơ ngắn Nguyễn Hoa (quyển 3, Mưa về sáng - 2020).

Đọc thơ Nguyễn Hoa tôi có nhận xét rằng, khi Nguyễn Hoa viết những bài thơ dài thì không gian, thời gian nghệ thuật của thơ rộng rãi thoáng đãng, còn khi Nguyễn Hoa viết thơ ngắn, nhất là siêu ngắn, thì không gian, thời gian nghệ thuật trong thơ bị dồn nén lại, gần như bằng không. Nhưng dù bất luận là thơ ngắn hay thơ dài, đọc thơ Nguyễn Hoa, cái đọng lại trong ta là tình yêu đất nước, là những hàm ý mang tính triết lý về đời sống và cách sống, tha nhân và cá nhân, thân phận khổ đau và hạnh phúc viên mãn của con người. Nhân vật trữ tình trong thơ anh phần đông là người lính, người lính đứng gác nơi biên giới, đứng canh biển nơi đảo xa, người lính trong tình đồng đội, người lính nhớ mẹ nhớ cha, nhớ quê kiểng và nhiều nhất là người lính đi dọc Trường Sơn, tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến cứu nước.  

Ta có thể thấy hình ảnh người lính xuất hiện với tần suất cao trong tập thơ đầu tay của anh: Dưới mặt trời. Tập thơ này, như là một tập hợp những bài thơ mang tính tráng ca, lãng mạn với những nhân vật trữ tình là những chàng trai tựa như “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” trong Chinh phụ ngâm, cũng “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, chỉ khác một đằng là chiếc áo bào màu gấm pha thật lãng mạn một đằng là những bộ ka ki màu xanh gần gũi với bóng cả rừng già, một đằng là cung kiếm, một đằng là súng ống, nhưng có cùng một mục đính như nhau là “đứng làm cột mốc biên cương” của Tổ quốc với sự trong sáng, lãng mạn của tuổi trẻ mà Nguyễn Hoa gọi một cách hình tượng là tuổi mặt trời:

Tôi là tôi: tuổi mặt trời

Tuổi đồng đội, tuổi rộng dài

nước non!...

(Tuổi tôi)

Đó là tuổi của những người con trai, con gái đã đi qua cuộc chiến tranh giữ nước khốc liệt và nhiều người trong số họ đã nằm lại trên đường hành quân, trong một góc núi, một xóm thôn, một thị xã, một thành phố, trên con đường đi tới thống nhất Tổ quốc.  

Cuộc chiến tranh thật dài

Con đường đi thật xa...

(Những đứa con của mẹ)

Trong 10, 15 năm sau ngày đất nước thống nhất, cảm hứng sử thi, lãng mạn cách mạng vẫn chủ đạo trong thơ Nguyễn Hoa nhưng theo dòng trôi của đời sống và thế sự, thơ anh có những chuyển biến mới, bắt đầu những suy ngẫm mới về cái tôi cá nhân, thân phận, với giọng thơ ngậm ngùi, tự sự, thầm kín, dịu dàng, nhưng tiếp nối, liền mạch, khẳng định, không đứt gãy. Giọng điệu trữ tình - lãng mạn được bổ sung thêm bởi giọng điệu trữ tình - thế sự. Điều này, có thể thấy rất rõ qua tập thơ Thắp xanh miền tôi (NXB Hội Nhà văn, 2013) - tập thơ đã mang về cho anh giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2013. Ở Thắp xanh miền tôi, Nguyễn Hoa đã đi từ chiến tranh đến hòa bình, đi từ cảm hứng nghệ thuật sử thi đến thế sự của một nhà thơ trí thức, trữ tình, đằm thắm, không vướng mắc, tự nhiên như sông qua thác ghềnh thì chảy xiết, khi qua bình nguyên thì lặng lẽ, êm đềm và khi về đến cửa sông thì dồn nén, reo ca. Ở đó nhà thơ, bây giờ là người của thị thành, vẫn nhớ về quê xưa, nơi có nắng vàng và hương lúa thơm, có mái nhà xưa của mẹ cha già tóc bạc.

Trời xanh, mây trắng, nắng vàng

Hây hẩy gió nồm mướt lúa

 

Mùa hoa sưa trắng thơm hoa

Áo hồng bước chân khẽ nhẹ...

Ở phố nhớ làng rơi lệ

Trời xanh, mây trắng, nắng vàng...

(Trời xanh, mây trắng, nắng vàng)

Miền thơ của Nguyễn Hoa quả đúng là miền xanh hoa gạo đỏ. Không có cái miền xanh ấy thì không có thơ Nguyễn Hoa.     

Đỏ ròng lửa nóng

Tươi màu ráng trời

Gạo hoa nở mọng

Thắp xanh niềm tôi!

(Thắp xanh niềm tôi)

Sau Thắp xanh miền tôi, Nguyễn Hoa đã tự làm mới mình bằng những tập thơ ngắn, mang sắc thái mới, với giọng điệu chủ đạo là trữ tình - triết lý.  Trong 4 tập của giai đoạn này, thì trừ tập Thành phố tôi đang sống, 3 tập còn lại đều lấy nhan đề là thơ ngắn: Thơ ngắn Nguyễn Hoa, Thơ ngắn Nguyễn Hoa (Quyển Hai, Gần gũi), Thơ ngắn Nguyễn Hoa (Quyển Ba, Mưa về sáng). Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, người bạn thân thiết của anh, đã nhận xét: “Nguyễn Hoa rất chú ý về tứ thơ, vì anh biết, thơ không có tứ cũng như người không có xương sống. Anh muốn thơ phải “tốc độ” và anh đã viết ngắn lại những bài thơ có thể viết dài. Anh không quan niệm tình cảm phải nhiều nước mắt, nên thơ anh là thứ thơ “nước mắt lặn vào trong”. Và anh đã trở thành nhà thơ trọng chữ kiệm lời”. Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn thì viết: “Anh kiệm lời trong giao tiếp đã đành, đến kiệm chữ trong thơ mới thực là riết róng”. Còn nhà thơ Trần Quang Quý thì cho rằng, Nguyễn Hoa “lấy sự kiệm lời, dồn nén câu như một sự tuyệt giao diễn giải, tạo ra hiệu quả biểu cảm, có sức nặng”. Và Nguyễn Hoa chừng như cũng biết được thế mạnh thơ ngắn của mình, nên anh càng “chưng cất” (chữ của Ngô Đức Hành) câu thơ mình càng ngắn. Tôi đã có dịp nói về bài thơ Muối trong tập Thơ ngắn Nguyễn Hoa:

Em là muối

Ướp nỗi đau

Tươi mãi!

       (Muối)  

Bài thơ chỉ có 8 chữ và một dấu chấn than (!), ngắt thành 3 dòng mà chứa một nguồn năng lượng lớn, gây được hiệu ứng tình cảm và tính thẩm mỹ cao. Em là muối, ướp lên nỗi đau của anh và vì vậy nỗi đau của anh xanh mãi; bởi vì nỗi đau của anh chính là tình yêu. Ở góc độ nào đó, trong tình yêu, nỗi đau cũng đồng nghĩa với hạnh phúc.

Trong tập Thơ ngắn Nguyễn Hoa (quyển 3, Mưa về sáng) có bài Dãi yến: 6 chữ, 3 dòng và cũng có một dấu chấm than (!) ở câu cuối:

          Dãi yến

Tổ quý

          Dãi người!

                  (Dãi yến)

Dãi yến là nước bọt của con chim yến. Nước bọt của chim yến thì làm nên tổ quý, một dược liệu quý, một nguồn thực phẩm bổ dưỡng, có một thời chỉ để dành cho các bậc vương giả. Còn dãi người thì sao? Nguyễn Hoa không nói thẳng ra, chỉ để chúng ta suy nghĩ cùng cái dấu chấm than ở cuối bài thơ...

Là người viết khỏe, in nhiều, Nguyễn Hoa có một gia tài thơ khả dĩ như thế là điều không phải ngạc nhiên. Song, theo tôi, cũng đã đến lúc anh nên nghĩ đến việc làm một tuyển tập thơ hoặc là một tập thơ chọn lọc, rút tỉa những bài thơ hay trên những chặng đường thơ, trong những tập thơ đã xuất bản, để qua đó, bạn đọc sẽ dễ tiếp nhận những tinh hoa thơ của Nguyễn Hoa.

Quen biết nhà thơ Nguyễn Hoa cũng đã nhiều năm, đọc thơ anh cũng khá nhiều, nhưng cái “duyên khởi” bao giờ cũng dễ nhớ và nhớ lâu. Cho đến bây giờ, hình ảnh ấn tượng nhất của anh trong tôi vẫn là hình ảnh một Nguyễn Hoa lần đầu tôi gặp ở Đà Nẵng và bài thơ tôi nhớ nhất của anh vẫn là bài thơ Thành phố - Đêm pháo hoa. Đó là hình ảnh của một Nguyễn Hoa trí thức, điềm đạm, nhẹ nhàng mà cho đến nay vẫn thế. Và trong nhiều năm, mỗi khi được mời vào Hội đồng nghệ thuật lễ hội pháo hoa Đà Nẵng tôi lại nhớ đến bài thơ Thành phố - Đêm pháo hoa của anh, bài thơ viết về một đêm pháo hoa rất khác, rất đặc biệt: đêm pháo hoa mừng thành phố Đà Nẵng giải phóng sau 117 năm “kể từ ngày Tây lại cửa Hàn”...

B.X